Kem dưỡng da nhãn hiệu Nivea đã bán hết sau 6 giờ khai mạc đại hội. Người bán hàng của quán bar phục vụ đại hội nói với ê kíp quay phim: “Ban tổ chức đã nhắc nhở, một số đại biểu đã bỏ nhiều thời gian đứng xếp hàng tại quầy bán kem dưỡng da, trong hội trường nhiều chỗ bỏ trống”. 16 tiếng đồng hồ sau, loại kem dưỡng da Bambino và quyển Đời sống riêng tư của Stalin cũng bán hết. Trong hội trường của đại hội, một đại biểu của đảng bộ tỉnh Gorzów đi đến micro số 6, với một thái độ rất bất mãn nói: “Tôi là Suchecki. Tôi muốn hỏi các đồng chí, có phải các đồng chí đến đây chỉ để tham quan và mua hàng?” Sau lời phát biểu, tiếng cười chế nhạo nổi lên, một nửa số đại biểu đã bỏ phòng họp ra ngoài.
Cuốn phim tài liệu Những ngày cuối cùng của Andrzej Fidyk quay về đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Ba Lan từ ngày 27 đến 29-01-1990. Trong phim, những bộ mặt buồn rầu, những đại biểu ngồi ngủ say sưa, cảnh xếp hàng mua kem dưỡng da, cảnh các đại biểu ngồi ăn bánh mì với xúc xích (giá 2200 zt) lần lượt hiện ra trông thật ảm đạm. Một vài đại biểu bước đi thong thả dọc theo hành lang của Cung Đại hội, thỉnh thoảng lại nhìn qua cửa kính quan sát những đám người biểu tình ở bên ngoài đang hô lớn: “Cộng sản cút đi”. Không lâu nữa, tất cả các đại biểu này sẽ giơ cao cánh tay biểu quyết thống nhất giải thể đảng của họ. Giờ phút lịch sử này không gây cho họ một ấn tượng nào, thời gian vẫn tiếp tục trôi.
Zbigniew Siemiątkowski[1], người đã tham gia đại hội nhớ lại: “Nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan đã phá sản, Công đoàn Đoàn kết (CĐĐK) đã bắt đầu một kỷ nguyên mới. Những ai không thuộc CĐĐK sẽ không có chỗ đứng tại Ba Lan. Thế là hết! Đó là tâm trạng của những người tham dự đại hội”.
Ngay cả những thành phần “bê tông” cũng đã hiểu
Một tháng trước đại hội, Vụ Thông tin chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Ba Lan đã tổ chức cuộc thăm dò dư luận trong toàn bộ đảng viên của Đảng. Kết quả thăm dò được chuyển đến Mieczysław Rakowski[2], Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành trung ương Đảng. Ông đọc báo cáo và nhận xét: “Tâm trạng của đảng viên thật đáng lo ngại”. Phần lớn đảng viên có thái độ thờ ơ và chờ đợi (41,8%), cảm giác thất bại nặng nể và lo lắng trước tương lai. Trước câu hỏi: Hiện nay lực lượng chính trị nào có ảnh hưởng ít nhất đến các sự kiện kinh tế, chính trị tại Ba Lan?, câu trả lời đều giống nhau: Đảng Cộng sản.
Đã bốn tháng nay, Thủ tướng là Tadeusz Mazowiecki[3]. Từ một tháng nay, hiến pháp đã thay đổi. Tên nước cũng thay đổi (Cộng hòa nhân dân Ba Lan đổi thành Cộng hòa Ba Lan – ND). Trong hiến pháp, đã bỏ các điều khoản xác định vai trò lãnh đạo tất yếu của Đảng Cộng sản Ba Lan và tình hữu nghị đời đời với Liên bang Xô-viết.
Vẫn theo Z. Siemiątkowsk, cho đến tháng 09-1989 bộ máy lãnh đạo của Đảng vẫn tin rằng đại hội lần thứ XI sẽ không cần thiết phải thay đổi. Nhưng sau một tháng hoạt động của Chính phủ Mazowiecki, họ đã bị sốc. Các Thứ trưởng đại diện của Đảng Cộng sản trong các bộ của Chính phủ bị loại bỏ, sau đó một tháng thì các Vụ trưởng khăn gói rời các bộ. Đảng không hề được hỏi ý kiến. Trong tháng 10, xuất hiện sáng kiến cho rằng đại hội lần thứ XI chỉ cần thay đổi “biển hiệu” của Đảng, còn ban lãnh đạo của Đảng hãy giữ nguyên như cũ. Nhưng trong tháng 01-1990, sau khi Hiến pháp được thay đổi và Kế hoạch Balcerowicz[4] đã đi vào đời sống xã hội, thì ngay cả thành phần bảo thủ nhất trong Đảng cũng hiểu rằng, số phận của Đảng đã được định đoạt. Nấm mồ với bia đá đang chờ đợi Đảng.
Walesa ủng hộ Fiszbach
Trong nửa đầu tháng 1, nhật báo Trybuna Ludu (Diễn đàn nhân dân), cơ quan trung ương của Đảng đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến về tên mới của Đảng. Hai cái tên Đảng Xã hội Ba Lan và Đảng Xã hội dân chủ Ba Lan được nhiều đảng viên tán đồng nhất. Đại biểu quốc hội của Đảng, ông Tadeusz Fiszbach tuyên bố: “Tên của Đảng phải bắt đầu bằng từ POLSKA (Ba Lan)”.
Lần đầu tiên, tất cả các đại biểu dự đại hội được lựa chọn một cách dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng viên của Đảng. Mặc dầu điều lệ của Đảng cấm tạo thành bè cánh trong Đảng, nhưng các nhóm đã được hình thành với những ý đồ khác nhau. Nổi bật nhất là nhóm Phong trào 8 tháng Bảy (trong đó có Tomasz Nałęcz, Zbigniew Siemiątkowski). Nhóm này muốn trên cơ sở giải thể Đảng Cộng sản, thành lập Đảng Xã hội dân chủ. Đã xuất hiện tên những nhân vật có thể trở thành Chủ tịch Đảng tương lai. Người đầu tiên được nêu tên là Tadeusz Fiszbach (cựu Bí thư thứ nhất tỉnh Gdańsk, đã tham gia đàm phán với CĐĐK về Thỏa thuận tháng Tám[5] và phản đối việc tuyên bố Tình trạng chiến tranh[6]). CĐĐK có cảm tình với Fiszbach. Ngày 15-01 phát biểu trước truyền hình, Lech Walesa[7] nói: “Fiszbach có thể là lãnh tụ tốt nhất của đảng cánh tả mới”.
Phát biểu của Lech Walesa như đổ thêm dầu vào lửa, chiều hướng vận động để Fiszbach trở thành Chủ tịch của đảng mới bị chặn lại, Aleksander Kwaśniewski[8], một cựu Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng trẻ ngày càng được nhiều người chú ý hơn.
Rakowski: hãy giữ gìn sự thống nhất của Đảng!
Một tuần trước khi khai mạc đại hội, Mieczyslaw Rakowski, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đi về các địa phương, gặp gỡ tất cả các đại biểu sẽ dự đại hội Đảng lần thứ XI, thuyết phục họ đừng chia rẽ. Ông nói: “Cánh hữu (chỉ CĐĐK – ND) chỉ chờ đợi chúng ta chia rẽ để tóm chúng ta như bắt cá trong chậu! Không, tôi không giơ tay để làm tan rã Đảng”.
Trybuna Ludu tường thuật buổi gặp gỡ đầu tiên của Bí thư thứ nhất: “Các đồng chí đảng viên già đã phát biểu với một niềm cay đắng và nỗi đau, rằng thật uổng phí cả cuộc đời đã cống hiến cho Đảng. Trong cuộc gặp mặt, những khuôn mặt của các công nhân đầy lo lắng về số phận của dân tộc và Tổ quốc. Đây là hình ảnh người thợ nguội Zalewski, giơ bàn tay lao động chai dầy, với nỗi niềm cay đắng thổ lộ: “Các cháu tôi ở trường học nghe người ta nói rằng những đảng viên như tôi đã hủy hoại đất nước”.
Trybuna Ludu báo động về tình hình Đảng mất dần những bất động sản đang sử dụng. Chỉ trong ngày 16-01 đã có 3 địa điểm bị chiếm dụng. Trong ngày thứ ba lúc 11 giờ, một nhóm thanh niên đã đột nhập vào tòa nhà của Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ Katowice, tuyên bố chiếm dụng, treo tấm biển với dòng chữ “Đây là món quà của Đảng Cộng sản tặng cho các sinh viên”. Sau đó họ đã thay đổi yêu cầu, chuyển tòa nhà cho khoa xã hội học và thư viện của Trường đại học Tổng hợp Slask.
Tiếp theo là hàng tít lớn: “Cuộc biểu tình khiêu khích của sinh viên trước trụ sở Ban chấp hành Łódz”. Khoảng 100 sinh viên đã lấy đi tấm biển hiệu của tòa nhà, tổ chức bán đấu giá nó, tiền thu được chuyển cho quỹ Chính phủ của Thủ tướng Mazowiecki. Tin cuối cùng, Ủy ban những người vô gia cư đã chiếm giữ những phòng làm việc của văn phòng Đảng ủy Khu liên hợp gang thép Lenin tại Kraków.
Các cán bộ chuyên trách trong các cấp của bộ máy Đảng, hàng ngày với tâm trạng đầy thất vọng gọi điện thoại đến tòa soạn Trybuna Ludu: “Chuyện gì sẽ xẩy ra đối với những cán bộ đảng ở các địa phương, những người lương thiện, cả cuộc đời làm việc phụng sự cho Đảng? Thời gian làm việc chuyên trách cho Đảng có được tính vào thời gian làm việc để về hưu không? Nhân dân cảm thấy bị những người lãnh đạo của Đảng bỏ rơi, khi thấy họ không có phương cách gì giúp mình vượt qua những khó khăn trong cuộc đổi thay của của xã hội”.
Trong ngày khai mạc đại hội, trên trang nhất Trybuna Ludu đăng tin cuộc đối thoại qua điện thoại trực ban của Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Leszek Miller[9]: “Anna Szymańska ở Warszawa khóc òa lên trong điện thoại, rồi nức nở, nghẹn ngào: Với lòng kính trọng, tôi van xin các đồng chí đừng phá bỏ Đảng!”
Thất bại cho chúng ta một bài học đích đáng
Bên ngoài Cung Đại hội, nơi khai mạc đại hội ngày 27-01-1990, khẩu hiệu lớn được căng lên: “Chúng ta mong muốn được phụng sự Tổ quốc Ba Lan – giá trị tối thượng của chúng ta”. Bên trong phòng họp, các nhà kỹ thuật trang trí khác hẳn so với các đại hội trước đây. Thông thường, bên trong được trang trí phần lớn bằng màu đỏ. Lần này họ trang trí toàn bằng màu xanh.
Buổi chiều 27-01, 1633 đại biểu đã có mặt khai mạc đại hội. Trong tài liệu lưu trữ, bên cạnh họ tên các đại biểu, có ghi nghề nghiệp như: nhà bình luận, cán bộ giảng dạy trường Đảng, ban thanh tra đảng của thành phố v.v. Nhưng nhiều nhất vẫn là các giáo viên, công nhân, các sĩ quan quân đội và 65 công an.
Trong diễn văn khai mạc đại hội, Mieczyslaw Rakowski nói: “Sự hiện hữu của Đảng chúng ta trong đời sống của dân tộc, đất nước, coi như đã chấm dứt. Nhưng thật không tốt, nếu như đại hội của chúng ta ghi vào nghị quyết lên án nó… Tôi cho rằng, điểm yếu kém cơ bản nhất của phong trào cộng sản và đồng thời là nguyên nhân của tất cả các thất bại của nó là sự từ bỏ dân chủ… Xã hội đã được giải phóng khỏi sự sợ hãi và xã hội đã ban thưởng cho CĐĐK lòng tin và hy vọng. Nói một cách thẳng thắn: sự thất bại của chúng ta là bài học đích đáng”. Kết thúc bài diễn văn ông thông báo: “Tôi không có ý định ứng cử vào chức vụ lãnh đạo của đảng mới sẽ thành lập, và tôi tin rằng các đồng chí khác thuộc thế hệ của tôi cũng quyết định như vậy.” Đó là bài phát biểu duy nhất được vỗ tay dài nhất, to nhất trong suốt thời gian đại hội.
Chế nhạo nữ đồng chí từ Kalisz
Người đầu tiên ghi tên phát biểu là nữ đồng chí Henryka Minicka, đại biểu đến từ tỉnh Kalisz (nghề nghiệp Luật sư), đã bị huýt sáo chế nhạo. Đây là việc chưa từng xảy ra trong hội trường mang tên Cung Đại hội này. H. Minicka nói: “Các đồng chí của tổ chức Đảng giao nhiệm vụ cho tôi phải giới thiệu lịch sử của nhân dân Ba Lan thông qua điển hình là thành phố Kalisz – bắt đầu đưa ra một tập giấy nhỏ – Đây là lịch sử của Kalisz, xuất bản năm 1977, từ trang 650. Những đảng viên của thành phố chúng tôi cho rằng đây là những năm tháng tốt đẹp nhất của đảng bộ thành phố… Tôi biết tại sao các đồng chí lại chế nhạo tôi, nhưng tôi đại diện cho các công nhân của thành phố chúng tôi… Tôi hy vọng rằng tôi đã làm xong công việc được giao phó và những người đã bỏ phiếu bầu tôi làm đại biểu sẽ tha thứ cho tôi”.
Khó khăn do Kwaśniewski đưa ra
Phong trào 8 tháng Bảy với khoảng 200 đại biểu ủng hộ chuyển sang tấn công. Một người trong nhóm đã đưa ra dự án phải thật nhanh chóng giải thể Đảng: “Đảng đã đánh mất thành quả và những ý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan. Thời gian dành cho Đảng đã qua rồi”. Các buổi thảo luận do Leszek Miller chủ trì, rất nhiều vấn đề được đưa ra.
Tomasz Nałęcz (micro số 6): “Tôi muốn làm sáng tỏ để đồng chí Miller thấy rằng, chúng ta đang đứng trước một quyết định của đại hội. Quyết định này có thể sẽ dẫn tới những bi kịch. Chúng ta không thảo luận những vấn đề viển vông khác, chúng ta chỉ thảo luận lựa chọn hình thức nào để giải thể Đảng”.
Miller: “Tôi phản đối ý kiến này. Không có vấn đề nào là viển vông cả”.
Các đại biểu không hiểu chuyện gì xảy ra, họ sẽ biểu quyết vấn đề gì đây?
Aleksander Kwaśniewski đi đến micro: “Đồng chí bí thư cho phép tôi phát biểu. Tôi sẽ không nói với chủ tịch đoàn, tôi nói với tất cả các đại biểu đang ngồi dưới. Tôi đề nghị chúng ta xem xét các vấn đề một cách thật bình tĩnh. Nếu chúng ta ngay lập tức giải thể Đảng, có nghĩa là tài sản của nó sẽ trở thành của cải của kho bạc nhà nước. Vì vậy đầu tiên cần thành lâp đảng mới, sau đó Đảng sẽ chuyển giao tài sản[10] cho đảng mới này, khi đó đảng [cũ] mới tuyên bố giải thể”. Đây là công việc trong ngày thứ hai của đại hội. Sau ý kiến của Kwaśniewski, cả hội trường thở phào nhẹ nhõm, những tràng vỗ tay vang lên không ngớt.
Một đồng chí không xưng tên (micro số 4) nói: “Thực chất các vấn đề đã được giải thích rõ ràng, đồng chí Kwaśniewski đã nói khá đầy đủ”.
Chỉ có đồng chí Okonieński từ Piaseczno là không bị thuyết phục, Sau phút im lặng, đi đến micro và tuyên bố: “Tôi muốn nói với các đồng chí rằng, dù chúng ta có làm việc gì khác, ngay cả việc thành lập đảng mới, chúng ta đã, đang và sẽ là cộng sản. Chúng ta không có cách gì để thay đổi tình hình”.
Quân đội ủng hộ dân chủ
Ở một góc của hội trường, những đại biểu của quân đội và công an trong các bộ đồng phục nghiêm chỉnh. Thái độ của họ ra sao? Họ ủng hộ ai?
Trong danh nghĩa của những người lính, đồng chí Lewandowski công tác tại tòa soạn tạp chí Chiến sĩ nhân dân phát biểu: “Hôm nay chấm dứt hoạt động của Đảng trong quân đội, với tư cách những người lính, chúng tôi hy vọng rằng, từ nay quân đội sẽ không ủng hộ bất cứ một đảng phái chính trị nào, không trung thành với bất cứ tư tưởng của đảng phái nào. Quân đội chỉ trung thành với nhân dân và tổ quốc” (vỗ tay).
Trong danh nghĩa đại diện cho công an, đồng chí A. Marczewski từ Konin phát biểu: “Tôi là viên chức công an, chắc không lâu nữa sẽ được đổi tên thành cảnh sát. Dự thảo đạo luật mới quy định, viên chức cảnh sát không được gia nhập bất cứ đảng chính trị nào. Tôi và có lẽ các đồng sự cũng đồng ý như vậy, chúng tôi mong muốn phục vụ xã hội, chúng tôi mong muốn có nghiệp vụ thành thạo, làm việc hiệu quả. Trên tất cả, là hoạt động theo đúng luật pháp” (vỗ tay).
Siemiątkowski nhớ lại câu chuyện cười được sáng tác truyền miệng sau đại hội: Người ta hỏi nhau hiệu nhuộm lớn nhất ở Warszawa nằm ở đâu? Nằm trong Cung Đại hội của Lâu đài Văn hóa. Ở đó, đưa vào hai nghìn người ĐỎ, lúc ra thành hai nghìn NHÀ DÂN CHỦ.
Suất ăn nhanh
16 giờ 45 Leszek Miller thông báo nghỉ giải lao. Các đại biểu được phát phiếu ăn tại quán bar phục vụ đại hội. suất ăn là xúc xích và bánh mì, họ vừa ăn vừa nhìn qua cửa sổ. Bên ngoài, trong khoảnh sân của Lâu đài Văn hóa, khoảng vài trăm người tập trung biểu tình. Biểu ngữ của các tổ chức NZS (Hội Sinh viên Độc lập), Hội Đoàn kết Đấu tranh, PPS (Đảng Xã hội chủ nghĩa Ba Lan), Quốc tế Cộng sản vô Chính phủ.
Họ đồng thanh hô: “Cộng sản, hãy uống sữa đi vì ngày tận số của các ngươi sắp đến rồi!”, “Cộng sản, đi cọ rửa nhà vệ sinh!”, “Vũ khi của các ngươi để ở nhà tên tướng[11]”.
Ở dưới một cửa sổ, một nhóm người vừa câm vừa điếc, yên lặng đe dọa các đại biểu bằng các động tác. Họ giơ tấm biểu ngữ: “Tòa nhà Đảng[12]dành cho Trung tâm Phục hồi chức năng Câm Điếc”.
Bước đi ngẩng cao đầu
Thời gian tiếp theo, đại hội đã thảo luận các vấn đề sau:
- Sự kiện tháng Ba 1968:[13] Đồng chí Bogusław Zaleski (đại biểu Trường đại học Tổng hợp Warszawa) đề nghị đại hội ra tuyên bố phản đối chủ nghĩa bài Do Thái. Nhưng đồng chí Bohdan Poręba cho rằng trước hết hãy đòi hỏi công bố toàn bộ sự thật về sự kiện tháng Ba cùng những hoạt động phân biệt chủng tộc.
- Về những băng đeo cánh tay của ORMO (Chiến sĩ Tình nguyện dự bị Công an công dân): Đồng chí Mieczysław Mieszczankowski, Giáo sư, nhà kinh tế học thuộc Viên Hàn lâm khoa học phát biểu: “Nhận xét cho rằng Đảng Cộng sản Ba Lan đã đưa đất nước Ba Lan đến tình trạng phá sản là không có cơ sở”. Rồi ông nói tiếp: “Trong những năm 1946-47 tôi là hội viên của ORMO. Cho đến bây giờ, các con và cháu tôi đã giữ gìn dải băng đeo tay như một kỷ niệm gia đình. Câu hỏi được đặt ra: giờ đây người ta cho nó là điều xấu, cần phải lên án và vứt bỏ nó? Tôi mong muốn thảo luận vấn đề này”.
- Về báo chí phương Tây (đồng chí Sybilski, giáo viên từ Zielona Góra) cho biết, đã đọc Frankfurter Allgemeine Zeitung và thấy không yên tâm. Nội dung của nó chứa đựng nhiều điều không đúng về chúng ta, chủ yếu để tăng người đọc và thêm lợi nhuận.
- Về vấn đề không nên tổ chức cuộc họp tại Cung Đại hội[14] này: Đồng chí Kawecki đại biểu của Łodz đề nghị không thảo luận nữa: “Tôi nghĩ rằng Cung Đại hội gây cho chúng ta ấn tượng thất bại. Nhưng khi chuẩn bị đại hội, đồng chí Rakowski cho biết, có thể chuyển về họp tại Spodek của Katowice, nhưng sẽ tốn kém hơn rất nhiều, mà hiện nay chúng ta đang rỗng túi”.
- Đồng chí Ryszard Ulicki cho rằng: “Chúng ta đã thảo luận dài dòng nhiều vấn đề, tất nhiên mỗi vấn đề nhắc nhở về những năm tháng ngọt ngào hay cay đắng. Vì vậy tôi đề nghị chúng ta dừng thảo luận tại đây, bắt đầu chuyển sang thảo luận về việc thành lập đảng mới”.
Đảng mới được thành lập ngày 28-01 mang tên Đảng Xã hội dân chủ Ba Lan (Socjaldemokracja Rzeczypospolitej Polskej). Ông Aleksander Kwaśniewski trở thành Chủ tịch Đảng, Leszek Miller là Tổng Bí thư.
Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan giải thể ngày 29-01 lúc 1 giờ đêm. Trong tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi, các đại biểu của đại hội lần thứ XI Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan phản đối viêc áp dụng những hình thức trừng phạt đối với những người có quan điểm chính trị trong quá khứ. Trong lịch sử Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy. Nay chúng tôi tuyên bố xóa bỏ tất cả các hình thức kỷ luật mà Đảng đã áp dụng trong quá khứ đối với những người có quan điểm chính trị khác với quan điểm của Đảng”.
Lúc 1 giờ 35 họ đã hát Quốc tế ca và hạ cờ. Rất nhiều đại biểu nước mắt lưng tròng. Mieczysław Rakowski đã nói những lời cuối cùng: “Chúng ta hãy chờ đợi xem lịch sử sẽ phán xét Đảng của chúng ta như thế nào. Có thể như Cách mạng Pháp, phải đến 30, 40 năm sau, mới kết luận rằng những người làm cách mạng đã không đạt đươc mục tiêu đề ra. Tôi kêu gọi, hãy đừng ngược đãi PZPR, bởi vì, ngược đãi nó khác nào ngược đãi cuộc sống của chính mình. Bởi vì, sẽ tạo ra một tinh hình rất lạ lùng, là tự chúng ta cũng không yêu chúng ta. Như vậy, chúng ta hãy bước đi và ngẩng cao đầu”.
Grzegorz Sroczyński, phóng viên nhật báo Wyborcza Ba Lan
Người dịch : Đinh Minh Đạo
Nguồn: Nhật báo Wyborcza 29-1-2010
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Zbigniew Siemiątkowski tham gia thành lập Đảng Xã hội Dân chủ. Năm 2002 đảng thắng cử, lập Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng phụ trách các vấn đề an ninh.
[2]Mieczysław Rakowski sinh năm 1926, nhà báo, Từ 1987, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng. Từ 1989 cho đến khi giải thể đảng là Bí thư thứ nhất.
[3] Tadeusz Mazowiecki sinh năm 1927, Luật sư, nhà báo, cựu Chủ tịch Uỷ ban Cố vấn của CĐĐK, Tổng Biên tập tạp chí Solidarność. Tháng 08-1989 trở thành Thủ tướng không cộng sản đầu tiên sau 45 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản.
[4] Leszek Balcerowicz sinh năm 1947, Giáo sư kinh tế, 1989-1991 phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, tác giả của kế hoạch chuyển hóa nền kinh tế tập trung bao cấp của Ba Lan sang nền kinh tế thị trường tự do, thường gọi là “Kế hoạch Balcerowicz”.
[5] Thỏa thuận tháng Tám là thỏa thuận được ký kết giữa chính quyền cộng sản Ba Lan với CĐĐK. Là kết quả của các cuộc đình công do CĐĐK tổ chức. Thỏa thuận gồm nhiều điểm, trong đó chính quyền cộng sản đã phải công nhận CĐĐK là một tổ chức hợp pháp và công nhân có quyền được đình công.
[6] Trước sự lớn mạnh không ngừng của CĐĐK, ngày 13-12-1981 tướng W. Jaruzelski, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tuyên bố “Tình trạng Chiến tranh”. Thiết quân luật trong toàn quốc, chính quyền được trao cho Hội đồng Cứu nguy dân tộc, cấm CĐĐK hoạt động, 10131 người bị bắt, 3616 người bị án tù. Nhưng CĐĐK vẫn tồn tại và hoạt động bí mật. Bị nhiều nước trên thế giới lên án, ngày 22-07-1983, sau 586 ngày chính quyền cộng sản phải tuyên bố bãi bỏ “Tình trạng chiến tranh”.
[7] Lech Walesa sinh năm 1943, công nhân điện tại Xưởng Đóng tầu Lenin tại Gdańsk. Đề xuất và lãnh đạo phong trào đình công và trở thành Chủ tịch CĐĐK. Năm 1990-1995 là Tổng thống đầu tiên của Ba Lan được cử tri bầu trực tiếp trong toàn quốc.
[8] Aleksander Kwaśniewski sinh năm 1954, năm 1985 là Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên của chính quyền cộng sản. Khi thành lập Đảng Xã hội dân chủ làm Chủ tịch Đảng. Hai lần thắng cử, làm Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ 1995 đến 2005.
[9] Leszk Miller sinh năm 1946, Ủy viên Ban Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan cho đến khi đảng giải thể. Khi thành lập Đảng Xã hội dân chủ, trở thành Tổng Bí thư. Năm 2001, Liên minh Cánh tả thắng cử, làm Thủ tướng Chính phủ đến năm 2004.
[10] Tài sản của Đảng Cộng sản Ba Lan bao gồm rất nhiều bất động sản như: trụ sở Đảng từ trung ương đến các địa phương, nhà trường, khách sạn cùng các tài sản khác trị giá hàng tỷ $. Chính quyền dân chủ đầu tiên đã phải thành lập Ủy ban Thanh toán Tài sản Đảng Cộng sản để xử lý tài sản khổng lồ này (quốc hữu hóa, bán đưa vào ngân sách, giao cho các bộ hay chính quyền địa phương…)
[11] Theo thỏa thuận của Hội nghị Bàn tròn giữa Đảng Cộng sản và CĐĐK, sau khi bầu cử Quốc hội dân chủ, tướng Wojciech Jaruzelski, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Ba Lan vẫn được tiếp tục giữ chức Tổng thống cho đến khi bầu tổng thống mới.
[12] Tòa nhà Đảng là trụ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Ba Lan. Được xây dựng từ năm 1952. Tọa lạc tại một trong những đại lộ lớn nhất Warszawa, là một trong khu nhà liên hợp lớn nhất Ba Lan. Hiện nay được sử dụng làm trung tâm tài chính và thị trường chứng khoán quốc gia.
[13] Sự kiện Tháng Ba 1968: Sinh viên các trường đại học ở hầu hết các thành phố của Ba Lan biểu tình đòi hỏi tự do dân chủ, phản đối công an đàn áp, bắt bớ sinh viên và những người gốc Do Thái. Chính quyền cộng sản đã bỏ tù nhiều sinh viên. 20000 người Ba Lan gốc Do Thái đã bị buộc phải rời khỏi Ba Lan sang tị nạn tại Israel và các nước phương Tây.
[14] Cung Đại hội (Hala Kongresowa) nằm trong Lâu đài Văn hóa và Khoa học Warszawa, công trình là “tặng phẩm” của nhân dân Liên Xô tặng nhân dân Ba Lan. Cao 230,68 m, diện tích sử dụng 123.084 m2 nằm giữa trung tâm Warszawa do Liên Xô thiết kế, thi công. Với 3.500 công nhân Liên Xô, xây dựng từ 05-1952 đến 07-1955. Tất cả các cuộc họp, các đại hội của Đảng Cộng sản Ba Lan đều đã được tổ chức tại đây.
Ảnh : Tượng đài Đức Giáo Hoàng John Paul II và Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan để tưởng nhớ hai vị ân nhân giúp họ thoát khỏi chế độ cộng sản tại thành phố Gdansk, Ba Lan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét