Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 4/01 - 11/01/2013 - Giáo Hội tại Campuchia




1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 9 tháng Giêng

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 9 tháng Giêng, tức là buổi tiếp kiến chung thứ hai trong năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã giải thích mầu nhiệm Nhập Thể, khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

Đức Thánh Cha nói:

"Nơi Hài Nhi Bethlehem, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta món quà lớn nhất có thể là chính Ngài. Vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành một phàm nhân, chia sẻ kiếp người của chúng ta đến mức tột cùng và cho chúng ta được thông phần trong cuộc sống thánh thiêng của Ngài ".

Đức Thánh Cha nói Thiên Chúa nhập thể nơi Chúa Giêsu cho thấy bản chất thật sự của con người chân chính là gì, và do đó, khi nhân loại noi theo gương Chúa Giêsu, họ đang sống đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

"Mầu nhiệm cao cả này cho thấy thực tại và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nó cũng mời gọi chúng ta đáp lại với một đức tin trong đó chấp nhận sự thật của lời Ngài; và uốn nắn cuộc sống hàng ngày của chúng ta theo đúng đức tin ấy. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thấy nơi Chúa Kitô một Ađam mới, một con người hoàn hảo khởi đầu cho sự sáng tạo mới, trong đó phục hồi chúng ta theo giống hình ảnh Thiên Chúa và cho thấy phẩm giá siêu việt và ơn gọi của chúng ta. "

Hơn 2000 người tham dự khán giả, trong đó có một ca đoàn nhỏ từ Đài Loan đã hát bài Adeste Fideles để tặng Đức Giáo Hoàng.

2. Sứ điệp ngày thế giới các bệnh nhân

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi các tín hữu tăng cường các hoạt động bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội nhân dịp Năm Đức Tin.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 8 tháng Giêng, cho Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở miền nam nước Đức vào ngày 11 tháng 2 tới đây, nhân dịp Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là câu nói của Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn người Samaritano nhân lành “Anh cũng hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).

Đức Thánh Cha đã đưa ra đề nghị anh chị em trên thế giới hãy suy tư về hình ảnh biểu tượng người Samaritano Nhân Lành.

Ngài nói:

Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành, và các vị nhìn thấy nơi người bị cướp đả thương, một Adam, một nhân loại bị hư mất vì thương tích và tội lỗi của mình. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, đó là một tình thương trung tín, vĩnh cửu, không có hàng rào cũng chẳng có biên cương. Chúa Giêsu cũng là Đấng “tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người, và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục, như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính, để mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng, nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.

Đức Thánh Cha đã khích lệ anh chị em tín hữu rằng:

Năm Đức Tin chúng ta đang sống là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samaritano Nhân Lành đối với tha nhân, đối với những người đang ở cạnh chúng ta.

Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altoetting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ, đồng thời tôi vui lòn ban Phép Lành Tòa Thánh.

3. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã khích lệ anh chị em tín hữu và khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, hãy loan truyền đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Ánh sáng của thế gian.

Đức Thánh Cha đã mô tả đức tin của ba nhà đạo sĩ vào Chúa Giêsu như là lý do chính yếu cho việc cử hành Lễ Chúa Hiển Linh.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Ba nhà đạo sĩ đại diện cho các dân tộc - thậm chí chúng ta có thể nói rằng họ đại diện cho các nền văn minh, các nền văn hóa, và các tôn giáo – đang trên đường đi đến với Chúa, để tìm kiếm triều đại hòa bình, công lý, sự thật và tự do của Người” .

Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả mọi người tìm kiếm và chứng tỏ đức tin của mình vào Chúa Giêsu như các nhà đạo sĩ đã làm. Và quan trọng hơn là hãy giúp loan truyền đức tin này trên khắp thế giới.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói tiếp:

"Ánh sáng của Chúa Kitô là rất rõ ràng và mạnh mẽ, đến nỗi nó làm cho ngôn ngữ của vũ trụ và của Kinh Thánh trở nên dễ hiểu, để cho tất cả mọi người, như các nhà đạo sĩ khi xưa, có thể mở lòng ra cho chân lý và có thể nhận ra ánh sáng của Ngài để cùng chiêm ngắm Đấng Cứu Độ trần gian".

Kết thúc diễn từ của mình, Đức Thánh Cha đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các tín hữu Chính Thống sử dụng lịch Julian đang cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng.

4. Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 tấn phong Giám mục cho thư ký riêng và ba thành viên khác của Giáo triều Rôma.

Các Giám Mục phải là những người lo lắng hướng về Thiên Chúa để có thể quan tâm tới con người. Các Giám Mục phải khiêm nhường, nhưng can đảm và bất khuất chống lại những chủ thuyết bài Kitô đang thống trị thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã khích lệ các tân Giám Mục như trên trong bài giảng thánh lễ tấn phong Giám Mục được cử hành tại đền thờ thánh Phêrô trong bối cảnh lễ Hiển Linh ngày mùng 6 tháng Giêng.

Bốn Tân Tổng Giám Mục được truyền chức là Đức Cha Georg Ganswein, 56 tuổi, Bí thư riêng của Đức Thánh Cha, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng. Trong chức vụ mới Đức Cha sẽ đặc trách về các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha và chuẩn bị các chuyến viếng thăm của ngài ở Italia.

Một ứng viên giám mục khác là linh mục Vincenzo Zani, người Ý 62 tuổi. Ngài là Thư ký của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo kể từ tháng 11-2012, sau khi đã làm việc 10 năm trong thánh bộ này. 

Ứng viên Fortunatus Nwachukwu, 52 tuổi, được cử làm sứ thần Tòa thánh tại Nicaragua. Ngài là người Nigeria và trong 5 năm qua đã làm Trưởng Ban Nghi lễ của phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh.

Ứng viên Giám mục cuối cùng là Nicolas Thevenin, người Pháp 54 tuổi. Ngài đã từng có một thời làm thư ký cho Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone. Ngài là đệ nhất lục sự Tòa thánh và thường tham gia với Đức Giáo Hoàng trong các buổi tiếp kiến. Ngài cũng vừa được bổ nhiệm làm Sứ thần Toà Thánh.

Hai vị phụ phong trong buổi lễ là Đức Hồng Y Tarcicsio Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa thánh và Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ giáo dục công giáo.

Tham dự thánh lễ có gần 100 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, thân nhân bạn bè của các tiến chức, ngoại giao đoàn canh Tòa Thánh và 10.000 tín hữu và du khách hành hương.

Sau Phúc Âm Phó tế đã hát lời loan báo Phục Sinh. Tiếp đến cộng đoàn đã hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần, rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục giới thiệu các tiến chức với Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của biến cố Hiển Linh và mời gọi các tiến chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông. Hiển Linh là sự biểu lộ lòng lành và tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao các Đạo sĩ đã tìm ra con đường tới Bếtlêhem; nhưng đối với Giáo Hội đó chỉ là bước khởi đầu của một cuộc rước vĩ đại dọc dài lịch sử. Các Đạo sĩ đến từ Phương Đông đại diện cho thế giới, cho các dân tộc, Giáo Hội của các dân tộc không phải là Do Thái, qua các thế kỷ tiến bước về với Hài Nhi ở Bếtlêhem, phủ phục và thờ lậy Con Thiên Chúa.

Các Đạo sĩ là những người bị thúc đẩy bởi sự âu lo kiếm tìm Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của thế giới, nên không hài lòng với địa vị và của cải họ có, mà muốn biết làm sao để là người, và biết sự thật về chính con người, về Thiên Chúa và thế giới. Họ là những người kiếm tìm Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 nhấn mạnh rằng các nhà đạo sĩ, chắc hẳn đã bị nhạo cười vì đã dám du hành về nơi vô định chỉ vì được hướng dẫn bởi một ngôi sao. Xem ra họ đáng nực cười. 

"Tuy nhiên, đối với các nhà đạo sĩ, là những người được Thiên Chúa chinh phục nội tâm, con đường mà Chúa nêu ra quan trọng hơn những gì người khác nghĩ. Đối với họ, việc tìm kiếm chân lý là quan trọng hơn những lời khuyến dụ của thế gian, mà thoạt nhìn có vẻ là khôn ngoan hơn".

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Cũng thế các Giám Mục ngày nay sẽ thường xung khắc với não trạng chỉ muốn bám víu vào những gì xem ra là chắc chắn, là không thể sai. Ai sống và loan báo đức tin của Giáo Hội thì trong nhiều khía cạnh xem ra không phù hợp với chủ thuyết bất khả ngộ đang thống trị thời đại chúng ta ngày nay.”

“Can đảm chống lại não trạng này là điều đặc biệt cấp bách đối với một Giám Mục này nay. Do đó, Giám Mục phải là người can đảm. Sự can đảm ấy không hệ tại ở việc đánh trả với bạo lực, một cách hung hăng, nhưng là để cho mình bị đánh và đương đầu với các não trạng của các chủ thuyết thống trị. Can đảm ở lại một cách vững vàng với chân lý là điều được đòi hỏi nơi nhưng người Chúa gửi đi như chiên con giữa sói. Ai kính sợ Chúa, thì khộng sợ hãi gì hết” như sách Huấn Ca đã nói (Hc 34,16). Lòng kính sợ Chúa giải thoát khỏi sự sợ hãi loài người và làm cho ta được tự do”.

5. Đức Thánh Cha tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày mùng 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã kiểm điểm tình hình thế giới, kêu gọi chấm dứt xung đột tại nhiều nước, bênh vực quyền sống của con người và chống phá thai.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến trong dinh Tông Tòa có đại diện của 179 quốc gia có quan hệ cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Đại sứ nước Honduras, Phó niên trưởng là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, đã nói đến những biến cố nổi bật trong năm 2012, những cuộc xung đột quốc tế, chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Trung Đông và Phi châu, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, các thiên tai, động đất, lụt lội, cuồng phong, làm cho hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói và tuyệt vọng.

Sau đó, Đức Thánh Cha lên tiếng chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Đại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài cũng nói đến mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo đối với mọi dân tộc, và nhắc đến lòng quí mến đối với Đức Tổng Giám Mục Ambrose Madtha, người Ấn độ, Sứ thần Tòa thánh tại Côte d'Ivoire, tử nạn lưu thông cách đây 1 tháng, cùng với người tài xế tháp tùng.

Sau khi điểm qua các điểm nóng trên thế giới như Đức Thánh Cha đã làm trong thông điệp Urbi et Orbi hôm 25 tháng 12, Đức Thánh Cha đã đưa ra một nhận xét quan trọng về thế giới Tây Phương.

Ngài nói: 

”Đáng tiếc thay, tại Tây phương, người ta phải chứng kiến rất nhiều những mơ hồ về ý nghĩa các quyền con người và nghĩa vụ đi kèm. Các quyền thường được lẫn lộn với những biểu thị thái quá về sự tự quyết của con người. Con người tự tham chiếu mình, và không còn cởi mở đối với cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với tha nhân; con người co cụm vào mình khi chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình. Sự bảo vệ quyền con người một cách chân chính phải xét toàn diện con người trong chiều kích cá nhân và cộng đoàn”.

Đức Thánh Cha cũng nhân dịp này lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo cho các tín hữu Kitô. Ngài nói:

“Hòa bình thế giới và trong các xã hội cũng bị lâm nguy do những vi phạm tự do tôn giáo. Đôi khi đây là sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề đời sống xã hội; trong một số trường hợp khác, đó là thái độ bất bao dung hoặc bạo hành chống lại các tín hữu, các tổ chức tôn giáo, và những biểu tượng xác định căn tính tôn giáo. Cũng xảy ra tình trạng này là các tín hữu, đặc biệt là các Kitô hữu, bị cấm cản không được góp phần cho công ích qua các tổ chức giáo dục và từ thiện của họ. Để bảo vệ hữu hiệu việc thực thi tự do tôn giáo, điều thiết yếu là tôn trọng quyền phản kháng lương tâm.”

6. Đức Thánh Cha gởi thông điệp cho Giáo Hội Campuchia

Nhân dịp Giáo Hội tại Campuchia công bố các bản dịch văn kiện công đồng Chung Vatican II và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo bằng tiếng Khmer, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gởi một thông điệp video đến anh chị em tín hữu Khmer.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đã khích lệ anh chị em tín hữu Campuchia hãy duy trì tình đoàn kết trong Thánh Linh, và hãy trở thành men trong xã hội thông qua các chương trình bác ái và các chứng tá đức tin.

Đặc biệt, với các bạn trẻ Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ thân mến, là những người đã được rửa tội trong những năm gần đây, các bạn đừng quên rằng Giáo Hội là gia đình của các bạn; Giáo Hội hy vọng nơi các bạn để làm chứng về Sự Sống và Tình thương mà các bạn đã khám phá trong Chúa Giêsu. Tôi cầu nguyện cho các bạn và mời gọi các bạn hãy trở thành những môn đệ quảng đại của Chúa Kitô.

Với các linh mục và chủng sinh Campuchia, Đức Thánh Cha nói:

Anh em là dấu chỉ hạt giống của Giáo Hội đang được kiến thiết. Cuộc sống dâng hiến và kinh nguyện của anh em là nguồn mạch hy vọng, và cũng là một lời mời gọi cho những người trẻ khác hãy dâng hiến cuộc sống như những linh mục theo con tim của Thiên Chúa.

Với các vị thừa sai, Đức Thánh Cha khích lệ:

Hỡi các thừa sai, tu sĩ nam nữ, giáo dân thánh hiến đến từ năm châu, anh chị em là dấu chỉ tươi đẹp về tình hiệp thông Giáo Hội quanh các vị mục tử của anh chị em để tình huynh đê của anh chị em, trong những đoàn sủng khác nhau, dẫn đưa nhiều người mà anh chị em phục vụ và nồng nhiệt yêu mến đến gặp chúa Giêsu Kitô.

Với các dự tòng, Đức Thánh Cha nói:

Và hỡi tất cả anh chị em đang tìm kiếm Thiên Chúa, xin anh chị em hãy kiên trì và tin chắc rằng Chúa Kitô yêu thương và trao tặng an bình của Ngài cho anh chị em!

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em rất thân mến, là những mục tử và tín hữu ở Campuchia, xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Mekong, trong sự khiêm tốn và trung thành của Mẹ đối với thánh ý Chúa, soi sáng cho anh chị em suốt trong Năm Đức Tin này. Hãy chắc chắn rằng tôi nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện và tôi rất vui lòng gửi đến tất cả anh chị em phép lành Tòa Thánh quí mến của tôi.

7. Tiếng Latinh còn sống hay đã chết

Tiếng Latinh thường được xem là một tử ngữ, tức là một ngôn ngữ đã chết, nhưng do gắn liền với văn hóa, tiếng Latinh thực ra không chết được. 

Cho đến thế kỷ 18, các văn bản khoa học đều được xuất bản bằng tiếng Latinh. Ngày nay, tiếng Latinh chủ yếu được dùng trong các tài liệu chính thức của Tòa Thánh. Bên cạnh đó, tiếng Latinh còn được dùng ít nhất là trên hai đài phát thanh, là đài YLE của Phần Lan và Đài Bremen của Đức.

Theo linh mục ROBERTO SPATARO, tân thư ký của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về tiếng Latinh, việc cho rằng tiếng Latinh đã chết là sai lầm.

Ngài nói:

"Tiếng Latinh còn sống vì nhiều người vẫn học nó. Nó giúp trau dồi tư duy, và thăng hoa cuộc sống. Đồng thời, nó là một ngôn ngữ vẫn được dùng trong văn nói và văn viết ".

Tiếng Latin đã luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù hiếm khi thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh, một số từ ngữ và cụm từ Latinh vẫn còn được dùng theo nguyên ngữ trong các thánh lễ bằng tiếng địa phương. Đối với Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về tiếng Latinh, ngôn ngữ này là tốt nhất để trình bày thần học.

Linh mục ROBERTO SPATARO nói thêm: “Tiếng Latinh là rất dân chủ vì nó có tính quốc tế. Tiếng Latinh có các cấu trúc cố định, và đặc biệt rất thích hợp để diễn tả và thiết lập các khái niệm trong thần học tín lý. Tiếng Latinh là một ngôn ngữ đẹp về mặt thẩm mỹ, và trong khi sử dụng, nó có cơ cấu ngữ âm sánh được với sự trau chuốt công phu và hài hòa của khoa kiến trúc ".

Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về tiếng Latinh bắt đầu hoạt động từ ngày 21 tháng 11 năm 2012. Viện sẽ tổ chức các hội nghị khoa học và giáo dục, để thúc đẩy việc học tiếng Latinh. Viện cũng sẽ mở các khóa học tiếng Latinh, tổ chức hội thảo và các sự kiện nghệ thuật, nhằm cho thấy rằng ngôn ngữ này là bất tử.

8. Một số nhà thờ Công giáo bị phóng hỏa ở Áo và Pháp

Một số nhà thờ Công Giáo ở châu Âu đã bị phóng hoả trong các ngày trước lễ Giáng sinh, gây quan ngại về nạn phá hoại, do một tổ chức bài Kitô giáo chủ mưu.

Tổ chức Observatory on the Intolerance and Discrimination against Christians in Europe, có trụ sở tại Vienna (Áo), chuyên theo dõi về sự bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở châu Âu, ghi nhận rằng ba nhà thờ bị đốt cháy ở Áo vào ngày 23 tháng 12, trong khi một hang đá Giáng Sinh đã bị đốt cháy tại một nhà thờ ở Pháp vào ngày 18 tháng 12.

Tại thị trấn nhỏ Amstetten ở Áo, ba nhà thờ đã bị phóng hỏa chỉ một ngày trước lễ Giáng Sinh, trong đó có một nhà thờ bị hư hại nghiêm trọng. Nghi can - một thanh niên - đã bị cảnh sát thẩm vấn, nhưng dường như người này bị tâm thần và khẩu cung không cho thấy một động lực cụ thể nào.

Các tình cảm bài Kitô giáo có thể là động cơ cho các vụ đốt phá, bởi vì chỉ có các nhà thờ đã bị phóng hỏa, ngoài ra không một cơ sở nào khác bị tấn công.

Tại Pháp, một hang đá Giáng Sinh tại nhà thờ Barby vùng Savoy đã bị phóng hỏa trong khoảng thời gian từ 19g đến 20g trong đêm 18 tháng 12. Người ta tin rằng đây là một vụ cố ý phóng hỏa vì không có dấu hiệu nào cho thấy ngọn lửa này chỉ là một tai nạn tình cờ.

Bên cạnh đó, người phụ trách phòng thánh của giáo xứ nói với các phóng viên rằng, đây không phải là lần đầu tiên nhà thờ bị tấn công. Trong các năm trước, cửa nhà thờ bị phá hỏng, cửa sổ kính màu bị phá vỡ, và nhiều cuốn sách kinh đã bị đốt cháy.

Anh chị em giáo dân kể cả các trẻ em đã nhanh chóng phụ giúp làm lại một hang đá Giáng Sinh mới, để thay thế cho hang đá đã bị đốt phá.

9. Giáo hội Anh giáo cho phép người đồng tính nam làm Giám mục

Giáo hội Anh giáo đã quyết định cho phép các giáo sĩ đồng tính nam có “quan hệ đối tác dân sự” được trở thành Giám mục, với điều kiện là họ hứa sống đời độc thân.

Hôm 4 tháng Giêng, giám mục Anh Giáo Graham James, của giáo phận Norwich, tuyên bố rằng:

"Hội đồng Giám Mục Anh giáo tin rằng, sẽ là không công bằng khi loại trừ việc cứu xét tấn phong Giám mục, cho những ứng viên đang tìm cách sống hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức tình dục, các lĩnh vực khác của đời sống và kỷ luật cá nhân". 

Ngài nói thêm:

"Tất cả các ứng viên Giám mục phải trải qua một cuộc kiểm tra về các các hoàn cảnh cá nhân và gia đình, có sự giám sát công cộng ở mức độ nào đó, liên quan đến việc trở thành một Giám mục trong Giáo hội Anh giáo".

Quyết định này đã được công bố trong nội bộ ngày 20 tháng 12 năm 2012, và trước đó nữa vào đầu tháng 12 đã được phê chuẩn bởi Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Anh giáo tại Anh.

Quan hệ đối tác dân sự, tiếng Anh là “Civil partnerships”, có nghĩa là gì? Thưa, đây là lối chơi chữ cưỡng từ đoạt lý để coi quan hệ đồng tính ngang hàng với quan hệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ.

Quan hệ đối tác dân sự đã được chấp thuận ở Vương quốc Anh vào năm 2005, và ngay lập tức Anh Giáo cũng chấp nhận rằng những người có các mối quan hệ đối tác dân sự được phép trở thành linh mục của Giáo hội Anh giáo, nếu họ hứa sống độc thân, nghĩa là hứa không có quan hệ tính dục với người khác phái.

Chính sách mới của Giáo Hội Anh giáo là kết quả của sự tranh luận xung quanh linh mục Jeffery John, một người đồng tính.

Năm 2003, linh mục này được bổ nhiệm làm Giám mục Reading, nhưng đã buộc phải rút lui. Sau đó, vào năm 2010, ông được đề cử làm Giám mục của Southwark, nhưng bị từ chối do xu hướng tình dục của ông. Ông sống trong một quan hệ đối tác dân sự từ năm 2006, và cho rằng tuy có mối quan hệ ấy, ông ta vẫn cứ là độc thân.

Động thái này đã thu hút sự chỉ trích từ cả hai phái Công giáo Anh và phái Tin Mừng trong Giáo hội Anh giáo. Rod Thomas là chủ tịch của nhóm Tin Mừng Cải cách. Ông nói với thông tấn xã BBC rằng quyết định này là nghiêm trọng và sẽ tiếp tục chia rẽ Cộng đồng Anh giáo.

10. Các Giám mục liên đới với “người đau khổ và bị tổn thương" ở Thánh Địa Jerusalem

Tuần này, các Giám Mục từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã đi thăm người tị nạn Syria ở Jordan, và thăm anh chị em tín hữu và các cộng đoàn đau khổ và dễ bị tổn thương tại Thánh Địa Jerusalem. 

Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban điều hợp Thánh Địa Jerusalem nói:

Hội nghị lần thứ 13 của Ủy Ban Điều hợp các Hội đồng Giám mục Hỗ trợ Giáo Hội ở Thánh Địa Jerusalem và Hội đồng các Đấng Bản Quyền Công giáo ở Thánh Địa Jerusalem đã diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10 tháng Giêng. Phái đoàn đã gặp nhau tại Bethlehem, đi thăm Jordan và sau đó kết thúc chuyến thăm mục vụ thường niên tại Jerusalem .

Các đại biểu đã được cập nhật về tình hình hiện tại ở Thánh Địa Jerusalem từ Đức Thượng phụ Fouad Twal, Thượng Phụ Latinh của Jerusalem, và từ Sứ thần Tòa Thánh, Đức Cha Giuseppe Lazzarotto. Bên cạnh đó các vị cũng lắng nghe ý kiến từ đại diện của các tổ chức Kitô Giáo khác nhau, và những người làm việc với các người tị nạn, tù nhân, lao động Philippines và những người dễ bị tổn thương khác. Ngoài việc cầu nguyện và cử hành Thánh Lễ hàng ngày, còn có các cuộc họp với các cộng đồng địa phương, các Giám mục Công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau, sinh viên Đại học Bethlehem, đại diện xã hội dân sự và các nhà chức trách địa phương.

Chuyến thăm đã kết thúc vào ngày 10 tháng Giêng tại Jerusalem với việc cử hành Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Mộ, sau đó là một cuộc họp báo. Phái đoàn được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Công giáo của Anh và xứ Wales, với một ủy nhiệm từ Tòa Thánh là cung cấp hỗ trợ cho các Giáo Hội Kitô giáo và các cộng đồng ở Thánh Địa Jerusalem. Phái đoàn gồm các Giám mục Công giáo từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ, các tổ chức và cơ quan Công giáo, vốn thường xuyên phối hợp với Hội đồng các Đấng Bản Quyền Công giáo ở Thánh Địa Jerusalem, trong việc tổ chức hội nghị thường niên vào tháng Giêng.

Mục đích của Ủy ban Điều hợp Thánh Địa bao gồm cầu nguyện, hành hương, và vận động. Các Giám Mục hy vọng sự hiện diện của các vị nhắc nhở các cộng đồng Kitô giáo tại Thánh Địa Jerusalem rằng, họ không hề bị bỏ quên bởi các anh chị em của mình trong các phần đất khác trên thế giới. Các Giám Mục không tìm kiếm đặc quyền cho các Kitô hữu, nhưng tìm kiếm công lý và nhân phẩm cho họ và các người khác trong hoàn cảnh tương tự. Ủy ban Điều phối Thánh Địa năm nay gồm có các Giám mục sau đây:

Đức Tổng Giám Mục Joan-Enric Vives – người Tây Ban Nha

Đức Tổng Giám Mục Richard Smith – người Canada

Đức Giám mục Declan Lang – người Anh và xứ Wales

Đức Giám mục Gerald Kicanas – người Mỹ

Đức Giám mục Stephan Ackermann – người Đức

Đức Giám mục Michel Dubost - người Pháp

Đức Giám mục William Kenney - người Anh và xứ Wales

Và Đức Giám mục Peter Bürcher - người Iceland

11. Quỹ từ thiện của Đức Giáo Hoàng cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên hành tinh

Trong năm 2012, thế giới đã phải chứng kiến 388 cuộc xung đột vũ trang, trong đó 20 cuộc là rất mãnh liệt, 79 cuộc khủng hoảng nhân đạo, 41 lời kêu gọi tuyệt vọng cần phải đáp ứng ngay lập tức. Đây là các con số phản ánh tình hình nghiêm trọng, ảnh hưởng đến một phần lớn dân số thế giới, và cũng phản ánh công tác từ thiện năm nay của cơ quan Cor Unum, nghĩa là "Đồng Tâm" – là cơ quan của Tòa Thánh chịu trách nhiệm phân bổ các quỹ từ thiện của Đức Giáo Hoàng. 

Các nước Syria, Libya, Bangladesh, Nam Sudan, Bolivia, và Paraguay: là những quốc gia cần sự can thiệp nhiều nhất của cơ quan Đồng Tâm trong năm 2012.

Đức ông Giampietro Dal Toso, Thư ký cơ quan "Cor Unum", trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, đã nói: “Sự cải tổ cơ cấu của cơ quan Caritas quốc tế là một trong những nét đặc trưng của năm 2012. Caritas quốc tế giờ đây là một liên minh nòng cốt để làm cho công tác từ thiện của Giáo Hội được hữu hiệu hơn”. 

Một nét đặc trưng khác của năm 2012 là tự sắc Intima Ecclesiae Natura, trong đó "tái khẳng định sự hiệp thông sâu xa Giáo hội giữa các tổ chức từ thiện Công giáo với vị Giám mục bản quyền", là người đứng ra bảo đảm cho các công tác từ thiện của Giáo Hội.

VietCatholic News

0 nhận xét:

Đăng nhận xét