Sài Gòn – Dẫn nguồn từ báo Pháp Luật, Ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán chủ tọa phiên phúc thẩm xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn, vừa bị khởi tố, chia sẻ nguyên nhân ông Chấn bị kết án oan: “Tôi vốn là người lính, qua bao nhiêu chuyện, tôi không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của bên công an. Họ làm án, làm sai lệch vụ án đến bây giờ mới phát hiện được. Tôi xử theo luật, làm theo bổn phận thì chỉ có thế thôi.”
Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân và bị tù oan sai đến 10 năm làm cho nhiều người quan tâm. Ngày 15.8.2003, bà Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Sau đó ông Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố về tội giết người. Tháng 26.3.2004, ông Chấn bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tù chung thân. Khi phải ngồi tù, ông Chấn một mực kêu oan, người nhà cũng chạy khắp nơi để kêu oan cho ông. Tháng 25.10.2013, ông Lý Nguyễn Chung – hàng xóm ông Chấn – ra đầu thú, khai nhận hành vi giết bà Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản nên ngày 4.11.2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, và trở về nhà.
Bạn đọc tên Châu bình luận: “Số phận một con người, 10 năm phẫn uất chốn lao tù. Chồng/cha tù tội, mẹ hóa điên hóa dại, con gái nhỡ nhàng duyên số, con trai thất học phiêu bạt đó đây, tán gia bại sản, hàng xóm chê cười, dư luận dị nghị, bạn bè tẩy chay, xã hội lên án, cúi đầu mà đi đằng đẵng 10 năm trời. Cả bài phỏng vấn, tuyệt nhiên không thấy một câu thăm hỏi động viên, không một lời xin lỗi, không một chút mảy may tự vấn trách nhiệm, thậm chí “tôi không ân hận”, mà bác cứ chăm chăm đổ cho bên này làm sai án, bên kia thiếu sáng suốt. Thế bác ở đâu trong tập thể ấy, bác làm gì trong quy trình ấy, bác nghĩ gì trước những con người bị oan sai ấy? Ừ thì bác chẳng giết ai cả, nhưng là một thẩm phán tối cao, thì lời phán xét của bác khác nào đóng chiếc đinh cuối cùng lên quan tài và vùi chôn một phận người?”.
Một bạn đọc khác nhận xét ông Phạm Tuấn Chiêm thiếu tinh thần trách nhiệm. Bạn đọc Minhnc nói: “Kính gửi ông Phạm Tuấn Chiêm. Trước hết xin chia xẻ và thông cảm với ông về “tai nạn nghề nghiệp” vừa rồi. Khi đọc bài phỏng vấn, tôi cũng cảm nhận Ông không phải thoái hóa hay tham nhũng, nhưng Ông bị khởi tố vì tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là rất chuẩn xác bởi vì: Thứ nhất, hậu quả rõ ràng rất nghiêm trọng, làm cho cả một gia đình tan nát, một đời người bị chìm trong tù ngục. Thứ hai, thiếu trách nhiệm: Qua bài phỏng vấn đã thể hiện rõ Ông cực kỳ thiếu trách nhiệm, Ông là chủ tọa, là quan tòa mà nói rằng có sao xử vậy, bên VKS nói sao nghe vậy, không có chứng kiến, không có bản lĩnh của quan tòa và đặc biệt là vẫn theo lối suy diễn người ta có tội “theo tâm lý thường thấy của tội phạm là hay nói vậy để chối tội”, như vậy là trước khi vào xử ông đã coi người ta phạm tội thì đúng là quan tòa thiếu trách nhiệm. Thứ ba, tôi thấy ông thiếu một cái quan trọng đó là linh cảm nghề nghiệp, hình như ông không có.”
Bang93 phản hồi: “Ông là thẩm phán, quyền sinh quyền sát trong tay ông mà, nếu ông thấy có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, các tình tiết trong phiên tòa …. Thì ông có quyền hủy kết quả điều tra, yêu cầu điều tra lại chứ? Không biết là do ông thiếu trình độ hay thói quan liêu, ẩu tả mà tuyên án vô trách nhiệm như vậy? Bây giời thay vì nghiệm túc nhận khuyết điểm và khắc phục hậu quả thì ông lại đi thanh minh chối tội, đẩy đi cho các người khác, Ông cứ yên tâm đi, tất cả những người liên quan tới vụ án này đều bị trừng trị hết chứ không chỉ có một mình ông đâu mà lo.”
Những ngày qua, tại các phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, các vấn đề “đảm bào quyền im lặng của nghi can”, “đảm bào xét xử độc lập” chống “án bỏ túi”, chống “bức cung nhục hình”… luôn luôn nóng và nhiều ý kiến trái chiều nhau và các quan đều tỏ ra bức xúc, nhưng mấu chốt vấn đề không được bàn đến. Trong vụ án này, hay tất cả các vụ án khác, vấn đề “độc lập” của cơ quan tư pháp, tố tụng luôn luôn phải dưới sự chỉ đạo của đảng. Lẽ vậy, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói mạnh mẽ: “Quyền độc lập của cơ quan điều tra, của VKS và đặc biệt độc lập trong xét xử của tòa phải được đảm bảo. Tôi cho rằng nếu không đảm bảo các nguyên tắc này, tòa án không thể bảo vệ công lý, không thể công bằng được”.
Ngay lập tức ông Chánh án Tòa Tối cao phát biểu: “đây là nguyên tắc hiến định. Chúng tôi sẽ kiến nghị để có những cơ chế pháp luật tiếp tục đảm bảo thẩm quyền này, …” . “Tuy nhiên có cả nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xét xử thì chúng tôi cũng phải đảm bảo nguyên tắc này…”.
Thật rõ ràng, chỉ có một đảng lãnh đạo, nên các cơ quan – dù có độc lập, dù có nhiều ý kiến khác nhau…- vẫn phải “đảm bảo nguyên tắc một đảng lãnh đạo”, tức sau cùng vẫn chỉ là “một ý kiến”. Độc tài là thế. Và ngày nào còn chế độ “một đảng lãnh đạo” và “vẫn phải đảm bảo nguyên tắc này”, tức không thể “độc lập”, thì chắc chắn “tòa án không thể bảo vệ công lý, không thể công bằng được”. Đây là những phát ngôn mà của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã quả quyết.
Thiết nghĩ, có nên chăng, ông Phạm Tuấn Chiêm, cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao nên nói thẳng: cần khởi tố “chế độ độc đảng”, vì đó là nguyên nhân không cho ông “xét xử độc lập”?
HT, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét