Vụ tràn bùn đỏ xảy ra rạng sáng ngày 8/10/2014 ở nhà máy bauxite Tân Rai Lâm Đồng gây nhiều lo ngại trong bối cảnh nhiều hồ chứa bùn thải quặng sắt và quặng titan đã liên tiếp bị vỡ.
Hồi chuông báo động
Câu chuyện mới nhất xảy ra ở nhà máy bauxite Tân Rai Lâm Đồng như gióng lên hồi chuông báo động trong dư luận. Theo TS Nguyễn Thanh Giang chuyên gia địa chất hiện sống và làm việc ở Hà Nội, kỹ thuật khai thác khoáng sản có nguy cơ gây độc hại cho môi trường chung quanh đang hiện diện ở nhiều địa phương củaViệt Nam. TS Nguyễn Thanh Giang cho rằng, việc tổ chức khai thác khá hỗn loạn, không chỉ là đối với bauxite với sắt, ngay cả khai thác titan hay khai thác vàng cũng đang gây ô nhiễm môi trường tàn phá sinh thái rất nặng nề. Ông nhấn mạnh:
Điều đó chứng tỏ trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật cũng có những vấn đề chưa được xem xét đến một cách chu đáo.-TS Nguyễn Thanh Giang
“Điều đó chứng tỏ trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật cũng có những vấn đề chưa được xem xét đến một cách chu đáo. Cách đây ít ngày, đã xảy ra vụ vỡ đập hồ chứa bùn thải của mỏ sắt ở Việt Bắc, hôm qua (8/10) lại xảy ra tràn bùn đỏ. Hiện bây giờ họ đã cố tình giải thích rằng đấy chỉ là bùn rửa quặng không phải là bùn thải. Nhưng nói thật, những thông tin như vậy và cách giải thích như vậy thì cũng chưa làm cho người ta yên tâm được, xác suất tin vào lời giải thích ấy nó thấp.”
Bộ Công thương Việt Nam ngày 10/8/2014 vội vã trấn dư luận, khẳng định không phải vỡ hồ chứa bùn đỏ ở nhà máy bô xít Tân Rai Lâm Đồng. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng được báo mạng Một Thế Giới trích dẫn cho biết, đoạn đê quai bị vỡ là đê quai ngăn bãi thải chứa quặng và là bùn của quặng đất đỏ chứ không phải là bùn đỏ nên không hề độc hại. Theo Thanh Niên Online, rạng sáng 8/10 xảy ra vỡ đê ở hồ rửa quặng bauxite của nhà máy tuyển quặng thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit nhôm Lâm Đồng, nước và bùn thải chảy hết xuống hồ Cai Bảng. Nước của hồ này cung cấp cho nhà máy bauxite cũng như được nông dân sử dụng phục vụ canh tác nông nghiệp.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, thuộc ban sáng lập trang mạng bauxite Việt Nam nhân câu chuyện mới xảy ra ở nhà máy Tân Rai Lâm Đồng đã lật lại hồ sơ hồ chứa bùn đỏ bauxite. Theo đó tính toán chu kỳ mưa lập lại ở các hồ chứa của dự án là quá thiếu sót, Chủ dự án chỉ tính chu kỳ lập lại 50 năm mà đáng lẽ ít nhất cũng phải tính 100 năm hoặc nhiều hơn. Từ Đà Nẵng GSTS Nguyễn Thế Hùng phản biện:
“Những hồ chứa bùn đỏ trên Tây nguyên, nói về chuyện mưa ở các lưu vực ở trên chảy xuống hồ mà tính chu kỳ 50 năm như vậy là không an toàn, làm y như giỡn vậy. Đó là chưa nói tới tính ổn định các đập xung quanh…đối chiếu với hồ bùn đỏ, người ta khai thác quặng bauxite, ngươi ta rửa quặng gồm có các hóa chất trên đó, đặc biệt là sút rất nguy hiểm, cũng như kim loại khi thải ra bùn đỏ thì rất là nguy hiểm. Tính cái kiểu như vậy tôi thấy giống như giỡn vậy, như ông nhà quê đắp bờ đào cái ao nuôi cá. Làm chuyện nguy hiểm thì phải công bố rộng rãi để các nhà khoa học phản biện, làm úp úp mở mở làm các nhà khoa học không tiếp cận được.”
Khuyết tật của chế độ toàn trị
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mô tả việc chính quyền bỏ ngoài tai những sự phản biện liên quan đến vấn đề khai thác bauxite Tây nguyên như là một khuyết tật của chế độ toàn trị. Ông nói:
“Thực tế cho thấy sự vụng về của các cơ sở quản lý khai thác làm cho người ta không thực sự yên tâm đối với các công trình, từ thủy điện cho tới công trình khai thác đập chắn làm cho người dân nơm nớp lo sợ. Đó là kết quả của việc không trọng dụng người tài, không thu thập được những ý kiến xác đáng mà chỉ muốn những người ăn theo nói leo, những người vâng vâng dạ dạ xu nịnh cấp trên chứ không thu thập được tất cả những ý kiến thẳng thắn trung thực… nó đã dẫn tới việc đó. Những việc này dính dáng tới khoa học kỹ thuật nhưng thực ra nó là hậu quả của sự mất dân chủ và không tôn trọng nhân quyền.”
Rất nhiều nhà khoa học đã chứng minh, dừng ngay thời điểm này thì mình chịu lỗ đó còn hơn là mình tiếp tục nữa.-GS Nguyễn Thế Hùng
Khai thác Bauxite Tây Nguyên được nói tới như một chủ trương lớn của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là một chủ trương khó hiểu vì chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những năm cuối đời cũng đã khuyến nghị không nên làm vì Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, có vị thế chiến lược quan trọng. Tướng Giáp từng e ngại về việc hàng ngàn công nhân Trung Quốc sẽ có mặt lâu dài để thực hiện dự án. Bên cạnh đó giới phản biện, kể cả các đại biểu Quốc hội cũng cảnh báo hiểm họa môi trường khôn lường từ chất thải độc hại bùn đỏ mà nhiều nơi trên thế giới đã gặp phải. Ngoài ra sự không hiệu quả kinh tế mà vẫn quyết thực hiện dự án lại càng khó hiểu hơn.
GSTS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, hãy tỉnh ngộ dừng việc khai thác bauxite Tây Nguyên lại thà chịu thiệt hại nhỏ còn hơn là để thế hệ con cháu phải gánh chịu hậu quả lâu dài. Ông nói:
“Rất nhiều nhà khoa học đã chứng minh, dừng ngay thời điểm này thì mình chịu lỗ đó còn hơn là mình tiếp tục nữa. Nhưng nếu một chính quyền gọi là của dân, do dân và vì dân, ví dụ anh có cái nhà của anh thì anh muốn sửa muốn bán là quyền của anh, bây giờ anh nói nhà nước của dân nhưng mà ý kiến phản biện của các nhà khoa học thì không tôn trọng. Lẽ ra phải có những đoàn phản biện độc lập để xem xét những vấn đề đó.”
Dư luận chưa quên vụ vỡ hồ chứa trên núi ngày 18/11/2013 làm lũ bùn đỏ titan tràn xuống như dòng thác ở Bình Thuận làm gián đoạn giao thông tuyến đường nối thành phố Phan Thiết và mũi Kê Gà. Gần đây nhất ngày 30/9/2014 đâp ngăn hồ chứa bùn thải của nhà máy tuyển quặng sắt ở Yên Bái bị vỡ làm một lượng bùn đỏ, xỉ quặng và chất thải khổng lồ tràn xuống hạ du, chôn vùi đồng ruộng, đường giao thông và tràn vào nhà dân ở thôn Lương Thiện xã Lương Thịnh quận Trấn Yên, Yên Bái.
Câu chuyện vỡ hồ thải hồ rửa quặng bauxite nhà máy tân Rai Lâm Đồng rạng sáng ngày 8/10/2014 nằm trong chuỗi sự kiện kéo dài ở Việt Nam. Đó là hồi chuông cảnh báo cho Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc cải cách điều chỉnh chính sách của mình.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét