LTCGVN (03.10.2014)
Ngày 17/10/2014 tại thành phố Sydney ở Úc, nơi có trên dưới 90 ngàn người Việt sinh sống, sẽ có dạ vũ do thân hữu của Lao Động Việt tổ chức để gây quỹ cho LĐV. Nhân dịp này, Việt Luận, một tờ báo uy tín tại đây, phỏng vấn 2 người của LĐV về nhiều đề tài như: LĐV làm gì để chuẩn bị có nghiệp đoàn ở VN, còn ở Malaysia thì LĐV làm gì để giúp người lao động tại đây kết đoàn, cũng như tại sao hàng trăm người nghèo đã bị công ty môi giới của nhà nước CSVN lừa gạt lại còn bị bỏ tù trên đất Malaysia. Mời quý vị đọc nguyên văn cuộc phỏng vấn:
Việt Luận phỏng vấn ô. Đoàn Việt Trung và Nguyễn Đình Hùng của Lao Động Việt
03/10/2014
VL – Xin hai anh Đoàn Việt Trung và Nguyễn Đình Hùng, cho độc giả biết Lao Động Việt là gì?
ĐVT – Lao Động Việt, tên gọi tắt của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, là liên minh của một số tổ chức tranh đấu cho quyền lao động, căn bản là quyền công nhân được có nghiệp đoàn của chính họ. Trong Việt Nam thì một tổ chức thành viên là Công Đoàn Độc Lập có LS Lê Thị Công Nhân, tổ chức kia là Phong Trào Lao Động Việt, gọi tắt là Phong Trào, có cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Ở hải ngoại thì có Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN, UBBV, có ông Nguyễn Văn Tánh. Tôi cũng xin nói thêm, cô Minh Hạnh đã ra khỏi tù, chúng tôi còn 2 người bạn đang bị hành hạ trong tù, là anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng ở trại Xuyên Mộc và anh Đoàn Huy Chương ở Xuân Lộc.
VL – Vậy LĐV làm gì để tranh đấu cho quyền lợi của người lao động?
ĐVT – Phương cách chính là đi tìm và hỗ trợ những người lao động có tinh thần dấn thân, chúng tôi gọi họ là các hạt mầm lãnh đạo. Khi có thương ước TPP, những người này sẽ muốn lập ra nghiệp đoàn để cải thiện điều kiện nơi họ làm việc. Vạn sự khởi đầu nan, lúc đó Lao Động Việt sẽ hỗ trợ họ, vừa bằng khả năng của chính chúng tôi, vừa nhờ các nghiệp đoàn tây phương tiếp tay. Thí dụ như, anh bạn Nguyễn Đình Hùng của tôi đây, là một người trong ban lãnh đạo toàn quốc của nghiệp đoàn may mặc Úc, TCFUA. Khi đi tìm các hạt mầm thì, cùng lúc, các nhóm thành viên của LĐV cũng nói về quyền lao động và lắng nghe người lao động nói. Gần đây công nhân ở hãng Diamond nói với cô Minh Hạnh rằng họ bị đuổi vô lý và không được bồi thường đúng mức, và công nhân ở hãng Shilla Bags cho Phong Trào hay là họ bị giam 10 ngày lương. Ở hải ngoại, UBBV đang lên tiếng với công ty Puma là khách hàng của Diamond, và vận động với trường đại học Mỹ khách hàng của Shilla Bags. Cứ thế, trong nước thì sát cánh với người lao động, hải ngoại thì hỗ trợ trong nước.
NĐH – Mã Lai không có luật cấm nghiệp đoàn như Việt Nam, do đó nơi nào có sẵn nghiệp đoàn của người Mã Lai thì chúng tôi khuyến khích công nhân VN gia nhập nếu họ muốn, nơi nào không có thì LĐV giúp họ lập nhóm để có tiếng nói tập thể. Đến nay LĐV đã giúp gần 100 người lao động ở Mã Lai lập nhóm tại 4 xưởng máy.
VL – Vậy các nghiệp đoàn của người Việt ở Mã Lai đã hoạt động ra sao?
NĐH – Theo luật Mã Lai thì người ngoại quốc không được lập nghiệp đoàn, nhưng có quyền lập hội. Trong hội thì các công nhân này đùm bọc lẫn nhau, thí dụ như khi có người bị ung thư bộc phát, bị máy cắt cụt tay mà chủ không bồi thường thỏa đáng, hoặc bị mất mạng, thì tuy họ rất nghèo nhưng cũng đóng góp đôi chút để tương trợ. Năm ngoái họ cứu được 2 cô gái Việt Nam bị công ty môi giới lao động của nhà nước CSVN lừa vô làm gái bán bar. Mấy năm trước thì một số công nhân cộng tác với UBBV và nghiệp đoàn TCFUA đưa tình trạng bóc lột lên TV ở Úc, đài số 7. Kết quả là đối với hơn 8 ngàn công nhân tại hơn 20 xưởng máy của Nike thì chủ xưởng máy phải trả lại khoảng 2.000 đô mà mỗi người đã phải đóng cho các công ty môi giới. Từ đó thì các xưởng máy làm hàng cho Nike không còn được quyền giam passport nữa, nhưng rất nhiều công ty khác vẫn giam passport để trói chân công nhân. Một số không chịu bị trói chân, họ bỏ ra ngoài kiếm việc khác, ai bị cảnh sát Mã Lai hỏi giấy tờ thì bị giam không có ngày về. Trước đây chúng tôi đã trả tiền phạt để cứu được 2 người ra khỏi tù, rồi chuộc tiền để chủ trả lại passport. Ra tù, họ ngán Malaysia quá rồi, họ chỉ muốn về với gia đình, nhưng họ trắng tay, nên chúng tôi giúp họ vé máy bay.
VL – Có bao nhiêu người Việt đang bị tù ở Mã Lai vì bị chủ hãng lấy passport?
NĐH – Một viên chức tổng liên đoàn Mã Lai cho chúng tôi biết là khắp Mã Lai có hơn 400 tù nhân là công nhân VN thuộc diện này. Sau khi cứu được mới chỉ có 2 người, hơn năm nay chúng tôi hết tiền nên tạm ngưng. Nay, để giúp tái tục thì ở Sydney có một nhóm thân hữu tổ chức gây quỹ giùm LĐV, vào 7g Thứ Sáu 17/10 tại Crystal Palace, vé $40, có 6 món ăn và có dạ vũ với một số ca sĩ Sydney. Rồi 7g Thứ Bảy 18/10 tại Sherwood Services Club, vé $20, là văn nghệ & dạ vũ với ca nhạc sĩ địa phương, do Ban Chấp Hành CĐNVTD Queensland tổ chức để giúp LĐV có quỹ làm việc khác. Trong cả 2 buổi này, ông Nguyễn Văn Tánh sẽ đến tham dự từ Bỉ. Từ thập niên 1950, ông Tánh là một thành viên nghiệp đoàn ở Saigon, và sau đó là ủy viên của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam và Phó Tổng Thư Ký Tổng Liên Đoàn Lao Công Thế Giới.
VL – Độc giả có thể thắc mắc là, giúp công dân bị tù là việc của sứ quán CSVN mà? Rồi tự công nhân muốn đi kiếm tiền, được họ ăn thua họ chịu, tại sao giúp họ?
ĐVT - Nếu vậy thì dân oan có đất thì họ ăn, nhà nước cướp đất thì họ chịu? Rồi các tu sĩ và tín đồ, nhà nước cho thờ phượng thì cho, nhà nước cấm thì họ chịu, đó là chuyện riêng của họ sao! Những người bị tù, xét cho cùng thì họ là nạn nhân của nhà nước CSVN, vì các công ty môi giới đã lấy passport của họ để giao cho chủ, chính là cơ quan kinh tài của Đảng CSVN, thí dụ công ty môi giới Haindeco là của UBND tỉnh Hà Tĩnh, các công ty Quân Khu là của quân đội. Đúng là thời giờ cứu những đồng bào bị tù thì không phải là thời giờ trực tiếp thành lập nghiệp đoàn, chỉ gián tiếp mà thôi, vì nói lên tinh thần đoàn kết, là tinh thần cốt lõi của nghiệp đoàn. Nhưng chúng tôi đau lòng khi thấy đồng bào của mình bị người ta ức hiếp. Không biết thì thôi, biết rồi thì chúng tôi phải cứu, cứu được ai thì tốt cho họ và gia đình họ, chứ chúng tôi không thể làm ngơ.
NĐH – Còn sứ quán CSVN lại rất giỏi làm ngơ. Những người trong tù, sứ quán mặc kệ, lại còn kết tội rằng họ là kẻ phạm pháp nữa. Và ở ngoài, rất nhiều đồng bào lao động đã đến sứ quán để cầu cứu sau khi biết công ty môi giới làm hợp đồng lao động giả để lừa gạt và giựt passport của mình. Phần lớn các công ty môi giới lao động là cơ quan kinh tài của nhà nước. Họ kể với tôi là họ bị sứ quán đuổi về hoặc phải dúi tiền thì mới được vô nói chuyện.
Nguồn: http://laodongviet.org/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét