Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

HONG KONG - BÀI HỌC KINH NGHIỆM CẦN THIẾT CHO VIỆT NAM.





Đã là ngày thứ năm, từ khi cuộc biểu tình nhiều ngày của cả trăm nghìn người được giải tỏa, đúng vào hạn chót “Tối hậu thư” của viên Đặc Khu Trưởng . Dư luận trên thế giới tỏ ra khách quan và thận trọng, phía những người đấu tranh dân chủ Việt Nam còn có phần chưa thỏa mãn (Cả hụt hẫng ) Nhưng nhìn chung vẫn là cảm thông, và hy vọng vào diến biến tiếp theo sẽ là như mong muốn. Chưa thấy có phân tích đánh giá sâu sắc, và đặc biệt là rút kinh nghiệm cần thiết cho thực tế tại Việt Nam. Chủ yếu là đưa tin, thể hiện sự đồng cảm, ủng hộ.

Rút ra bài học kinh nghiệm cho phong trào dân chủ Việt nam là một việc cần thiết. Mặc dù Hồng Kông và Việt Nam có những khác biệt rất lớn, về mức sống, dân trí cũng như truyền thống dân chủ hay địa kinh tế, chính trị… Nhưng trong điểm tương đồng cơ bản là : quan hệ giữa “độc tài và dân chủ” Khi xây dựng, tổ chức phong trào dân chủ, phản kháng thể chế độc tài,.thì vẫn tìm được những kinh nghiệm, bài học cần thiết.

Biểu tình hôm nay được khởi nguồn từ 2 năm trước đó, gắn liền với sự trưởng thành của các thủ lĩnh và thế hệ học sinh, sinh viên (Cùng thời điểm Lương Chấn Anh nhận chức Đặc Khu Trưởng Hồng Kông). Khởi đầu là việc phản đối giáo dục áp đặt từ phía Bắc Kinh, từng bước phong trào hòa vào xu thế dân chủ chung, trở thành môt phong trào dân chủ vững mạnh thực sự với một cuộc xuống đường khổng lồ, làm tê liệt nhiều hoạt động kinh doanh, mua bán, đặc biệt là hành chính công trên đặc khu Hồng Kông…Nhưng vẫn thể hiện một tinh thần văn minh, ôn hòa ,bất bạo động. Trong cả mấy trăm nghìn người tham gia biểu tình, không hoàn toàn là học sinh sinh viên. Nhưng người ta thấy tinh thần, sức vóc, của cuộc biểu tình là tuổi trẻ, là của học sinh, sinh viên.

Và khi cuộc biểu tình tạm dừng, các hoạt động xã hội, công cộng lập tức trở lại bình thường…Giới chức Hồng Kông đã phải xem xét tới khả năng đối thoại, thương lượng song phương với lực lượng biểu tình… …. 

Từ đây có thể thấy :

- Phong trào hình thành và phát triển một cách bài bản. Đi từ nhỏ đến lớn, từ nòng cốt lan tỏa thành phong trào rộng rãi, dựa trên một nòng cốt bền vững. Đảm bảo cho phong trào phát triển trong thế chủ động, tự giác. không rơi vào các phản ứng manh mún, tùy tiện…

-Nội dung, mục tiêu không dừng và thu hẹp trong phạm vi ở giai đoạn đầu (Là yêu sách cụ thể của giới HS-SV) Mà được mở rộng tương ứng với độ lớn của phong trào, hướng đến quyền tự do dân chủ, do vậy thu hút được đông đảo các thành phần xã hội vào cuộc tham gia và trợ giúp hữu hiệu. 

-Nội dung, mục tiêu biểu tình là quyền tự do dân chủ, là một nội dung rất lớn , nhưng được cụ thể hóa với 2 yêu sách : 1- Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức 2 -Tiến tới bầu cử dân chủ phổ thông đầu phiếu vào năm 2017. Với sách lược này, có thể tập trung thế manh về lực lượng của cả phong trào vào trọng điểm, yếu huyệt đối phương…đây thật sự là một sách lược đúng đắn hơn là cơ mưu… 

- Vào thời điểm đối đầu dâng lên căng thẳng nhất, khả năng dẫn tới bạo lực, khi Đặc Khu Trưởng ra “Tối hậu thư”. Biểu tình đã được thu về trong trật tự. Đây là xử lý rất khôn ngoan chững chạc, đầy tinh thần”Bất bạo động”. Mục tiêu cuối cùng của phong trào là đạt đến một xã hội tự do dân chủ chứ không phải là thắng thua bạo lực với lực lượng cảnh sát công quyền. Toàn bộ lực lượng biểu tình được bảo toàn trong tình huống trước mắt, và cho lâu dàì , với khả năng lại nổ ra những cuộc biểu tình tương tự và lớn hơn thế, cho đến khi đến được mục tiêu cuối cùng.

Có thể nói, sợi chỉ xuyên suốt của phong trào là tinh thần “Bất bạo động” đúng nghĩa, thể hiện bằng hành vi “bất tuân dân sự”. Ở đây “bất bạo động” không đơn giản chỉ là “phi bạo lực”, mà phần nào, đã mang ý nghĩa đạo đức, tôn giáo..

Hãy nghe một người trong cuộc chia sẻ (Trích từ “'Bộ não điều khiển biểu tình ở Hồng Kông, qua lời người trong cuộc- Hà Giang ):

“Dùng bạo lực để chống bạo lực không chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi, mà cho nhà cầm quyền có lý do để đàn áp, và củng cố địa vị của kẻ độc tài. Bất tuân dân sự là phương pháp dùng thương yêu để thắng hận thù. Người tham gia sẽ phải đối mặt với đau khổ bằng một thái độ cao quý, để thu phục lương tâm của kẻ đàn áp, và giảm thiểu sự thù hận do hành vi tàn bạo gây ra. Quan trọng hơn cả, bất bạo động sẽ thu hút được sự cảm thương của những người bàng quan (công luận), và làm nổi bật sự thiếu chính nghĩa của việc đàn áp có hệ thống của người (chính quyền) sử dụng bạo lực. Sự hy sinh của người đấu tranh là cách hay nhất để làm công chúng thức tỉnh.”

Và: “Chúng ta đấu tranh để chống lại một hệ thống bất công, chứ không chống lại cá nhân. Chúng ta không tiêu diệt hay làm bẽ mặt các nhân viên công lực, thay vào đó, chúng ta phải chiếm được lòng tôn trọng và sự cảm thông của họ. Chúng ta không chỉ cần phải tránh dùng bạo lực để đối đầu, mà còn cần phải tránh để cho lòng thù hận có thể nẩy mầm trong trái tim.” (Hết trích)

Ở chia sẻ này ta thấy thấm đẫm nguyên lý cơ bản của Phật Giáo là : “Duyên khởi” (Bản chất phụ thuộc lẫn nhau của thực tại ) Từ đây hình thành nguyên lý thứ hai, định hướng cho hành vi là “Bất bạo động” .

Trong tầm mức thấp hơn cho phong trào dân chủ tại Việt Nam, biểu tình ở Hồng Kông đưa lại những bài học kinh nghiệm rất bổ ích và quan trọng. Tránh tình trạng lẫn lộn, biện minh giữa cứu cánh và phương tiện. Có thể thấy một cách nôm na là: 

Khi thượng đài đấu boxing, đấu thủ không cần phải để tâm đến khán giả hay dư luận ... chỉ tập trung tất cả vào việc tấn công đối thủ (kể cả vi phạm luật, đánh đầu bằng tay, cắn tai, hay ra đòn dưới háng... ) Có như thế mới có thể hạ gục đối thủ, giành chiến thắng.

Nhưng đấu tranh dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội, chống độc tài, phải rất chú ý tới dư luận nhân dân (khán giả). Chỉ khi nhiều người tin, yêu và nhập cuộc, giúp đỡ (ngày càng nhiều) thì mới đủ sức, mới có lực lượng tính chuyện thắng hay bại với đối phương. 

Tất nhiên, con người có quyền phản ứng, đấu tranh , với những bất công, oan trái mà thể chế độc tài chụp xuống, theo cách riêng mình . Đây có thể là bắt đầu, nhưng chưa và không phải là một phong trào đấu tranh dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội . giải thể chế độ độc tài.

Trần Thạch Linh 10/10/2014
Theo FB VNTB

0 nhận xét:

Đăng nhận xét