Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

HỒNG KÔNG BƯỚC NGOẶT ĐỊNH MỆNH CỦA TRUNG CỘNG





Một vụ “Thiên An Môn” thứ hai đã diễn ra suốt đêm qua và vẫn đang còn tiếp diễn tại Trung tâm thương mại Hồng Kông với số lượng lên tới 80.000 người, hầu hết là sinh viên, có rất nhiều cha mẹ họ tham gia cổ động, có cả nhiều học sinh trung học bị cuốn theo như tham dự một sự kiện mang tầm lý tưởng của sứ mệnh con người, số lượng diễu hành, biểu tình ngồi, hô phản đối chính quyền Bắc Kinh đòi cưỡng chế dân chủ bằng một tư thế bành trướng “một tỉ ba người lục địa sẵn sàng ăn gỏi một nhúm có bảy triệu người Hồng Kông”…

Vấn nạn đập thẳng vào não trạng của mọi người trên khắp hành tinh là: Liệu tầm vóc của sự kiện biểu tình này có ngang ngửa với qui mô cuộc biểu tình ở Bắc Kinh 04/06/1989? Chúng ta sẽ có được một câu trả lời rất rõ ràng: nếu xét theo tỉ lệ dân số, dân số đại lục gấp 200 lần dân Hồng Kông thì tỉ lệ cuộc biểu tình lần này lớn hơn nhiều. 

Nhưng xét về mặt định mệnh, định mệnh dựa hoàn toàn trên những cứ liệu khoa học chứ không phải ấm ớ mê tín, thì cuộc biểu tình ở Hồng Kong lần này có rất nhiều ưu thế vượt trội. Chúng ta thử đếm sơ bộ:

1- Cuộc biểu tình ở Thiên an Môn năm 1989 đã là một cuộc khai mào diễn tập, không chỉ cho nhân dân Trung Quốc mà cho cả thế giới biết cách chống lại sự đàn áp tàn bạo ra sao?!

2- Thời nay là thời thông tin mở với các phương tiện như truyền hình, radio, internet… không dễ gì để chế độ độc tài Bắc Kinh đóng quảng trường lại, bịt kín sự rò rỉ thông tin để xua xe tăng và súng máy vào nghiền nát nhân dân.

3- Dân Hồng Kong sống dưới chế độ dân chủ của Anh Quốc lâu đời nên có ý thức dân chủ và độc lập rất cao, không dễ bị tuyên truyền hay khuất phục. Việc đông đảo sinh viên tham gia biểu tình, đến các bậc cha mẹ hưởng ứng ủng hộ, và các em thiếu niên tham dự khích lệ, và cả cảnh sát trông khá khoan dung nhẹ nhàng, đã chứng tỏ điều này.

4- Tính tổ chức, tính kỷ luật của cuộc biểu tình rất cao, người ta có thể tuyên bố lập trường cũng như thực hiện theo lịch trình việc nhân dân cần làm. Và đêm chủ nhật ngày 28/09/2014 chính là thời gian mà giới biểu tình phản đối sự hà hiếp dân chủ chiếm Trung tâm thương mại.

5- Hồng Kong là hòn đảo giầu có bậc nhất thế giới, được Trung Quốc chấp nhận giữ lại thể chế dân chủ của Anh Quốc, vì thế rất khó cho Trung cộng giở binh pháp đóng cửa trong nhà để “làm lông” những “đứa con” của mình.

Đếm kỹ ra, chúng ta có thể thấy nhiều ưu thế hơn, nhưng hôm nay tôi muốn bàn vào một điểm chính yếu hơn, đó là tại sao chúng ta có thể nhìn và bàn vào chiều kích “xét về mặt định mệnh”?

Mọi quốc gia lớn, giống như con tầu lớn đều khó xoay sở hơn thuyền nhỏ, như vậy cũng lạc hậu hơn, chẳng hạn như nước Nga xưa kia là nước lạc hậu bậc nhất châu Âu như người Nga vẫn trào phúng “I-van ngốc nghếch”. Ấn Độ cũng lạc hậu. Trung Quốc cũng lạc hậu. Đặc biệt chữ tượng hình của Trung Quốc là những khối vuông trông chúng rất ù lỳ bất động. Việc Trung Quốc lạc hậu đã được Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói “Trung Quốc xưa nay chưa hề biết đến Dân chủ, Tự Do… chỉ có đánh nhau giành đàn bà và ghế…” Tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, chính những sinh viên đại lục đã giương khẩu hiệu “Xấu hổ thay người Trung Quốc chúng ta đến cuối thế kỷ 20 rồi vẫn học bài học vỡ lòng về tự do”.

Vì Trung Quốc là một lục địa lớn đông dân nhất thế giới lại dùng chữ tượng hình không linh hoạt (một máy chữ Tàu cần 1200 ký tự) nên rất bảo thủ, cố cựu, và lạc hậu. Nhưng các chuyên gia phương Tây đánh giá rằng: những hòn đảo hay bán đảo của Trung Quốc với qui mô linh hoạt đã đóng vai trò định mệnh để canh tân mở cửa cho cả quốc gia khổng lồ lạc hậu. Những trung tâm đó như Hồng Kong, Thượng Hải, Ma Cao, Đài Loan đã đóng vai bến cảng nhập cảng những tiến bộ của Âu Mỹ, và những tư tưởng canh tân thời đại, mở cửa thổi tung vào lục địa u mê, xám xịt.

Và Hồng Kong ngày nay, đúng hôm nay theo nghĩa đen 24 giờ đang trở thành “Con ngựa thành Tơ-roa” cho chiến trận vẫn giằng co giữa bạo quyền và dân chủ của đất nước có dân số u mê khổng lồ. Khi nước Anh trao trả lại Hồng Kong cho Trung Quốc, có ngờ đâu đó là lá bài định mệnh nằm trong tay Thượng Đế. Và giờ thì quân số trong bụng ngựa đã ào ra.

Hồng Kong không chỉ là ngựa mà đã là miếng ăn chui sâu vào dạ dầy đại lục, nếu uống thuốc tẩy nhiều quá có khi đánh hỏng cả dạ dầy?! Trung Quốc muốn đàn áp Tân Cương ư? Chỉ việc điều động quân đội, công an. Nhưng với Hồng Kong làm gì có được lệnh điều động quân sự hợp hiến. Cứ làm lấy được ư? Với điều kiện đặc biệt của Hồng Kong, liệu Trung Quốc có dám trắng trợn đem “vai u thịt bắp” xung phong vào? Vậy cả thế giới là cát sa mạc ư? Một sinh viên trẻ tuổi lãnh đạo cuộc biểu tình Joshua Wong, vừa bị bắt, trong 24 giờ đã được thả, vì nhà cầm quyền Hồng Kong muốn né tránh một sự khích động mạnh vào tinh thần của công chúng.

Hồng Kong quả là một định mệnh trêu ngươi Trung Cộng! Đúng là kẻ nào thích dùng bạo lực thì sẽ đắng cay vì bạo lực. Đấy sẵn súng ống có thể vào ăn gỏi Hòng Kong không? Ném chuột ư, vỡ lọ. Dùng thuốc nổ đánh đổ cột nhà mối mọt ư? Đổ nhà!

Nhưng nhân loại hãy cảnh giác trước cái ác của người Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Khi lãnh đạo Trung Quốc điều các quân đoàn đến Bắc Kinh đàn áp với một lý do “đàn áp bọn phản loạn”, thì quân đội Trung Quốc bắn vào dân chẳng khác nào quân thù.

Nhưng khi ở Liên Xô, người ta cũng ra lệnh “tiêu diệt bọn phản loạn”, thì các binh lính quay ngược nòng súng, hùa vào với nhân dân cùng tham gia biểu tình. Họ có trí tuệ và lương tâm để hiểu: những người dân đáng yêu kia chẳng bao giờ là phản loạn cả. Tại bức tường Béc-lin, có lính Đông Đức thà tự sát còn hơn bắn vào nhân dân. So sánh đủ thấy cái lương tâm nhân văn của người châu Á còn dã man lắm.

Giờ đây, liệu Trung Cộng có lặp lại chiêu bài “tiêu diệt phản động” để chĩa nòng súng hay xích xe tăng vào những sinh viên trong trắng yêu lý tưởng con người, muốn họ phải nhường tinh thần yêu tiến bộ và dân chủ chỗ cho cái ghế của mình?!

Không! Chỉ những kẻ chống lại giá trị con người, sự tiến bộ của con người, lý tưởng của con người mới là phản động!

Mong rằng trong ít ngày tới thế giới sẽ được thấy màn kịch “ngựa gỗ chiếm Tơ-roa”!

Nguyễn Hoàng Đức
Theo FB VNTB

0 nhận xét:

Đăng nhận xét