Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Sứ mạng làm mẹ của phụ nữ (6)




 

Sứ mạng làm mẹ của phụ nữ

Sàigòn
Đọc mấy trang đầu của Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa đã dựng nên con người có hai phái nam và nữ, để hai người cộng tác với nhau trong việc sinh sản và giáo dục con cái, hoàn thành việc tạo dựng của Thiên Chúa. Với sứ mạng truyền lại cho con cháu sự sống thể xác cũng như tinh thần, tự nhiên cũng như siêu nhiên, hai người nam nữ đã được Thiên Chúa ban cho những cái cần thiết ám hạp cho mỗi người với một cơ thể, một tâm lý, một tinh thần khác nhau để làm trọn nhiệm vụ của mình. Mỗi bên có một đức tính, những tâm tình, những tài năng khác nhau nhưng bổ túc nhau, làm thành một nguồn sự sống phong phú.

Theo kế hoạch của chúng ta vừa phát họa, sứ mạng thiết yếu căn bản và tự nhiên của phụ nữ là làm mẹ trong khuôn khổ một gia đình. Ở đó, người phụ nữ trước tiên tìm thấy con đường tự nhiên ám hạp của bản tính mình. Nơi sứ mạng làm mẹ, người nữ sẽ có những hoạt động tự nhiên dễ dàng làm nảy nở các khả năng của mình, tức là tìm thấy phẩm cách của nhân vị mình. Nơi sứ mạng đó họ còn tìm thấy một vinh quang vô song mà một con người tự nhiên có thể ước mong: trở thành nguồn sự sống, mầm hy vọng của xã hội, của sự phát triển của nhân loại. Với sự dưỡng nuôi và giáo dục cần cù, nhẫn nại, tế nhị và đầy tình thương, người mẹ đã giúp cho đức con, một nhân vị mới chớm nở, hy vọng mai sau trở thành một thiên tài, một vị anh hùng, một vị thánh nhân.
Trong một gia đình Công giáo, người mẹ còn có sứ mạng cao cả nuôi dưỡng đời sống đức tin của người con. Người mẹ yêu con không mãi nhìn con nhưng giúp con cùng nhìn về một hướng là Thiên Chúa. Đời sống siêu nhiên mà đứa trẻ nhận lãnh trong pháp Rửa tội, chính người mẹ có nghĩa vụ làm nảy nở trong tâm hồn nó bằng cử chỉ, lời nói và gương sáng. Mẹ nào con nấy. Nếu người mẹ có lòng tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng, lòng mến sâu xa, thì đứa con nhiều hay ít cũng tin, cậy, mến, như mẹ. Và cho dầu về sau, vì bạn bè mà đi xa con đường đức tin, đứa con hoang đàng kia cũng sẽ trở về con đường lành. Lịch sử đã cho chúng ta thấy nhiều gương tích những người mẹ đạo đức đã tạo nên nhiều đấng thánh và đã cứu được nhiều đứa con hư hỏng.
Ấp ủ mầm non của nhân loại, chức làm mẹ của phụ nữ còn bao trùm lên cả loài người để làm mẹ những kẻ yếu đuối không nơi nương tựa. Người phụ nữ che chở cho kẻ yếu ớt bằng tình yêu dịu hiền. Chức làm mẹ của người phụ nữ vượt lên trên bình diện thể xác để mặc lấy chức làm mẹ thiêng liêng của tâm hồn con người, với tất cả tấm lòng thương và hy sinh trời bể của tình mẹ. Sứ mạng làm mẹ của phụ nữ đã vượt ra khỏi khung cảnh gia đình và chiếu tỏa tình mẫu tử trên mọi chức vụ và hoạt động xã hội. Đối với người phụ nữ, chức vụ làm bác sĩ, cán sự xã hội, nữ giáo viên, nữ khán hộ không phải là những nghề nghiệp theo nghĩa thường tình, nhưng là những hình thái của chức làm mẹ. Đó là những hoạt động ám hạp nhất cho phụ nữ để làm phát triển bản năng hiền mẫu của mình.
Ngày nay, ngoài công việc gia đình, người phụ nữ còn được kêu mời cộng tác xây dựng xã hội, giúp nhân loại tiến triển. Nhưng trong gia đình hay ngoài xã hội, người phụ nữ phải luôn luôn hoạt động trong khuôn khổ sứ mạng làm mẹ. Để xây dựng một xã hội mới, một quốc gia mới, người phụ nữ không cần và không nên lãnh những chức vụ, những nghề nghiệp đòi hỏi sức mạnh mẹ, ngõ hầu thi thố các khả năng làm mẹ của mình. Một khoảng lớn nhân loại đau thương đang chờ đợi những bàn tay dịu hiền băng bó, xoa dịu bao trẻ thơ tàn tật, côi cút đang cần những tấm lòng đầy tình mẹ săn sóc che chở.
Sứ mạng làm mẹ của phụ nữ phải được thi hành trọn vẹn, vì tuyệt đối cần thiết cho nhân loại. nếu phụ nữ chối bỏ, nhân loại sẽ mất niềm hy vọng tiến triển và chính phụ nữ, vì chối bỏ sứ mạng căn bản ấy, nên cũng từ chối chính bản thể của mình. Ước mong phụ nữ ngày nay ý thức hơn sứ mạng làm mẹ để tích cực cộng tác xây dựng một xã hội mới cho tổ quốc và nhân loại.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 156-5/1962
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét