LTCGVN (08.12.2012)
1. Buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 5 tháng 12
Tại buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục hôm thứ Tư 5 tháng 12, trong tuần đầu tiên của Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi các tín hữu hãy suy tư và tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại. Kế hoạch đó sẽ dẫn họ đến với Chúa Kitô. Ngài nhấn mạnh rằng đức tin đóng vai quan trọng trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và tuân phục theo kế hoạch của Ngài.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Trong năm Đức Tin này, chúng ta bắt đầu mùa Vọng bằng cách suy tư về sự cao cả trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho ơn cứu độ của chúng ta. Bài thánh ca tuyệt vời bắt đầu Thư của Thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Êphêsô đã ngợi ca lòng lân tuất của Thiên Chúa là Đấng trong Đức Kitô đã chọn ta ngay cả trước khi tạo thành vũ trụ để ta trở nên con trai và con gái của Ngài. Kế hoạch của Thiên Chúa là hiệp nhất mọi sự trong Chúa Kitô và đưa mọi tạo vật đến sự viên mãn trong Ngài.
Ngài đã tỏ cho ta biết về kế hoạch này thông qua một nhiệm cục mặc khải mà đỉnh điểm là sự nhập thể của Chúa Con và sự tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần. Việc Thiên Chúa tự mạc khải về Ngài nơi Chúa Kitô đáp ứng hy vọng và khát vọng sâu xa nhất của chúng ta, và mời gọi chúng ta đáp trả bằng cách vâng phục Thiên Chúa trong đức tin.
Một khi chúng ta đồng tâm nhất trí tuân phục mặc khải của Thiên Chúa, đức tin kêu gọi chúng ta hoán cải và mang lại cho chúng ta một tầm nhìn mới trước những thực tế của cuộc sống và thế giới xung quanh chúng ta. Trong Mùa Vọng này, xin cho chúng ta có thể chiêm ngắm đầy đủ hơn bao giờ hết vẻ đẹp trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, và cố gắng sống như những dấu chỉ về sự hiện diện cứu độ của Người trong thế giới của chúng ta.
2. Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo dân sự trên thế giới hãy chú ý đến việc tôn trọng nhân phẩm con người
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã mạnh mẽ phê bình những trào lưu hạ giá con người và làm biến thái những nhân quyền cơ bản.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Ba 3 tháng 12, dành cho 40 tham dự viên khóa họp khoáng đại của Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình đang tiến hành tại Roma từ ngày 3 đến 5 tháng 12 dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Peter Turkson, người Ghana.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đề cao giáo huấn xã hội của Hội Thánh như là một điều thuộc về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và vì thế cũng cần phải coi trọng đạo lý này đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rằng khi đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người chúng ta trở thành những người có một nhân sinh quan đặc thù về phẩm giá, và tự do của con người, được ghi đậm với chiều kích siêu việt của họ.
Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người tùy thuộc luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm mỗi người, vì thế xét cho cùng, chúng tùy thuộc sự thật về con người và về xã hội. Đó không phải là những tùy thuộc vào sự định đoạt của một nhà cầm quyền.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tố giác rằng
"Mặc dù việc bảo vệ các quyền đã tiến nhảy vọt trong thời đại của chúng ta, nhưng nền văn hóa hiện thời, chịu ảnh hưởng bởi một thứ chủ nghĩa cá nhân duy lợi và một thứ chủ thuyết duy kinh tế đang có xu hướng làm giảm giá trị con người."
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Kitô giáo đưa ra một tầm nhìn phong phú về cuộc sống và giúp ta hiểu đúng phẩm giá căn bản của mỗi người.
Ngài nói:
“Một đàng ngừơi ta tiếp tục tuyên xưng phẩm giá con người, nhưng đàng khác, các ý thức hệ mới - như ý thức hệ duy lạc thú và ích kỷ về các quyền tính dục và quyền sinh sản, hoặc ý thức hệ của một chủ thuyết duy tư bản tài chánh luật rừng, đè nặng trên chính trị và làm biến thái cơ cấu kinh tế thực sự. Công nhân viên và lao công bị coi rẻ không hơn gì các thiện ích tầm thường. Những quan niệm như thế làm băng hoại những nền tảng tự nhiên của xã hội và gia đình”.
Ngài nói tiếp:
“Tuy con người ngày nay chìm đắm trong một mạng vô biên các quan hệ và thông tin, nhưng điều nghịch lý là con người ngày nay là một hữu thể bị cô lập, lẻ loi, vì dửng dưng đối với quan hệ cấu thành hữu thể người, vốn là căn cội của mọi quan hệ khác, quan hệ cấu thành ấy là quan hệ với Thiên Chúa. Con người ngày nay chủ yếu chỉ được xét dưới khía cạnh sinh học hoặc như một “tư bản nhân sự”, một “nguồn nhân lực” trong một hệ thống sản xuất và tài chánh đứng trên nó.”
Sau cùng, Đức Thánh Cha cổ võ lập trường đã được Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đề ra, là đề nghị thành lập một thẩm quyền quốc tế trong lãnh vực kinh tế, kiến tạo một cộng đồng thế giới, với một thẩm quyền tương ứng, được hướng dẫn bởi tình thương yêu đối với công ích của gia đình nhân loại.
3. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là vị Giáo Hoàng đầu tiên có một account trong Twitter
Ngày 12 tháng 12 tới đây, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ viết tweet đầu tiên của mình qua account @ Pontifex của ngài. Trong một cuộc họp báo, Vatican giải thích rằng sự tham gia của Đức Giáo Hoàng trong phương tiện truyền thông xã hội này cho thấy mong muốn của ngài muốn đối thoại với mọi người nam nữ hiện đại bất cứ nơi nào có thể.
24 tiếng đồng hồ sau cuộc họp báo nói trên diễn ra hôm thứ Hai 3 tháng 12 tại Hội Trường Gioan Phaolô II, mạng lưới Twitter ghi nhận đã có hơn nửa triệu người viếng thăm account của Đức Thánh Cha dù ngài chưa viết một chữ nào.
Trong Tweet đầu tiên của ngài, Đức Thánh Cha sẽ trả lời một số câu hỏi về đức tin cho những người gởi câu hỏi đến địa chỉ # askpontifex trước ngày 12 Tháng 12.
Bà Claudio Maria Celli, chuyên viên Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội nhận định:
"Tôi gọi những Tweets này là những tia lửa của sự thật, hoặc phương dược của sự khôn ngoan. Hy vọng của tôi là tweet này sẽ giúp nhiều người nam nữ tìm thấy hướng đi cho đời mình”.
Vatican chọn mạng xã hội Twitter bởi vì web site này được coi là một nơi tự do trao đổi những ý tưởng và được nhiều người trẻ sử dụng, và vì tương đối dễ dùng tweet để giao tiếp với những người khác.
Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định mức độ thường xuyên sử dụng tweets của ngài cũng như các đề tài được đề cập trong các tweets. Những tweets này được dịch ra ít nhất 8 ngôn ngữ bao gồm cả tiếng Ả Rập.
Mạng Twitter hy vọng rằng sự gia nhập của Đức Giáo Hoàng sẽ dẫn đến một sự gia tăng rất đáng kể số lượng các thành viên. Hiện nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma của Phật Giáo Tây Tạng đã có hơn 5 triệu người theo dõi trên mạng lưới này. Các Hồng Y và Giám Mục Công Giáo cũng thu hút một số đông đảo các tweeters.
Cô Claire Diaz-Ortiz, Giám đốc sáng kiến xã hội của Twitter nói:
"Ngài là một nhân vật không thể dễ dàng tiếp cận. Nhưng trên Twitter, chắc chắn là dễ dàng hơn. Tôi nghĩ rằng trong các tweet đầu tiên rất biểu tượng này, ngài sẽ trả lời cho một câu hỏi từ một trong những người hâm mộ."
Cố vấn phương tiện truyền thông của Vatican, ông Greg Burke, nói rằng một nhân vật nổi danh như Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cần phải có mặt trên Twitter. Và không nhất thiết là để cạnh tranh với các nhân vật công chúng khác.
Ông Greg Burke nói:
"Đó là một thách đố, nhưng mặt khác rất nhiều những người trẻ tuổi đang tìm kiếm. Chúng ta cũng biết về một trong những chủ đề Đức Giáo Hoàng thường đề cập đến. Ngài nói rằng chúng ta chỉ tìm thấy niềm vui thực sự trong Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải nơi sự hào nhoáng trong công nghệ. Và tôi nghĩ rằng đó là thông điệp thường được con người ngày nay tiếp nhận. Tôi thường nói với nhiều người rằng Đức Giáo Hoàng không phải tìm kiếm một số lượng lớn những người hâm mộ ngài trên Twitter, Đức Giáo Hoàng đang tìm kiếm những người muốn theo Chúa Giêsu Kitô. "
Mặc dù chưa có một tweet nào, Đức Giáo Hoàng đã có hơn 100.000 người theo theo dõi chỉ trong một vài giờ, sau khi tin tức về account của ngài trên Twitter được công bố. Ngay bây giờ quý vị và anh chị em có thể gửi cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 các câu hỏi về đức tin trong vòng 140 ký tự.
4. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn nghệ sĩ các gánh xiệc
Hôm thứ Bẩy 1 tháng 12, Đại Lộ Hòa Giải - Via della Conciliazione, tức là con đường chính dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô đã tưng bừng nhộn nhịp khi các chú hề và các nghệ nhân trong các đoàn xiếc diễu hành trong tiếng kèn và tiếng trống để đến Vatican gặp gỡ Đức Thánh Cha.
Đây là một đoàn đông đảo gồm 7 ngàn nghệ sĩ thuộc nhiều gánh xiệc tại 13 nước Âu Châu và cả Hoa Kỳ, tham dự cuộc hành hương Roma do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và lưu động tổ chức nhân dịp Năm Đức Tin.
90 phút trước khi Đức Thánh Cha đến Đại thính đường Phaolô Đệ Lục, các nghệ sĩ đã có mặt và trình diễn nhiều màn nghệ thuật. Và khi ngài đến đây, Đức Hồng Y Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động đã đại diện mọi người chào mừng cũng như trình bày với Đức Thánh Cha hoàn cảnh sống của các nghệ sĩ gánh xiệc. 3 đại diện của họ cũng trình bày các chứng từ.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha ca ngợi hoạt động của dân xiệc, qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt, sự giải trí vui tươi và qua âm nhạc, họ khơi dậy những tâm tình thanh thản, vui tươi và hòa hợp cho tha nhân.
Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ trong các gánh xiệc làm chứng về những giá trị và đức tính của nghề nghiệp, và nhất là đào sâu quan hệ với Chúa Kitô và trao tặng tha nhân tình bạn với Chúa.
Đức Thánh Cha nhắc đến “những hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm, lòng can đảm và quảng đại của những người làm nghề xiệc, những đức tính này xã hội ngày nay nhiều khi không biết quí chuộng, nhưng chúng đã góp phần hình thành bao nhiêu thế hệ trong đại gia đình của anh chị em.”
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những khó khăn của các tín hữu làm nghề xiệc trong việc sống đạo vì không ở một nơi nhất định, không thuộc về một cộng đồng giáo xứ một cách bền vững, cũng như không dễ dàng tham gia việc học giáo lý và phụng vụ. Ngài nói:
”Tôi cầu mong anh chị em có thể tìm thấy nơi những cộng đoàn giáo xứ nơi anh chị em dừng lại những người sẵn sàng gặp gỡ, đón tiếp và giúp đỡ anh chị em về những nhu cầu thiêng liêng. Anh chị em cũng đừng quên rằng gia đình là con đường đầu tiên để thông truyền đức tin, là Giáo Hội tại gia, được mời gọi làm cho tha nhân biết Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa, cũng như giáo dục theo luật của Chúa.
Đức Thánh Cha nhắc lại cho các nghệ sĩ các gánh xiệc điều ngài đã nói vào đầu triều đại giáo hoàng hồi năm 2005: “Không có gì đẹp hơn là được Tin Mừng, được Chúa Kitô gặp gỡ và thu hút. Không có gì đẹp hơn là được biết Chúa và thông truyền cho tha nhân tình bạn với Chúa. Chỉ trong tình bạn ấy mới thực sự nảy nở những tiềm năng lớn lao của thân phận con người. Chỉ trong tình bạn ấy chúng ta mới cảm nghiệm điều đẹp đẽ và điều giải thoát”
5. Đức Thánh Cha kêu gọi thế giới quan tâm đến những người khuyết tật
Ngày 3 tháng 2 là Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Nhân dịp này Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi thế giới quan tâm nhiều hơn đến những người khuyết tật.
Đức Thánh Cha nói:
" Mỗi người, bất chấp những giới hạn về thể lý và tâm lý vẫn mang nơi mình một giá trị bất khả nhượng. Tôi khích lệ các cộng đoàn Giáo hội hãy đón nhận những anh chị em này. Đồng thời tôi ước mong những nhà làm luật và các chính phủ hãy bảo vệ những anh chị em này và giúp họ tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống cộng đồng."
Trong bài giảng ngắn ngủi, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đã giải thích ý nghĩa của Mùa Vọng, gồm bốn tuần trước lễ Giáng Sinh.
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Từ ngữ ‘Vọng’ (Advent) có nghĩa là ‘đang đến’ hoặc ‘hiện diện’. Trong thế giới thời cổ, tiếng ‘Advent’ dùng để chỉ về cuộc kinh lý của vị vua hoặc vị hoàng đế đến một tỉnh, hoặc vùng nào đó trong vương quốc của mình.
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ ‘Advent’ đề cập đến việc Chúa đến, và sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới. Đó là một mầu nhiệm bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử, mà cũng là một mầu nhiệm với hai khoảnh khắc nổi bật được biết đến, đó là cuộc giáng trần lần thứ nhất và cuộc quang lâm, nghĩa là cuộc ngự đến lần thứ hai của Chúa Giê-su. Cuộc ngự đến lần thứ nhất đích thực nói đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, cuộc ngự đến lần thứ hai chính là cuộc trở lại trong vinh quang vào thời thế mạc.”
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội đang sống trong nỗi nhớ Chúa và trong niềm mong chờ cuộc trở lại của Ngài, một cuộc mong chờ với niềm hy vọng tỉnh thức và hoạt động.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn"
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng đã có những lời tốt đẹp cho nhiều diễn viên xiếc đến Rome cuối tuần qua và đang biểu diễn tại Quảng trường Thánh Phêrô.
6. Caritas giúp hơn 40,000 người tị nạn Syria ở Li Băng
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là một phần hậu quả của cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria. Không có tiếng súng nổ, không có bom rơi ở đây, nhưng vẫn còn rất nhiều đau đớn. Giữa những túp lều nghèo nàn tại Li-băng, là những người tị nạn những người không còn lại gì ngoài một cơ hội sống sót. Những người khác có thể không được may mắn như vậy.
"Chồng tôi đã bị bắt tại Syria và tôi không nhận được tin gì về anh ấy. Anh ấy đã chết hay còn sống tôi cũng không biết! Tôi chỉ mong muốn nhận được tin tức là anh ấy vẫn còn sống. Tôi không muốn bất cứ điều gì khác nữa. "
Cha Simon Faddoul là chủ tịch của Caritas tại Li-băng. Trong gần hai năm, ngài đã trực tiếp chứng kiến những tác động bi thảm của cuộc xung đột.
Ngài đã hướng dẫn đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Robert Sarah đi thăm những trại tị nạn ở Lebanon để Đức Hồng Y có thể gặp trực tiếp một số người tị nạn.
Cha Simon Faddoul, Chủ tịch Caritas Li Băng nói:
"Một người phụ nữ đến gặp Đức Hồng Y ở trại này với một em bé bốn tháng, và cô đưa đứa bé cho ngài và nói: xin vui lòng nhận lấy nó, may ra cuộc chiến này sẽ buông tha nó, bởi vì cha nó đã bị mất mạng."
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng Tư năm 2011, Caritas đã cung cấp các trợ giúp chủ yếu cho hơn 200,000 người tị nạn, bất kể tôn giáo của họ. Từ chăn nệm đến thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.
Một cô y tá cho biết:
"Chúng tôi chủ yếu điều trị các trường hợp viêm dạ dày ruột, tiêu chảy và suy dinh dưỡng."
Làn sóng những người tị nạn vẫn tiếp tục đổ về các trại tạm cư hàng ngày trong tháng Mười Hai này. Người ta ước tính có khoảng 200.000 người tị nạn đang được Caritas Li Băng chăm sóc.
Cha Simon Faddoul lo âu rằng:
"Nhu cầu thì cứ tăng dần lên trong khi và các nguồn tài nguyên chúng tôi có rất hạn chế và thực sự ít dần đi."
Kitô hữu chiếm khoảng chín phần trăm dân số của Syria. Mặc dù cuộc xung đột giữa phiến quân và chính phủ Syria không phải là một cuộc xung đột tôn giáo, các Kitô hữu vẫn là những nạn nhân trước tiên.
7. Triển lãm 100 hoạt cảnh Giáng Sinh đặc sắc tại Rôma
Truyền thống diễn tả mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa qua hình thức các máng cỏ Giáng Sinh đã có khoảng 2000 năm nay và vẫn rất sống động trong thời đại chúng ta. Hôm nay, chúng tôi mời quý vị và anh chị em đến thăm cuộc triển lãm 100 hoạt cảnh Giáng Sinh do tổ hợp Cento Presepi thực hiện tại Santa Maria del Popolo ở Rôma.
Bà Mariacarla Menaglia, Giám đốc Cento Presepi, cho biết:
"Mỗi năm chúng tôi lựa chọn ra những máng cỏ tuyệt vời nhất. Chúng tôi chọn những máng cỏ có tính nghệ thuật cao. Chúng tôi lựa chọn kỹ để có cuộc triển lãm tốt nhất bất kể xuất xứ của máng cỏ, miễn sao thật đẹp. Chính vì thế mà tờ New York Times nói rằng cơ sở của chúng tôi là một trong sáu nơi đáng đến thăm nhất trên toàn thế giới. "
Cuộc triển lãm có hơn 100 máng cỏ từ Ý và trên thế giới bao gồm những từ những pho tượng nhỏ bằng bàn tay người cho đến những pho tượng lớn hơn người thật, cả những tượng có thể di động được trưng bày trong những máng cỏ huy hoàng.
Các nhà tổ chức dự kiến có khoảng 40 ngàn lượt khách đến thăm Cento Presepi trong năm nay. Tuy nhiên, còn nhiều điều đáng kỳ vọng hơn từ phòng triển lãm này.
Bà Mariacarla Menaglia, nói:
"Chúng tôi đã bắt đầu để ý thấy những cuộc triển lãm loại này đang lan tràn khắp Italia và châu Âu. Chúng tôi đã nhìn thấy những máng cỏ Chúa giáng sinh tại các trường học. Thiết nghĩ những gì chúng tôi đã làm là tạo ra một động lực mới để phát triển truyền thống này".
8. Đức Thánh Cha lo lắng về tình trạng dốt nát về giáo lý
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội tăng cường nỗ lực bài trừ nạn dốt nát về giáo lý.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 30 tháng 11 dành cho 37 Giám Mục thuộc các giáo tỉnh miền nam và đông nam nước Pháp. Đây là đoàn thứ 3 và cũng là đoàn cuối cùng thuộc Hội Đồng Giám Mục Pháp về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh trong thời gian qua.
Đức Thánh Cha nói:
"Trong Giáo Hội Pháp, có một danh sách dài các vị thánh, các tiến sĩ Hội Thánh, các thánh tử đạo và các thánh hiển tu. Anh em đã được thừa hưởng những kinh nghiệm nhân loại tuyệt vời và một gia sản tinh thần to lớn. Không chút nghi ngờ gì, những điều này là một nguồn cảm hứng cho sứ mệnh mục tử của anh em. "
Đức Giáo Hoàng nói Phúc âm hóa mới có thể được chia thành hai nhiệm vụ đơn giản: đó là nói về Chúa Giêsu, và giải thích thông điệp của Người trên trái đất này.
Đức Thánh Cha nói
"Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, nghĩa là hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại của con người, về cuộc sống và cái chết, về lý do tại sao sự dữ, bệnh tật và đau khổ vẫn còn lan tràn trong thế giới của chúng ta."
Theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, nhiệm vụ của Giáo Hội là truyền bá câu trả lời của Chúa Giêsu trước những vấn nạn cơ bản và gai góc này.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:
“Một trong những vấn đề trầm trọng nhất của thời nay là sự dốt nát tôn giáo nơi nhiều người, kể cả các tín hữu Công Giáo. Vì thế, Giáo Hội yêu cầu mọi tín hữu Kitô phải nêu cho được lý do tại sao mình hy vọng với ý thức rằng một trong những chướng ngại kinh khủng nhất cản trở sứ vụ mục vụ của chúng ta là sự dốt nát về nội dung đức tin. Trong thực tế đây là một sự dốt nát về hai mặt: một là không biết về Đức Giêsu Kitô và hai là không biết về giáo huấn cao cả của Chúa, về giá trị phổ quát và trường tồn của các giáo huấn ấy trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và hạnh phúc. Ngoài ra, sự dốt nát này làm cho các thế hệ trẻ không có khả năng hiểu biết lịch sử và không cảm thấy mình là người thừa kế truyền thống đã hình thành đời sống, xã hội, nghệ thuật và nền văn hóa Âu Châu.”
9. Tòa Thánh chào mừng kết quả bỏ phiếu về Palestine tại Liên Hiệp Quốc
Tòa Thánh đã chào mừng kết quả cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc chấp nhận Palestine là quốc gia quan sát viên, nhưng đồng thời kêu gọi Israel và Palestine tái thương thuyết để giải quyết tận gốc vấn đề.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 29 tháng 11 tại Liên Hiệp Quốc, có 138 nước đã ủng hộ nghị quyết cho Palestine trở thành quốc gia quan sát viên, 41 nước bỏ phiếu trắng, và 9 nước bỏ phiếu chống trong đó có Israel, Hoa Kỳ, và Tiệp.
Trong tuyên ngôn công bố tối ngày 29 tháng11 Tòa Thánh khẳng định rằng “Cuộc bỏ phiếu này phải được đặt trong khuôn khổ những cố gắng tìm một giải pháp chung kết, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cho vấn đề đã được đề cập đến trong nghị quyết số 181 ngày 29 tháng 11 năm 1947 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đó đã đặt căn bản pháp lý cho sự hiện hữu của 2 quốc gia. Một nước đã được thành hình, một nước khác chưa được thành lập mặc dù 65 năm đã trôi qua từ ngày ấy.
Theo Tòa Thánh, cuộc bỏ phiếu ngày 29 tháng 11 vừa qua diễn tả tâm tình của đa số các thành phần của cộng đồng quốc tế và mang lại cho người Palestine một sự hiện diện ý nghĩa hơn tại Liên Hiệp Quốc. Đồng thời Tòa Thánh xác tín rằng kết quả đó, tự nó không phải là một giải pháp đầy đủ cho các vấn đề trong vùng. Thực vậy, để đáp ứng thích đáng, cần phải quyết liệt dấn thân hỗ trợ việc xây dựng hòa bình và sự ổn định trong công lý và trong sự tôn trọng các khát vọng hợp pháp của người Israel cũng như của người Palestine”.
Vì những lý do trên đây, Tòa Thánh đã nhiều lần mời gọi các vị lãnh đạo hai dân tộc hãy mở lại các cuộc thương thuyết trong sự thành tâm, và tránh có những hành động hoặc đặt điều kiện trái ngược với những tuyên ngôn thiện chí và sự chân thành tìm kiếm những giải pháp bằng cách cống hiến những nền tảng vững chắc cho một nền hòa bình lâu bền. Ngoài ra, Tòa Thánh tha thiết kêu gọi Cộng đồng quốc tế gia tăng dấn thân và khích lệ óc sáng tạo, để đưa ra những sáng kiến giúp thiết lập một nền hòa bình lâu dài, trong sự tôn trọng các quyền của người Israel và Palestine. Hòa bình cần những quyết định can đảm!”
Israel và Hoa Kỳ cho rằng việc Liên Hiệp Quốc chấp nhận Palestine là một chướng ngại cản trở tiến trình hòa bình tại Trung Đông thay vì đẩy mạnh. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy Israel và Hoa Kỳ càng bị cô lập trên trường quốc tế về vấn đề này.
Phía Israel cũng khó chịu về lời kêu gọi của Tòa Thánh mong muốn một qui chế đặc biệt cho thành Jerusalem có quốc tế bảo đảm. Báo chí Israel đã nhiều lần mạnh mẽ phê bình lập trường này của Tòa Thánh. Tuy nhiên, Tòa Thánh cũng nhiều lần lặp lại rằng “Không có công lý thì không có hòa bình.”
Cho đến nay Tòa Thánh cũng như quốc tế không nhìn nhận chủ quyền của Israel trên khu vực đông Jerusalem mà Israel đã đơn phương sát nhập sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967.
10. Ban tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro dời địa điểm cử hành Đêm Canh Thức và thánh lễ Bế Mạc
Trước con số đông đảo các bạn trẻ đã ghi danh tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro, ban tổ chức World Youth Day 2013 đã có một cuộc họp khẩn cấp và đã quyết định đổi địa điểm tổ chức Đêm Canh Thức tối thứ Bẩy 27 tháng 7 và thánh lễ Bế Mạc sáng Chúa Nhật 28.
Vị trí được dự kiến ban đầu là Sân Bay Quân Sự Santa Cruz. Tuy nhiên, các nhà tổ chức cảm thấy nó sẽ không thể chứa được hơn 2 triệu bạn trẻ dự kiến sẽ tham dự.
Ban tổ chức đã quyết định chọn Guaratiba là một vùng ngoại ô của thành phố Rio De Janeiro. Guaratiba là vùng ngoại ô rộng lớn và có mật độ dân số thấp nhất Brazil.
11. Giáng Sinh tại các nước trên thế giới
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong Mùa Vọng chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican sẽ gởi đến quý vị và anh chị em một số nét tiêu biểu về Lễ Giáng Sinh tại một số nước trên thế giới. Tuần này, Lan Vy, Kim Phượng và Mai Hương xin giới thiệu với quý vị và anh chị em về Lễ Giáng Sinh tại Đức, Pakistan và Trung quốc.
Tại Đức việc chuẩn bị Giáng sinh thường được bắt đầu từ đầu tháng 12. Mọi người thường dành riêng các buổi tối cho việc nướng bánh ngọt có tẩm gia vị và bánh bích quy, làm quà tặng và đồ trang trí. Quà tặng truyền thống của Giáng sinh thường là những con búp bê và trái cây. Người Đức thường thích các loại bánh ngọt hình cây Giáng sinh, được gọi là Christbaumgeback, làm từ một loại bột trắng có thể được đúc thành các hình dạng khác nhau trước khi đem nướng rồi trưng ở trên cây thông Giáng Sinh.
Truyền thống văn hóa Đức tin rằng Chúa Hài Đồng sẽ gửi một sứ giả đến trong đêm Giáng sinh. Vị này sẽ hiện ra dưới dạng một thiên thần trong một chiếc áo choàng trắng, đeo vương miện và đem theo quà tặng. Thiên thần này được gọi là Christkind.
Trẻ em thường để thư trên cửa sổ cho Christkind. Đôi khi chữ nghĩa trên thư được trang trí với keo có rắc đường để làm lá thư lóng lánh.
Bên cạnh Christkind, người Đức cũng có ông già Noel gọi là Weihnachtsmann.
Những ai không có nhiều giờ làm bánh và chuẩn bị các loại quà tặng thì có thể mua tại các chợ đặc biệt chỉ nhóm trong dịp lễ Giáng Sinh.
Một vài gia đình người Đức có tới vài cây Giáng sinh, và ở khắp các thị trấn trên toàn nước Đức mọi người có thể nhìn thấy những cây này lấp lánh và toả sáng. Người Đức thường đặt trên bàn vòng hoa mùa vọng có bốn cây nến đỏ nằm chính giữa. Họ đốt một cây nến cho mỗi ngày Chúa Nhật và cây cuối cùng được thắp vào đêm trước ngày Giáng sinh. Trẻ em thường đếm từng ngày cho đến ngày Giáng sinh bằng cách sử dụng một lịch Mùa Vọng. Mỗi ngày có một hình ảnh Giáng Sinh bên trong.
Vào lễ Hiển Linh, trẻ em ăn mặc như Ba Vua đến từ nhà để hát gây qũy cho các chương trình bác ái của Giáo Hội Đức.
Lễ Giáng Sinh tại Pakistan
Nếu như tại Đức và may mắn thay là tại nhiều nơi khác nữa trên thế giới Mùa Giáng Sinh được xem là Mùa An Bình, vui tươi và hy vọng thì vẫn còn nhiều vùng trên thế giới, cảm nhận này không có nơi các Kitô hữu. Pakistan là một ví dụ điển hình.
Tại Pakistan từ đầu tháng 12, không khí lễ hội và nghỉ ngơi cũng có thể cảm nhận được dễ dàng trong xã hội, cả ở thành thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên, không phải người ta chào đón Giáng Sinh. Tháng 12 và tháng Giêng là mùa cưới tại Pakistan. Quý vị và anh chị em đang theo dõi cảnh một đám cưới truyền thống tại Pakistan.
Ngày 25 tháng 12 là ngày quốc lễ của Pakistan. Nhưng mà không phải vì là ngày lễ Giáng Sinh. Đó là ngày sinh của Muhammad Ali Jinnah người được coi là cha già dân tộc. Ông là một luật sư danh tiếng sinh ngày 25 tháng 12 năm 1876 và qua đời ngày 11 tháng 9 năm 1948 sau khi đã là Tổng Toàn Quyền đầu tiên của nước Pakistan độc lập.
Đối với người Kitô hữu mùa Giáng Sinh thường là mùa của âu lo trước những cuộc tấn công khủng bố của những người Hồi Giáo quá khích: nhà thờ bị đặt bom, bị ném lựu đạn khi đang dâng thánh lễ, và các thiếu nữ bị hãm hiếp trên đường đến nhà thờ cũng như sau thánh lễ. Thánh lễ Giáng Sinh, do đó, thường được tổ chức từ 6 giờ tối và khoảng 7 giờ tối đêm 24 các nhà thờ đều đã đóng cửa tắt đèn.
Đây là câu chuyện về một thiếu nữ Công Giáo. Cô bị 4 tên côn đồ quá khích hãm hiếp. Người ta khuyên cô nếu là thiếu nữ nết na thì nên câm miệng lại cam chịu trước nỗi bất hạnh của mình. Không chịu khuất phục, cô thưa những tên côn đồ ra trước tòa. Không một tên nào chịu bất cứ hình phạt nào của pháp luật. Ngược lại, cha và anh cô lần lượt bị giết.
Tuy nhiên, đồng tiền có hai mặt. Cũng có những tín hiệu tích cực từ những giới trẻ Hồi Giáo, những người có ăn học. Các bạn trẻ này đang giúp thu dọn những đổ nát và họ mang theo bích chương đòi hỏi sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng cho các tín hữu không Hồi Giáo.
Hội Thánh Chúa có mặt tại Pakistan sớm hơn tại Việt Nam. Đến nay Giáo Hội tại đây có 1 triệu tín hữu Công Giáo tức chỉ bằng 1% dân số. Toàn thể Giáo Hội có 2 tổng giáo phận, 4 giáo phận và một miền Phủ Doãn Tông Tòa. Nhìn chung việc truyền bá Tin Mừng gặp nhiều khó khăn vì luật pháp trực tiếp cản trở và gây nhiều trở ngại trầm trọng cho những người Hồi Giáo muốn cải đạo sang tôn giáo khác. Về mặt văn hóa, nếu như tại Việt Nam ít nhiều gì chúng ta hội nhập được vào văn hóa địa phương với nhiều hình thức đa dạng, thì Giáo Hội tại Pakistan vẫn sống trong tình trạng ghetto.
Còn tại Trung quốc thì sao thưa quý vị?
Nếu như tại Pakistan, Hội Thánh Chúa bị đàn áp thẳng tay thì tại Trung Hoa ngày nay tình hình có phần tế nhị hơn.
Ngày 25 tháng 12 năm 2011, trên tờ báo trực tuyến China Daily cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, người ta nhìn thấy một hàng chữ thật to Merry Christmas. Trong khi những người vô thần Trung Quốc Merry Christmas thật to như thế thì trên trang chủ Google, người ta đọc được hàng chữ Happy Holiday. Thật là đáng buồn khi thế giới tự do với căn cội Kitô Giáo giờ đây né tránh không dám đề cập đến biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người và cư ngụ giữa chúng ta.
Khắp đường phố Bắc Kinh cũng trăng đèn kết hoa không thua gì New York hay các thành phố Tây phương.
Tuy nhiên, các tín hữu tại Trung Hoa chỉ xem những hình thức bề ngoài này là “ảo ảnh cuộc đời”
Thật vậy, sau 58 năm bách hại đạo thánh Chúa, trên trang nhất số ra ngày 24/12/2007, tờ Daily News ấn bản Anh ngữ hàng ngày của cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung quốc, là một hàng chữ đậm, to “Merry Christmas”. Đó là một chuyện lạ.
Reinhard Krause, phóng viên Reuters, còn ghi nhận một sự kiện lạ khác.Tại một nhà thờ nhỏ trong làng Cao Gia Bảo gần thành phố Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây, Reinhard Krause chứng kiến 20 trẻ em từ mới sinh cho đến 10 tuổi đã được rửa tội trong Đêm Giáng Sinh 24/12/2007.
Trước thánh lễ, Reinhard Krause còn có cả một buổi trình diễn văn nghệ Mừng Chúa Giáng Sinh bên ngoài nhà thờ với sự tham dự của đông đảo người lớn và trẻ con trong làng. Đa số trong họ không phải là Công Giáo.
Thậm chí, sau lễ người ta còn bắn pháo bông chào mừng lễ Giáng Sinh nữa.
Các tín hữu và cả nhiều linh mục bắt đầu tin rằng có tự do tôn giáo rồi. Nhiều linh mục hầm trú bắt đầu kéo nhau ra trình diện đăng ký xin giấy phép hành nghề linh mục.
Vì dễ tin như thế nên số linh mục bị bắt trong năm 2008 bằng với tổng số tất cả các vị mục tử bị bắt trong vòng một phần tư thế kỷ trước đó.
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét