Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Đạo Công Giáo trong tính chất xuất thế


Danh xưng Kito giáo hiện đang được sử dụng một cách hết sức mập mờ để ám chỉ cho cả Công Giáo lẫn các hệ phái Tin Lành, Anh giáo, Chính Thống giáo. Tuy nhiên xét về tính chính danh thì tên gọi ấy không thể thay thế cho bất cứ tôn giáo nào trong số những tôn giáo vừa kể. Thật vậy trên thực tế Công giáo vẫn là Công giáo, Tin Lành vẫn là Tin Lành v.v…Tôn giáo dù sao cũng là một tổ chức có ban bệ, có người đứng đầu gọi là giáo chủ. Đang khi đó Kito giáo chỉ là một thứ…danh xuông chẳng ăn nhập vào đâu cả. Với một thứ …danh xuông như thế mà lại đặt vấn đề nó có một nền luân lý riêng hay không thì biết làm sao trả lời ? Mặc dầu vậy, sau khi đưa ra những lập luận bác bỏ Kito giáo không thể có luân lý riêng, người ta đã công nhận một thứ …luân lý mới gọi là nhân bản chủ nghĩa thế này “ Ngoài lý do ngấm ngầm nơi một số tác giả, chúng ta phải nhận thấy rằng mối ưu tư chính của những người phủ nhận một nền luân lý riêng của kito giáo là sự đối thoại với văn hóa thời đại. Dù là do ảnh hưởng Mác Xít hay hiện sinh đi nữa, văn hóa thời đại vẫn luôn đề cao con người, đề cao những giá trị nhân bản. Vì thế người ta e ngại rằng nếu chủ trương một nền luân lý riêng của Kito giáo thì sẽ mang tiếng là phi nhân. Chính vì thế mà người ta muốn trình bày Đức Kito như là kẻ đến để giúp con người sống cho ra người hơn kể cả đề cao phẩm giá con người” ( Nguồn Lamhong.org 03/01/2013 – Bình Hòa - Thời sự Thần Học số 2).

Nói rằng Đức Kito là kẻ đến để giúp con người sống cho ra người hơn thì chẳng hóa ra trước đó suốt từ thời tổ phụ cho đến các tiên tri trong thời Cựu ước đều đã sống …không ra con người ư ? Lại nữa bảo rằng Đức Kito đến để giúp con người sống cho ra người hơn, vậy thử hỏi nhân loại hôm nay có sống …ra người hơn cách đây hai ngàn năm ? Chẳng hiểu thế nào là sống cho ra người nhưng nói như thế tức là đã … xổ toẹt toàn bộ công cuộc cứu độ của Đức Kito cũng như sự tồn tại của Giáo Hội do Ngài thiết lập. Thật sự thì chẳng có ai kể cả Mác cùng với đủ loại của Hegel Fuerbach J.P. Sartre chủ trương sống ra con người. Mác thì rêu rao đấu tranh giai cấp còn Sartre lại cho con người là một đam mê vô ích ( condamne inutile ) Tất cả những triết thuyết đó đều có những khác biệt không thể dung hòa nhưng chúng có một điểm chung đó là bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ sự bác bỏ ấy mà đã đưa đến chẳng những phê phán tôn giáo không có luân lý mà còn cho nó là thứ thế lực làm tha hóa con người “ Marx đã đả kích tất cả các nền luân lý dựa trên tôn giáo. Do ảnh hưởng của Hegel, Marx coi tương quan của con người với Thiên Chúa cũng như tương quan giữa nô lệ và chủ nhân và do ảnh hưởng của Fuerbach, Marx cho rằng tôn giáo gây ra cho con người ảo tưởng sẽ được phần thưởng ở đời sau nên không cần phải vùng lên chống những bất công xã hội. Từ hai tiền đề ấy Marx kết luận rằng cần phải giải thoát con người khỏi những ảo tưởng do tôn giáo gây ra. Cần phải xây dựng một nền luân lý dựa trên những tương quan xã hội = cái gì mà góp phần hữu hiệu vào việc xây dựngxa4 hội là tốt” ( Nguồn Lamhong.org đã dẫn).

Cần giải thoát tôn giáo ra khỏi ảo tưởng để xây dựng một nền luân lý dựa trên những tương quan xã hội. Dĩ nhiên đây là hệ luận của chủ nghĩa vô thần, thế nhưng chắc chắn đó không phải là chủ trương đường lối của Mác Lenin cũng như thực tế diễn ra trong các chế độ CS, nó hoàn toàn phi nhân và chỉ có thể là phi nhân. Sở dĩ nói CS chỉ có thể là phi nhân bởi như đã biết nó được xây dựng dựa trên nền tảng đấu tranh giai cấp mà thực chất chỉ là sự thu tóm quyền lực của một nhóm người dưới danh nghĩa là đảng. Luân lý không thể dựng xây trên thù hận. Thế nhưng mặt khác luân lý cũng chẳng thể có nếu không quy hướng về một cứu cánh nào đó. Cứu cánh ấy có thể là…Ông Trời hoặc một vị thần. Trong nước Trung Hoa cổ xưa, Khổng Tử vì tin có Trời nên có mệnh trời mà người quân tử phải theo, không theo không phải quân tử “ Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã” ( Luận Ngữ chương XX ). Còn nước Nhật thì có vị thần tối cao là Thần Thái Dương, chính vị thần này đã làm nên một đất nước hùng cường bất khuất. v.v..,

Cứu cánh tạo ra nhân phẩm, bởi tin có Trời nên người ta mới ăn ngay ở lành do nơi ý thức lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Còn tin có Trời thì còn làm lành lánh dữ thế nhưng lòng tin ấy một khi đã mất thì con người ngày càng trở nên ích kỷ tham lam, làm tội mà không biết đó là tội. Tin có Ông Trời như một thứ thần linh có thể ban ơn giáng họa xét cho cùng chỉ đem đến một thứ luân lý vụ lợi và rồi nó sẽ đưa đến đổ vỡ là điều tất yếu. Sự đổ vỡ luân lý dù là của cộng đồng hay cá nhân chung quy là do đã không theo đuổi một cứu cánh thích hợp. Cứu cánh tạo ra nhân phẩm, tin có Ông Trời khiến con người sống có luân lý nhưng khi lòng tin ấy không còn thì luân lý tất bị đổ vỡ. Nhận ra như thế để thấy niềm tin tôn giáo hoàn toàn khác với cái gọi là lòng tin của người đời. Người đời tin có Ông Trời nhưng Ông Trời lại không có thật, đó chỉ là do trí tưởng của con người trải qua mọi thời và Ông Trời do trí tưởng ấy hẳn nhiên không phải cứu cánh mà tôn giáo cần tìm.

Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay nguyên nhân là do đã không còn tìm kiếm Đấng Thiên Chúa “ Chẳng ai từng thấy biết” ( Ga 1, 18) để thay vào đó là những quan niệm và rồi ngay cả những quan niệm đó cũng bị thần học khai tử bằng cái chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu) Một khi cứu cánh là Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu Tự Hữu ( Ego sum qui sum – Xh 3, 14) không còn thì đương nhiên luân lý cũng chẳng còn và đây chính là vấn nạn đặt ra cho Kito giáo về luân lý.

Kito giáo dĩ nhiên chẳng thể có bất cứ một thứ luân lý nào vì thực chất nó không phải tôn giáo. Đang khi đó một tôn giáo đích thức thì phải siêu vượt luân lý đúng như cố chủ tịch HĐGM Bỉ ( hồng y Daneels ) đã phát biểu “ Sau cùng ngài tỏ ý lo ngại về chuyện người ta nói quá nhiều đến tầm quan trọng của việc Tân Phúc Âm hóa ( hay Tái Truyền giảng Tin Mừng ) mà không để ý gì đến nội dung của từ này khiến nó trở thành một từ rỗng tuếch. Vì thế đức hồng y đã nhấn mạnh đến sự kiện Kito giáo là cái gì còn hơn là một nền luân lý cho loài người. Ngài nói = Một Kito giáo tự giản lược mình thành một nền luân lý là một Kito giáo ắt phải chết” ( Tb Cg & Dt số 958 ).

Cái chết ở đây là chết tâm linh và như thế Kito giáo tất nhiên phải chết bởi đã không có phần tâm linh nơi mình. Làm cho Kito giáo phải chết, đó là trách nhiệm của Thần học một khi bước vào con đường tục hóa. Nói cho dễ hiểu thì tục hóa có nghĩa chỉ chấp nhận đời này mà không có đời sau cũng như không có thưởng phạt Hỏa Ngục Thiên Đàng gì hết. Không có đời sau, điều ấy có nghĩa chết là hết. Chính do nơi quan điểm chết là hết này mà đã nảy sinh duy vật chủ nghĩa. Nếu người ta cứ …ở yên trong cái thân phận chết là hết ấy thì chẳng còn gì để nói. Thế nhưng chủ nghĩa Mác Lê lại kịch liệt phê phán và quyết chí tiêu diệt tôn giáo bởi cho nó là thủ phạm gây cho con người ảo tưởng sẽ được phần thưởng ở đời sau, do đó không cần phải vùng lên để chống bất công xã hội. Tôn giáo thực ra có phải ảo tưởng hay không thì cần đi vào thực hành mới biết. Trái lại ai mà chẳng biết chủ nghĩa CS với các chế độ của nó đã gây ra biết bao thảm họa cho nhân loại và thảm họa lớn nhất là đã triệt tiêu phần tâm linh ở nơi mình và nơi người. Phần tâm linh ấy chỉ có thể thực hiện thông qua con đường trở về với bản tâm tức cũng là con đường siêu xuất thế gian.

Đạo Công Giáo trong mọi thời mọi nơi luôn bị bách hại và có thể nói nếu nó không bị bách hại thì đó chẳng phải Đạo Chúa. Tại sao ? Bởi vì chúng ta không thuộc thế gian “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghét bỏ vì họ không thuộc thế gian cũng như Con không thuộc thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác” ( Ga 17, 14 -15). Không thuộc thế gian thì không sống theo những quan niệm cũng như những thói tục người đời. Nhưng cũng chính vì vậy mà người có đạo bị ghét bỏ, thậm chí giết chết. Có một câu hỏi cần đặt ra, tại sao người có đạo lại không sống theo thế gian để đến nỗi bị ghét bỏ như thế ? Câu trả lời sẽ được tìm thấy nơi người Do Thái khi trả lời chất vấn của Chúa Giesu “ Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi, ấy vậy vì việc lành nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp rằng ấy chẳng phải vì việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu, nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( ga 10, 31 -33).

Người Do Thái ghét và quyết lòng giết Chúa Giesu bởi cho Ngài là lộng ngôn, thế nhưng Chúa chỉ nói lên sự thật đó là hết thảy con người cũng đều là Con Thiên Chúa như Ngài. Chúa nói với người Do Thái “ Trong luật pháp ( Sách Luật ) của các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là Thần hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là Thần thì Ta đây là Đấng đã được biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT cớ sao các ngươi lại nói Ta là lộng ngôn ?” ( Ga 10, 34 -36). Đức Kito được sai xuống ( Thiên sai ) rao giảng sự thật Con Thiên Chúa nhưng thế gian không thể tiếp nhận và đã giết bỏ Ngài. Tuy nhiên cững chính bởi sự giết hại đó mà Đạo Chúa mới được thành tựu “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, nếu hạt lúa mì chẳng rơi xuống đất mà chết đi thì cứ trơ trọi một mình nhưng nếu nó chết đi thì kết quả nhiều. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được. Ai phục vụ Ta hãy theo Ta vì Ta ở đâu thì kẻ phục vụ Ta cũng sẽ ở đó” ( Ga 12, 24 -26).

Mạng sống chính là sinh mệnh mỗi người, bởi đó ai cũng yêu cũng quý và tìm mọi cách để lo cho nó. Ngoài những cái cần yếu như cơm ăn áo mặc nhà cửa xe cộ, thuốc men, công ăn việc làm v.v..lại còn phải lo làm sao để cho nó có được một đời sống lâu dài an ổn không những cho mình mà còn cho cả cháu con muôn đời !!!. Đối với thế gian là vậy nhưng với Chúa và những người theo Chúa lại khác “ Vậy chớ lo lắng rằng chúng ta ăn gì uống gì mặc gì. Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn lo song Thiên Phụ các ngươi biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Người thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho” ( Mt 6, 31 -33).

Lời Chúa là sự thật nhưng sự thật ấy chỉ có thể chứng nghiệm bằng chính cuộc sống mỗi người. Còn nếu không như vậy thì lời ấy chẳng những khó hiểu mà còn bị thế gian cho là lừa gạt ảo tưởng, thuốc phiện này nọ. Nước Trời cần tìm mới gặp, thế nhưng nước ấy lại chẳng có ở đâu xa ngoài mình “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp rằng Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được đây này hay đó kia. Vì này Nước Trời ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21). Nước Trời ở trong tức ở trong tâm hồn, đây là mầu nhiệm vô cùng lớn lao, ta cần phải hết lòng tìm mới gặp. Nước Trời không đến cách mắt thấy có nghĩa không thể dùng giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể) để đạt đến được. Tại sao không thể sử dụng giác quan kể cả lý trí suy luận trong việc tìm kiếm ? Bởi vì nếu dùng giác quan thì nước ấy chỉ có thể là nước thế gian. Còn như dùng lý trí thì nước ấy không hơn không kém chỉ là một quan niệm thần học.

Nước Trời Đức Kito rao giảng là một thực tại mầu nhiệm, nước ấy chỉ có thể đạt đến bằng sự bỏ mình, bởi hễ còn thấy có mình tức còn phân biệt có ta có người ( nhân ngã ). Đang khi ấy Nước Trời của thực tại chỉ hiển lộ khi tâm ta không còn bóng dáng của đối đãi nhị nguyên phân biệt. Trong việc tìm kiếm Nước Trời này, Đức Kito đòi hỏi cần triệt để bỏ mình, tức phải biết vượt trên luân lý thế tục “ Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng không cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó. Chúa Giesu đáp con cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu. Ngài lại phán cùng kẻ khác rằng hãy theo Ta, kẻ ấy nói thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi đã. Nhưng Ngài phán = Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn ngươi hãy đi rao giảng Nước ĐCT. Kẻ khác lại nói thưa Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho tôi từ giã người nhà trước đã. Nhưng Chúa phán không ai đã tra tay cầm cày còn ngó lại đằng sau mà lại xứng đáng với Nước ĐCT” ( Lc 9, 57 -62).

Trường hợp đây ta thấy người con chỉ có thể chọn một trong hai việc, hoặc về chôn cất cha mình để chu toàn đạo hiếu hoặc theo Chúa để đi rao giảng Nước Trời. Đạo hiếu thuộc lãnh vực luân lý còn theo Chúa thuộc tâm linh. Đức Kito nói với người muốn đi theo mình rằng hãy để kẻ chết chôn kẻ chết đối với người đời có vẻ như bất nhẫn. Thế nhưng với cái nhìn của Chúa thì việc rao giảng Nước Trời là cần kíp hơn, bởi lẽ việc chôn cất ấy người con này không làm sẽ có người con khác làm. Hoặc giả như không có con thì anh em họ hàng , làng xóm làm, mọi việc rồi sẽ xong thôi. Trái lại việc theo Chúa là cấp bách bởi vì nó đem lại giải thoát cho mình và cho người. Giả thử như người con ấy cứ mạnh dạn theo Chúa để được giải thoát thì sẽ tốt hơn việc anh về chôn cất cha mình và đây mới chính là một thứ hiếu đạo thật sự. Tại sao ? Bởi vì chỉ khi ấy anh ta mới có đủ khả năng để cứu giúp cho mình cũng như nhiều người khác trong cõi tâm linh siêu hình. Ngược lại nếu anh ta bỏ Chúa quay về sống cuộc sống luân lý như bao người khác thì như Chúa nói đó chỉ là …những kẻ chết. Đạo Công Giáo chúng ta ngay từ trong bản chất là Đạo Xuất Thế vì chưng đã được dựng xây trên nền tảng các tông đồ tức những con người dám bỏ mình theo Chúa. Muốn cứu lại mất, bỏ đi lại được, Lời Chúa mang tính nghịch lý này chỉ có thể được nhận ra với những ai kiên tâm thực hành./.

Phùng Văn Hóa.
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét