LTCGVN (20.12.2012)
Sàigòn - Cần Giờ 9/9/1990
Anh Lan mến,
Chắc anh đã nhận được một lá thư của một nữ công nhân viết từ Léningrad nói về sự khốn cùng và cái nhục của công nhân Việt Nam ở LX. Sau này, đài VOA cũng nói lên cái “nhục” mà đại diện công nhân VN ở LX đã xác nhận với những phái đoàn Việt kiều từ Châu Âu và Bắc Mỹ đến Léningrad dự hội nghị quốc tế về nhân quyền. Hội nghị này được gọi là Hội nghị Leningrad-Vilnius, vì lúc đầu dự định tổ chức tại Vilnius, thủ đô Lithuania, nhưng khi nước nhỏ bé này tuyên bố độc lập, bị LX phong tỏa, vì thế phải dời về Leningrad. Tại Hội nghị này, nhiều phái đoàn Việt kiều đã lên tiếng tố cáo những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và yêu cầu quốc tế can thiệp để nhân quyền được tôn trọng ở VN. Riêng công nhân VN ở LX, họ cho biết nơi ăn chốn ở của họ rất tồi tệ, thiếu thốn mọi sự, lương bổng ít oi, lại bị chính phủ VN cắt xén để trả nợ. Còn nạn kỳ thị chủng tộc, điều mà công nhân VN nói lên là cái nhục.
Phái đoàn CIDSE lẽ ra đã về Duyên Hải hôm thứ năm vừa rồi, để giúp đỡ thêm cho ngư dân: sau khi đã nhìn thấy tận mắt việc thực hiện chương trình cứu trợ kỳ trước, giúp một số cư dân có thuyền, có máy, có lưới. Nhưng cuối cùng không xuống được. Nghe đâu Ban Tôn Giáo trung Ương đã điện vào Sài Gòn không cho phép CIDSE xuống Duyên Hải. Và cũng nghe đâu ký giả đi theo phái đoàn có yêu cầu xin phỏng vấn Chân Tín. Như vậy lại vấn đề an ninh! Có người ở xã Cần Thạnh nói đùa: “Không lẽ sợ họ xuống đây đảo chánh?” Rất tiếc cho dân nghèo ở Duyên Hải. Người ta đưa cơm tới miệng, mà không ăn được.
Vụ quà của Nhà nước cho Đức Cha Bình nhân dịp mừng bát tuần, nghe đâu Đức Tổng “xin” 8 linh mục tượng trưng cho 80 tuổi, mà Nhà nước chỉ “cho” có 4. Anh Thao cũng có gửi tên anh Hòa đang phục vụ ở Duyên Hải để xin Đức Tổng phong linh mục cho anh. Không biết Đức Cha có đưa tên anh ấy trong danh sách trao cho Nhà nước không, mà Công an Sài Gòn có đến tìm anh ấy ở nơi hộ khẩu của anh. Có người cho rằng có lẽ Nhà nước bằng lòng cứu xét, chứ không từ chối ngay. Nhưng khi tra cứu anh ấy là Dòng Chúa Cứu Thế và đang ở với Chân Tín dưới này, thì chắc chắn cũng không hy vọng mấy.
Về vụ CIDSE, tôi mới được một tin khác phát xuất từ xã Cần Thạnh là huyện Duyên Hải điện lên yêu cầu CIDSE đừng xuống. Trước CIDSE dự định xuống, người ta làm việc với xã về vấn đề an ninh và có người cho biết là “rất căng”. Có người bảo là họ phá nhau. Những người thường dân nghèo rất nản.
Anh Điệp đi tĩnh tâm ở Sài Gòn về cho tin từ Mỹ Tho là dưới đó có hai Nam trong vụ xử án hôm nọ. Nam phê chuẩn, chính là Đức Cha Nam. Còn Nam bị tù treo là Nam khác. Cũng lạ. Kỳ này Đức Cha Tuần giảng tĩnh tâm đề cập đến truyền giáo. Mình còn nhớ cách đây 5, 6 tháng Đức Cha Nghi có nhờ tôi viết một số bài truyền giáo cho ngài. Phải chăng ngài được mời giảng và bị từ chối như Đức Cha Nhật năm nào. Mình nhận lời Đức Cha Nghi mà rồi được Nhà nước ưu ái cho đi nghỉ mát nên cũng chưa có giờ nghiên cứu cho ngài.
Nghe Châu không sao cũng mừng cho cháu. Mong Châu khỏe, hết nhức và đã đi học được.
Mến thăm bà cụ, bé Châu và bé Chi.
Lm. Chân Tín
(NKNNL 1990-1991, trang 102-103)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét