Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Những vấn đề Trung Quốc của dân tộc Việt Nam (04)


LTCGVN (08.12.2012) 
California, USA - Vấn đề Biển Đông trong tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở trở nên khó giải quyết, không chỉ vì các vấn đề về nguồn nhiên liệu, nguồn hải sản, giao thông hay lợi thế quân sự, mà là cả Việt Nam và Trung Quốc đều do đảng Cộng sản độc quyền cai trị.
Phần hôm nay, tiến sĩ Trần Diệu Chân sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.
----------

Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc


Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều sự liên hệ mang tính chất “định mệnh”. Ngoài 1000 năm bị Trung Quốc đô hộ, Việt Nam và Trung Quốc có chung 1.300 cây số đường biên giới nên sự thông thương qua lại tương đối gần gũi và dễ dàng. Chính vì thế mà những biến cố lớn nhỏ xảy ra ở Trung Quốc ít nhiều tác động vào Việt Nam, nhất là Việt Nam dễ trở thành “sân sau’ của Trung Quốc trên một số vấn đề như kinh tế, thương mại, sản xuất vân, vân…
Ngoài ra, trong dòng lịch sử thăng trầm của mỗi dân tộc, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai nhà nước, càng không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai quốc gia có chủ quyền như trong thế giới hiện đại. Do đó, trước khi đi sâu vào việc nhận diện mối tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta cần lướt qua một vài con số  đáng quan tâm:


Tiềm Lực Của Trung Quốc
Trung Quốc có diện tích 9,6 triệu cây số vuông, lớn hàng thứ 4 thế giới về diện tích và hiện có dân số là 1,34 tỷ người, đứng đầu thế giới. Đại số dân chúng sống ở nông thôn chiếm 51.1%.
Kinh tế của Trung Quốc đứng hàng thứ hai thế giới từ giữa năm 2010. Tổng sản lượng kinh tế (GDP) vào năm 2011 tính theo sức mua tương đương (PPP) là 6,400 tỷ Mỹ Kim, bằng một nửa Hoa Kỳ. Lợi tức thu nhập bình quân đầu người khoảng 5,000 Mỹ Kim theo cách tính PPP, đứng hàng thứ 101 trong số 180 quốc gia trên thế giới. (50)
Trung Quốc hiện là một “Công Xưởng Thế Giới” sản xuất 70% pennicillin, 50% aspirin và 33% Tylenol của thế giới. Trung Quốc còn chiếm lĩnh đến 90% thị trường thế giới về Vitamin C, đóng vai trò hàng đầu trong việc sản xuất Vitamin A, B12 và E, bên cạnh những thành tố gốc trong các thuốc mutivitamins.
Trung Quốc còn là nước xuất khẩu lớn nhất về Thủy sản cho Hoa Kỳ, cung cấp then chốt về thịt gà và xuất khẩu trà đứng thứ 3 trên thế giới. Những nông gia Trung Quốc cũng cung cấp 60% nước táo đặc, 50% tỏi và những số lượng đáng kể về mọi thứ từ lê và nấm đóng hộp đến mật ong thường và mật ong chúa.
Vì là công xưởng sản xuất của thế giới, Trung Quốc là nơi tiêu thụ nguyên vật liệu nhiều nhất thế giới: ½ xi măng, ½ Thép, 1/3 Đồng và 1/3 Nhôm của toàn thế giới và nhập khẩu 53% lượng dầu thô tiêu thụ từ  một số quốc gia ở Trung Đông, Nam Mỹ, Phi Châu và Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai sau Hoa Kỳ nhưng đến năm 2030 sẽ vượt qua Mỹ trở thành nguồn tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Tiềm Lực Của Việt Nam
Việt Nam có diện tích 331 ngàn cây số vuông với hơn 4.000 hòn đảo và bãi đá ngầm trong đó có hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Dân số Việt Nam hiện có 85,9 triệu người theo Thống kê năm 2009 của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam. Qua Thống Kê này, Việt Nam có khoảng 25,4 triệu người - tương ứng với 29,6% - sống ở khu vực thành phố, và khoảng 60,4 triệu người cư trú ở khu vực nông thôn.
Kinh tế Việt Nam đứng hàng thứ 59 trên thế giới vào năm 2010. Tổng sản lượng kinh tế (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPP) là 102 tỷ Mỹ Kim, bằng 1/64 GDP của Trung Quốc. Lợi tức thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,200 Mỹ Kim, đứng hàng thứ 128 trong số 180 quốc gia trên thế giới. (51)
Nền kinh tế Việt Nam hoạt động kém hiệu quả vì những chính sách đưa ra thường là chậm và lỗi thời so với các nước Đông Nam Á.  Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 71.6 tỷ Mỹ Kim, trong đó dầu thô chiếm 23%, hàng may dệt 15%, giày dép 9,3%, hải sản 8,5%, điện tử máy tính 4,5%, gạo 4,3%, cà phê 2,2%. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 84 tỷ dollar, trong đó máy móc thiết bị 14,2%, xăng dầu chiếm 13.4%, Thép 8%, Vải 6,5%, nguyên phụ liệu dệt may 6,3%, điện tử máy vi tính 4,6% , phân bón 1,8%. 
Nhìn vào những con số này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam dựa đa số vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên (dầu thô, cà phê, gạo, hải sản) để sống còn hơn là ngành công nghiệp hay chế biến. Trong khi đó, thâm hụt cán cân thương mại ở mức cao và trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế.
Nhu cầu đầu tư lớn dẫn đến tình trạng đầu tư vượt xa khả năng tích lũy của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao. Để bù đắp phần thiếu hụt, Việt Nam phải trông cậy vào đầu tư nước ngoài và vay nợ nước ngoài. Thực tế này đã làm cho nợ quốc gia và nợ công nước ngoài tăng nhanh trong những năm vừa qua. Hiện nay nợ công của Việt Nam lên đến 53,3% GDP. (52)
Với những con số chênh lệch quá cao giữa tiềm năng hai nước, Việt Nam chỉ có thể đứng vững được trong quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự khôn ngoan của người lãnh đạo và ý chí quật cường của dân tộc. Thời nào mà Việt Nam đạt được những yếu tố này thì đất nước và dân tộc chúng ta mới có thể sống trong bình đẳng, tương kính và thái hòa với người Trung Quốc; còn ngày nào mà Việt Nam không có lãnh đạo sáng suốt, không biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết thì nước ta sẽ luôn chỉ là chư hầu cho các triều đình phương Bắc, nhất là khi Trung Quốc đang bị một thể chế độc tài, tham lạm, háo thắng, hiếu chiến và bá quyền cai trị.

Quan Hệ Giữa CSVN và Trung Quốc
Cộng sản Việt Nam chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào ngày 18-1-1950. Trong hơn 6 thập niên quan hệ này, CSVN và Trung Quốc trải qua ba thời kỳ đáng chú ý:

1/Thời Kỳ Từ Năm 1950 Đến Năm 1978
Sau khi chiếm Hoa Lục vào năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc đã ủng hộ một cách toàn diện để đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành các cuộc chiến tranh bành trướng chủ nghĩa Cộng sản tại ba nước Việt, Miên, Lào và xuống cả vùng Đông Nam Á.
Vào năm 1954, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã sai lầm khi nghe theo sự xúi dục của đảng Cộng sản Trung Quốc chấp nhận chia đôi đất nước Việt Nam theo Hiệp Định Genève ký vào tháng 7 năm 1954: Miền Nam, dưới thể chế tự do dân chủ do các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lãnh đạo. Miền Bắc, dưới thể chế độc tài cộng sản do đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát.
Để thiết lập chế độ cộng sản trên cả nước, đảng Cộng sản Việt Nam dựa vào đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng Cộng sản Liên - Xô, tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam. Để trả ơn cho Trung Quốc, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, qua Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã ký công hàm năm 1958 công nhận chủ quyền Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý trên Biển Đông. (53)
Nhưng đến năm 1968 thì mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu rạn nứt, trong bối cảnh xung đột ngày một gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc về vấn đề biên giới. Lãnh đạo đảng CSVN cố đu giây giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh và có khuynh hướng ngả theo Liên Xô để mở rộng cuộc chiến tranh quy ước lên toàn thể miền Nam, trong khi Trung Quốc thì chỉ muốn giữ ở mức du kích chiến.
Sự rạn nứt đã bùng nổ lớn sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon vào năm 1972 đưa đến việc cải thiện quan hệ Trung - Mỹ, khiến lãnh đạo đảng CSVN coi đây là một sự phản bội. Sự bắt tay giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đã làm cho CSVN càng gần hơn với Mạc Tư Khoa.
Từ đó, Trung Quốc càng ngày càng cảnh giác về mối quan hệ mật thiết giữa CSVN và Liên Xô,  nhất là vì lực lượng quân sự của CSVN chiếm ưu thế vượt trội đối với Pathet Lào và Khờ Me Đỏ. Quan điểm của Trung Quốc vào lúc đó là nếu CSVN chiến thắng miền  Nam sẽ khống chế toàn vùng Đông Dương và bành trướng xuống các nước Đông Nam Á, chắc chắn làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Kế hoạch của Trung Quốc là hậu thuẫn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam trở thành một thực thể tách khỏi sự kiềm chế của Hà Nội và hậu thuẫn Khờ Me Đỏ để chống lại CSVN.
Năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc, quan hệ CSVN và Trung Quốc đi vào một khúc quanh có thể nói là càng ngày càng xấu đi, vì hai lý do:
Một là Trung Quốc lo ngại CSVN sẽ trở thành đối thủ vùng Đông Nam Á do những yểm trợ từ khối Liên Xô nên đã ủng hộ Khờ Me Đỏ đánh chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu và  vượt biên giới tấn công sâu vào nội địa các tỉnh miền Nam để gây sức ép lên CSVN. Trong suốt thời gian đó và về sau, Trung Quốc luôn là nước viện trợ quân sự và hậu thuẫn chính trị cho Khờ Me Đỏ để đối đầu với CSVN.
Hai là sự chiến thắng miền Nam đã khiến cho CSVN cao ngạo nghĩ rằng họ sẽ được thế giới ca ngợi, Liên Xô sẽ giúp tái thiết và Hoa Kỳ sẽ phải bồi thường chiến tranh như đã hứa. Chính thái độ cao ngạo này của Hà Nội đã làm cho Trung Quốc khó chịu và tìm cách triệt hạ.
Trước sự đổ vỡ mối quan hệ với Bắc Kinh và Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Jimmy Carter (quyết định không xúc tiến bình thường hóa ngoại giao với Hà Nội), CSVN chỉ còn một con đường phải tiến là ôm lấy Liên Xô qua việc tham gia vào Khối Tương Trợ Kinh Tế (COMECON) và Hiệp ước hòa bình hữu nghị với Liên Xô và các nước Cộng sản trong khối Đông Âu vào năm 1978. (54)
Giữa năm 1978, tình hình chính trị tại Trung Quốc cũng đã có những thay đổi bất ngờ. Đặng Tiểu Bình sau hai lần thất sủng trở lại nắm chính quyền, lật đổ nhóm Tứ Nhân Bang (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diệu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn) đưa ra chính sách “Bốn hiện đại hóa” với phương thức mới là mở cửa thân thiện với Hoa Kỳ và Phương Tây để tranh thủ đầu tư. Từ thời điểm cuối năm 1978, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn sụp đổ. (55)

2/Thời Kỳ Từ Năm 1979 Đến Năm 1989
Sau khi ký hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, CSVN đã mở chiến dịch quy mô tấn công Cam Bốt để lật đổ chính quyền Khờ Me Đỏ và tiến chiếm thủ đô Nam Vang vào ngày 5-1-1979. Sự kiện này đã làm cho Đặng Tiểu Bình tức giận và đòi “dạy cho CSVN một bài học”.
Ngày 17-2-1979, quân đội Trung Quốc bắt đầu pháo kích ào ạt sang các vị trí quân sự  của các quận Tiên Lĩnh, Hà Quảng thuộc tỉnh Cao Bằng, mở đầu cho cuộc tấn công quy mô trên một chiến tuyến dài 1 ngàn cây số dọc theo biên giới Việt- Trung, từ Lai Châu đến Móng Cái. Trung Quốc đã huy động 80 ngàn quân và hàng trăm ngàn quân yểm trợ cho cuộc chiến biên giới này.
Ngày 4-3-1979, quân đội Trung Hoa làm chủ thị xã Lạng Sơn vào lúc đêm khuya. Ngày hôm sau, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được mục đích dạy cho Cộng sản Việt Nam một bài học và tuyên bố rút ra khỏi Việt Nam. Nhưng vì còn bận dùng công binh phá sập hết những công sự, đồn bót, cầu đường, trường học, chợ búa, nhà máy, bệnh viện ở những vùng chiếm đóng, kể cả hang Pắc Bó, suối Lênin, núi Các Mác nên cuộc rút lui của Trung Quốc kéo dài đến ngày 16-3 mới kết thúc. Cuộc chiến này đã gây thiệt hại cho cả hai bên rất nhiều, đặc biệt là số thương vong phía Trung Quốc lên rất cao.
Sau trận chiến biên giới, Bắc Kinh và Hà Nội đã đổi sang khẩu chiến, với những đòn tuyên truyền kích động và chống phá lẫn nhau trên các lãnh vực từ ngoại giao, truyền thông, báo chí cho đến phim ảnh, kịch nghệ. Hai phía cũng đã chi ra nhiều triệu Mỹ kim để mời các phái đoàn ngoại giao, đoàn thể, tổ chức quốc tế đến tham quan hầu tố cáo những tội ác giữa hai phía với nhau.
Lúc này, ông Hoàng Văn Hoan, phó chủ tịch quốc hội, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đã đào thoát sang Bắc Kinh nhân chuyến đi ngoại quốc vào năm 1979. Ông Hoan đứng về phía Bắc Kinh tấn công lại Hà Nội nên CSVN rất tức giận và đã khai trừ ông này ra khỏi đảng. Từ năm 1979 đến năm 1988, Bắc Kinh đã tiến hành 6 cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, qua các trận đánh:
-Từ ngày  17-2 đến 18-3-1979: Tấn công và phá hoại các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên giới.
-Tháng 6-1980: Pháo kích ào ạt và tấn công vùng biên giới tỉnh Cao Bằng để trả đũa cho việc CSVN mở những cuộc càn quét lực lượng Khờ Me Đỏ đóng trên vùng biên giới Thái – Miên.
-Tháng 5-1981: Tấn công tiến chiếm đồi 400 Lạng Sơn và chiếm một số đồi chiến lược tại Hà Giang.
-Tháng 5-1984: Tấn công và xâm chiếm một số đồi chiến lược vùng biên giới Vị Xuyên, Hà Giang.
-Tháng 12-1986 và 1-1987: Mở 15 đợt tấn công vào các đồi chiến lược 233, 685, 1100 và 1950 của CSVN tại vùng biên giới Vị Xuyên.
-Tháng 4-1987 đến 10-1988: Tiến hành 11 cuộc tấn công, chủ yếu là pháo kích vào các khu vực biên giới. 
Sự thay đổi chiến lược tại Liên Xô với chủ trương Cởi Mở và Tái Phối Trí của Tổng Bí Thư Gorbachev vào năm 1985 và nhất là do tình hình kinh tế kiệt quệ sau gần 10 năm cải tạo cả nước một cách sắt máu để “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”, đã buộc lãnh đạo CSVN phải tìm một hướng đi mới nhằm cứu vãn tình trạng phá sản của đất nước. Tháng 5-1988, Bộ chính trị CSVN đã họp và thay đổi sách lược từ “hợp tác toàn diện với Liên Xô’ sang thành “đa dạng hóa, đa phương hóa”. (56)
Trong bối cảnh đó, ngày 15-12-1988, Cộng sản Việt Nam chính thức đề nghị với Trung Quốc tổ chức cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng ngoại giao bàn về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đầu năm 1989, khi Hà Nội bắt đầu rút quân ra khỏi Cam Bốt thì Trung Quốc mới xúc tiến đàm phán với Cộng sản Việt Nam nhưng ở cấp thứ trưởng. Ngày 16 đến 19-1-1989, được coi là vòng đàm phán đầu tiên giữa Hà Nội và Bắc Kinh sau hơn 10 năm gián đoạn ngoại giao.
Tháng 11-1989, Nguyển Văn Linh đã gửi một thông điệp miệng cho Đặng Tiểu Bình để yêu cầu hai nước xúc tiến nhanh quan hệ bình thường. Mãi đến ngày 12-12, họ Đặng mới trả lời rằng Hà Nội phải rút hết quân ra khỏi Cam Bốt, giải quyết việc thành lập chính phủ lâm thời bốn bên do Hoàng thân Shianouk lãnh đạo, đồng thời Việt Nam chấp nhận một cơ chế giám sát quốc tế do Liên Hiệp Quốc chủ trì có bốn bên Cam Bốt tham gia để kiểm chứng việc rút quân của Việt Nam, thì Bắc Kinh mới sẵn sàng xem xét đề nghị của CSVN.

3/Thời Kỳ Từ Năm 1990 Đến Nay
Hai năm 1988-1989 là thời kỳ chuyển biến cho những định hướng mới về đường lối ngoại giao của CSVN trong bối cảnh tan rã của khối Cộng sản tại Đông Âu và sự lúng túng đối phó với tình hình khó khăn kinh tế - xã hội của Liên Xô. Vào lúc này, Bộ chính trị CSVN đã có hai cái nhìn mang tính chiến lược được ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ Trưởng ngoại giao ghi lại trong quyển “Hồi Ký” như sau. (57)
Thứ nhất, từ góc nhìn của thế giới quan Mác Lênin, mục tiêu lớn của Việt Nam vào lúc này là phải xác định bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới, Việt Nam phải coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược, Mỹ là kẻ thù chiến lược, phải đặt trọng tâm an ninh quốc gia vào chống “diễn biến hòa bình”. Chiến lược này lấy “chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội” làm mục tiêu lâu dài và cơ bản.
Thứ hai, từ góc nhìn của thời kỳ đổi mới tư duy, mục tiêu lớn của Việt Nam là phải hội nhập mạnh mẽ vào thế giới và khu vực, đặc biệt tranh thủ nguồn lực của các trung tâm tài chánh, công nghệ của thế giới, thực hiện ngoại giao đa phương, tạo thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược lớn này lấy “phát triển, hiện đại hóa” làm mục tiêu lâu dài và cơ bản.
Trên căn bản của những thay đổi về chiến lược nói trên, CSVN mong mỏi xúc tiến sớm các đàm phán với Trung Quốc. Nhưng mãi đến mùa hè 1990, qua đề nghị của Đặng Tiểu Bình, một hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo Trung Quốc và CSVN mới được tổ chức trong hai ngày 3 và 4-9 năm 1990 tại Thành Đô thay vì là Bắc Kinh. Trung Quốc giải thích rằng vì muốn tránh sự chú ý của quốc tế nên tổ chức ở Thành Đô, nhưng trên thực tế thì Bắc Kinh muốn hạ thấp cuộc gặp này.
Phía CSVN có Phạm Văn Đồng (cố vấn), Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư) và Đỗ Mười (Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng). Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân (Tổng Bí Thư), Lý Bằng (Thủ Tướng) nhưng Đặng Tiểu Bình (Chủ tịch Quân Ủy Trung ương) không tham dự.
Trên nguyên tắc cuộc họp Thành Đô được giữ bí mật đối với bên ngoài, nhưng theo ông Trần Quang Cơ thì ngay sau cuộc họp kết thúc, Bắc Kinh đã tiết lộ một số nội dung mà phía CSVN đồng ý về giải pháp Campuchia cho một số nước, kể cả việc Nguyễn Văn Linh yêu cầu Trung Quốc nắm lấy ngọn cờ xã hội chủ nghĩa trong lúc Liên Xô và khối Cộng sản Đông Âu đang đứng bên bờ sụp đổ, nhưng Bắc Kinh từ chối.
Những tiết lộ của Bắc Kinh nhằm hạ uy tín của CSVN đối với các nhóm tại Campuchia và các nước trong khu vực, nhưng Hà Nội đã không còn chọn lựa nào khác là “im lặng” để tiếp tục duy trì quan hệ với Bắc Kinh trong lúc Liên Xô đang trên đà tan rã.
Từ ngày 17 đến 27-6-1991, Đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội đảng lần thứ VII với một số thay đổi đặc biệt. Đỗ Mười thay Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư; Lê Đức Anh giữ vị trí số 2 trong đảng, vừa là Ủy viên thường trực Bộ chính trị kiêm Bí thư trung ương phụ trách cả 3 khối quốc phòng – an ninh - ngoại giao vừa là chủ tịch nước.  Sau Đại hội đảng kỳ VII trở đi, mọi vấn đề quan trọng về đối ngoại, đặc biệt là đối với Trung Quốc đều do ông Hồng Hà, bí thư trung ương phụ trách đối ngoại, quyết định dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê Đức Anh và tất nhiên được sự tán thưởng của Đỗ Mười. (58)
Để tăng cường lòng tin nơi Trung Quốc, cả Tổng bí thư Đỗ Mười lẫn Thủ tướng Võ Văn Kiệt viếng thăm Trung Quốc cùng một lúc từ 5 đến 10-11-1991. Sự kiện này đã bị giới cựu lãnh đạo phản đối kịch liệt vì cho Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt không giữ quốc thể, biểu hiện một thái độ khúm núm muốn ôm chầm lấy Trung Quốc. Trong cuộc thăm viếng này, hai bên đã ký Hiệp định mậu dịch Trung - Việt và Hiệp định tạm thời về cách giải quyết công việc biên giới giữa hai nước vào ngày 7-11-1991, tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh.
Sau chuyến viếng thăm nói trên, từ sau năm 1991, hàng năm CSVN đã cử hàng chục phái đoàn cao cấp sang trao đổi “ý kiến” với lãnh đạo các ban ngành của Trung Quốc và thường tránh lấy những quyết định gây khó chịu cho Bắc Kinh. Chính thái độ yếu kém này, ông Trần Quang Cơ trong tập sách Hồi Ký đã viết: “ Trung Quốc tuy bề ngoài có vẻ giữ sự bình đẳng với ta nhưng bên trong luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta.”
Từ năm 1991 trở đi, Cộng sản Việt Nam đã gắn chặt với Trung Quốc trên nhiều mặt, hay nói một cách khác là Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn bị Trung Quốc thao túng và tự nguyện đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh. Ngược lại Trung Quốc cũng đã đặt những ảnh hưởng rất lớn lên một số lãnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, văn hóa và an ninh của Việt Nam. Những ảnh hưởng này đang có chiều hướng biến thành nguy cơ Bắc Thuộc Lần Thứ 5 trong lịch sử cận đại Việt Nam.

VỀ CHÍNH TRỊ
Trung Quốc đã ảnh hưởng một cách sâu sắc lên thành phần lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Nói một cách cụ thể hơn là Bắc Kinh đã “nhốt” 14 Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN trong vòng kim cô “16 chữ Vàng hữu nghị”, bắt đầu từ thời Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa VIII vào ngày 26-12-1997, Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng bí thư thay thế Đỗ Mười xin về hưu. Trước đó, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa X (7/1997), Lê Đức Anh từ nhiệm Chủ tịch nước, thay thế bởi Trần Đức Lương,  và Võ Văn Kiệt từ nhiệm Thủ tướng, thay thế bởi Phan Văn Khải.  Bộ ba Lê Khả Phiêu – Lê Đức Anh – Phan Văn Khải vẫn tiếp tục đi theo đường lối quan hệ Trung Quốc của Đỗ Mười – Lê Đức Anh đã vạch ra.
Ngày 25-2-1999, Lê Khả Phiêu viếng thăm Trung Quốc và trong cuộc hội kiến với Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, họ Giang đã đề ra phương châm 16 chữ làm nguyên tắc chỉ đạo cho mối quan hệ mới giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thế kỷ 21 và được Lê Khả Phiêu tán đồng. Phương châm đó là “Ổn định lâu dài, hướng đến tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện.”
Cũng trong chuyến viếng thăm này, Lê Khả Phiêu đã đồng ý cho ký hai Hiệp ước về biên giới trên bộ trong năm 1999 và Văn kiện về phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Chính hai văn kiện này đã làm cho Lê Khả Phiêu bị một số cựu lãnh đạo đảng tố cáo là “bán nước” cho Trung Quốc nên bị mất chức Tổng bí thư tại đại hội toàn đảng kỳ IX vào tháng 4-2001.
Theo nhiều chuyên gia phân tích thì qua việc ký kết này, Việt Nam bị mất khá nhiều đất và lãnh hải vào tay Trung Quốc như Thác Bản Dốc, Ải Nam Quan. Tuy nhiên, phía CSVN, nhất là một số cán bộ ngoại giao phụ trách các cuộc đàm phán thì tuyên bố là Việt Nam không mất một tấc đất hay lãnh hải nào cho Trung Quốc; nhưng cho đến nay mọi chứng cứ về đàm phám không hề được công bố.
Tháng 11-2001, khi hội đàm với Nông Đức Mạnh người được đưa lên thay Lê Khả Phiêu vào giờ chót đại hội IX, Giang Trạch Dân đã giải thích chi tiết hơn về phương châm 16 chữ này và kể từ đó, CSVN đã chỉ thị cho các cơ quan tuyên giáo tổ chức học tập và tuyên truyền rộng rãi trong đảng cũng như trong quần chúng. (59)
"Ổn định lâu dài" là nhấn mạnh tình hữu nghị Trung Việt là phù hợp lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, bất kỳ lúc nào, bất kỳ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị, khiến nhân dân hai nước đời đời hữu nghị với nhau;
"Hướng tới tương lai" là phải xuất phát từ hiện nay, nhìn về lâu dài, kế thừa truyền thống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Trung Việt;
"Hữu nghị láng giềng" là yêu cầu hai bên phải làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, trước sau giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ hai nước với tinh thần hữu nghị láng giềng;
"Hợp tác toàn diện" là phải không ngừng củng cố, mở rộng và sâu sắc sự giao lưu và hợp tác giữa hai đảng, hai nước trong mọi lĩnh vực, để mưu cầu hạnh phúc cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy nền hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Ngày 22-8-2006, Nông Đức Mạnh lại viếng thăm Trung Quốc sau khi tiếp tục thêm một nhiệm kỳ Tổng bí thư sau Đại hội Đảng kỳ thứ X. Trong chuyến đi này, Nông Đức Mạnh đã đồng ý phát trỉển quan hệ song phương với Trung Quốc qua bốn lãnh vực:
Thứ nhất, lãnh đạo hai đảng và 2 nước Việt - Trung luôn duy trì mối quan hệ gần gũi thông qua những cuộc trao đổi các chuyến viếng thăm cấp cao. Sau này có thêm việc thiết lập đường dây nóng để trao đổi những vấn đề khẩn cấp.
Thứ hai, mối quan hệ thương mại và kinh tế hai phía luôn bước lên những nấc thang mới. Từ năm 2004 Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Thứ ba, vấn đề về lãnh thổ và mốc biên giới Việt - Trung nỗ lực giải quyết trên tinh thần đồng thuận, thiết lập và bảo đảm sự ổn định lâu dài trong mối quan hệ song phương.
Thứ tư, Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn về xã hội chủ nghĩa. Hai nước cùng tổ chức hội thảo về nghiên cứu chủ nghĩa xã hội, trong đó đã thiết lập được sự hợp tác và đối thoại về các vấn đề như ngoại giao, quốc phòng để có nền tảng phát triển bền vững, hữu nghị.
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc vào ngày 10-4-2007, Nguyễn Phú Trọng với tư cách Chủ tịch Quốc hội đã xác định: “Quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ tốt đẹp như lúc này.” (60)
Ngoài mối quan hệ “16 chữ vàng”, CSVN đã gắn chặt với Trung Quốc qua một cơ chế có tên là Hội Đồng Lý Luận Trung Ương. Trên bề mặt, Hội Đồng Lý Luận Trung Uơng là cơ quan trao đổi những thành quả nghiên cứu về chính sách, đường lối  trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước; nhưng thực tế là nơi mà Trung Quốc đặt những ảnh hưởng về tư tưởng, chính trị rất lớn lên các hướng đi của đảng CSVN. Hội Đồng Lý Luận được hai bên chính thức thành lập vào năm 2000 và luân phiên tổ chức những hội nghị trao đổi hàng năm ở mỗi nước. Hội Đồng Lý Luận Trung Ương phía CSVN do ông Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch đầu tiên và hiện nay là ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Qua hoạt động của Hội Đồng Lý Luận này, CSVN học hỏi và tiếp thu  những đường lối mà Trung Quốc đã áp dụng tại Trung Quốc như chính sách Tam Nông, chính sách cho đảng viên làm kinh tế, chính sách gom các công ty quốc doanh thành lập những tập đoàn kinh tế...
Nhận định về những ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc lên nội tình CSVN, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ CSVN tại Trung Quốc đã viết như sau: Trung Quốc "nghiễm nhiên đứng được trên nóc nhà Đông Dương – vị trí chiến lược trọng yếu của Việt Nam – qua kế hoạch khai thác bô-xít Tây nguyên, rồi thuê rừng đầu nguồn trong 50 năm, tự ý bày ra “đường lưỡi bò” để chiếm gần trọn biển Đông, cấm đánh cá, bắn giết, bắt, phạt tiền ngư dân VN, thuê dài hạn 1 đoạn bờ biển Đà Nẵng. Đó là chưa kể họ xây đập trên thượng nguồn sông Mêkông khiến tác hại đến “vựa lúa”, hoa màu và thủy sản ở Nam Bộ. ... Thế là, trên khắp đất nước ta, từ “nóc nhà Đông Dương”, từ rừng núi tới đồng bằng, đến ven biển đã có hàng vạn người Trung Quốc rải ra, có là mối nguy tiềm ẩn không? Từ những tình hình trên, rõ ràng Việt Nam ta bị hại đủ đường, và bị o ép tứ phía. Vì đâu nên nỗi này? Nhân dân ta nghĩ gì?" (61)

VỀ KINH TẾ
Từ lúc bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, trao đổi kinh tế thương mại giữa CSVN và Trung Quốc đã phát triển một cách nhanh chóng. Cán cân thương mại giữa hai nước từ 30 triệu Mỹ Kim vào năm 1991 đã lên đến 35,65 tỷ Mỹ Kim vào năm 2011. Tuy hai phía đã có những trao đổi thương mại vượt bực, nhưng cán cân thương mại luôn luôn bất lợi nằm ở phía CSVN với tình trạng nhập siêu đang ở mức báo động.
Theo những số liệu Thống Kê của CSVN thì tính từ năm 2001 trở đi, kim ngạch nhập siêu của CSVN đối với Trung Quốc đã tăng lên hàng năm như sau: 210 triệu Mỹ (2001), 4,3 tỷ Mỹ Kim (2006), 9,2 tỷ Mỹ Kim (2007), 12,6 tỷ Mỹ Kim (2008), 11,2 tỷ Mỹ Kim (2009), 11,3 tỷ Mỹ kim (2010), 12,7 tỷ Mỹ Kim (2011).
Nếu dựa theo những số liệu nhập siêu của cả nước là 1,2 tỷ Mỹ kim (2001), 5,1 tỷ Mỹ Kim (2006), 12,4 tỷ Mỹ Kim (2007), 18,1 tỷ Mỹ Kim (2008),  12,3 tỷ Mỹ Kim (2009), 12,1 tỷ Mỹ Kim (2010), 12,4 tỷ Mỹ Kim (2011) thì nhập siêu với Trung Quốc chiếm tới gần 2/3 trong tổng nhập siêu của CSVN đối với toàn thế giới.  Chỉ cần nhìn vào các con số này, người ta thấy rõ là nền kinh tế thương mại Việt Nam đang bị Trung Quốc khống chế rất lớn. Sự lệ thuộc này có thể nhìn thấy trên 3 yếu tố sau đây.
Thứ nhất, hàng hóa Trung Quốc đã tuôn vào Việt Nam bằng bất cứ cửa khẩu nào, đường bộ, trên biển, còn hàng Việt Nam qua Trung Quốc lại bị buộc phải qua một số cửa khẩu do phía Trung Quốc chỉ định. Ví dụ Cao Su chỉ qua được cửa khẩu Móng Cái hoặc Lục Lầm. Thủy hải sản chỉ được qua cửa khẩu Móng Cái. Hoa quả tươi chỉ được qua cửa khẩu Lào Cai hoặc Lạng Sơn.
Ngoài ra, phía CSVN không có quy chế ràng buộc đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc thì lại thường đẻ ra và thay đổi liên tục những quy định về kiểm định, chi phí nhập cảnh... khiến cho những doanh nghiệp của Việt Nam nhiều phen điêu đứng, nhất là những người buôn bán hoa quả, thủy sản tươi và mủ cao su.
Thứ hai, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bán ở các tỉnh phía Nam hoặc Tây Nam Hoa Lục, nghĩa là không đi được khắp các nơi tại Trung Quốc. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam thì đi đến bất cứ làng xóm nào của Việt Nam, từ thành phố cho đến thôn quê hẻo lánh.
Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thường mang thương hiệu chính thức, danh tiếng. Hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam đa phần là hàng địa phương, giá rất bèo. Ngoài ra, buôn lậu và gian  thương Trung Quốc đã chuyển hàng qua biên giới những mặt hàng độc hại thiếu vệ sinh, hàng nhái để tung vào thị trường giết chết rất nhiều mặt hàng của Việt Nam.
Thứ ba, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu sản phẩm thô hoặc sơ chế khai thác từ quặng mỏ như cao su, gỗ, dầu thô, than đá chiếm 40% còn lại là một số nông sản nhiệt đới như hoa quả, cà phê, trà chiếm 40% và hàng công nghiệp chiếm khoảng 20%. Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, thép, hóa chất, thiết bị vận tải, nguyên liệu dệt may, da giày, phân bón và hàng tiêu dùng.
Với những hàng hóa trao đổi giữa CSVN và Trung Quốc cho thấy là hàng của Việt Nam quanh quẩn chỉ là những hàng thô, chất lượng thấp, đồ tươi khó bảo quản lâu dài. Ngoài ra, Trung Quốc là khách hàng chính, giá lại thấp và thường xuyên bị ép giá nên kim ngạch thu về luôn luôn thấp. Trong khi đó, Việt Nam nhập hàng về từ Trung Quốc, tuy tiếng là nhập “nguyên vật liệu sản xuất” nhưng đó lại là hàng hóa thực dụng như sắt thép, phân bón, hóa chất, vải sợi.. nên giá luôn luôn cao, dẫn đến tổng kim ngạch nhập khẩu từ phía Trung Quốc cao là vì vậy.
Nhưng vấn đề tại hại nhất cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là sự làm ăn bất chính của các lái buôn Trung Quốc, đặc biệt là trong lãnh vực nông sản. Ban đầu các lái buôn Trung Quốc sang Việt Nam, đặt nhiều trạm thu mua hàng nông sản một cách ào ạt, khiến cho giá nông sản tăng nhanh một cách giả tạo. Nông dân gia tăng sản xuất để bán cho lái buôn Trung Quốc kiếm lời, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thì cạnh tranh không nổi nên rơi vào tình trạng phá sản. Sau khi thao túng được thị trường và chiếm một phần sản phẩm, những lái buôn Trung Quốc bắt đầu ngưng thu mua một cách đột ngột khiến cho giá nông sản bị giảm mạnh. Khi giá giảm rất thấp thì các lái buôn bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua.
Nếu nông dân không chịu bán thì họ lại đặt ra một số điều kiện (ví dụ khoai lang củ to không mua, bắt phải giảm giá). Trong hoàn cảnh như vậy, nông dân không thể nào giữ hàng chờ lên giá nên đành phải bán trong điều kiện bị ép giá rất nặng. Nhờ thao túng thị trường, lái buôn Trung Quốc có thể lựa chọn nông sản tốt nhất với giá thấp nhất để thu mua và bán lại với giá cao hơn ở những thị trường khác.  Trong năm 2012, đã có tới bốn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị lái buôn Trung Quốc thao túng khiến cho giá bị giảm một cách thê thảm là khoai lang, dứa, gạo và dừa, theo mô thức thao túng chung là: tung tin hoặc mua một phần với giá cao để giết chết doanh nghiệp địa phương và khiến nông dân đổ dồn đầu tư và gia tăng sản xuất  – ngừng mua – mua lại và ép giá.(62)

VỀ ĐẦU TƯ
Từ năm 1991 đến năm 1999, Trung Quốc chỉ có 76 dự án với tổng số vốn là 120 triệu Mỹ Kim đầu tư tại Việt Nam; hơn 10 năm sau, tính đến tháng 11/2011, Trung Quốc đã có 805 dự án với tổng số vốn là 3,2 tỷ Mỹ Kim. Tuy Trung Quốc đứng hàng thứ 11 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam hiện nay, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu những dự án trọng điểm tại Việt Nam. Lý do là Trung Quốc đã cho CSVN vay những ngân khoản rất lớn để phát triển nên đã buộc Hà Nội phải để cho các doanh nghiệp Trung Quốc trúng những dự án được thực hiện bởi tiền vay từ Trung Quốc. Ví dụ, CSVN đã vay 300 triệu Mỹ Kim từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc và phải để cho Tập Đoàn Đông Phương của Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận vào tháng 9-2010. (63)
Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam trong 10 năm qua đã có sự chuyển hướng từ lãnh vực khách sạn, nhà hàng và hàng tiêu dùng chuyển sang các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 17 ngành Trung Quốc có đầu tư ở Việt Nam hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu chiếm 76%; tiếp sau đó đến xây dựng chiếm 5,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 3,8%. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc còn phân bố rải rác ở một số lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, khai khoáng, thông tin và truyền thông, điện, khí nước, điều hòa… Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào các dự án nhạy cảm như trồng cây công nghiệp ở rừng đầu nguồn tại 10 tỉnh miền Bắc Trung Phần, khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, hạ tầng cơ sở và nhiệt điện.
Trong khi đầu tư của Trung Quốc vào xây dựng cơ sở hạ tầng không lớn, các công ty Trung Quốc tập trung đa số vào lãnh vực nhiệt điện. Theo một chuyên gia trong ngành điện lực tại Việt Nam cho biết là ngân hàng của Trung Quốc - với tư cách là người thẩm định hồ sơ vay vốn, có quyền kiểm duyệt các điều kiện kỹ thuật trong dự án. Điều kiện đó liệu thích hợp với các nhà thầu của Trung Quốc hay không? Từ đó, Bắc Kimh mới đòi hỏi phải hạ thấp một số tiêu chuẩn xây dựng để các nhà thầu Trung Quốc có cơ hội tham gia thì mới cho vay vốn.
Ví dụ hiệu suất lò hơi nhiệt điện trong hồ sơ đấu thầu một dự án nhiệt điện than, nếu chỉ nâng lên 1% để bảo đảm chất lượng, thì ngay lập tức, hàng loạt các nhà thầu Trung Quốc sẽ bị rớt vì không đạt yêu cầu. Nhưng, chỉ cần hạ 1% hiệu suất lò hơi theo đề nghị của Ngân hàng Trung Quốc, giá thành máy móc, thiết bị đã giảm tới 20-30% . Vì yếu tố kinh tế đó, thông thường, cả bên đi vay và bên cho vay đều chấp nhận và trong các dự án nhiệt điện vay vốn Trung Quốc không bao giờ đề cập đến vấn đề chất lượng cho nên sự an toàn của các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc xây dựng sẽ là những ngòi nổ trong tương lai. Thực tế này đã xảy ra với nhiệt điện Cao Ngạn vào năm 2009, cách nay 3 năm. Mặc dù doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn thành dự án và bàn giao cho phía CSVN rồi, nhưng nhà máy này đã phải hoạt động trong tình trạng vừa chạy, vừa sửa chữa, cải tiến liên tục. (64)
Tháng 7-2010, công ty Trung Quốc trúng thầu nhà máy nhiệt điện Kiên Lương, trị giá 2 tỷ Mỹ Kim. Năm 2011, Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ cho Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Hưng Việt Nam giai đoạn 1. Dự án này nằm ở tỉnh Bình Thuận với hai tổ máy, công suất mỗi tổ 600.000 KW, dự kiến sẽ bắt đầu phát điện năm 2014. Dự án này do Tập đoàn Ngân hàng Trung Quốc huy động vốn. Ngoài ra, hai Tập đoàn Điện khí Thượng Hải và Tập đoàn Đông Phương của Trung Quốc có mặt trong các dự án quan trọng xây dựng các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Duyên Hải 1.... (65)
Tóm lại, Trung Quốc đã khống chế CSVN không chỉ với những số tiền cho vay để đầu tư, mà còn đưa ra các điều kiện để công ty Trung Quốc trúng thầu, tức là tạo công việc làm cho các công ty Trung Quốc trên đất Việt bằng chính tiền cho vay, sau đó bàn giao lại cho Việt Nam với tình trạng hư hỏng liên miên để Việt Nam tiếp tục phải lệ thuộc vào Trung Quốc về kỹ thuật và vật liệu.
Cho đến nay, chưa có một thống kê chi tiết nào về việc CSVN đã vay bao nhiêu tiền của Trung Quốc; nhưng hầu hết các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam, đa số vốn vay ưu đãi lãi xuất thấp đến từ Trung Quốc, chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Điều kiện cho vay của Ngân hàng Trung Quốc rất dễ chịu, không đòi hỏi nhiều thủ tục khó khăn, phức tạp như Ngân hàng Thế giới nên CSVN, Cam Bốt, Lào và nhiều quốc gia Phi Châu đã vay mượn từ Trung Quốc rất nhiều. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng việc Trung Quốc cho vay mượn dễ dàng là vì muốn sử dụng các hoạt động tín dụng để khống chế lên nền kinh tế của những quốc gia liên hệ và đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

VỀ VĂN HÓA
Văn hóa là lãnh vực mà Việt Nam và Trung Quốc đã có những liên hệ từ lâu đời. Sống bên cạnh một nước lớn từ hơn 5.000 năm qua, nền văn hóa Việt Nam đã ảnh hưởng từ ngôn ngữ, nếp sống, phong tục của người Trung Hoa là điều không thể tránh. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của “văn hóa cộng sản” du nhập vào nước ta từ Trung Quốc, không phải do dân chúng mà do chính lãnh đạo CSVN đưa vào để cải tạo xã hội Việt Nam theo mô hình của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ngoại trừ giai đoạn xung đột gay gắt từ năm 1979 đến năm 1990, CSVN đã cho phép phim ảnh, sách truyện Trung Quốc lưu truyền một cách rộng rãi tại Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam là cơ quan tiến hành các quan hệ hợp tác văn hóa với Bộ Văn hóa Trung Quốc, thông qua một Hiệp định hợp tác được ký kết giữa hai chính quyền. Cụ thể ra, Trung Quốc sẽ giúp CSVN đào tạo những cán bộ văn hóa, kinh nghiệm để bảo tồn, bảo tàng những di tích văn hóa. Ngược lại phía CSVN sẽ để cho Trung Quốc truyền bá những văn hóa nghệ thuật vào Việt Nam, hoặc ủng hộ, cổ võ những chương trình văn hóa mà Trung Quốc muốn truyền bá ra thế giới bên ngoài.
Một trong những phương tiện mà Trung Quốc đang dùng để truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới bên ngoài là Học Viện Khổng Tử được thành lập vào đầu năm 2004 và do Văn phòng Hội đồng tiếng Hoa Quốc tế chịu trách nhiệm về tài chánh, nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ giáo dục Trung Quốc. Chức năng của Học Viện này là giảng dạy, đào tạo giáo viên tiếng Hoa, tổ chức thi trình độ tiếng Hoa, chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... nhằm mở rộng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa trên toàn thế giới. Trung Quốc có kế hoạch thiết lập khoảng 100 Học viện Khổng Tử tại các nước trên thế giới. Hiện nay Học viện Khổng Tử đã có mặt tại khoảng 40 quốc gia.
Tháng 4-2009, nhà cầm quyền CSVN đã cho phép thành lập Học viện Khổng Tử tại Việt Nam qua công văn số 1992/VPCP-QHQT gửi các Bộ Giáo dục – Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Văn phòng Trung ương Đảng do ông Nguyễn Tấn Dũng ký. Học viện Khổng Tử được coi như là nhân tố của quyền lực mềm trong đường lối chính trị của Trung Quốc, qua đó Bắc Kinh dùng tầm ảnh hưởng, uy tín và sức thu hút để thực hiện những dụng ý đối với quốc gia liên hệ mà không cần phải dùng đến biện pháp quân sự. Trước sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên xã hội Việt Nam ngày một gia tăng, một số học giả Việt Nam như Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diệu, Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa đã bày tỏ sự lo âu, qua một cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm, Đài Á Châu Tự Do. (66)
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng: “Quyền lực mềm chính là gì? Chính là Trung Quốc dùng ảnh hưởng phim ảnh trong khi hiện nay tình trạng phim ảnh Việt Nam nhất là phim lịch sử rất ít. Phải thuê mượn người ta mà kết quả thì ai cũng biết. Khi thuê mượn và giao cho đạo diễn người Trung Quốc thì họ áp dụng văn hoá của họ vào phim và chỉ đặt cái tên là phim Việt Nam mà thôi. Ngay cả tình tiết, tâm lý đều là Trung Quốc. Ngay cả xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi nhắc tới những chiến thắng của Nhà Lý, Nhà Tiền Lê nhưng chỉ coi đó là vấn đề nội bộ chém giết nhau cho thấy đây là một di hại vô cùng thâm độc.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ưu tư: “Văn hoá Trung Quốc đang xâm lấn văn hoá Việt Nam và bản lĩnh văn hoá Việt Nam lúc này đang trong một cơn thách thức mạnh, nhưng rất tiếc những người làm công tác quản lý văn hoá lại không nhận rõ nguy cơ này. Bên cạnh đó chưa có chỉ đạo có tính chất quyết định để chống lại sự xâm lăng văn hóa đến từ phía Trung Quốc ngày một mạnh hơn.”
Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa: “Bây giờ xu hướng của họ là tư tưởng Đại Hán bành trướng. Tôi cảm thấy bây giờ nó bắt đầu như thời gian 1.000 năm Bắc thuộc nhưng bây giờ thì kiểu khác. Nó bắt đầu rồi chứ không phải là manh nha nữa. Bắt đầu bằng những chính sách của họ và ngay bản thân những chính sách của mình nữa đã thể hiện rằng thời kỳ Bắc thuộc đã bắt đầu nhưng dưới hình thức khác.”

VỀ AN NINH QUỐC PHÒNG
Từ những năm trong thập niên 40 của Thế kỷ 20, đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận rất nhiều sự hỗ trợ quân sự từ phía đảng Cộng sản Trung Quốc để tiến hành các cuộc đấu tranh giành quyền lực thống trị trên miền Bắc Việt Nam (1946) và miền Nam Việt Nam (1975). Trong mối quan hệ này, Trung Quốc đã không chỉ cung cấp vũ khí, các thiết bị quân dụng mà còn huấn luyện về mặt quân sự và chính trị cho quân đội Cộng sản Việt Nam. Do những huấn luyện và giúp đỡ này của Trung Quốc, đa số những tướng lãnh cao cấp trong quân đội CSVN chịu rất nhiều những ảnh hưởng từ Bắc Kinh trên các mặt an ninh - quốc phòng.
Sự kiện quân đội CSVN bị “ảnh hưởng” nặng nề từ Trung Quốc đã biểu hiện rõ nhất qua việc Quân đội CSVN tổ chức một loạt các sinh hoạt gọi là kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc (1927-2012), trong lúc Trung Quốc đã có những leo thang quân sự ở biển Đông kể từ đầu tháng 4-2012. Ngày 28-7-2012, Bộ quốc phòng CSVN đã tổ chức một buổi lễ triệu tập hàng trăm sĩ quan thuộc các cơ quan của Bộ, các binh chủng và các quân khu đã từng được phía Trung Quốc đào tạo qua các thế hệ để bày tỏ lòng biết ơn Trung Quốc. (67)
Buổi lễ đặt dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội. Ngoài ra còn có hai Thứ trưởng quốc phòng tham dự là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Nguyễn Thành Cung tham dự. Trong lời phát biểu khai mạc, Trung tướng Mai Quang Phấn, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã cho biết buổi lễ là nhằm “thể hiện lòng biết ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc đã đào tạo cán bộ cho quân đội CSVN, đồng thời biểu dương các sĩ quan từng được Trung Quốc đào tạo.” Riêng Đại tướng Phùng Quang Thanh, một trong 14 Ủy viên Bộ chính trị đã phát biểu “ghi nhớ và mãi mãi biết ơn” sự giúp đỡ và huấn luyện của Trung Quốc đối với quân đội CSVN.
Buổi lễ nói trên xảy ra khoảng 10 ngày sau khi Quân ủy trung ương Trung Quốc vào ngày 19-7 đã loan báo quyết định  thành lập một đơn vị đồn trú Tam Sa, đứng đầu là bộ chỉ huy quân sự, đặt tại đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) trên quần đảo Hoàng Sa . Theo thông báo của Bộ quốc phòng Trung Quốc thì đơn vị đồn trú này có trách nhiệm huy động các lực lượng quốc phòng, tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa (bao gồm ba quần đảo Hoàng sa, Trường Sa và Tây Sa). Bài phân tích của Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng (IDSA) thuộc Bộ quốc phòng Ấn Độ hôm 30-7 cho biết là lực lượng đồn trú Trung Quốc có khoảng 1.200 binh sĩ.
Việc đưa quân đội đến đồn trú tại quần đảo Hoàng sa nhằm quân sự hóa việc kiểm soát biển Đông, cùng với những thiết lập các quan hệ về an ninh chiến lược với Lào và Cam Bốt từ năm 1994 cho đến nay, cho thấy ý đồ của Trung Quốc là tìm cách bao vây Việt Nam ở phía Tây (Lào, Cam Bốt), phía Đông (Biển Đông) và phía Bắc (Biên giới Việt – Trung) để phải lệ thuộc Trung Quốc về mặt an ninh - quốc phòng. Trong khi đó, từ năm 2010, sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bắc Kinh đã gợi ý việc thiết lập đối thoại chiến lược hàng năm giữa hai nước nhằm vào một số mục tiêu như:
1/Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, phối hợp giữa hải quân, biên phòng và quân khu giáp biên hai nước và tăng cường các cuộc tuần tra chung.
2/Thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ quốc phòng, mở rộng đào tạo học viên quân sự dài hạn và ngắn hạn.
Cho đến nay, CSVN và Trung Quốc đã có hai cuộc đối thoại chiến lược xảy ra vào tháng 11-2010  tại Việt Nam và 8-2011 tại Bắc Kinh. Đặc biệt là cuộc đối thoại chiến lược lần thứ hai được chuẩn bị trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội khi xảy ra vụ tàu Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải miền Trung Việt Nam và cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lúc đang nghiên cứu về địa chấn vào ngày 26-5-2011.  Trung Quốc đã yêu cầu phía CSVN phải ngăn cấm những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn thì cuộc đối thoại mới tiến hành. CSVN đã phải ra lệnh lực lượng công an đàn áp và ngăn chận các cuộc biểu tình một tuần trước khi Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng lên đường sang Bắc kinh dự Đối thoại chiến lược với Trung Quốc vào ngày 28-8-2011.
Tại cuộc đối thoại chiến lược này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thông báo với lãnh đạo Bắc Kinh, qua Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc rằng “CSVN chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.”  Nguyễn Chí Vịnh còn nói rằng “hiện nay thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá, thứ nhất là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc, thứ hai là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt – Trung ... Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc.” (68)
Phát biểu của Nguyễn Chí Vịnh cho thấy là lãnh đạo CSVN hoàn toàn không dám nhắc gì đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mà Trung Quốc đã xâm chiếm, và nhất là chủ quyền trên thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm phạm khi đưa ra chủ trương đường lưỡi bò chín khúc để cấm ngư dân Việt Nam đánh cá.  Sự phát biểu vô ý thức của Nguyễn Chí Vịnh và sự kiện Bộ quốc phòng CSVN tổ chức buổi lễ kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Trung Quốc với lời phát biểu “mãi nhớ ơn” Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng quân sự hóa để kiểm soát biển Đông cho thấy là Trung Quốc đang khống chế thật sự nền an ninh – quốc phòng Việt Nam.
Trần Diệu Chân

-------
50-Xem thêm ở đây: https://www.cia.gov/redirects/factbookredirect.html)
51- Xem thêm ở đây: https://www.cia.gov/redirects/factbookredirect.html)
52-Xem thêm ở đây: http://www.nciec.gov.vn/index.nciec?2314
53-Xem thêm ở đây: http://wwww.eicvn.eu/thoi-su/tin-thoi-su/viet-nam/2192-cong-ham-ca-th-tng-phm-vn-ng-va-quan-h-vit-trung
54-Carl Thayer: Xung Đột Giữa Việt Nam - Trung Quốc. http://v1.x-cafevn.org/node/2494
55- Lưu Á Châu, Vì sao Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979? http://htx.dongtak.net/spip.php?article3959
56-Nguyễn Dy Niên, Chính sách và hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới.
http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30525&cn_id=33141
57-Trần Quang Cơ: Hồi Ký. Xem tại đây:
http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=236879&mpage=1
58- Ông Trần Quang Cơ, trong quyển Hồi Ức đã kể rằng: “Những công việc xưa nay vốn do Bộ ngoại giao đảm nhiệm nay đều do Hồng Hà và Ban đối ngoại chủ trì. Trong cuộc họp Hội đồng bộ trưởng, Hồng Hà đã tuyên bố: “Từ nay trong quan hệ với Trung Quốc các ngành cứ tập trung chỗ anh Trương Đức Duy (đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh.”  Xem thêm ở đây: http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=236879&mpage=1&AspxAutoDetectCookieSupport=1
59-Xem thêm ở đây:  http://www.chinavietnam.gov.cn/cvweb/vcc/info/Article.jsp?a_no=134050&col_no=567
60-Xem thêm ở đây:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C6%B0%C6%A1ng_ch%C3%A2m_16_ch%E1%BB%AF_v%C3%A0ng#cite_note-ph.C6.B0.C6.A1ng_ch.C3.A2m-3
61-Nguyễn Trọng Vịnh, Bộ mặt thật lãnh đạo Trung Quốc.
http://vibay.blogspot.com/2012/07/bo-mat-that-cua-nhung-nguoi-lanh-ao.html
62-Thành Công - Mỹ Vân: Thương lái Trung Quốc: Mánh cũ sao lừa đâu cũng thắng? http://anhbasam.wordpress.com/
63- Trung Quốc cho CSVN vay 300 triệu Mỹ Kim để xây nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
http://www.tin247.com/trung_quoc_cho_vay_300_trieu_usd_xay_nha_may_dien-3-21696043.html
64-Phạm Huyền, Vị đắng khi lệ thuộc vốn vay Trung Quốc - VEF
http://vef.vn/2011-01-07-vi-dang-khi-le-thuoc-von-vay-trung-quo
65-Trung Quốc đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam
http://www.baomoi.com/Trung-Quoc-dau-tu-nha-may-dien-o-Viet-Nam/45/4786747.epi
66- Mạc Lâm, Trung Quốc Khống Chế Văn Hóa Việt Nam, RFA.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-cn-use-soft-power-i-vn-prt3-09202011070050.html
67-Quân Đội Việt Nam “mại nhớ ơn” Trung Quốc – BBC.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120729_pla_celebrated_vietnam.shtml
68-Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam lần thứ 2 – Tin Mới
http://www.tinmoi.vn/doi-thoai-chien-luoc-quoc-phong-an-ninh-viet-trung-08577033.html

Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét