LTCGVN (01.01.2013) - Hà Nội – Thượng tuần tháng 10/1962, Giáo Hội Công Giáo sống trong bầu khí phấn khởi, vui tươi, hòa ái. Công Ðồng Vatican II khai mạc. Mọi người đều hy vọng Công Ðồng, theo chỉ đạo của Ðức Gioan XXIII, sẽ về nguồn Ðức Tin và từ đó đến với người thời đại (aggiornamento). Giáo Hội sẽ trẻ trung và đầy sức sống, góp phần quan trọng làm cho thế giới tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.
Không ai ngờ chính lúc đó đang tích tụ một cơn khủng hoảng ghê gớm. Thế giới sắp lao đến bờ vực thẳm của thế chiến thứ ba, mà lần này sẽ là chiến tranh hạt nhân. Giáo Hội như một con tàu chất đầy hy vọng tốt lành chuẩn bị ra khơi để tìm đến mọi bến bờ nhân loại, nhưng ngoài khơi bắt đầu nổi lên những con sóng cực dữ có thể nhận chìm tất cả. Công Ðồng chỉ mới bắt đầu, còn nhiều năm tháng nữa mới hoàn tất, nhưng đã bị đe dọa bởi một thử thách quá hiểm nghèo, khiến cho công trình có thể tiêu tan cùng với sự sinh tồn và nền văn minh của cả nhân loại. Chính trong bối cảnh đó, đã xuất hiện tác động kín đáo mà rất thanh bình của Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Năm nay, Hội Thánh Công Giáo kỷ niệm 50 năm những biến cố lịch sử đó. Ðể mừng Chúa Giáng Sinh và mừng Ngày Hòa Bình Thế Giới theo chủ đề của Ðức Benedictô XVI “Phúc thay ai gây dựng Hòa Bình”, chúng tôi xin ôn lại những diễn biến thời đó. Có lẽ nhiều người, nhất là các bạn trẻ, chưa có dịp biết những gì đã xảy ra cả trong đạo lẫn ngoài đời vào những ngày mệnh hệ ấy. Lịch sử đó để lại cho ta những bài học lớn, trong đó có cả một bài học rất sáng giá về đức tin.
Họa hiếm lắm mới có sự trùng hợp toàn thể Giáo Hội tụ họp lại một nơi lo việc Chúa, trong khi thế giới đi vào khủng hoảng hiểm nghèo. Chúng tôi muốn tường thuật xen kẽ những gì xảy ra ở Công Ðồng và những diễn biến của cuộc khủng hoảng. Sự trùng hợp đó có thể minh họa con đường xa đi tìm hòa hợp và bình an của Hội Thánh giữa một thế gian còn chìm trong nghi kỵ, chia rẽ và hận thù…
1/ Thời điểm chiến tranh lạnh có nguy cơ thành chiến tranh nóng
14/10/1962 – Các nghị phụ Công Ðồng bắt đầu những ngày tiếp xúc sôi nổi, để chọn người vào các ủy ban chuyên môn của Công Ðồng, có nhiệm vụ thẩm duyệt và tu chỉnh các lược đồ dự thảo của ban trù bị, cũng như sẽ tiếp thu ý kiến của Công Ðồng để đạt tới các văn kiện hoàn chỉnh. Các giám mục từ các châu lục và địa phương khác nhau tiếp xúc với nhau để giới thiệu người có khả năng vào các ban chuyên môn đó. Thấy rõ mối quan tâm của các vị là chọn được thành phần nhân sự càng quốc tế càng tốt để có thể phản ảnh kinh nghiệm và nhu cầu của Dân Chúa khắp nơi.
Nhưng hôm nay cũng là ngày phát sinh cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới, tuy lúc ấy hầu như chưa có ai biết. Sau nhiều ngày đắn đo, không quân Hoa Kỳ đã gửi một máy bay dọ thám U2 xâm nhập vùng trời Cuba. Chiếc U2 chụp 928 không ảnh các địa điểm hồ nghi là có đặt các dàn phóng tên lửa của Liên Xô ở San Cristobal, tỉnh Pinar del Rio, miền Tây Cuba. Ðịa điểm này chỉ cách bờ biển phía Nam của nước Mỹ chừng 150 km.
15/10/1962 – Vatican vẫn sống trong bầu khí phấn khởi đầu Công Ðồng. Sau cuộc tiếp tân gây ấn tượng rất lớn của Ðức Gioan XXIII dành cho các quan sát viên các cộng đồng Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành, hôm nay đến lượt Ðức Hồng Y Bea, Chủ Tịch Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô Giáo, làm việc với các quan sát viên. Ðức Hồng Y mở đầu bài nói chuyện của mình bằng mấy lời: “Thưa anh em trong Chúa Kitô”. Ngài thân thưa như thế vì luôn nhớ hồng ân vô giá là Phép Rửa trong Chúa Kitô đã tạo nên giữa các đồ đệ của Chúa những giây liên kết “bền chặt hơn hết mọi chia rẽ”. Chính ý thức đó đã khiến cho các cộng đồng Kitô giáo ngoài Công Giáo gửi quan sát viên chính thức tới Rôma. Về phần mình Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tạo lập Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô Giáo để các cộng đồng Kitô khác có điều kiện dễ dàng hơn theo dõi công việc của Công Ðồng. Ðức Hồng Y Bea nói: văn phòng luôn sẵn sàng phục vụ các quan sát viên và sẽ tổ chức những cuộc họp mặt định kỳ để giúp các vị cập nhật các bước phát triển của Công Ðồng. Ngài cũng xin các quan sát viên tự do phát biểu mọi ý kiến, nhận xét, phê bình, gợi ý và mọi điều mong muốn. Ngài không dám bảo đảm rằng cái gì cũng giải quyết được ngay, nhưng ngài sẽ làm bất cứ cái gì có thể để đáp ứng các yêu cầu.
Thay mặt các quan sát viên, Tiến Sĩ Edmund Schlink, Quan Sát Viên của các Giáo Hội Tin Lành Ðức Quốc chia sẻ rằng cho đến lúc này tiến sĩ có ấn tượng sâu sắc về hai điều: một là cả đức giáo hoàng lẫn đức hồng y đều nhấn mạnh cần phải phân biệt chân lý mạc khải và ngôn ngữ diễn dịch chân lý ấy, hai là những bước tiến của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực nghiên cứu Thánh Kinh.
Bầu khí rất ấm cúng, tưởng như các đồ đệ Chúa đã đi được một chặng rất dài trên con đường hiệp nhất, đã vượt qua được chín thế kỷ mạt sát đắng cay giữa Công Giáo và Chính Thống, và bốn thế kỷ giữa Công Giáo và Tin Lành. Thế gian là một mê hồn trận khiến cho các đồ đệ của Chúa nhiều khi cũng lạc vào những tâm trạng hằn học vô bổ. Những cơn mê sảng ấy nay đã qua rồi. Không phải là mọi vấn đề bất đồng đã giải quyết. Những khác biệt vẫn nghiêm trọng, đường tới hợp nhất còn dài. Nhưng bước phát triển quyết định là mọi người đã tìm ra đường hướng bác ái. Thiên Chúa là tình yêu. Những luận chiến dù rất hay chăng nữa, nhưng nếu ở ngoài tình thương yêu nhau thì chỉ là những lý thuyết trùng điệp liên tu bất tận, chứ không thể đưa ta vào chân lý của Thiên Chúa. Cái công của các Kitô hữu thế kỷ XX là đã khám phá lại chân lý đó, đã tìm lại một bí quyết bị thất lạc, chôn vùi dưới những cãi cọ quá khứ.
Với tinh thần của Ðức Gioan XXIII và Vatican II, người Công Giáo cảm thấy như mở ra một chân trời trong sáng, kêu gọi mọi người tiến bước về hợp nhất.
Nhưng cũng ngày hôm nay, ở Washington Trung Ương Tình Báo Mỹ C.I.A. họp các chuyên viên nhiếp ảnh để diễn giải các không ảnh do máy bay U2 chụp ở Cuba hôm trước. Các chuyên gia xác nhận những vật thể trong các không ảnh đó là tên lửa đạn đạo tầm trung (1000-3000km) có thể mang đầu đạn hạt nhân, phía Mỹ gọi là hỏa tiễn SS-4. Chiều hôm đó, C.I.A. thông báo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (Ngoại Trưởng Dean Rusk). 8g30 tối, thông tin được chuyển đến Bạch Cung, tức Phủ Tổng Thống. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mc George Bundy tiếp nhận thông tin, nhưng ông quyết định giữ lại những thông tin này đến sáng mai, cho Tổng Thống John Kennedy một đêm yên giấc. Hồi nửa đêm, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mc Namarara được thông báo.
16/10/1962 – Công Ðồng họp phiên khoáng đại lần thứ hai, chính thức bầu người vào mười ủy ban chuyên môn. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII gặp và trao đổi với chủ tịch đoàn Công Ðồng, gồm 10 vị hồng y.
Sáng nay ở Washington Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mc George Bundy trình Tổng Thống John Kennedy các tư liệu hình ảnh cùng với các phân tích, lý giải của C.I.A.
Từ 4g30 chiều, hội đồng các tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ và nhiều tướng lãnh liên quân họp với bộ trưởng quốc phòng về tình hình mới phát hiện ở Cuba. Các tướng lãnh nhất trí đề nghị tổng tấn công Cuba. Không chỉ đánh vào các vị trí có dàn phóng hỏa tiễn, mà đánh phá mọi mục tiêu quân sự trên toàn lãnh thổ Cuba. Họ cho rằng Liên Xô sẽ không can thiệp. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mc Namarara có vẻ không mặn mà với giải pháp này. Ông nói rằng nước Mỹ đang có ưu thế tuyệt đối về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược (3500), so với Liên Xô (chỉ có 300) thì thêm vài chục đầu đạn của Liên Xô nữa ở Cuba vẫn không làm thay đổi cán cân chiến lược. Các tướng không đồng ý với đánh giá này. Cũng trong lúc đó, bên Bộ Ngoại Giao, Ngoại Trưởng Rusk, các thứ trưởng, đại sứ tại liên hiệp quốc và một số chuyên gia cũng đang vùi đầu nghiên cứu hệ lụy của một vấn đề có thể trở nên cơn khủng hoảng cực đại giữa hai siêu cường hạt nhân.
6g30 tối, Tổng Thống Kennedy triệu tập hội đồng an ninh quốc gia gồm chín thành viên và năm vị cố vấn dầy dạn kinh nghiệm. Nhóm này sau sẽ được gọi tên chính thức là Ban Hành Ðộng của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia (viết tắt: EXCOMM). Nước Mỹ phải đối mặt với một tình hình chưa có tiền lệ, vấn đề phải đối phó làm sao khi Liên Xô dàn thế trận hạt nhân ngay ngoài cửa nước Mỹ chưa bao giờ được đặt ra.
Nhóm Excomm trao đổi về 6 giải pháp có thể chọn lựa:
1+ Không làm gì cả: giải pháp này đặt ra cho có, chứ ai cũng biết là không thể như vậy được.
2+ Gây sức ép ngoại giao để Liên Xô dỡ bỏ tên lửa, có điều bất lợi là nếu phải tấn công thì mất yếu tố bất ngờ.
3+ Cảnh cáo: bắn tiếng cho ông Fidel Castro rằng bản thân ông và Ðảo Quốc Cuba có thể lâm nguy. Giải pháp này cũng làm mất yếu tố bất ngờ nếu phải tấn công.
4+ Cấm vận: dùng lực lượng hải quân Hoa Kỳ chận đường, không cho lọt một tên lửa nào vào Cuba.
5+ Không kích tất cả các địa điểm có đặt tên lửa Liên Xô.
6+ Tấn công tổng lực: xâm chiếm Cuba và lật đổ ông Castro.
Ba giải pháp sau dĩ nhiên sẽ làm cho Mỹ và Liên Xô đụng độ trực tiếp. Các tướng lãnh đều cho rằng chỉ có tấn công tổng lực vào Cuba mới là giải pháp. Họ cho rằng Liên Xô sẽ không can thiệp. Nhưng Tổng Thống Kennedy không nghĩ thế. Người em ruột và cũng là cánh tay mặt của tổng thống là Robert Kennedy tường thuật rằng tổng thống nói: “Họ (người Liên Xô), cũng như chúng ta, không thể để cho việc như thế diễn ra mà lại không làm gì. Sau bao nhiêu tuyên bố, họ không thể để cho chúng ta dẹp bỏ hết hỏa tiễn của họ, giết nhiều người Nga, mà lại không làm gì. Nếu họ không đáp trả ở Cuba thì chắc chắn họ sẽ đáp trả ở Berlin”. (Berlin, Thủ Ðô lịch sử của nước Ðức, nằm lọt thỏm trong phần đất Ðông Ðức Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng riêng thành phố lại chia làm bốn khu vực do Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp cai quản. Do đó thườg xuyên là đầu mối cho đụng độ giữa hai khối, gây nhiều căng thẳng ở Châu Âu).
Tổng Thống Kennedy cũng hỏi đã phát hiện các đầu đạn hạt nhân ở Cuba chưa. Bên tình báo trả lời chưa, ít nữa là ở những nơi gần với các bệ phóng tên lửa.
Cuộc họp của Excomm kết thúc chưa đi đến một kết luận nào, trừ một điều là Tổng Thống Kennedy vẫn duy trì lịch hoạt động bình thường để khỏi gây xôn xao dư luận. Họp tan nhiều người còn sang bộ ngoại giao họp tiếp đến 11 giờ đêm.
17/10/1962 – Thủ Tướng Liên Xô Nikita Khrushchev gửi thư cho Tổng Thống Kennedy bảo đảm rằng: “dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không gửi tên lửa đất-đối-đất sang Cuba”.
Excomm sau những thảo luận lâu giờ đã thu hẹp sáu giải pháp còn hai giải pháp để chọn lựa: phong tỏa và cấm vận hoặc không kích. Cả hai giải pháp này đều phải đụng độ với Liên Xô.
18/10/1962 – Tổng Thống Kennedy ra lệnh tập trung quân lực ở vùng biên giới phía Nam nước Mỹ, để phòng chiến tranh bùng nổ. Dư luận chưa hồ nghi gì vì từ trước đã có kế hoạch tập trận ở vùng này. Ngoại Trưởng Liên Xô Gromyko đến thăm tổng thống. Cũng như Thủ Tướng Khrushchev, ông Gromyko nói rằng viện trợ của Liên Xô dành cho Cuba “chỉ nhằm mục đích đóng góp cho khả năng phòng thủ của Cuba và để giúp triển khai một nền dân chủ hòa bình tại đây. Nếu không phải vì mục đích ấy, chính phủ Liên Xô chẳng bao giờ dính líu đến chuyện viện trợ làm gì”. Kennedy điềm tĩnh ngồi nghe, mặc dù những tấm không ảnh đang nằm trong ngăn. Ðợi Gromyko nói xong, Kennedy đọc lại một phần tuyên bố của ông ngày 4/9, đoạn cảnh báo Liên Bang Xô Viết rằng nếu hỏa tiễn tấn công được đặt trên đất Cuba, thì sẽ “kéo theo những hậu quả hết sức nghiêm trọng”.
19/10/1962 – Nối tiếp những kết quả đạt được trên đường hiệp nhất Kitô giáo, hôm nay Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đặt Văn Phòng Hiệp Nhất Kitô Giáo lên hàng ủy ban của Công Ðồng, ngang hàng với chín ủy ban chuyên môn khác của Công Ðồng.
Ở Mỹ, để “tập trận” Sư Ðoàn I Thiết Giáp được điều đến Bang Georgia ở phía Nam; năm sư đoàn bộ binh được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Bộ Chỉ Huy Không Quân Chiến Lược (S.A.C.) phân phối các oanh tạc cơ tầm trung B47 về các phi trường dân sự ở miền Nam. Pháo đài bay B52 thường xuyên quần thảo trên không. Thực tế là quân lực Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao để tiến hành phong tỏa, cấm vận hoặc xâm phạm Cuba bất kỳ lúc nào. Các máy bay do thám U2 cũng gia tăng hoạt động và phát hiện thêm những địa điểm mới có dàn phóng tên lửa ở Cuba. Ngoài ra quân đội Mỹ đã lên kế hoạch xâm chiếm Cuba bằng nhiều đơn vị bộ binh và thủy quân lục chiến với sự yểm trợ của hải quân, một khi không quân và hải quân đã đánh đợt oanh kích phủ đầu.
Nhưng Matxcơva cũng đã phong thanh rằng những cuộc tập trận trên biển phía Nam nước Mỹ đó có mục đích chuẩn bị xâm chiếm Cuba.
Nước Mỹ đang trong mùa bầu cử quốc hội lập pháp giữa nhiệm kỳ tổng thống. Ðể duy trì vẻ hoạt động bình thường, tổng thống Kennedy cũng lên đường đi mấy bang xa để vận động cho những ứng viên Ðảng Dân Chủ. Dưới cái vỏ bọc đó, thật sự ông đang rất bồn chồn, nhất là chiều hôm ấy khi ông nhận một cú điện thoại của người em là Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy đề nghị ông trở về Washington gấp.
20/10/1962 – Công Ðồng công bố danh sách các thành viên đã đắc cử vào các ủy ban chuyên môn. Ðức Thánh Cha, chiếu đặc quyền của ngài, bổ nhiệm thêm mười thành viên, trước tiên là vào Ủy Ban Phụng Vụ, để Công Ðồng có thể bàn ngay việc canh tân phụng vụ từ ngày 22/9. Nói chung các ủy ban đã có đại diện đủ các khuynh hướng và địa phương.
Bầu khí phấn khởi do Ðức Gioan XXIII và biến cố Công Ðồng tạo ra, sự đón nhận đầy thiện cảm từ khắp nơi đối với Công Ðồng khiến các nghị phụ cùng ao ước có một “sứ điệp gửi mọi người”. Bốn vị giám mục người Pháp được giao nhiệm vụ soạn thảo, vì những đề xuất đầu tiên về sứ điệp là do những vị trong hàng giám mục Pháp. Công Ðồng chỉ tu chỉnh rất ít, chủ yếu là thêm một lời về Ðức Mẹ Maria. Văn bản dự thảo được thông qua nhanh chóng.
Bản Sứ Ðiệp dùng ngôn ngữ Thánh Kinh để báo Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương nhân loại, và Hội Thánh Chúa quan hoài thế nào đối với an sinh vật chất và tinh thần của mọi người, đối với những khổ đau và khát vọng của thời đại, trong Mầu Nhiệm Ơn Cứu Ðộ đời đời. Riêng về chủ đề hòa bình, các nghị phụ bày tỏ: “chúng tôi đang đối diện với hai lãnh vực đặc biệt khẩn cấp. Thứ nhất là hòa bình giữa các dân tộc. Không ai mà không ghét chiến tranh, không ai mà không cố gắng tìm kiếm hòa bình với niềm khát khao bỏng cháy. Nhưng Hội Thánh ước ao điều ấy hơn hết mọi người, vì Hội Thánh là Mẹ mọi người. Qua tiếng nói của các vị giáo tông Rôma, Hội Thánh không bao giờ thôi tuyên bố công khai rằng mình yêu hòa bình, ước ao hòa bình. Hội Thánh lúc nào cũng hết lòng giúp đỡ bất cứ nổ lực chân thành nào nhằm phục vụ hòa bình. Hội Thánh hết sức gắng công để đưa các dân tộc lại gần nhau và phát huy giữa các dân tộc sự tôn trọng quyền lợi và tình cảm của nhau…”.
Văn phòng đậm chất Thánh Kinh và ngôn ngữ mục vụ Kitô giáo liệu có gây được hiệu ứng gì cho thế giới đang bị giằng xé trong những tranh chấp khốc liệt về ý thức hệ và quyền lợi, trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, quân sự? Các nghị phụ không thể ngờ rằng sứ điệp nặng nội dung nhưng hình thức rất mong manh của mình sắp phải tung ra giữa một hoàn cảnh xã hội đang tiến tới cơn bão đại chiến…..
Vũ Khởi Phụng
(kỳ sau sẽ tiếp)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét