Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Giáng Sinh buồn



LTCGVN (27.12.2012)
Suốt thời Tiểu Học, không có môn nào tôi sợ bằng Tập Làm Văn. Cứ đến thứ sáu, nhoài người khỏi giường tôi luôn có cảm giác đôi chân tê cứng gần như liệt, không muốn lết đến trường cũng chỉ vì đó là ngày thầy giáo sẽ ra đề làm văn cuối tuần. Một hôm mệt mỏi bước về nhà trong tay với đề tài: “Hãy tả lại con chó nhà em”, loay hoay suốt buổi vậy mà tôi cũng chỉ nặn được vài dòng chữ rời rạc:
- Nhà em có nuôi một con chó. Chó có hai tai, biết sủa khi có người lạ, còn biết cả vẫy đuôi…
Thầy tôi trả bài với nét nhăn nhó hằn trên trán:
- Khi tả phải nói lên được đặc điểm, chó nào mà chẳng có hai tai, vẫy đuôi…
“Đặc điểm” có nghĩa là gì tôi nào có biết, đối với tôi lúc đó có lẽ còn khó hiểu hơn cả Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Con bé Mỹ Thiện cùng xóm hôm đó được 8 điểm thầy tuyên dương ầm ỹ trước lớp làm gương mẫu. Mồm nó cứ vêu lên nhìn rất chảnh, loại mẫu hậu đã về hưu. “Học thầy không tầy học bạn”, tôi nuốt tự ái mượn lại bài của nó học thuộc lòng: “Nhà em có nuôi một con chó tên Cún, Cún khôn lắm, biết đi bằng hai chân, làm nhiều việc: trông nhà, đuổi gà, bắt chuột… vậy mà chỉ ăn những cơm thừa canh cặn…”

Gặp tuần sau với đề tài “Hãy tả lại bà nội của em”. Tôi hăm hở chép lại nguyên văn bài đã thuộc, chỉ thay đổi chủ từ: “Nhà em có nuôi một bà nội, nội tôi khôn lắm, biết đi bằng hai chân, làm nhiều việc: trông nhà, đuổi gà, bắt chuột… vậy mà chỉ ăn những cơm thừa canh cặn…”
Hồi hộp đợi chờ kết quả, nét mặt thầy hôm nay rạng rỡ hơn mọi lần, không những thế bài của tôi được giữ lại sau cùng, chắc là để tuyên dương có tiến bộ. Thay vì nghe tên bài của ai trò đó lên nhận về, còn tôi thày đến đưa tận bàn với nụ cười rộng đến mang tai:
- Đọc bài của trò, thầy không những hết mệt mà còn khỏi cả cơn ho. Trò có máu khôi hài cao độ đấy.
Bây giờ ngồi hoài niệm về bà nội, tôi không thấy khó viết đến nỗi phải copy bài của người khác nữa: bà đã bước vào đời tôi bằng những bước chân nhẹ nhàng nhưng luôn để lại dấu ấn sâu lắng vượt thời gian. Bà nội tôi có một khuôn mặt rất đẹp và phúc hậu, ngón tay thon dài, da mịn, dáng đoan trang đài các, đặc điểm tuyệt vời nhất nơi bà rất thường thấy nơi các bà tiên nhân hậu: rất yêu các cháu. Vậy mà ít ai ngờ bà tôi lại có vận đời cơ cực nhiều đắng cay. Ông tôi mất sớm, để lại bà một mình còm cõm nuôi bố tôi là con duy nhất.
Lúc bà tuổi hạc, sức khỏe chỉ còn mong manh như chiếc lá vàng một sớm lạnh đầu thu, đời bà chỉ còn thu gọn quanh việc ở nhà trông các cháu để bố mẹ tôi đi làm, các anh đi học.
Một lần vào Mùa Giáng Sinh, tôi không nhớ được chắc năm ấy bao nhiêu tuổi, có lẽ chỉ độ lên chín. Điều chắc chắn đó là một mùa Giáng Sinh buồn nhất trong đời tôi.
 Hôm ấy là ngày 24 vọng Lễ Giáng Sinh, bầu trời ảm đạm gió se lạnh, mây đùn từng mảng buồn xám ngắt trên cao, bà tôi trở bệnh húng hắng ho khan. Cứ mỗi lần nghe đến chữ Giáng Sinh bà lại rùng mình, càng đến gần ngày lễ nhìn quanh thấy xe cộ tấp nập, người bán kẻ mua, Nhà Thờ ca đoàn eo xèo rộn rã… sự nghèo hèn đời trống rỗng của những con người khốn nạn càng quay quắt lộ hình, làm loay hoay mãi mà vẫn không đủ nuôi đàn con. Bà tôi tay đấm ngực, lững thững bước quanh quẩn trong gian nhà lụp xụp, ẩm thấp tối tăm. Hai đứa em tôi không biết điều, bò lổn ngổn trên phản tre không chiếu, đầu cạo trọc mủ trốc nhớp nhúa thuốc ghẻ mực xanh, ngoạc mồm kêu đói. Lệp xệp một lúc sau, bà quay lại hỏi tôi:
- Đã thổi cơm chưa cháu ?
- Thưa bà, cháu đã vét đến bát gạo cuối cùng trong xạp đem nấu cơm rồi bà ạ ! Nhưng chẳng còn gì ăn ngoài đĩa rau muống luộc tối hôm qua. Nước mắm hết từ tuần trước !
Bà tôi thở dài, cố chịu đựng tiếng trẻ con kêu khóc chờ đến xế trưa mới lặng lẽ tìm chiếc giỏ cói vẫn móc xó bếp, sau khi dặn các cháu ở nhà ngoan ngoãn bà xách giỏ đi chợ. Kinh nghiệm đời nghèo bà tôi có thừa, chỉ dám đi chợ khi đã gần tan, đó là lúc rau quả, cá thịt bắt đầu ươn úng, mặt hàng tươi tốt khách đã lựa, ếch đã hết chỉ còn lũ nhái bén, em ruột của ếch, bèo buột nằm hấp hối dọn mình hóa kiếp.
Lúc từ chợ về bà tôi bắt gặp một cặp bánh giò vẫn còn nóng hổi của ai đó đánh rớt nằm giữa lối đi. Bà lượm lên, đứng nhìn quanh chờ một lúc xem có ai đến xin lại sẽ trả. Không thấy ai. Bà tôi tất tả bước chân về nhà nơi có lũ cháu như đàn chim mới ra ràng đang ngóng đợi. Tôi dỗ nín hai đứa em mếu máo bằng cách dẫn chúng ra tận đầu ngõ đón bà đi chợ về.
Thoáng thấy bóng bà từ xa lũ trẻ nhẩy cỡn vui mừng chạy đến đứa níu áo đứa quàng vai vác giỏ. Bà cháu tôi vui mừng đạp tung cửa ào vào nhà như một cơn lốc, vất tung chiếc giỏ cói, bà trịnh trọng giơ cao cặp bánh giò rồi đặt xuống bàn. Hai đứa em tôi đói khác vồ lấy toan bóc ra, nhưng bà tôi khoan thai mỉm cười chặn chúng bắt phải làm dấu đọc lời kinh Cảm Tạ:
“Con lạy ơn Đức Chúa Trời, xin Chúa làm phép lành cho chúng con và những của ăn bởi lòng rộng rãi Chúa đã ban cho chúng con dùng, nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Amen”.
Nhưng hỡi ơi khi bóc lớp lá chuối cuối cùng ra mới biết đó không phải là bánh giò thông thường, mà chỉ là những thứ phóng uế của trẻ em mà người nào đó đã kiên nhẫn gói lại kiểu bánh giò, cẩn thận hấp lại để đánh lừa người khác.
Lũ cháu toác miệng kinh ngạc. Bà tôi ôm mặt tấm tức khóc. Tối hôm đó bố tôi hỏi lại cho tường tận bảo bà dẫn hiện trường, bà tôi chỉ vào căn nhà nơi đã phát ra tiếng cười hô hố khi bà tôi cúi xuống lượm những chiếc bánh: đó là một gia đình có đạo.
Năm 2010 tôi về Việt Nam thăm mẹ, lúc trở lại Hoa Kỳ trên chuyến taxi thuê sớm chở gia đình tôi ra phi trường lúc 3 giờ sáng, trong lúc nói chuyện tôi mới nhận ra anh tài xế chính là cháu đích tôn của người đàn ông đã ra công vất vả đánh lừa bà tôi gần nửa thế kỷ trước.
Bà nội đã nuôi dưỡng tôi như một người mẹ hiền. Sáu tháng cuối đời bà nội bị bệnh liệt toàn thân bất toại. Căn nhà nhỏ chật chội và quá nóng bức, bố tôi phải lấy giấy carton dán cắt thành hình chữ nhật 1m x 6m, dùng dây buộc thòng lơ lửng từ trần nhà xuống, nối với sợi dây dài chừng 10m, ban ngày anh em chúng tôi thay phiên nhau kéo phe phẩy tạo gió, tối khuya đến phiên của bố tôi kéo.
Bạn đọc mến,
Có một đôi bạn trẻ rất yêu thương nhau, để hò hẹn làm vui lòng bạn gái anh thường lấy hết lý do này đến lý do khác xin nghỉ việc, lúc bố chết, dì đau, em gặp tai nạn xe, cháu té giếng… Cô bạn gái nghĩ cũng tội nghiệp bảo với anh:
- Cứ cái đà này, khi đến đám cưới chúng ta, họ hàng của anh chắc sẽ… chết tiệt cả !
Điều cô nói đúng là một lời tiên tri: anh ta chết thiệt. Một hôm ông chủ gọi anh ta vào phòng nói chuyện:
- Anh có tin vào cõi siêu nhiên, là có thần thánh, ma quỷ hiện về không ?
- Trời ! Sống ở thời đại này mà sao ông vẫn tin vào những điều vớ vẩn như thế ?
- Có thật đấy, bằng chứng là hai tháng trước đây anh bảo là cha anh đã chết, vậy mà mới hôm qua khi đi quảng cáo rao hàng cho hãng, tôi đã gặp và nói chuyện với cha của anh.
Trường hợp của tôi cũng thế, anh tôi vẫn thường bảo: “Sao khi viết chú lại hay kể chuyện nhà ? Kể về một người nào đó có phải là hay hơn không ?” Tôi lại nghĩ khác: sống một đời nghèo không phải là một điều đáng xấu hổ.
Tôi chỉ kể lại câu chuyện này như một tâm tình chia sẻ:
- Người ta có thể bỏ ra rất nhiều tiền để trang trí cho một hang đá sao cho đẹp mắt nhưng lại rất khó nhìn ra người nghèo bên cạnh. Đến Nhà Thờ nghe những bài giảng nỉ non về sự nghèo Gia Đình Hài Nhi: mắt ta đỏ hoe muốn khóc, nhưng vừa khi bước ra khỏi Giáo Đường gặp chính những cảnh đời éo le khốn nạn đó mắt ta lại ráo hoảnh nín câm. Đời chúng ta dường như có hai mặt luôn song hành hoặc tương phản: Đạo và Đời chứ không phải Đạo trong Đời. Nếu vậy thì tội lắm, nếp sống Đạo của chúng ta chẳng khác nào “những cặp bánh giò đặc biệt” chúng ta dâng lên Chúa Hài Nhi trong dịp Giáng Sinh năm nay. “Dân này này thờ kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” Mc 7, 6 – 7 ). "Khốn cho các ngươi, hỡi các văn sĩ và các Pharisiêu giả hình, các ngươi giống như những mồ mả quét vôi trắng, bề ngoài có vẻ đẹp, song bên trong thì đầy hài cốt và mọi thứ hôi thối" ( Mt 23, 27 ).
NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG, Giáng Sinh 2012
Theo EPHATA số 541

0 nhận xét:

Đăng nhận xét