LTCGVN (28.12.2012)
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Biến cố nổi bật trong mấy ngày qua là lễ Giáng Sinh tại Vatican.
Chiều 24 tháng 12 đã có lễ nghi khai mạc hang đá tại quảng trường thánh Phêrô do Đức Hồng Y Angelo Comastri, Linh mục trưởng đền thờ Thánh Phêrô chủ sự, với sự tham gia của các ca đoàn bao gồm một ca đoàn thiếu nhi. Khác với những năm trước, các tượng được đặt trong hang đá không to như người thật nhưng nhỏ hơn và gồm đến 100 tượng.
Hang đá năm nay do vùng Basilicata tặng. 100 bức tượng được làm bằng đất sét nung cao từ 22 tới 28 cm, được lồng khung trong phong cảnh nhà cửa lằm bằng chất liệu đặc thù của vùng này.
Cử chỉ đơn giản này đã khai mạc các lễ hội Giáng Sinh.
Đức Thánh Cha đã dành đêm canh thức Giáng Sinh tại phủ Giáo Hoàng với bào huynh là Đức Ông Georg Ratzinger. Bữa ăn tối gia đình kết thúc mau chóng, bởi vì lúc 10 giờ đêm Thánh Lễ Nửa Đêm Giáng Sinh sẽ bắt đầu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
2. Thánh lễ Đêm Giáng Sinh
Từ năm 2011, Lễ Giáng Sinh tại Vatican diễn ra sớm hơn thường lệ, tức là vào lúc 10 giờ tối thay vì đúng Nửa Đêm.
Sau buổi hát Kinh thần vụ là thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự với sự tham dự của nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ và 10 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng Thánh Lễ Đức Thánh Cha, nhắc lại chi tiết trong Trình Thuật Tin Mừng là không có chỗ trong quán trọ dành cho Thánh Gia. Ngài đã nêu lên vấn nạn luân lý nghiêm trọng trong thái độ của chúng ta đối với những người vô gia cư, đối với những người tị nạn và người di cư. Tiến thêm một bước nữa, Đức Thánh Cha đặt ra câu hỏi chúng ta thực sự có chỗ cho Thiên Chúa không khi Người muốn trú ngụ dưới mái nhà chúng ta? Chúng ta có thời gian và không gian cho Người không?
Đức Thánh Cha nói:
Tôi cũng nhiều lần xúc động bởi lời nhận xét gần như tình cờ của tác giả Tin Mừng là không có chỗ trong quán trọ dành cho Thánh Gia. Câu hỏi không thể tránh khỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu Mẹ Maria và Thánh Giuse đã gõ cửa nhà tôi. Tôi sẽ có chỗ dành cho họ chăng? Thánh sử Gioan đã đi sâu hơn vào nhận xét dường như tình cờ về việc không có chỗ cho Thánh Gia nơi phòng trọ khiến họ phải tìm đến một chuồng gia súc; để từ đó vị thánh sử tiến đến trung tâm của vấn đề khi ngài thốt lên: “Người đã đến nhà của Người mà các gia nhân đã không tiếp nhận Người” (Ga 1:11). Vấn nạn luân lý nghiêm trọng trong thái độ của chúng ta đối với những người vô gia cư, đối với những người tị nạn và người di cư, tiến thêm một bước sâu hơn: chúng ta thực sự có chỗ cho Thiên Chúa không khi Người muốn trú ngụ dưới mái nhà chúng ta? Chúng ta có thời gian và không gian cho Người không? Chúng ta có thực sự không quay lưng lại với chính Thiên Chúa chăng? Thực tiễn là chúng ta đã bắt đầu quay lưng lại với Ngài khi chúng ta không có thời gian cho Ngài.
Chúng ta đầy ắp những gì về chính mình đến nỗi không còn chỗ nào sót lại cho Thiên Chúa. Và điều đó cũng có nghĩa là không còn chỗ nào cho tha nhân, cho trẻ em, cho người nghèo, cho người lạ.
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ý thức về sự hiện diện của Ngài ngõ hầu chúng ta có thể nghe thấy dù nhẹ nhàng nhưng liên tục tiếng Chúa gõ cửa con người và ý chí chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có chỗ dành cho Ngài trong chính chúng ta, xin cho chúng ta có thể nhận ra Ngài nơi những người mà qua những con người ấy Chúa nói với chúng ta, đó là trẻ em, người đau khổ, bị bỏ rơi, những người bị loại trừ và những người nghèo của thế giới này.
Đức Thánh Cha cũng mạnh mẽ bác bỏ trào lưu muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi con tim con người ngày nay. Ngài nói:
Liên kết với vinh quang Thiên Chúa trên cao là hòa bình cho loài người dưới thế. Nơi Thiên Chúa không được tôn vinh, nơi Ngài bị quên lãng hoặc thậm chí bị từ chối, nơi đó cũng không có hòa bình.
Nhưng mà, ngày nay lại tràn lan những não trạng khẳng định ngược lại: theo đó các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo độc thần, là nguyên nhân của bạo lực và các cuộc chiến trên thế giới. Nếu muốn có hòa bình, nhân loại trước tiên phải loại trừ tôn giáo. Thuyết độc thần, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, được cho là kiêu ngạo, là nguyên cớ cho sự bất khoan dung.
Đúng là theo dòng lịch sử, thuyết độc thần đã là một cái cớ cho bất khoan dung và bạo lực. Đúng là tôn giáo có thể bị băng hoại và do đó đi ngược lại bản chất sâu xa nhất của tôn giáo, khi các tín hữu nghĩ rằng họ có thể thay quyền Thiên Chúa mà ra tay theo ý riêng mình, coi Thiên Chúa như tài sản riêng của họ. Chúng ta phải cảnh giác trước những bóp méo sự thánh thiêng. Trong khi không thể phủ nhận những lạm dụng tôn giáo nhất định trong lịch sử, cần khẳng khái thấy rằng thật là sai lầm khi cho rằng phủ nhận Thiên Chúa sẽ dẫn đến hòa bình. Nếu ánh sáng của Thiên Chúa bị dập tắt, phẩm giá thánh thiêng của con người cũng bị dập tắt. Lúc đó, thụ tạo loài người không còn là hình ảnh của Thiên Chúa, là Đấng mà chúng ta phải tỏ lòng kính trọng trong mỗi con người, nơi những người yếu đuối, khách lạ, và người nghèo. Lúc đó, chúng ta thôi không còn là anh chị em, là con cái của cùng một Cha, thôi không còn là những người thuộc về nhau vì cùng thuộc về một Cha trên trời. Lúc đó phát sinh loại bạo lực kiêu ngạo, người ta khinh thường và chà đạp lẫn nhau: chúng ta đã thấy điều này trong tất cả sự tàn bạo của nó trong thế kỷ vừa qua.
Từ đó, Đức Thánh Cha khẳng định:
Chỉ khi ánh sáng của Thiên Chúa tỏa sáng trên nhân loại và trong lòng người, thì lúc đó nhân vị của con người, là thụ tạo được Chúa ao ước, biết đến và yêu mến, mới không bị chà đạp, bất kể con người ấy khốn cùng đến mức nào.
3. Thông điệp Urbi et Orbi
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như trong chương trình thời sự đặc biệt đã phát vài ngày trước đây, sáng thứ Ba 25 tháng 12, Đức Thánh Cha đã công bố Thông Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và thế giới.
Trong sứ điệp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã dùng những câu trong Thánh Vịnh 85 để đưa ra những lời cầu chúc cho dân thành Rôma và thế giới: "Chân lý đã triển nở từ mặt đất". Ngài khích lệ con người ngày nay đừng đánh mất đi niềm hy vọng hòa bình.
Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta…Do đó, có hy vọng trên thế giới, một niềm hy vọng mà chúng ta có thể tin tưởng, ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất và trong những tình huống bi đát nhất. Sự thật đã vươn lên lên, mang đến lòng nhân ái, công lý và hòa bình.
Đức Thánh Cha đã đặc biệt kêu gọi hòa bình cho những vùng đất tang thương trên thế giới.
Cầu xin cho hòa bình có thể vươn lên cho người dân Syria, đang chịu đau thương và chia rẽ sâu sắc vì một cuộc xung đột không buông tha cho cả những người vô phương tự vệ và đang tiếp tục gây thêm đau thương cho nhiều nạn nhân vô tội. Một lần nữa tôi kêu gọi chấm dứt đổ máu, việc cứu trợ người tị nạn và di tản phải được dễ dàng, và phải có một tinh thần đối thoại trong việc theo đuổi các giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Cầu xin hòa bình có thể vươn lên nơi mảnh đất Đấng Cứu Chuộc đã được sinh ra, và xin Ngài ban cho người Israel và Palestine ơn can đảm kết thúc những năm dài xung đột và chia rẽ, và kiên quyết bắt tay nhau trên con đường đàm phán.
Ở các nước Bắc Phi, nơi đang trải qua một thời kỳ chuyển hóa rộng lớn trong việc theo đuổi một tương lai mới và đặc biệt là mảnh đất yêu quý Ai Cập, được chúc phúc qua thời thơ ấu của Chúa Giêsu – xin cho các công dân nước này có thể làm việc cùng nhau để xây dựng một xã hội thành lập trên công lý và trong niềm tôn trọng tự do và phẩm giá của mỗi người.
Hòa bình có thể vươn lên trên lục địa rộng lớn của châu Á. Xin Chúa Hài Đồng Giêsu âu yếm nhìn xuống những dân tộc sống trong những vùng đất này, và cách riêng, đoái nhìn những ai tin vào Người. Cầu xin Vua của Bình An nhìn đến các nhà lãnh đạo mới của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với những trọng trách đang chờ đón họ. Tôi bày tỏ hy vọng rằng, khi thực thi các trọng trách này, họ biết tôn trọng sự đóng góp của các tôn giáo, trong niềm tôn trọng lẫn nhau, ngõ hầu có thể kiến tạo một xã hội huynh đệ vì lợi ích của dân tộc cao quý này và của toàn thế giới .
Cầu xin cho biến cố Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa đem hòa bình trở lại cho Mali và sự sống chung hài hòa ở Nigeria, nơi mà các hành vi dã man của chủ nghĩa khủng bố tiếp tục làm gia tăng các nạn nhân, đặc biệt là các Kitô hữu. Xin Đấng Cứu Thế mang lại sự giúp đỡ và an ủi cho những người tị nạn từ phía đông của nước Cộng hòa Dân chủ Congo, và xin ban hòa bình cho Kenya, nơi mà các cuộc tấn công tàn bạo đã làm rúng động dân thường và những nơi thờ phượng.
Xin Chúa Hài Đồng Giêsu ban phép lành cho một số đông đảo các tín hữu đang cử hành biến cố Giáng Sinh của Ngài ở Mỹ Châu Latinh. Xin Ngài gia tăng các đức tính nhân bản và Kitô của họ, phù trì cho tất cả những người bị buộc phải để lại sau lưng gia đình và đất đai của họ, và củng cố cho các nhà lãnh đạo chính quyền trong dấn thân của họ hầu đem lại sự phát triển và trong cuộc đấu tranh của họ chống lại các tội phạm.
4. Tổng kết năm 2012 của Đức Thánh Cha.
Trong buổi tiếp kiến các Hồng Y và các chức sắc Tòa Thánh đến chúc mừng ngài sáng ngày 21-12-2012 nhân dịp Giáng Sinh và Năm Mới, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kiểm điểm sinh hoạt của Tòa Thánh trong năm 2012.
Ngỏ lời với mọi người sau lời chúc mừng của Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người hiện diện rằng, với tư cách là một gia đình, tất cả đang được mời gọi để đón mừng Hài Nhi Giêsu tại hang đá Belem, Đấng là Thiên Chúa nhưng đã đến gần con người và trở thành một người như chúng ta.
Điểm lại những sự kiện quan trọng trong năm, Đức Thánh Cha ghi nhận là cuối năm nay chúng ta lại chứng kiến biết bao nhiêu cảnh huống khó khăn, những vấn đề và những thách đố lớn lao, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng nhìn thấy những dấu chỉ của niềm hy vọng, trong Giáo hội cũng như trong thế giới.
Sau đó, ngài đã đề cập đến một vài yếu tố quan trọng liên quan đến đời sống Giáo hội cũng như phận vụ Giáo Hoàng của ngài.
5. Đức Thánh Cha lên án 'sự sai lầm' trong các thuyết giới tính, vốn làm thay đổi định nghĩa về gia đình
Trong diễn từ gởi đến các cộng tác viên thân cận nhất của Ngài tại Vatican, Đức Thánh Cha đã nêu ra ba thách thức lớn nhất mà Giáo Hội đang phải đối mặt ngày nay: sự bảo vệ gia đình, đối thoại liên tôn, và Tân Phúc Âm hóa.
Đức Thánh Cha đã quở trách các thuyết giới tính bằng cách trích dẫn Giáo sĩ Do Thái người Pháp Gilles Bernheim, và nói rằng các thuyết này phá hủy đơn vị gia đình và xúc phạm phẩm giá con người.
"Sự dối trá sâu sắc của lý thuyết này và của cuộc cách mạng nhân chủng học chứa đựng bên trong nó là hiển nhiên. Người ta tranh cãi về một ý tưởng theo đó họ có một bản tính, được xác định bởi chính phần xác của họ, coi thân xác mình là yếu tố xác định nên bản tính con người. Họ phủ nhận bản tính siêu việt tự nhiên của họ và cho rằng chính họ quyết định nên bản tính của mình".
Theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16, sự từ chối bản tính tính dục của một người tối hậu sẽ dẫn đến việc phá hủy sự gắn kết của gia đình như một đơn vị, đặc biệt là vai trò của người mẹ, người cha và con cái của họ.
Đức Thánh Cha cũng đề cao tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và các quốc gia khác, cũng như một cuộc đối thoại trung thực với các tôn giáo khác.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 nói:
"Đối với Giáo Hội trong thời đại của chúng ta, chúng tôi thấy ba lĩnh vực chính của cuộc đối thoại, trong đó Giáo Hội phải hiện diện trong cuộc đấu tranh cho con người và nhân tính của mình: đối thoại với các quốc gia, đối thoại với xã hội - trong đó bao gồm đối thoại với các nền văn hóa và với khoa học - và cuối cùng đối thoại với các tôn giáo".
Sau bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha chào đón các vị Hồng y và các thành viên cao cấp của Giáo Triều Rôma, để đích thân chúc mừng lễ Giáng Sinh vui vẻ cho các vị.
6. Đức Thánh Cha ân xá cho ông Paolô Gabriele
Trong buổi họp báo sáng thứ Bẩy ngày 22 tháng 12, cha Federico Lombardi giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã ân xá cho ông Paolo Gabriele cựu quản gia.
Cha Lombardi nói với các nhà báo rằng: “Sáng nay Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã vào tù thăm ông Paolo Gabriele, cựu quản gia của ngài để xác định với ông rằng ngài đã tha thứ cho ông và đích thân báo cho ông biết ngài đã chấp thuận lời xin của ông và ân xá cho ông. Đây là một cử chỉ hiền phụ đối với một người mà Đức Thánh Cha đã chia sẻ vài năm sống tình gia đình mỗi ngày. Tiếp theo đó ông Paolo Gabriele đã được ra khỏi tù và trở về nhà. Mặc dù không được tiếp tục làm việc, nhưng ông vẫn tiếp tục được trú ngụ trong nội thành Vatican. Tin tưởng nơi sự chân thành xét lại của ông Tòa Thánh cống hiến cho ông khả năng tiếp tục cuộc sống với gia đình trong sự thanh thản”.
Như đã biết ông Gabriele đã bị bắt hồi tháng 5 năm 2012 vì tội đánh cắp nhiều tài liệu mật của Tòa Thánh, một thỏi vàng và một ngân phiếu 100.000 mỹ kim của Đức Thánh Cha. Ông đã bị kết án ba năm tù ngày mùng 6 tháng 10 vừa qua, và được giảm còn một năm rưỡi. Nay thì ông được hoàn toàn tự do.
7. Thăm viếng những anh chị em sống trong cảnh khó khăn, đau yếu, các tù nhân, người già và trẻ em
Trong mùa Giáng Sinh nay chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria thăm viếng những ai sống trong cảnh khó khăn, cách riêng các anh chị em đau yếu, các tù nhân, người già và trẻ em.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khích lệ các tín hữu như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tu tập quanh hang đá khổng lồ tại quảng trường thánh Phêrộ trưa Chúa Nhật 23 tháng 12.
Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng, kể lại biến cố Đức Maria viếng người bà con là bà Elidabét, đang mang thai thánh Gioan Tẩy Giả. Đức Thánh Cha nói:
Giai thoại này không chỉ diễn tả một cử chỉ lễ phép đơn sơ, nhưng biểu thị một cách rất đơn sơ sự gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thật thế, cả hai phụ nữ đều mang thai nhập thể sự chờ mong và Đấng được trông đợi. Đức Thánh Cha giải thích cảnh này như sau:
Bà Elidabét cao niên biểu tượng cho dân Israel đang trông chờ Đấng Cứu Thế, trong khi Đức Maria trẻ tuổi mang trong mình việc thành toàn của sự chờ mong ấy lợi ích cho toàn nhân loại. Nơi hai phụ nữ gặp nhau và nhận biết nhau trước hết các hoa trái lòng họ, là thánh Gioan và Đức Kitô. Pudenzio, thi sĩ kitô, chú giải rằng: “Qua miệng của thân mẫu mình trẻ thơ trong cung lòng già nua chào mừng Chúa Con của Đức Trinh Nữ” (Apotheosis 590: PL 59,970). Nỗi sướng vui của Gioan trong lòng bà Elidabét là dấu chỉ việc thành toàn của sự trông đợi: Thiên Chúa sắp viếng thăm dân Người. Trong biến cố Truyền Tin tổng lãnh thiên thần Gabriel đã nói với Đức Maria về việc bà Elidabét mang thai (x. Lc 1,36) như là bằng chứng quyền năng của Thiên Chúa: sự hiếm muộn, mặc dù ở tuổi đã cao, đã biến thành sự phong phú.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: khi đón tiếp Đức Maria, bà Elidabét nhận ra rằng lời Thiên Chúa hứa với nhân loại đang được hiện thực và bà kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang mang trong lòng cũng được chúc phúc! Bởi đâu tôi đựơc Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này?”. Tầm nguyên lời chào này của bà Elidabét Đức Thánh Cha nói:
Trong Thánh Kinh Cựu Ước kiểu nói “Em có phúc hơn mọi phụ nữ” được quy chiếu cho bà Giaele (Tl 5,24) và bà Giuđíchtha (Gđ 13,1), là hai phụ nữ chiến sĩ, dấn thân cứu dân Israel. Giờ đây trái lại, nó được hướng tới Đức Maria, là thiếu nữ hòa bình sắp sinh hạ Đấng Cửu Thế của thế giới. Như vậy sự nhảy mừng của Gioan (x. Lc 1,44) nhắc nhớ vũ điệu vua Đavít đã múa, khi hộ tống Hòm Bia Giao Ước vào thành Giêrusalem (x. 1 Sb 15,29). Hòm Bia chứa đựng Lề Luật, bánh manna và cây gậy của Aharon (x. Dt 9,4), đã là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Trẻ Gioan sẽ sinh ra nhảy mừng trước Đức Maria, Hòm Bia của Giáo ước mới, Đấng mang trong lòng Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Đức Thánh Cha giải thích thêm ý nghĩa cảnh Đức Maria viếng thăm bà Elidabét:
Cảnh viếng thăm cũng diễn tả vẻ đẹp của sự tiếp đón: ở đâu có sự tiếp đón nhau, lắng nghe nhau, và dành chỗ cho người khác, thì ở đó có Thiên Chúa và niềm vui đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria trong mùa Giáng Sinh này, bằng cách viếng thăm những người đang sống cảnh khó khăn, cách riêng các anh chị em đau yếu, các tù nhân, người già và trẻ em. Và chúng ta cũng hãy bắt chước bà Elidabét tiếp đón khách trọ như tiếp đón chính Thiên Chúa: không ước ao Người chúng ta sẽ không bao giờ nhận biết Chúa, không chờ đợi Chúa chúng ta sẽ không bao giờ gặp gỡ Người, không kiếm tìm Chúa chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Người. Với cùng niềm vui của Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elidabét (x. Lc 1,39), cả chúng ta nữa cũng hãy đi gặp Chúa đến. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả mọi người tìm kiếm Thiên Chúa, bằng cách khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đến thăm chúng ta trước. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, Hòm Bia của Giáo Ước Mới và Vĩnh Cửu, trái tim chúng ta để Mẹ làm cho nó trở nên xứng đáng hơn tiếp đón sự viếng thăm của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh.
8. Thông điệp Giáng Sinh 2012 của Đức Thượng Phụ thành Giê-ru-sa-lem
Trong thông điệp Giáng Sinh 2012, Đức Thượng Phụ Latinh của Giê-ru-sa-lem đã xem xét sự phát triển trong năm qua về quan hệ liên tôn và đại kết cũng như phát triển chính trị tại địa phương.
Đối thoại liên tôn chỉ có thể sinh hoa trái trong sự tôn trọng lẫn nhau ", Đức Thượng phụ Fouad Twal nói: "Tôi nhắc lại ở đây sự thất vọng của mình trước tình trạng lặp đi lặp lại các vụ phạm thánh các nhà thờ, tu viện, hội đường và nghĩa trang là điều xúc phạm tất cả mọi người."
"Niềm vui Giáng Sinh bị lu mờ bởi bạo lực kinh hoàng tại Syria. Chúng ta thật đau buồn cho các nạn nhân và Giáo Hội chúng ta tích cực tham gia trong việc tiếp nhận 250.000 người tỵ nạn Syria ở Jordan. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Jordan có thể duy trì sự ổn định và mọi người luôn biết ý thức về thiện ích chung. "
Đức Thượng Phụ cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Barack Obama phải có "hành động ngay lập tức để đạt đến một giải pháp hai nhà nước" cho hòa bình Israel-Palestine.
Ngài nhận định rằng làn sóng người Kitô Giáo di cư khỏi Thánh Địa đang có khuynh hướng chậm lại.
9. Không khí Giáng Sinh tại Bethlehem
Dưới bầu trời trong xanh và nắng ấm, Bethlehem đã bắt đầu lễ hội Giáng Sinh với Hội Chợ Giáng Sinh Truyền Thống. Từ đầu tháng 12 đến nay làn sóng người hành hương đổ về Bethlehem càng lúc càng đông. Cho đến Chúa Nhật 23 tháng 12, các khách sạn được ghi nhận là không còn một chỗ trống. Đây là lần đầu tiên các khách sạn “full-booking” từ sau cuộc cách mạng Intifada lần thứ hai của người Palestine bùng nổ vào tháng 9 năm 2000 và kết thúc vào năm 2005.
Như thường lệ, Hội Chợ Giáng Sinh đã được tổ chức bởi Bethlehem Peace Center.
Bà Rania Malki Bandak, Quyền Giám Đốc Trung Tâm cho biết:
“Chúng tôi mời gọi các cộng đồng quốc tế tham dự vào hội chợ này. Họ mang đến hội chợ này những món ăn, những trang trí truyền thống của đất nước họ.”
Bên cạnh những gian hàng còn có các ban nhạc đến từ nhiều nước trên thế giới.
Một phụ nữ Palestine nói:
“Tôi thấy một không khí mới sống động. Có thể nói là như một cuộc sống mới đang hồi sinh trên mảnh đất nơi ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người”.
10. Buổi đọc kinh Truyền Tin lễ kính Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi,
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Tư 26 tháng 12, Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Stêphanô là mẫu gương cho tất cả những ai hoạt động trong công cuộc tân Phúc Âm Hoá không phải vì thánh nhân đã sử dụng những kỹ thuật hoặc các chiến lược mục vụ mới, nhưng vì ngài đắm mình "trong mầu nhiệm Chúa Kitô". Vì thế, ngài đã đưa "Chúa Kitô đến với những người khác một cách hiệu quả, vì ngài cho họ thấy sự mới mẻ của Tin Mừng .... trong chính cuộc sống riêng của mình.”
Giáo Hội mừng kính Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, một ngày sau khi cử hành đại lễ Chúa Giáng Sinh
11. Những người Singapore là những người chán sống nhất trên thế giới
Gallup International đã thực hiện các cuộc thăm dò tại 148 quốc gia trên toàn thế giới để đo lường nhân sinh quan tích cực của các dân tộc đối với cuộc sống của họ.
150 nghìn người trên toàn thế giới đã được yêu cầu trả lời 5 câu hỏi đơn giản. Dựa vào đó, các nhà nghiên cứu nhận định rằng những người sống ở các quốc gia thuộc Châu Mỹ La Tinh là những người hạnh phúc nhất trên thế giới.
Năm câu hỏi gồm có: Tối hôm qua bạn có ngủ ngon không? Bạn có cảm thấy lo âu vào buổi sáng lúc mới thức dậy không? Bạn có thấy mình được đối xử trân trọng không? Trong ngày bạn có thường mỉm cười không? Kết thúc một ngày, bạn có cảm nhận được một cái gì đó thú vị không?
Kết quả khảo sát cho thấy người Mỹ La tinh là những người tích cực nhất trên thế giới.
2 quốc gia hàng đầu nơi mà 85% người trả lời có cho những câu hỏi này là Panama, Paraguay, tiếp theo là El Salvador và Venezuela, nơi mà 84% số người được hỏi trả lời có cho các câu hỏi trong cuộc thăm dò.
Các quốc gia có tỷ lệ thấp nhất là Singapore, nơi chỉ có 46% người trả lời có cho các câu hỏi, tiếp theo là Armenia và Iraq, nơi chỉ có 49% và 50% số người được hỏi trả lời có cho năm câu hỏi.
Thật thú vị, Singapore là một đất nước phát triển và thường tự hào về sự tăng trưởng kinh tế, nhưng người dân Singapore thường là những người dễ cáu gắt và chán sống. Rõ ràng tiền không nhất thiết có thể chuyển đổi thành hạnh phúc.
12. Đức Thánh Cha với nhật báo Financial Times: Kitô hữu phản đối sự tham lam và khai thác
Nhân dịp lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đưa ra một bài xã luận trên nhật báo Anh Financial Times. Ngài giải thích lý do tại sao "các Kitô hữu xác tín rằng họ phải phản đối sự tham lam và khai thác".
Đức Thánh Cha đã mô tả những thách thức mà các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ đã phải trải qua để vượt thắng sự can thiệp vào cuộc sống của họ bởi các quyền lực chính trị và tài chính. Lòng sùng kính chỉ dành cho Thiên Chúa của các tín hữu thường bị lợi dụng bởi các hoàng đế La Mã cũng như các chế độ độc tài toàn trị trong những thế kỷ trước.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã đặc biệt nhấn mạnh câu trả lời của Chúa Giêsu cho những ai muốn Người tham gia vào chính trị: "Hãy trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda, và hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa".
Phòng báo chí Tòa thánh giải thích rằng nhật báo này đã đề nghị Đức Thánh Cha viết một bài dựa vào cuốn sách mới nhất của Ngài, là cuốn “Trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu”.
Việc Đức Thánh Cha viết một bài xã luận cho một nhật báo là chuyện hi hữu. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha chấp nhận một đề nghị như vậy. Trong quá khứ, Ngài đã xuất hiện trên mạng điện tử BBC của Anh, và cũng đã đồng ý trả lời cho các câu hỏi của trẻ em trên mạng điện tử RAI của Ý.
13. Chuẩn bị lễ Giáng Sinh ở Gaza
Theo truyền thống, Đức Thượng Phụ Latinh của Thành Giê-ru-sa-lem, vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo tại Đất Thánh, cử hành Thánh lễ Giáng Sinh với các tín hữu tại nhà thờ Giáng Sinh ở Bê lem.
Tuy nhiên, vì các hạn chế nghiêm ngặt về việc đi lại, vốn thường cản trở các tín hữu Gaza tham dự các lễ hội ở Bê lem, hôm Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, Đức Thượng phụ Fouad Twal đã cử hành một nghi thức phụng vụ trước Giáng Sinh ở Gaza.
Đức Thánh Cha tiếp các đại biểu thanh niên Công giáo Tiến hành
Hôm thứ Năm 20 tháng 12, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã tiếp một nhóm nam nữ thuộc đoàn thanh niên Công Giáo Tiến Hành Italia tại phòng khánh tiết Clementinô của Điện Tông Tòa ở Vatican.
Trong lời chúc mừng Giáng Sinh theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã nói về đề tài chủ đạo của năm mục vụ dành cho thanh sinh công. Đó là "Đi tìm Tác giả". Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 nói: “Các con đang tìm kiếm Tác giả của sự sống, Tác giả của niềm vui. Các con đang tìm kiếm Tác giả của tình yêu, và các con đang tìm kiếm Tác giả của hòa bình - mà thế giới đang rất cần".
Đức Thánh Cha giải thích: "Chúng ta biết Tác giả này là ai: Ngài là Thiên Chúa, là Đấng đã tỏ lộ Dung Nhan của Ngài cho chúng ta".
Đức Thánh Cha kết luận bài phát biểu của mình, diễn tả niềm hy vọng rằng thanh niên thanh sinh công có thể tiếp tục tìm kiếm chung vị Tác Giả này, giữa họ với nhau và với bạn học của mình, đặc biệt là thông qua các trò chơi mà họ tham gia.
Đức Thánh Cha nói: “Nếu các bạn giúp đỡ lẫn nhau để tìm ra Tác giả vĩ đại của sự sống, niềm vui, tình yêu và hòa bình, các bạn sẽ khám phá ra rằng Tác giả này không hề ở xa các bạn: thật ra, Ngài ở rất gần – đó là Thiên Chúa đã trở nên Hài nhi Giêsu”
14. Bổ nhiệm Giám đốc Chủng viện thần học Liên giáo phận của Đài Loan
Đức Hồng Y Fernando Filoni, Bộ Trưởng Thánh Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc đã bổ nhiệm Linh mục Phanxicô Xavier Dương An Duyên, thuộc giáo phận Đài Trung, làm Giám đốc Chủng viện Thần học Liên Giáo phận của Đài Loan trong Tổng Giáo Phận Đài Bắc.
Cha Tân Giám đốc sinh tại Đài Loan ngày 9 tháng 9 năm 1968 và được truyền chức Linh mục ngày 14 tháng 5 năm 2000.
Ngài có bằng thạc sĩ thần học tại Đại học Phụ Chính ở Đài Loan, một bằng thạc sĩ quản trị tại Đại học thánh Tôma ở Philippines, và tiến sĩ về Khoa học Giáo dục chuyên về tôn giáo tại Đại học La Salle ở Philippines. Trong những năm gần đây, ngoài việc phục vụ ở các giáo xứ và một cô nhi viện, ngài cũng là giám đốc của nhiều tổ chức Giáo Hội trong giáo phận của ngài.
15. Công bố 24 sắc lệnh phong Chân Phước và Hiển Thánh
Sáng thứ Năm 20 tháng 12, Đức Thánh Cha đã chuẩn y 24 sắc lệnh do Bộ Phong Thánh trình lên liên quan đến các án phong chân phước và hiển thánh, trong đó có sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Đứng đầu danh sách là sắc lệnh nhìn nhận phép lạ của chân phước Antonio Primaldo và hơn 800 vị tử đạo tại thành phố Otranto, nam Italia. Các vị bị người Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo giết hại vào ngày 13 tháng 8 năm 1480.
Hai sắc lệnh khác nhìn nhận phép lạ của hai nữ chân phước Laura di Santa Caterina, người Colombia, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Nữ Catarina, qua đời năm 1949 tại Belencito-Medellín, thọ 75 tuổi. Tiếp đến là nữ chân phước Maria Guadalupe đồng sáng lập dòng các nữ tu thánh nữ Margarita Maria và người nghèo. Mẹ qua đời năm 1963 thọ 85 tuổi.
Có 5 sắc lệnh nhìn nhận phép lạ và 3 sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của các vị tôi tớ Chúa thuộc nhiều nước như Italia, Argentina, Tây Ban Nha, Ba Lan, Ukraine, Croát, trong đó có nhiều vị bị giết vì đức tin trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha.
Sau cùng 10 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các vị tôi tớ Chúa, đứng đầu là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, qua đời năm 1978 thọ 81 tuổi.
Nhóm hơn 800 chân phước tử đạo ở Otranto có lẽ là nhóm đông đảo nhất được nhìn nhận phép lạ và sẽ được tôn phong hiển thánh.
Cuộc tử đạo của các vị diễn ra cách đây 532 năm, sau khi quân Thổ Nhĩ kỳ của Pascià Acmet vây thành Otranto nam Italia từ ngày 28 tháng 7 đến 11 tháng 8 năm 1480. Họ chiếm được thành và tụ tập 813 người còn sống sót, và đưa lên ngòn đồi Minerva gần đó, buộc phải chối bỏ Chúa Kitô, nếu không sẽ bị giết chết. Vị tử đạo đầu tiên là Antonio Primaldo, lần lượt tất cả đều bị chém chết.
Ngày 14 tháng 12 năm 1771, ĐGH Clemente 14 công bố sắc lệnh nhìn nhận các vị tử đạo là chân phước
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét