Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

TIỀN THAM NHŨNG GIẤU Ở ĐÂU?



LTCGVN (15.10.2014)


Ngày 5/10/2014, trang thông tin điện tử của ĐCSVN đăng một tin ngắn: “Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Vanuatu (Va-nu-a-tu) Joe Natuman (Giô-e Na-tu-man) và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-9/10/2014”.

Theo bài báo, mục đích của chuyến viếng thăm là để “thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.
Bình luận về sự có mặt tại Hà Nội của Thủ tướng Joe Natuman, nhiều bài báo trên mạng xã hội nêu 3 nghi vấn.
1. Đảng CS và nhà nước VN muốn sử dụng Vanuatu như một trạm trung chuyển để chuyển ngoại tệ trong nước ra nước ngoài như Trung Quốc sử dụng Samoa (cũng là một quốc đảo tại Thái Bình Dương, thiên đường rửa tiền) làm nơi trung chuyển cho những đầu tư lớn (bí mật) tại nước ngoài.
2. Đảng CS và nhà nước VN muốn sử dụng Vanuatu như là nơi lưu trữ ngoại tệ (và trốn thuế) từ những cơ sở kinh tài hợp pháp và bất hợp pháp của đảng tại hải ngoại.
3. Do không còn khả năng vay mượn những khoản tín dụng lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế, đảng CS và nhà nước VN đành phải vay từ các tổ chức tài chính tại đó với tiền lời rất cao (loan shark) để chữa cháy nền kinh tế trong nước. Và để đổi lại, đảng và nhà nước CSVN giúp phương tiện cho họ rửa tiền tại VN.
Từ 3 giả thuyết trên, một nghi vấn thứ tư đặt ra: đây là dấu hiệu tháo chạy hoặc đường cùng của ĐCSVN?.
Hai trong ba giả thuyết nói trên là có cơ sở, và điều này không cần phải đợi đến “nhờ vả” Vanuatu.
Đầu năm 2006, đồn đoán về “quỹ đen” của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã được chính thức xác nhận, khi Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên thông báo với Quốc hội rằng “được sự đồng ý của các lãnh đạo Chính phủ năm 1988-1989, tính đến tháng 12-2004, tổng số tiền quỹ của Bộ Ngoại giao lập tại nước ngoài gần 16 triệu USD và được yêu cầu giữ kín”.
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho biết, quỹ này xuất phát từ thời kỳ đầu những năm 1980. Cán bộ ngoại giao đi nước ngoài lúc đó có khá hơn những người trong nước. Vì vậy, họ đã tự nguyện trích một phần từ 1 đến 20% trong khoản lương được hưởng để gửi về nước giúp đỡ những người ở trong nước. 
Đến năm 1988, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch báo cáo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói nên làm quỹ này và đề nghị tìm thêm các nguồn khác bổ sung. Sau đó, năm 1989, khi Bộ Ngoại giao trình lên, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt cũng đồng ý cho làm quỹ và cho phép lấy thêm nguồn từ hoạt động sự nghiệp có thu. Ông Võ Văn Kiệt có chỉ đạo Bộ Tài chính và năm 1989 bộ này đã có một thông tư cho phép Bộ Ngoại giao để lại một số phần trăm từ thu lệ phí để cung cấp cho quỹ. 

Quỹ của Bộ Ngoại giao được sử dụng để làm mấy việc. Thứ nhất, lo trang thiết bị cho cơ quan đại diện VN ở nước ngoài, vì lúc ấy hoàn cảnh còn rất khổ, ngân sách eo hẹp. Thứ hai, lo trang thiết bị cho văn phòng. Thứ ba, để trợ cấp cho cán bộ ngoại giao làm việc, đặc biệt là anh em công tác ở một số địa bàn khó khăn như Lào, Campuchia, Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ… Cuối cùng mới gửi về trong nước để trợ cấp cho cán bộ ngoại giao đang công tác ở nhà, cũng như lo một số trang thiết bị làm việc cho cơ quan Bộ Ngoại giao.
Thời điểm ấy, ông Lê Dũng – Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của Bộ Ngoại giao, cho biết: “bộ đã điều chuyển về quỹ của đại sứ quán VN ở một số nước có độ an toàn, lãi suất cao...”.

Ông Lê Dũng cho hay, quỹ có 2 nguồn: một trích từ lương của của các cán bộ ngoại giao công tác ở nước ngoài và một trích từ 20% tổng số lệ phí visa thu ở ngoài nước. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết thông tin cụ thể về phương thức sử dụng nguồn tiền từ quỹ.
Vụ việc 16 triệu USD dừng lại ở đó. Cho đến nay, vẫn không rõ là chuyện lập quỹ này tại nước ngoài có tiếp tục? Nguồn tiền khổng lồ đó đã được chi tiêu cụ thể ra sao? Cán bộ ngoại giao khi công cán nước ngoài vì sao lại “tốt bụng” chịu san sẽ đến 20% tiền lương cho “quỹ đen” này?
Và quan trọng hơn, phải chăng thông tin 16 triệu USD được đưa ra khi ấy là nhằm triệt hạ nhau ở chốn quan trường, khi mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa được bầu lại thêm nhiệm kỳ nữa tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. 
Tiền nhiệm của ông Nông Đức Mạnh, được cho là tác giả của việc đưa “quỹ đen” 16 triệu USD ra ánh sáng. Chính điều này đã khiến ông Lê Khả Phiêu – người từng được đánh giá cao trong nhiệm kỳ 4 năm của mình (1997-2001), về sự kiên quyết trong công tác chống tham nhũng làm trong sạch ĐCSVN – không được “bầu lại” ở nhiệm kỳ kế tiếp. 
Tuy nhiên, cuối tháng 1 năm 2009, vào dịp Tết Kỷ Sửu, một loạt hình ảnh nhà riêng của ông Lê Khả Phiêu được phát tán trên Internet cho thấy sự xa hoa tột độ đã khiến công luận nghi ngờ về chuyện chống tham nhũng của vị cựu tổng bí thư này.
Tiền tham nhũng giấu ở đâu? Hỏi tức là trả lời, bởi như “thú nhận” của người đứng đầu ĐCSVN hiện nay, khả năng “nằm trong bình” nên không thể “ném chuột”!?

Nguyễn Gia Định

0 nhận xét:

Đăng nhận xét