Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Phỏng vấn Đức cha Bùi Văn Đọc về Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)



LTCGVN (20.12.2012)

MỸ THO - Sau Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã dành cho chúng tôi một chút thời gian chia sẻ tâm tình và nhận định của ngài về Hội nghị Liện Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X tại Xuân Lộc. 

PV - Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vừa kết thúc, xin Đức Cha chia sẻ tâm tình của một vị giám mục tham dự với tư cách là đại diện cho HĐGMVN?

ĐC PHAOLÔ - Đại hội thứ X của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám mục Á Châu diễn ra còn tốt đẹp hơn lòng chúng tôi mong ước. Đức Tổng Giám Mục Bosco Puthur, thuộc nghi lễ Syro Malabar, tiểu bang Kerrala Ấn Độ, cùng lớp với Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, đã chia sẻ với một linh mục Ấn Độ đang làm luận án tiến sĩ tại Paris, nói rằng: “Tôi rất vui vì nhận thấy giáo dân ở Việt Nam có lòng yêu mến Giáo hội cách đặc biệt, hơn ở bên Ấn Độ nhiều và tôi cho rằng đó là dấu chỉ rõ rệt nhất của Đức tin kitô giáo ở Việt Nam”. Niềm vui của các Giám mục từ 28 quốc gia Á Châu và một số đại diện các HĐGM Châu Đại Dương, Châu Âu, Châu Mỹ La tinh cũng được biểu lộ rõ rệt qua những câu nói, những nụ cười thoải mái. Tôi xác tín rằng, chính Chúa Thánh Thần là “Niềm Vui, là Vĩnh Phúc của Thiên Chúa”, đã được Thiên Chúa ban tràn đầy cho Giáo hội tại Việt Nam trong những ngày Đại hội vừa qua. Các Giám mục Việt Nam, và riêng cá nhân tôi, sẽ cố gắng giữ mãi niềm vui đó cho Giáo phận, cho Giáo hội tại Việt Nam, không để cho bất cứ điều gì làm cho giảm thiểu.

Điều thứ hai làm chúng tôi rất vui mừng là “Tình huynh đệ giữa các Giám mục”, tuy đến từ nhiều vùng đất khác nhau, có những ngôn ngữ và văn hoá khác nhau, nhưng rõ ràng là anh em một nhà. Tất cả họ đều nói với chúng tôi rằng: “Trong các lần tham dự các Đại Hội FABC, chỉ có lần này là chúng tôi cảm thấy vui nhất, vì chúng tôi cảm thấy như ở nhà mình”. Hai Đức Cha Xuân Lộc, Đại Chủng Viện Xuân Lộc, và cả Giáo phận Xuân Lộc đã góp một phần rất lớn trong việc tạo bầu khí vui tươi, thoải mái, sốt sắng. Đây không chỉ là vấn đề tình cảm, mà là vấn đề môi trường tâm linh, môi trường đạo đức, môi trường của Thần Khí Chúa. Môi trường này thật là thuận lợi cho các Giám mục chúng tôi thực hiện tinh thần “Đồng đoàn” (Collegiality), mà Công Đồng Vatican II đề ra trong Hiến Chế Lumen Gentium (Ánh Sáng muôn dân). Chúng tôi trao đổi với nhau một cách rất thoải mái, trong nhóm làm việc (Workshop), cũng như tại hội trường. Tinh thần “Đồng đoàn”này chắc sẽ tiếp tục ảnh hưởng trên Giáo hội Việt Nam, trong cách làm việc chung của Hội đồng Giám mục.

PV - Kính thưa Đức Cha, các giám mục đến từ nhiều quốc gia khác nhau với những nền văn hóa và bối cảnh khác nhau, vậy làm thế nào các ngài chia sẻ và thông đạt kinh nghiệm cũng như nối kết với nhau trong các dự án tông đồ tương lai? 

ĐC PHAOLÔ - Có một số Giám mục, tôi đã quen từ lâu, như Tổng giám mục Chamniern, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Thái lan, Đức Hồng Y John Tong, Giám mục Hồng Kông, Đức Hồng Y Toppo, Tổng Giám mục Ranchi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ theo nghi lễ Roma. Các vị đó có người là bạn cùng lớp, có người là đàn anh của tôi khi còn học ở Roma, và cha Trần Công Nghị là giám đốc của VietCatholic cũng biết khá rõ các vị này. Tôi cũng có cơ hội để có những bạn mới rất vui tính như Giám mục Martinus, OFM Cap, Giám mục Padang thuộc Indonesia, lúc nào cũng tươi cười và “sôi nổi”, hay Giám mục Louis Marie Linh, chủ tịch HĐGM Lào-Kampuchia, Giám mục Bosco Lin Chi Nan là Giám mục Giáo phận Tai Nan, Taiwan. Chúng tôi rất muốn đi thăm nhau trong những năm sắp tới, nhưng sợ không có thời gian, vì ai nấy cũng bù đầu với công việc. Thực tế hơn là cần phải bắt tay với các vị có các trách nhiệm khác nhau trong tổ chức FABC, liên lạc với các Văn phòng chuyên trách, như Văn phòng Đối thoại các Tôn giáo, Văn phòng Đặc trách Phát triển, Văn phòng Đặc trách Giáo dân và Gia đình, Văn phòng Đặc trách Loan báo Tin mừng, Văn phòng về “Biến đổi khí hậu”, để họ có thể giúp chúng ta nhiều hơn nữa, và để HĐGMVN hội nhập sâu hơn nữa vào sinh hoạt mục vụ của các Giáo hội chị em tại Châu Á. Quan trọng hơn cả là hội nhập vào nỗ lực chung để hiện diện cách mới mẽ hơn, phù hợp với tinh thần của Công Đồng Vatican II, dấn thân vào công cuộc Tân Phúc Âm hóa theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Thượng Hội đồng các Giám mục thế giới nhóm họp vào tháng 10 vừa qua tại Rôma.

PV - Xin Đức Cha cho biết qua về nội dung bài tham luận mà Đức Cha đã trình bầy trước hội nghị? 

ĐC PHAOLÔ - Bài tham luận của tôi hoàn toàn mang tính mục vụ truyền giáo. Theo tôi, muốn làm mục vụ cách tốt đẹp và hữu hiệu, chúng ta phải luôn lưu tâm đến bối cảnh xã hội trong đó chúng ta sống và phục vụ, vì không có cách nào khác. Mục vụ, theo định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả trong tác phẩm “Qui tắc mục vụ” (Regula Pastoralis) là “nghệ thuật đệ nhất”, “nghệ thuật trên mọi nghệ thuật” (Ars artium): là nghệ thuật hướng dẫn tâm hồn của con người, nghệ thuật chăm sóc đời sống đức tin của Dân Chúa. Tác giả siêu việt của nghệ thuật này là Chúa Thánh Thần. Các mục tử trong Giáo hội là những nghệ nhân cộng tác mật thiết với Chúa Thánh Thần. Bối cảnh xã hội Việt Nam có các tôn giáo, có các nền văn hoá, và có cả “xã hội vô thần duy vật”, mà chúng ta không thể tránh né và không nên tránh né. Bởi vì nếu tránh né, thì chúng ta không thể nào chăm sóc các giáo dân đang hiện diện trong lòng xã hội, và cũng không thể hướng tới lương dân để loan báo Tin Mừng cho họ. Bối cảnh của Việt Nam đòi hỏi cần lưu tâm tới một lãnh vực khác nữa ngoài ba lãnh vực “các tôn giáo, người nghèo, các nền văn hoá”. Cần một cuộc đối thoại trên bốn mặt, thay vì ba. Mặt thứ tư chính là xã hội vô thần duy vật, mà chúng ta có thể coi như là một phần của “Sân Chư Dân” (Courtyard of the Gentiles) mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng đề cập đến, hay là “Diễn Đàn mới” (New Forum). Làm thế nào để những người vô thần cũng được loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nại vào lý do này hay lý do khác, để thoái thác sứ mạng này, chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Giáo hội đang cố gắng tối đa để làm việc này tại Trung Quốc, mặc dù hết sức khó khăn và gặp rất nhiều trở ngại, Đức Hồng Y Tong của Hồng Kông vẫn luôn nuôi hy vọng rằng càng ngày sẽ càng có nhiều người dân Trung Quốc biết Chúa Giêsu. 

Trong Năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi để tái khám phá ý nghĩa của đức tin. Chúng ta phải trở về với Chúa Kitô, thay đổi não trạng của chúng ta, não trạng chắc còn nhuộm màu sắc trần tục. Là môn đệ của Chúa Giêsu, vấn đề chính yếu vẫn là làm thế nào để, tuy vẫn ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta phải vượt qua mặc cảm Đạo Công Giáo là Đạo của Phương Tây. Chúng ta cố gắng làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu và Công Lý. Cố gắng vun trồng “Sự sống thiêng liêng, tâm linh”, cho một xã hội trong đó còn rất nhiều người khao khát được hướng dẫn về tâm linh. Chúng ta cố gắng tìm ra cách thế loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ mà con người thời nay hiểu được: ngôn ngữ của Tình Yêu, ngôn ngữ của Sự Thật, và ngôn ngữ của Cái Đẹp. Chân Thiện Mỹ là những giá trị cao cả nhất trong đời sống con người. Chân Thiện Mỹ đích thực và tuyệt đối mang “Khuôn Mặt” mà chúng ta được kêu gọi để giới thiệu cho mọi người, Khuôn Mặt ấy là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Độ Duy Nhất.

Tôi cảm thấy rất vui khi đã trình bày điều mình muốn nói, và tôi nhận thấy cử tọa lắng nghe rất chăm chỉ, có một số người đắc ý gật gù như Đức Hồng Y John Tong của Hồng Kông, Đức Hồng Y Toppo của An Độ, có một số người khác, vào giờ giải lao, đến xin bài tham luận. Nỗ lực của tôi là đi vào đường lối cởi mở và đối thoại của FABC.

PV - Trong nghị hội lần này, đâu là những điểm then chốt mà các giám mục Á châu đã đề cập tới, và đâu là những thách đố còn đang cần phải chú ý tới sau Hội nghị?

ĐC PHAOLÔ - Không có đủ thời giờ để trao đổi về các vấn đề nêu ra ở nhóm cũng như trong giờ họp chung. Có mấy vấn đề nổi bật là vấn đề “Sự Sống”. Đây là một vấn đề gai góc nhất và đau đớn nhất: ngày nay, khắp nơi có quá nhiều hình thức xâm phạm đến sự sống con người, và không làm sao mà ngăn cản được. Khắp nơi trên thế giới, và ở Á Châu cũng thế, vấn đề bạo lực về thể lý hay về tinh thần còn phổ biến. Tại nhiều nơi, Giáo hội vẫn chưa tìm được giải pháp, vì tại những nơi ấy Giáo Hội chỉ là một thiểu số rất nhỏ bênh vực sự sống, phải đương đầu với một xã hội không phò sự sống. Vấn đề môi sinh: môi trường tâm linh cũng như vật chất đều bị ô nhiễm trầm trọng bởi những khí thải độc hại do nền văn minh hiện đại. Vấn đề biến đổi khí hậu là một vấn đề ngày càng cho thấy rõ hậu quả tai hại. 

Vấn đề lớn nhất mà ai ai cũng thấy và quốc gia Á Châu nào cũng phải đối diện là hố ngăn cách ngày càng lớn giữa thiểu số giàu có và đại đa số nghèo khó. Hố ngăn cách này không những là một sự bất công và còn là nguyên do của bao nhiêu xung đột đau thương và đẩm máu. Một vấn đề lớn nữa, cũng là vấn đề nóng bỏng và nguy hiểm nhất, là những quan điểm cực đoan về tôn giáo cũng như về chính trị. Ở nơi nào tại Á Châu mà các thế lực cực đoan càng nhiều và càng mạnh, thì Giáo hội Chúa Kitô càng phải đau khổ. Việc đối thoại với khối Hồi Giáo vẫn là một vấn đề gai góc. Vấn đề những người di dân và tị nạn cũng là một thực trạng quan trọng được lưu tâm rất nhiều. Mục vụ cho người di dân và tị nạn cần phải được làm thật tốt, thì mới có thể nói rằng các mục tử trong Giáo hội đã chu toàn trách nhiệm. 

Theo như tôi, vấn đề thực tế nhất là sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ, nhanh chóng và rộng rãi của tiến trình “Toàn cầu hóa cả về mặt kinh tế lẫn văn hoá” trên đời sống mọi hạng người, mà đặc biệt là gia đình, giới trẻ và thanh thiếu niên. Rõ ràng là ảnh hưởng này có hai mặt đối nghịch nhau rất rõ rệt. Một mặt rất tích cực là làm cho thế giới như thu nhỏ lại và người ta như gần nhau hơn, liên đới với nhau hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn, sự phổ biến những khám phá mới của nhân loại cũng làm cho con người được mở mang đầu óc và trí tuệ rất nhiều. Nhưng mặt tiêu cực hết sức nặng nề và trầm trọng: tội ác và bạo lực trở nên phổ biến; sự suy đồi về mặt luân lý và đạo đức lây lan rất nhanh, nhiều khi không kịp ngăn chặn. Giáo hội phải làm thế nào để giúp cho mọi người, đặc biệt là người Kitô hữu, một cách nhanh chóng và hữu hiệu, phân định tốt xấu, lành dữ, nhân bản hay phi nhân, phù hợp với lẽ tự nhiên, lẽ Trời, thánh ý Thiên Chúa, hay đối nghịch lại. Giáo huấn của Giáo hội, mà đặc biệt là Học thuyết xã hội của Giáo hội càng ngày càng tỏ ra rất ích lợi và nhiều khi cần thiết nữa. Nói chung là cần phải lưu ý tối đa tới công việc giáo dục, mà đặc biệt là giáo dục đức tin và lương tri con người. Các Giáo hội tại Á Châu, muốn noi gương Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, tuy đã cao niên, vẫn là một Mục Tử chủ trương dùng những phương tiện hiện đại nhất để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.

PV - Chúng con xin cảm ơn Đức Cha đã dành cho chúng con thời gian quí báu và những tâm tình của Đức Cha sau Đại hội FABC. Xin kính chúc Đức Cha một Mùa Giáng Sinh tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và một Năm Mới khang an hồn xác.

Maria Vũ Loan
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét