Những cuộc cách mạng bột phát, những ý thức hệ nửa vời luôn mang lại bi kịch cho xã hội. Vì ngoài những đổ vỡ và mất mát mà nó gây ra, thì việc đi lại vết xe đổ của quá khứ là điều không tránh khỏi; do họ chưa ý thức được những giá trị tranh đấu, cũng như chế độ nhà nước sẽ xây dựng trong tương lai. Thành ra chính những kẻ nhân danh cách mạng lại trở thành phản cách mạng. Những lý tưởng tranh đấu lúc này đã trở nên vô nghĩa, và chính họ lại trở thành kẻ phản bội nhân dân mình. Thay vì tiến bộ và hạnh phúc, họ lại tạo nên một chế độ còn phản động hơn xưa.
Dĩ nhiên là một chế độ như vậy sẽ bị nhân dân oán hận, vì sự hy sinh của họ đã trở nên vô ích. Không có gì bi kịch hơn, khi chính những kẻ đấu tranh lật đổ ách thống trị lại trở thành kẻ thống trị hà khắc không kém.
Có câu chuyện kể rằng:
“Ngày xưa có ông vua nọ nổi tiếng tàn ác, dưới sự cai trị của ông ta, dân chúng bị bóc lột vô cùng khổ sở. Nhà vua có một thợ cắt tóc riêng rất ưa thích. Người thợ này thấy nhà vua mỗi lần cắt tóc đều mặc áo cao cổ mà che kín phần gáy, không cho ông đụng vào. Tuy rất ngạc nhiên, nhưng vì sợ bị tội nên ông không dám hỏi.
Một lần khi cắt tóc, trong lúc cạo đầu ông đã vô tình vén cái cổ áo của nhà vua xuống, và đọc thấy dòng chữ ở cổ: Hãy treo cổ nhà Vua.
Trước đây nhà vua vốn là một chiến binh dũng cảm chiến đấu chống lại bạo chúa. Họ khởi nghĩa là nhằm phản kháng lại ách thống trị tàn bạo và hà khắc đương thời. Khi khởi nghĩa thắng lợi, tên bạo chúa bị người ta treo cổ. Trong chiến đấu, vì ông luôn dũng cảm đi đầu mà được người ta suy tôn làm vua. Thủa còn chiến trận, vì để khích lệ tinh thần quân sĩ, ông đã nhờ người thích dòng chữ đó lên cổ mình.
Bây giờ đã làm vua, vì vậy mà ông ta không muốn người khác nhìn thấy câu khẩu hiệu một thời là mục tiêu chiến đấu của mình…”
Câu chuyện cho thấy sự bế tắc của một mô hình chính trị lỗi thời. Khi khởi nghĩa để lật đổ một triều đại thì người ta lại lập nên một triều đại khác, thậm chí còn tệ hại hơn xưa. Giống như tiêu diệt được Tần Thủy Hoàng hà khắc, lại nảy nòi ra một Hạng vũ tàn bạo vậy.
Ở Việt Nam ta, năm 1945 người Cộng Sản cướp chính quyền và làm cuộc cách mạng vô sản. Họ chủ trương đấu tranh và tiêu diệt giai cấp, xóa bỏ tư hữu, cấm đoán thương nghiệp.
Tuyên ngôn quốc tế Đảng Cộng Sản năm 1848 tuyên bố:
"Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau..."
Vậy thì những người Cộng Sản hiện nay thuộc giai cấp nào? Áp bức hay bị áp bức? Thống trị hay bị thống trị? Vô Sản hay Tư Sản? Tại sao lâu nay không nghe người Cộng Sản nói đến chuyện "đấu tranh giai cấp", vốn là chiêu bài của họ từ khi ra đời? Cũng vì đấu tranh giai cấp một cách cực đoan mà người Cộng Sản đã giết hại hàng triệu triệu người chỉ vì họ không thuộc giai cấp vô sản. Nếu bây giờ cũng tiến hành đấu tranh giai cấp như vậy thì liệu có người Cộng Sản nào còn sống sót được không?
Đã biết cuộc đấu tranh giai cấp là không bao giờ kết thúc như "Tuyên ngôn đảng cộng sản" đề cập, thì coi như đó là quy luật. Mà đã là quy luật không tránh khỏi thì ta phải làm một cách có văn minh và luật lệ, chứ đâu có cách nào khác? Biết là quy luật mà anh lại đi ngược lại quy luật, đó là việc đàn áp và tiêu diệt các giai cấp khác. Trước đây họ tiêu diệt giai cấp thống trị, thì bây giờ chính họ là kẻ thống trị. Trước đây họ chủ trương lật đổ ách áp bức thì bây giờ họ là kẻ áp bức. Trước đây họ tiêu diệt giai cấp tư sản để giải phóng giai cấp vô sản, thì giờ đây họ trở thành giai cấp tư sản. Như vậy là người Cộng Sản đã tự mâu thuẫn với chính mình.
Vì vậy mà bấy lâu nay người ta không còn nghe người Cộng Sản nói đến "Đấu tranh giai cấp" nữa.
Đó là kết quả của một "cuộc cách mạng" không có lối thoát. Cộng sản thực chất chỉ là phong kiến biến dạng, đồng thời áp dụng thêm những nguyên tắc không tưởng và cực đoan. Chế độ Phong kiến trước đây có hệ thống lễ giáo chặt chẽ, đề cao các giá trị nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Từ khi chế độ Cộng Sản cầm quyền, xã hội bị đảo lộn, người dân sống trong môi trường vô pháp vô nhân. Ấy là chưa kể, họ phải gánh chịu muôn vàn đau khổ và bất công vì sự sai trái của ý thức hệ Cộng sản. Thực tế là chế độ Cộng Sản còn lạc hậu và thua xa thời thực dân phong kiến. Một bước thụt lùi của lịch sử vậy.
Những "cuộc cách mạng" mà mục tiêu của nó không phải thực sự vì dân, ắt sẽ dẫn đến tình trạng tự mâu thuẫn và diệt vong.
Minh Văn -1/10/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét