LTCGVN (12.10.2014)
Sài Gòn - Vừa rồi thành phố Hồ Chí Minh có phát đến từng hộ dân bản cam kết được in sẵn yêu cầu chủ hộ ký với nội dung: “Không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.
Đây là việc làm bất thường.
Đầu tiên là chữ BẢN CAM KẾT được in to đậm, theo từ điển tiếng Việt năm 1996 của trung tâm từ điển học thuộc viện ngôn ngữ học ở trang 102 định nghĩa: Cam kết (động từ): chính thức cam đoan làm đúng những điều đã hứa (ký giấy cam kết).
Trong thực tế hàng ngày chỉ khi hai bên đã gặp nhau trao đổi và thỏa thuận rồi thì mới cùng nhau ký cam kết ghi nhận và làm căn cứ để cùng nhau thực hiện các điều đã nhất trí.
Ngoài ra các ứng viên vào một vị trí nào đó cũng thường đưa ra những lời hứa và cam kết thực hiện chúng khi đắc cử để mọi người có cơ sở giám sát trên thực tế.
Trong trường hợp nêu trên, người dân chưa hề gặp bất cứ đại diện nào của chính quyền để trao đổi về các nội dung ký cam kết thì được chính quyền cử người ấn vào tay bản cam kết coi như lời hứa của dân do chính quyền nghĩ hộ, viết hộ ai cũng giống nhau và phải cùng nhau ký cho “đẹp đội hình”. Một sự bao cấp về suy nghĩ mà xem ra chỉ có ở chế độ dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư sản như lời bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới có.
Tiếp đến phần nội dung thì đập vào mắt người dân là câu: Thi hành pháp luật số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 06 năm 2011 của ủy ban thường vụ Quốc Hôi khóa 12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2012 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trước hết cần phải nói rằng trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta không hề có cái gọi là: “Pháp luật số 16/2011/UBTVQH12…..” để mà đem ra thi hành, mà chỉ có Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12. Ở đây người soạn cam kết không hiểu vì sao lại đưa ra khái niệm mới này?
Theo tác giả Hoàng Xuân Phú trong bài viết: “Hiến Pháp vi hiến” và Hiến Pháp 2013: “sửa nhầm hay đổi thật”, đã nêu rõ: “Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 cho phép nổ súng vào người dân là trái với quy định của điều 14 Hiến Pháp 2013 và vì thế nó VI HIẾN. Điều 14 khoản 2 Hiến Pháp 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của LUẬT trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2012 lại căn cứ vào pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 06 năm 2011 mà như trên phân tích là VI HIẾN.
Như vậy các căn cứ mà bản cam kết do chính quyền viết sẵn dựa vào là VI HIẾN.
Đấy là chưa kể đến một số nội dung trong cam kết sẽ có thể bị chính quyền hiểu sai hoặc lợi dụng ví dụ như: “Không cản trở người thi hành công vụ trong kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”. Với cam kết này chính quyền có thể có cơ sở pháp lý để nhân danh “Thi hành công vụ” mà tùy tiện xâm nhập trái phép chỗ ở của công dân, các cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp… nhằm mục đích tìm kiếm “vũ khí, vật liệu nổ”..vv..
Tại sao như vậy? Chính là vì điều 22 của Hiến Pháp 2013 khoản 2 và 3 có ghi rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chổ ở do LUẬT định. .
Bản chất của Hiến Pháp là đạo luật gốc, là đạo luật đứng trên tất cả các đạo luật, mọi đạo luật ban hành ra đều phải tuân theo Hiến Pháp. Nếu luật ban hành trái Hiến Pháp thì luật đó không có giá trị, phải bị hủy bỏ.
Trong thể chế cộng hòa, nhà nước phải là: “của dân, do dân và vì dân”. Hiến Pháp công nhận các quyền con người, còn các đạo luật phải triển khai các công nhận nhằm bảo vệ công dân có quyền thực hiện các quyền con người, mà không bị ngăn cản. Những quy định như Pháp lệnh và Nghị định vừa dẫn cho thấy đó chỉ là công cụ quản lý và hạn chế quyền con người, chứ không giúp dân thực hiện tối đa quyền con người. Như vậy các văn bản luật và dưới luật này không phù hợp với Hiến Pháp, tức VI HIẾN.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao chính quyền chỉ chăm chăm bắt người dân ký cam kết liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ..vv. trong khi bao nhiêu vấn đề khác quan trọng không kém thì lại chẳng đoái hoài đúng mức đến việc phải cam kết, ví dụ như: Ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, thuốc giả, báo chí tránh né sự thật và đưa tin định hướng sai, lạm thu tiền trường đầu năm học..vvv.. Những vấn đề này không chỉ âm thầm ngày đêm giết dần mòn thể xác, tinh thần, nhân phẩm của dân tộc ta, nòi giống ta hôm nay mà còn để lại nhiều di hại cho muôn đời sau. Phải chăng vì tuy hại nhiều hơn nhưng nó không gây ra tiếng nổ (mặc dù tiếng nổ đôi khi có thể chỉ ảnh hưởng đến một vài người) nên chưa cần quan tâm lắm ?. Tiếng nổ dễ lượng hóa hơn, dễ nguy hiểm cho chế độ trước mắt hơn những cái khác?
Từ một việc nhỏ là bắt ký cam kết này người dân được quyền hỏi: “Nhà nước này là của ai? Nó bảo vệ ai?”Trong khi ai cũng biết rằng nhà nước này đang tồn tại bằng tiền thuế của dân.
BS. Đinh Đức Long
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét