Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Đảng cộng sản và giới tài phiệt


Khi cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kong đang diễn ra thì những nhà tư bản, tài phiệt của lãnh thổ này lại nói là họ ủng hộ chính quyền của đảng cộng sản Trung Quốc.

Sự ủng hộ này có vẻ nghịch lý so với lý thuyết của đảng cộng sản là chống lại giới chủ giàu có mà họ cho là bóc lột sức lao động của người làm thuê.

Đảng cộng sản Trung Quốc

Giáo sư Jonathan London, hiện đang giảng dạy tại Đại học Thành thị Hồng Kong, nói về quan hệ của giới tư bản Hồng Kong và đảng cộng sản Trung Quốc:

“Đó là một nghịch lý rất lớn của Hồng Kong. Cách đây hơn 20 năm đã có một liên minh giữa những nhà tư bản lớn tức là các tycoon của Hồng Kong là một, thứ hai là giai cấp quan liêu cấp cao, tức là giai cấp quan liêu đã kết hợp với chính quyền Anh quốc ngày xưa, cũng đã liên minh với bên phía Trung quốc. Hai bên đã kết hợp xung quanh một số hành động khác nhau mà trong đó có những cơ hội khổng lồ về kinh tế ở Hoa lục. Đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa những nhà tư bản lớn ở Hồng Kong và đảng cộng sản Trung quốc. Một sự kết hợp rất là lạ, có khi nó không đại diện cho quyền lợi của dân chúng Hồng Kong.”

Những nhà phân tích chính trị và xã hội cho rằng cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kong trong thời gian cuối tháng chín và đầu tháng 10 năm 2014 có sự thể hiện bề mặt là đòi hỏi việc bầu cử tự do, nhưng cũng có những nguyên nhân kinh tế xã hội đằng sau là mức sống của người dân thường bị sa sút, trong khi trong hai mươi năm qua Hồng Kong đã trở thành nơi có nhiều nhà tỉ phú và xe hơi đắt tiền bậc nhất thế giới.

Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như các đảng chính trị cùng tên với nó đều có cờ đại diện là lá cờ búa liềm tượng trưng cho tầng lớp công nhân và nông dân. Và theo lý thuyết của họ thì các đảng này đấu tranh chống sự bóc lột của giới tư bản. Song từ khi một số các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới chấp nhận kinh tế thị trường thì quan hệ giữa những người cộng sản và giới tư bản có vẻ đã thay đổi. Đảng cộng sản Trung Quốc thậm chí còn đề ra một lý thuyết gọi là ba đại diện để chấp nhận những nhà tư bản vào đảng cộng sản.

Trong những ngày biểu tình ở Hồng Kong, hai nhà báo NYT có đề cập đến một nghi vấn đã lan truyền ở Hồng Kong lâu nay là chính ông đặc khu trưởng Lương Chấn Anh là một đảng viên cộng sản bí mật, mặc dù nguồn gốc xuất thân của ông là một nhà tài phiệt làm giàu trong ngành địa ốc.

Tình hình quan hệ mới giữa đảng cộng sản và những nhà tư bản làm cho những nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng những xã hội mang danh là cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam hiện tại cũng chẳng khác gì các thể chế gọi làtư bản bồ bịch nơi các giới chức tham nhũng câu kết chặt chẽ với giới có tiền nhằm trục lợi cho cả đôi bên.

Luật sư Martin Lee, người thành lập đảng dân chủ Hồng kong và cũng từng là nhà lập pháp của lãnh thổ này nói rằng sở dĩ sinh viên Hồng Kong đấu tranh là vì họ không muốn thành phố của họ trở thành giống như một trong những thành phố của Trung Quốc lục địa, ngự trị bởi chủ nghĩa tư bản bồ bịch.

Đảng cộng sản Việt Nam

Nói về tính chất của đảng cộng sản Việt Nam hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam cho rằng:


Cựu tài phiệt Nguyễn Đức Kiên được dẫn vào phòng xử án tại Tòa án nhân dân Hà Nội vào ngày 09 tháng 6 năm 2014. AFP photo



“Họ là tư bản đỏ, họ còn bênh vực công nhân gì đâu! Công nhân và nông dân là những thành phần bị đàn áp và bần cùng nhất trong xã hội này. Họ bây giờ phục vụ cho giới nhà giàu là chính.”

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, một nhà báo độc lập từ Việt Nam nói là rất đông các doanh nghiệp gọi là thành đạt ở Việt Nam có gốc gác từ các quan chức cộng sản và bà con của họ.

Cuộc tranh luận về việc có cho thành phần chủ nhân giàu có, thuê mướn công nhân mới nổi lên vào đảng hay không đã được nêu lên hơn 10 năm nay và về mặc chính thức thì vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng trong thực tế có những đảng viên cộng sản thực sự là chủ các doanh nghiệp tư nhân. Khi tiếp xúc với một doanh nghiệp tư nhân lớn ở tỉnh Quảng Ninh, người chủ của công ty nói là ông cũng là bí thư chi bộ của chi bộ đảng cộng sản của công ty ông.

Một doanh nhân của một công ty tư nhân tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh lại nói với chúng tôi rằng trước đây đã từng có ý định thành lập một chi bộ đảng tại công ty của ông. Theo ông thì hiện nay nếu vào đảng thì để tìm các mối quan hệ có lợi nào đó, nếu không thì thôi.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rằng giới chủ tư nhân nhỏ ở Việt Nam thì có thể là không có sự móc nối với đảng cộng sản, nhưng giới chủ tư nhân lớn là chắc chắn có quan hệ với đảng để tìm được các mối lợi về đất đai, hầm mỏ. Ông nói đó là sự câu kết giữa quyền lực kinh tế và chính trị để trục lợi.

Trong thời gian cuộc biểu tình của sinh viên diễn ra ở Hồng Kong, chúng tôi đặt một câu hỏi cho Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một người bất đồng chính kiến và có nhiều nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn của các xã hội cộng sản, câu hỏi đó là giả sử có một cuộc biểu tình tương tự diễn ra ở Việt Nam thì giới giàu có ở Việt Nam sẽ ủng hộ ai. Ông Hà Sĩ Phu trả lời:

“Những người giàu có ở Việt Nam có hai nguồn. Những người làm ăn tử tế, chân chính, bằng tài năng và sức lao động của họ thì số đó có thể sẽ ủng hộ dân chủ. Nhưng cái số đông hơn giàu có do giả dối và nhất là dựa vào quyền lực, kết hợp với quyền lực để có sự giàu có, thì những người này lại thích cộng sản.”

Bàn về chuyện dựa vào quyền lực để làm giàu thì Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chuyện đó là chuyện thường tình vì bản chất của nhà tư bản là quyền lợi, cho nên vấn đề đặt ra là sự kiểm soát của luật pháp.

Sự kiểm soát của luật pháp này cũng đã được nhiều trí thức và những nhà hoạt động dân chủ đặt ra khi họ đề ra mô hình nhà nước pháp quyền với sự phân chia quyền lực, và sự cạnh tranh chính trị đa đảng. Nhưng những đề nghị này luôn bị đảng cộng sản Việt Nam từ chối.

Nói về nguồn gốc cộng sản của những người cầm quyền ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, cũng như sự độc quyền cai trị của họ, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói:

“Lý thuyết của họ là dựa trên vô sản, nhưng do độc quyền nên khi họ có quyền rồi thì họ thành tư sản.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói là những người đảng viên cộng sản hiện nay ở Việt Nam và Trung Quốc chưa chắc đã hiểu hình ảnh búa liềm là cái gì. Còn ông Hà Sĩ Phu thì lại nói vui với chúng tôi rằng nếu bây giờ đưa ra học thuyết cộng sản cho những người cộng sản đang cầm quyền thì họ sẽ sợ lắm.

Theo RFA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét