Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

SỐ LIỆU KINH TẾ VIỆT NAM BIẾN CON KIẾN THÀNH CON VOI ?


LTCGVN (12.10.2014)


Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Trong thời gian tới nếu không có động lực mới Việt Nam sẽ tụt hậu. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người chúng ta chỉ còn hơn hơn Myanmar, Lào, Campuchia” ((HQ Online 10/10/2014).


Đài truyền hình Việt Nam trước đó hai ngày vừa đưa tin: chiều cao của người Việt thấp nhất châu Á (đây là tin tức dựa trên thước đo cứng ‘1,644 m’ trong giới nam thanh niên’, cứ liệu sờ sờ không cãi được ). Rõ ràng đây là chiều cao của thân xác vật lý. Nhưng còn chiều cao của tâm hồn thì sao? Trong bài trước tôi đã bàn về tương quan tất yếu giữa tầm vóc thể xác và tâm hồn, cái này đã được triết gia hàng đầu thế giới bàn về nguyên lý phổ quát, rằng: các nhà thờ vì chứa những nội dung của linh hồn, giá trị tôn giáo và thần học bên trong nên thường cao hơn chợ, thứ chỉ đựng dụng cụ thiết yếu. trong gia đình của người Việt, bàn thờ cũng thường được đặt ở vị trí cao nhất, vì nó biểu hiện cho giá trị tâm linh.

Trong phát biểu trên, ông thứ trưởng cũng nói về hai độ thấp của người Việt:

1- “Không có động lực mới”.
2- Thu nhập bình quân của chúng ta chỉ còn hơn Myanmar, Lào, Campuchia.

“Không có động lực mới”, có phải là: không có yếu tố tinh thần, hoặc tinh thần sơ cứng, thiếu óc sáng tạo, còi cọc thiểu năng?! Rõ ràng nối từ chiều cao thân xác, đến động lực tinh thần ( cái này gầy yếu đến mức lãnh đạo Việt Nam đang hô hào ‘phát huy nội lực’ ), rồi đến hầu bao kinh tế, quốc gia Việt Nam thật không thoát khỏi đăng đối tương quan lùn bậc nhất về thể xác cũng như tâm hồn. Nhưng mà nói dối, nói khoác thì đại tài. Tại sao? Hãy nhìn thẳng ngay vào tuyên bố của ông thứ trưởng.

“Chúng ta chỉ còn hơn Lào”. Trong tâm thức và thực tế tôi nhìn thấy: Việt Nam chưa bao giờ hơn Lào về kinh tế cả. Hồi những năm sáu mươi thế kỷ trước: thanh niên Lào mặc quần ống loe đi ngênh ngang ở Hà Nội làm cho thanh niên Việt trố mắt ao ước. Tại sao? Bởi vì thanh niên Việt mặc quần ống loe bị cờ đỏ rạch liền. Còn gái Việt nhìn thấy mấy chỉ vàng đeo trên các ngón tay của thanh niên Lào cũng ao ước ‘rỏ rãi’, vì mấy ai đã được thấy vàng. Tôi đã đi sang Lào, dọc đường thấy vô số người nhà quê chạy xe bán tải, đẹp đến mức chúng là những giấc mơ của các đại gia ở Việt Nam. Tại nhiều nhà sàn, có vô số ô tô bán tải đậu bên dưới. Khi tôi quay về, ở chợ vùng biên heo hút nhất giáp Việt Nam, mấy cô gái quê, vứt xe bán tải bên ngoài chợ, vứt đầy hàng trong thùng xe, rồi đi chơi tiếp, chẳng thèm ngó ngàng đến xe và hàng. Trông họ thật lương thiện và giầu có. Và họ cho ta thấy một điều đơn giản: chỉ có lương thiện mới giầu có được. Còn ở Việt Nam, chỗ nào cũng thấy sôi sùng sục vì tiền, ma cà chớp chụp giật từng đồng gửi xe, nhưng chỗ nào cũng thấy nghèo khổ, bê tha, lê la, bẩn thỉu, rách rưới. Đúng là không lương thiện thì có làm gì cũng không giầu được?!

Số liệu của ông thứ trưởng đưa ra thật đáng ngờ, vì lâu nay chính thể lấy nghị quyết lãnh đạo thay kinh tế chỉ toàn làm số liệu ‘con số đẹp như mơ’, rút cục thì nhà đất đóng băng, các ngân hàng nợ đọng, nợ chéo cao hơn con số thật đến mức không biết bao nhiêu lần, vì có ai dám nói ra cái đáy của con số thật?! 

Và rồi chính con số ảo đó đánh lừa cả ông thứ trưởng (hay ông giả vờ bị lừa), làm sao mà Việt Nam hơn Lào được. Theo con mắt đánh giá của tôi, trên đời sống thật người Lào phải giầu hơn Việt Nam ít nhất năm lần. Hãy nhìn cái cách các công ty giầu có nhất Việt Nam sang Lào chặt gỗ làm giầu, mỗi gia đình ngoài mặt phố sáng ra phát chẩn cho cả dãy dài sư sãi xếp hàng khất thực, và ô tô Toyota của họ nhiều hơn xe máy… Nhìn đời sống của họ càng thấy: thà họ không có “đỉnh cao trí tuệ” phi thường, vinh quang tột đỉnh chói lọi, và những con số mang số mũ đẹp như mơ, nhưng lại có một cuộc sống thật mà hầu hết giấc mơ của người Việt chưa từng vươn tới. Đây là giấc mơ của người Việt hiện đại “một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh”. Giấc mơ có xe bốn bánh là của các cán bộ nơi thành phố nhé. Còn ở nhà quê ư? Đến mồng thất! Mới đây khi ngồi nói chuyện, nhiều người ôn lại TBT Ba Duẩn, hứa trong vài năm sắm cho dân Việt mỗi nhà một cái ti vi và tủ lạnh. Rút cục mười năm sau giải phóng, “không có gì” nên mới có ca dao mới:

Thằng bờm có cái quạt mo
Anh Ba hứa đổi cho mày ti vi 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy vi
Anh Ba lại hứa cho mày phi de (tủ lạnh Nga)
Bờm rằng Bờm chẳng lấy de
Anh Ba hứa nắm mì que, Bờm cười

Các triết gia Hy Lạp có nói: “Sống thật mới hạnh phúc”. Mong rằng chúng ta nên biết sống thật với những con số thật và đánh giá thật, để còn biết ta ở đâu mà phấn đấu. Chứ lúc nào cũng ngất ngưởng trên những cây cà kheo, để rồi một ngày không xa thế giới lại công bố số liệu đội sổ hành tinh thì thật buồn?!

Chính Ngôn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét