Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

50 năm trước: Bóng người hòa bình – ĐGH Gioan XXIII – Trong những ngày thế giới gần bờ vực đại chiến (3)



Hà Nội – 23/10/1962: Sáng nay, các nghị phụ Công Ðồng bắt đầu một ngày làm việc mới thì tình hình an ninh thế giới đã xấu đi nhiều lắm. Từ lúc bài diễn văn của Kennedy được phổ biến tối qua chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, những hiểm họa về một cuộc chiến tranh hạt nhân cứ rõ  nét dần. Cảm giác bị đe dọa lơ lửng trên đầu mọi người, dù mọi người vẫn sống, vẫn sinh hoạt bình thường, chứ biết làm gì khác? Ở Vatican cũng vậy, 2363 giám mục (đông hơn hôm qua) lại bàn luận với nhau về Phụng Vụ, Ðức Hồng Y Spellman (New York, Hoa Kỳ) chủ tọa. Vẫn là hai khuynh hướng so đo, cân nhắc với nhau.
Hai phát biểu được chú ý nhiều:
- Ðức Hồng Y Feltin (Paris, Pháp) nhận xét rằng ngày nay  phần lớn người ta biết ít về Hội Thánh. Giả sử một người giáo dân ít học nào hoặc một người ngoài Công Giáo có mặt trong một thánh lễ, đáng lẽ người đó phải thấy rõ ngay mình đang chứng kiến một điều gì ý nghĩa cao vời, thánh thiêng, sâu thẳm. Nhưng cứ như tình hình lúc ấy, linh mục cầu nguyện trên bàn thờ bằng tiếng La Tinh, cộng đoàn thường hoàn toàn im lặng, hoặc khá lắm thì cũng chỉ đối đáp vài câu La Tinh, thế thì rất dễ tạo ra cho người ta ấn tượng về một thứ lễ nghi thần chú ma thuật nào đó, có lẽ ai hiểu được thì hay, nhưng với người thường thì chả có ý nghĩa gì. Vậy mà Thánh Lễ là Lời Thiên Chúa đang tác động, đưa Chúa Kitô vào thâm tâm tín hữu nhờ những lời nguyện, những bài đọc Thánh Kinh, để rồi sau đó tái hiện Bữa Tiệc Ly và Lễ Hy Sinh Cứu Chuộc của Chúa trên Thánh Giá. Nếu những lời phát ra không có ý nghĩa gì cụ thể cho người dân, thì đã trật mất mục tiêu ban đầu của ngôn ngữ.

- Nhân vật thứ hai gây ấn tượng mạnh hơn nữa là một cụ già 84 tuổi đến từ đất nước Syria, Trung Ðông: Ðức Ngài Maximos IV Saigh, Thượng Phụ Antiochia. Người Công Giáo ngoài Trung Ðông, đặc biệt là người Việt Nam ta, đối diện với một vị Thượng Phụ Ðông Phương sẽ có cảm giác hơi ngỡ ngàng, vì thấy bề ngoài các vị khác xa với các đấng bậc như ta thường biết. Các Giáo Hội Ðông Phương này ngày nay chỉ là thiểu số nhỏ trong Hội Thánh Công Giáo toàn cầu. Thế nhưng các Hội Thánh Ðông Phương này lại rất quan trọng, vì đó là những chứng tích của những thế kỷ đâù nguồn lịch sử Kitô Giáo. Các vị lãnh đạo mang danh hiệu thượng phụ, vì các ngài chưởng quản những tòa do các Thánh Thông Ðồ để lại, ví dụ Tòa Antiochia của Ðức Maximos IV do Thánh Phêrô lập trong quá trình dài ngài đi truyền giáo, khởi đầu ở Jêrusalem để kết thúc ở Rôma. Các Giáo Hội Phương Ðông này có nghi lễ và luật lệ riêng, ít tính cách Rôma La Tinh như phần lớn các Giáo Hội Công Giáo khác.
- Vừa mở đầu, Ðức Maximos đã làm người ta phải giật mình. Thứ nhất: ngài ngang tàng phá lệ Công Ðồng, phải phát biểu bằng tiếng La Tinh. Ngài nói tiếng Pháp, không phải vì không biết tiếng La Tinh. Bằng chứng là khi muốn đề nghị tu chỉnh bản văn dự thảo, ngài vẫn nói tiếng La Tinh lưu loát. Nhưng lúc phát biểu quan điểm của mình, ngài không chịu nói tiếng La Tinh,  vì một vấn đề  nguyên tắc, như ta sẽ thấy. Thứ hai: cách ngài thân thưa với Công Ðồng. Ngài “thưa các Ðức Thượng Phụ” trước, rồi mới “thưa các Ðức Hồng Y” sau. Ngay từ hôm khai mạc Công Ðồng, Ðức Maximos đã không chịu đi kiệu chung với các nghị phụ, chỉ vì Ban Nghi  Lễ đã sắp xếp để các hồng  y đi trước các thượng  phụ. Ngài phản đối như vậy không phải vì hư danh, hư vị, nhưng vẫn vì  vấn đề nguyên tắc, mà Giáo Hội Công Giáo thường “quên”: các thượng phụ là các đấng nắm quyền bính thiêng liêng trên tòa do các Thánh Tông Ðồ tạo lập, còn các đức hồng y chỉ là người cố vấn hay phụ tá, là “triều thần” cho Ðức Thượng Phụ Rôma, tức là Ðức Giáo Hoàng. Từ Thời Trung Cổ, khi sự qua lại giữa Phương Ðông và Phương Tây càng ngày càng khan hiếm, đa số người Công Giáo sinh sống ở Châu Âu, cứ tưởng sau đức giáo hoàng là các vị hồng y, trong nghi lễ phụng vụ hay ngoài phụng vụ người ta cũng cứ sắp xếp để các hồng y ở địa vị cao như thế. Ðức Maximos muốn lưu ý rằng đức giáo hoàng với các đức thượng phụ là huynh đệ, còn đức giáo hoàng với các đức hồng y thì như cha con, nếu không phải là vua tôi theo thời phong kiến.
Nội dung phát biểu của Ngài cũng thật bộc trực. Ðầu tiên ngài khen ngợi lược đồ dự thảo: “Lược đồ này đã vinh danh ủy ban soạn thảo ra nó, và, một cách tổng quát hơn, vinh danh cả phong trào phụng vụ đã khơi nguồn cho nó”. Ðó là một lời ca ngợi sức sống của Hội Thánh luôn đi tìm đường. Nhưng liền sau đó ngài phê bình những hiện tượng trì trệ trong Giáo Hội. Lại một lần nữa cái ngôn ngữ tinh tế và thông thái là tiếng La Tinh phải đóng vai biểu tượng cho những gì đã bị thời gian qua mặt, trở nên xa lạ với đời. Ðức Maximos IV nói: “Tôi thiết tưởng giá trị gần như tuyệt đối mà (số 24 của lược đồ) muốn gán cho tiếng La Tinh trong Phụng Vụ…. thì đó là biểu tượng cho một cái gì mà Giáo Hội Phương Ðông thấy khá bất bình thường. Xét cho cùng, Chúa Kitô đã nói tiếng nói của những người đương thời với Ngài. Ngài cũng dâng thánh lễ hy tế đầu tiên bằng tiếng Aram, là tiếng nói của tất cả mọi  người nghe Ngài. Các tông đồ và  đồ đệ  cũng làm như vậy. Không bao giờ các vị ấy có ý nghĩ rằng trong cộng đoàn Kitô Giáo, vị chủ tế lại đọc Thánh Kinh, hát thánh vịnh, thuyết giáo, hay bẻ bánh bằng một ngôn ngữ nào khác với tiếng nói của những tín hữu đang tụ họp. Thậm chí Thánh Phaolô còn nói thật rõ: “Nếu bạn chỉ chúc tụng Thiên Chúa…(bằng tiếng lạ thôi), thì làm sao những người không hiểu biết có thể thưa “Amen” lúc bạn dâng lời tạ ơn, vì người đó không biết bạn nói gì? Ðã hẳn, lời tạ ơn của bạn tốt đẹp thật, nhưng không tăng cường đức tin cho người khác…Trong cộng đoàn, thà  tôi  nói năm ba tiếng có thể hiểu được để dạy dỗ kẻ khác, còn hơn là nói hàng vạn lời bằng tiếng lạ.” (1 Co. 14, 16-19). Mọi lý do đã đưa ra để không cho đụng đến tiếng La Tinh… đều phải nhường bước cho lý luận rõ ràng, vững chãi và chính xác đó của Thánh Tông Ðồ”.
Ðức Thượng Phụ  lược lại lịch sử: Giáo Hội Rôma đã dùng tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ phụng vụ cho đến thế kỷ thứ ba, vì thời đó tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ mọi người đều nói. Sau đó mới xử dụng tiếng La Tinh, cũng vẫn vì tiếng La Tinh đã trở nên thông dụng… “Còn ở Phương Ðông, trái lại , chẳng bao giờ có vấn đề ngôn ngữ phụng vụ. Quả vậy, tiếng nói nào cũng có tính phụng vụ vì theo lời nhắn nhủ của tác giả Thánh Vịnh: laudate Dominum omnes gentes (Mọi dân tộc hãy ca ngợi Chúa) thì điều phải lẽ là ta tôn vinh Thiên Chúa, giảng Tin Mừng và dâng thánh lễ bằng bất cứ ngôn ngữ nào.” Ðức Thượng Phụ nhấn mạnh: “ Tiếng La Tinh đã chết rồi; nhưng Hội Thánh vẫn sống, và ngôn ngữ là cái chuyển tải ân sủng và Chúa Thánh Thần, cần phải rõ ràng và sống động, nói cho con người chứ không phải nói cho các thiên thần…”.
Ngày nay, chúng ta thấy dự lễ và cử hành các bí tích bằng các thứ tiếng phổ thông là quá đỗi bình thường, chúng ta thấy nhiều người đã tìm được đức tin hoặc tìm lại được đức tin đã mất sau khi tham dự một lễ tang hay lễ cưới, bằng tiếng Việt, không ngờ 50 năm trước để đạt tới điều đơn giản này, đã mất nhiều công sức như vậy. Nhiệm vụ của Hội Thánh mỗi ngày vẫn là tháo gỡ mình khỏi  mọi thứ níu kéo mình trong tháp ngà để nói về Chúa được cho thế gian đang cuồn cuộn chảy ngoài kia…
Từ thư phòng riêng của ngài trong Ðiện Vatican, Ðức Gioan XXIII vẫn theo dõi Công Ðồng và lắng nghe chăm chú các ý kiến phát biểu. Ngài cũng là một người rất thấm nhuần tiếng La Tinh, nhưng ơn riêng Chúa ban cho ngài là sự thông thạo cổ ngữ không hề làm cho ngài xa cách cuộc sống hiện tại. Toàn thể Giáo Hội đã cảm thấy điều đó và thế giới cũng cảm thấy điều đó. Hôm nay hẳn là ngài nặng lòng hơn thường vì ngài vừa suy nghĩ  về đường  đi của Hội Thánh, vừa không thể quên được cuộc khủng hoảng mới nổ tung đêm hôm qua. Hội Thánh vẫn tìm đường đến với thế gian, nhưng thế gian như nó đang diễn biến liệu có phá tan hết mọi thành tựu tốt đẹp của con người, và cả những cố gắng của Hội Thánh loan báo Tin Mừng tình thương yêu cứu độ của Chúa cho hiện tại và cho tương lai? Từ ngày lên ngôi, ngài đã bao lần nói về hòa bình, cả Công Ðồng này cũng muốn là một hình ảnh của thế giới hòa bình. Nhưng lúc này Ðức Gioan XXIII làm gì được? Hồi cuối Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, trong một hội nghị quốc tế có ai đó đã nhắc đến Ðức Giáo Hoàng ở Rôma, và Thống Chế Stalin đã hỏi mỉa mai một câu: “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” Giáo hoàng chẳng có sư đoàn nào cả, thậm chí một khẩu súng cũng chẳng có. Lâu nay, và nhất là từ tối hôm qua, thế giới hình như đối thoại với nhau bằng các sư đoàn, bằng võ khí, bằng hỏa tiễn liên lục địa và bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Giáo hoàng thì chỉ có Lời Chúa và sự cầu nguyện thôi …
Trong những giờ phút tư lự ấy, Ðức Gioan XXIII không biết rằng ở một nơi rất xa đang mở ra cánh cửa cho ngài đem lời hòa bình vào nơi máu lửa. Nơi đó ở bên Mỹ, nhưng không phải ở nơi đầu não quyền lực là Washington, nhưng ở Bang Massachusetts trên miền Ðông Bắc. Hai người tiên phong mở đường cho Ðức Gioan XXIII là một nhà báo rất nổi tiếng người Mỹ và một linh mục Dòng Ða Minh người Bỉ.
Nhà báo là Norman Cousins (1915-1990), một người đã tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về báo chí từ ngày còn ở trung học. Năm 1934 ông làm tổng biên tập Tuần San Saturday Review, khiến cho báo bán tăng từ 20 000 lên 650 000 ấn bản. Ngày 6/8/1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, Nhật Bản, hơn 100 000 người chết tức khắc và rất nhiều người đau đớn quằn quại về các di chứng cho đến hết đời. Biến cố này có tác động rất lớn đến Norman Cousins. Ngày hôm ấy ông viết bài báo “Con người hiện đại đã lỗi thời” (The Modern Man is Obsolete). Ông cảm thấy mình như mang trọng tội với những nạn nhân của bom nguyên tử. Trong bài xã luận đó ông bàn về những hệ lụy xã hội và chính trị tiềm ẩn trong trái bom nguyên tử. Bài báo được phổ biến trên khắp nước Mỹ và được rất nhiều người hưởng ứng. Từ đó Cousins dành rất nhiều công sức để cứu giúp các nạn nhân sống sót sau hai trái bom nguyên tử thả xuống nước Nhật.
Năm 1950, ông chủ xướng Liên bang thế giới và Giải trang hạt nhân. Năm 1953, ông viết cuốn sách “Ai lên tiếng cho con người” (Who Speaks for Man?) và làm chủ tịch Hiệp hội Liên bang thế giới ( World Federalist Association). Ðiều làm Cousins hết sức hãnh diện là ông được Nhà Bác Học Albert Einstein mời tham gia thảo luận ở Ðại Học Princeton. Einstein, cũng như nhiều nhà bác học khác, sau khi góp phần giúp chính phủ mình tạo được võ khí hạt nhân, đã luôn cảm thấy lương tâm dày vò và ám ảnh vì những hậu quả khủng khiếp do phát minh của mình. Einstein cũng như Cousins đều cảm thấy rằng thế giới đi đến thảm họa tận diệt nếu không chận được cuộc chạy đua võ khí hạt nhân. Cũng trong tinh thần đó, năm 1960, Cousins chủ xướng Hội Thảo Mỹ-Xô ở Dartmouth để thăng tiến hòa bình: Dartmouth, Massachusetts, là nơi đầu tiên quy tụ các viện sĩ, văn sĩ, bác học Mỹ và Liên Xô, mỗi bên chừng hai mươi người hội thảo với nhau trong khuôn khổ không chính thức và phi chính phủ để suy nghĩ về nhu cầu hòa bình thế giới, và làm thế nào để củng cố, tạo lập hòa bình. Cuộc hội thảo này diễn ra hàng năm, gọi là không chính thức và phi chính phủ cho dễ nói chuyện, thật ra các nhân vật có địa vị cao đó vẫn có rất nhiều quan hệ với các giới cầm quyền cả hai bên. Năm 1962 này họ vừa họp được một ngày ở Andover thì bài diễn văn tối 22/10 của Kennedy đã công khai hóa cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khiến mọi tham dự viên đều bức xúc.
Còn vị linh mục là cha Felix Morlion (1904-1987), người Bỉ. Hồi còn niên thiếu, cha Morlion là người vô thần, nhưng đến năm 21 tuổi cha trở lại đạo Công Giáo, rồi vào tu Dòng Ða Minh và chịu chức linh mục năm 1932. Cha là người sáng lập Liên Hiệp Quốc Tế Vì Chúa (International Pro Deo Union), còn được biết đến dưới danh hiệu Phong Trào Nhân Dân Hợp Nhất (United People Movement), đó là một hiệp hội độc lập muốn tạo lập đoàn kết trên khắp thế giới giữa những nhà lãnh đạo trẻ, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc, trong các lãnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa, tôn giáo. Ấn phẩm của Phong Trào lưu hành ở 152 nước.
Hồi Thế Chiến Thứ Hai, cha ngấm ngầm chống Ðức Quốc Xã bằng cách giúp người Do Thái trốn lánh an toàn. Ðến khi bị Mật Vụ Gestapo treo giá cha một triệu đôla, thì cha thoát thân qua ngả Tây Ban Nha rồi tiếp tục hoạt động ở New York. Thế chiến chấm dứt, được Ðức Giáo Hoàng Piô XII nâng đỡ, cha sáng lập và điều hành Ðại học Quốc tế các Khoa học Xã hội. Nhiều sinh viên, không  phân biệt tôn giáo đã học và tốt nghiệp ở Ðại Học này, trong đó có nhiều người về sau làm thủ tướng Ý . Sau khi Ðức Piô XII qua đời, cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tiếp tục nâng đỡ, cùng với Ðức Hồng Y Montini, trong ít tháng nữa sẽ là Giáo Hoàng Phaolô VI.
Norman Cousins nhận xét về cha Morlion rằng cha “là nhà trung gian hòa giải đã mở rộng rất nhiều lãnh vực đối thoại giữa các nền dân chủ phương Tây và các nước Ðông Âu. Cha là mẫu người hoạt động không hề ngơi, luôn trình bày trước các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo khắp các nước hết ý tưởng này đến dự phóng khác”.
Năm 1962 cha đi Mỹ cổ võ cho các công trình của cha và đến Andover thăm Cousins đúng vào lúc cuộc khủng hoảng Cuba bùng nổ. Ðã gần nhau về tưởng, lại gặp nhau đúng lúc tình hình sục sôi, hai người bạn có rất nhiều điều chia sẻ với nhau.
Về sau, trong một bài viết trên tờ Saturday Review, Cousins tóm tắt ý tưởng của cha Morlion như sau: “Ðức Giáo Hoàng can thiệp vào vụ Cuba là sự cốt yếu và có thể thực hiện được, bởi vì tạo cho cả hai bên cơ hội đáp ứng một đề nghị của người ngoại cuộc, chứ còn cùng một đề nghị đó mà do một trong hai bên đưa ra thì bên đối phương sẽ bác bỏ ngay, bất kể nó cao kiến như thế nào”.
Ý tưởng của cha Morlion không phải vô căn cứ. Ngay trong ngày 23 đó đã có trao đổi thư từ giữa Kennedy và Khrushchev, nhưng chưa có kết quả. Thư của ông Khrushchev rất cương quyết: “ Nước Mỹ đã công khai chọn lựa con đường vi phạm thô bạo Hiến Chương Liên Hợp Quốc, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và tự do đi lại trên biển khơi, đồng thời gây hấn với Cuba và Liên Xô … Chúng tôi không thể công nhận quyền của nước Mỹ được kiểm soát các võ khí cần thiết cho Cộng Hòa Cuba để tăng cường khả năng quốc phòng … Chúng tôi tái khẳng định võ khí ở Cuba … chỉ có mục đích  phòng thủ… chống lại mũi tấn công của một cuộc xâm lăng.”
Cuối thư ông Khrushchev “hy vọng Chính Phủ Mỹ sẽ có tầm nhìn và từ bỏ những hành động Mỹ đang theo đuổi, vì hậu quả sẽ là thảm họa cho hòa bình thế giới.”
Thư hồi đáp của Kennedy cũng trong ngày 23 này một lần nữa tố cáo Liên Xô đã “lén lút cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Cuba” và bày tỏ quan tâm là “tình hình đã khó kiểm soát rồi, cả hai chúng ta không nên làm một điều gì khiến xảy ra những biến cố còn khó kiểm soát hơn nữa”. Kennedy “hy vọng ngài sẽ ra chỉ thị để các tàu đi Cuba đừng thách thức lệnh cấm vận đã được OAS ban hành hợp pháp” (OAS là Organisation of American States, Tổ Chức các Quốc Gia Châu Mỹ).
Như vậy là không bên nào nhượng bộ bên nào, tuy cả hai bên đều cảnh báo về hiểm họa đại chiến. Trong thực tế, các dấu hiệu leo thang  rõ nét dần. Như bức thư của Kennedy cho thấy, các quốc gia Châu Mỹ (tất nhiên trừ Cuba) đã áp dụng các điều khoản của hiệp ước thành lập OAS và nhất trí cùng tham gia cấm vận với Mỹ. Các nước như Argentina, Venezuela, , Colombia, Cộng Hòa Dominicana đã gửi máy bay, tàu chiến và dành căn cứ quân sự để tham gia cấm vận Cuba. Tổng Thống Kennedy công bố: lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 10g. sáng hôm sau, 24/10. Mỹ cho 6 máy bay phản lực Crusaders bay những chuyến do thám rất sát mặt đất trong lãnh thổ Cuba. Cũng có tin tàu ngầm của Liên Xô đã đi vào vùng biển Caribê.
Ở Andover, Cousins và nhiều người tham gia hội thảo cho rằng cha Morlion có lý. Chiều hôm ấy, vị linh mục Dòng Ða Minh quyết định điện thoại về Vatican. Ở đầu dây bên kia là Ðức Ông Igino Cardinale, Trưởng Ban Nghi Lễ Ðiện Vatican. Ở Rôma lúc này trời đã tối. Ðức Ông Cardinale hứa trình bày việc này lên Ðức Thánh Cha càng sớm càng tốt. Vài tiếng sau, vị giáo chức  Vatican gọi lại cho cha Morlion: chính Ðức Giáo Hoàng cũng đang rất lo âu về tình hình vùng biển chung quanh Cuba; Ngài sợ rằng hai Ðại Cường cố chấp thì sẽ đẩy thế giới vào một cuộc hủy diệt; Ngài đã sẳn sàng can thiệp, tuy nhiên, ngài thận trọng muốn thăm dò phản ứng của đôi bên nếu ngài lên tiếng. Norman Cousins liền điện thoại cho Bạch Cung, nói chuyện với Ted Sorensen, một cố vấn của Kennedy…
Vũ Khởi Phụng
(còn tiếp)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét