LTCGVN (14.12.2012)
1. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 9 tháng 12
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng, Đức Thánh Cha đã khích lệ các tín hữu hãy chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh như một ngày lễ tán tụng tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, và đừng để bị chi phối bởi những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ.
Đức Thánh Cha nói:
“Trong một xã hội tiêu thụ, nơi chúng ta tìm niềm vui trong vật chất, Thánh Gioan Tiền Hô dạy chúng ta hãy sống một cách thiết thực để Giáng sinh không bị giản lược thành một lễ hội bề ngoài, nhưng là ngày lễ của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để mang lại hòa bình, sự sống và niềm vui đích thực cho loài người".
Trích dẫn cuốn sách “Thời Thơ Ấu của Chúa Kitô” vừa được phát hành, Đức Thánh Cha nói:
Liên hệ này giúp ta hiểu rằng ông Gioan là con ông Zechariah và bà Elisabeth, cả hai đều thuộc về những gia đình tư tế. Ngài không chỉ là vị tiên tri sau cùng nhưng còn đại diện cho toàn thể hàng tư tế của Giao Ước Cũ đang chuẩn bị dẫn đưa nhân loại đến với Giao Ước Mới do Chúa Kitô khai mở.
2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy mùng 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Hôm thứ Bẩy 8 tháng 12, Giáo Hội đã mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngày lễ này đã được thiết định trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội từ năm 1854 khi Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là một ngày lễ nghỉ tại Vatican và trên toàn quốc Italia. Do đó, hàng ngàn tín hữu địa phương và các khách hành hương đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.
Trong bài huấn dụ trước khi cất kinh, Đức Thánh Cha nói:
“Nhờ đặc ân của Thiên Chúa Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền. Nơi Mẹ, nhân loại và lịch sử rộng mở cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Mẹ sự lắng nghe, tiếp nhận, đáp trả và tiếng “xin vâng” sẵn sàng cộng tác hoàn toàn để Ngôi Lời nhập thể và cư ngụ giữa chúng ta. Mẹ Maria đại diện cho dân Israel mới, mà Thánh Kinh Cựu Ưóc miêu tả với biểu tượng hiền thê. Trong thư gửi tín hữu thành Êphêxô, Thánh Phaolô nói về hôn nhân và khẳng định rằng: “Chúa Kitô đã yêu Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội để làm cho Giáo Hội trở thành thánh thiện, bằng cách thanh tẩy Giáo Hội bằng nước và lời hằng sống, để giới thiệu với chính Người một Giáo Hội hoàn toàn vinh quang, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: Giáo lý về sự Vô Nhiễm Thai của Mẹ Maria diễn tả sự chắc chắn trong xác tín rằng lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện: rằng giao ước của Người không thất bại, nhưng đã sinh ra một gốc rễ thánh thiện, từ đó nảy mầm Qủa Phúc của toàn vũ trụ, là Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chứng minh cho thấy rằng Thánh Sủng có khả năng dấy lên một câu trả lời, rằng sự trung thành của Thiên Chúa đã có thể sinh ra một đức tin đích thực và tốt lành.”
3. Đức Thánh Cha viếng Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha.
Theo truyền thống lâu đời từ các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, lúc 4 giờ chiều ngày thứ Bẩy mùng 8 tháng 12, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha đặt vòng hoa và cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đối diện với trụ sở của Bộ Truyền Giáo.
Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói rằng việc sùng kính Đức Maria hiệp nhất mọi người, đặc biệt trong Năm Đức Tin này. Ngài nói:
“Biến cố Thiên Chúa nhập thể làm người và cuộc gặp gỡ của sứ thần với Trinh Nữ Vô Nhiễm đã xảy ra trong sự thinh lặng hoàn toàn. Điều thật sự quan trọng thường đi qua trong thầm lặng, không ai trông thấy và nhận ra. Và sự trầm lắng đó phong phú hơn nhịp điệu ồn ào của các thành phố của chúng ta ngày nay. Khuynh hưóng hiếu động khiến cho chúng ta không có khả năng dừng lại, yên tĩnh, lắng nghe sự thinh lặng, trong đó Thiên Chúa cho chúng ta nghe được tiếng nói kín đáo của Người. Trong ngày truyền tin Đức Maria hoàn toàn cầm trí và rộng mở cho việc lắng nghe Thiên Chúa. Nơi Mẹ không có gì ngăn che, cản trở và xa cách với Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa cuộc sống vô nhiễm nguyên tội của Mẹ.”
Đức Thánh Cha quảng diễn tiếp rằng Mẹ Vô Nhiễm nhắc cho chúng ta ba điều. Điều đầu tiên là “Thiên Chúa nói với chúng ta trong thinh lặng. Để nhận ra chương trình của Người đối với cuộc sống cá nhân và xã hội, chúng ta cần phải lắng xuống một mức sâu xa hơn nữa, nơi các sức mạnh luân lý và tinh thần hoạt động, chứ không phải các sức mạnh kinh tế chính trị. Mẹ mời chúng ta xuống đó để đồng điệu với hoạt động của Thiên Chúa.
Điều thứ hai Đức Mẹ Vô Nhiễm nói với chúng ta: đó là ơn cứu rỗi không phải là công trình của con người, khoa học, kỹ thuật và ý thức hệ, nhưng đến từ Ơn Thánh. Ơn Thánh có nghĩa là Tinh Yêu trong sự tinh tuyền và xinh đẹp của nó, là chính Thiên Chúa như được Thanh Kinh kể trong lích sử cứu rỗi và thánh toàn nơi Đức Giêsu Kitô.
Điểm thứ ba Mẹ Maria Vô Nhiễm nói với chúng ta đó là niềm vui đích thật tỏa lan trong con tim khỏi tội lỗi. Tội lỗi đem theo trong chính nó một nỗi buồn tiêu cực khiến cho con người tự khép kín trong chính mình.
Ơn Thánh đem lại niềm vui thật, niềm vui không tùy thuộc nơi sự chiếm hữu vật chất, mà đâm rễ trong nơi sâu thẳm của con người, mà không có gì và không ai có thể lấy mất được. Kitô giáo, một cách tinh tuý nhất thì đó là một “tin mừng”, một “tin vui”.
4. Gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Brugues
Ngày 26 tháng 6, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Brugues, người Pháp năm nay 69 tuổi vào chức vụ Quản Thủ Văn Khố Mật Tòa Thánh. Gần sáu tháng trong chức vụ này, Đức Tổng Giám Mục Brugues đã cho biết về công việc của mình như sau:
"Hôm 30 tháng Tư, khi Đức Giáo Hoàng mời tôi giữ chức vụ này, ngài nói với tôi về một bí mật của ngài. Đó là trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II, ngài đã ba lần bày tỏ ước muốn được đảm trách chức vụ này. Giờ đây, dĩ nhiên là ngài không thể làm được công việc này nữa. Vì thế, ngài nói với tôi rằng: tôi muốn hiện thực hoá ước mơ này qua hiền đệ”.
Văn khố Tòa Thánh được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Ngũ thành lập năm 1611 và ban đầu chỉ gồm các lá thư trao đổi giữa các Đức Giáo Hoàng với các sứ thần Tòa Thánh ở các nước và với các thành phần dân Chúa khác. Văn khố bảo quản các lá thư từ triều Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Đệ Thất, người đã cai quản Giáo Hội từ năm 1073 đến năm 1085. Ban đầu các tài liệu lưu trữ được chứa trong các kệ sách dài tổng cộng 400 mét, bây giờ đã là 85 kilômét.
Đức Tổng Giám Mục Brugues nhận định:
"Nơi đây là ở ngay tim, ở trung tâm của lịch sử. Lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một phần lớn lịch sử nhân loại. "
Theo Đức Cha Jean-Louis Brugues những mục tiêu của Văn khố Tòa Thánh bao gồm việc bảo tồn, điều tra và một mục tiêu thứ ba ít được biết đến, nhưng rất cơ bản. Ngài gọi đó là công việc "ngoại giao thầm lặng".
Giải thích thêm về điều này, Đức Cha Brugues nói:
"Một tháng trước, có một phái đoàn của một trường đại học Trung Quốc đã đến đây. Đương nhiên, cộng sản Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Họ đến để giúp chúng tôi điện toán hóa 1,200 bản thảo viết bằng Hoa Văn một cách ít tốn kém. Tôi đưa ra điều kiện duy nhất là một khi hoàn tất thì phải tổ chức một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh về quan hệ giữa Tòa Thánh và cộng sản Trung Quốc. Họ đồng ý. "
Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Brugues thừa nhận rằng mặc dù đây là lần đầu tiên đảm nhận công việc của một thủ thư, ngài rất hài lòng với công việc.
Đức Cha tâm sự:
"Cho đến tận ngày hôm nay, mỗi khi rời khỏi căn hộ của mình vào buổi sáng để đi bộ nửa giờ đến đây, tôi vẫn cảm thấy giống như một đứa trẻ tám tuổi trên đường đến trường. Tôi có một mong muốn được tìm thấy một điều gì mới mẻ để học hỏi. Nói cách khác, đó là một công việc hoàn toàn mới, nhưng tôi cáng đáng nổi dù tuổi tác đã cao ".
Một phần trong công việc của ngài bao gồm việc xuất bản các tài liệu mật của Vatican, chẳng hạn như là những vấn đề liên quan đến người Do Thái trong triều đại giáo hoàng của Đức Piô XII. Theo Đức Cha Bruges, những tài liệu này sẽ được xuất bản trong hai năm tới.
Đức Cha Jean-Louis Bruguès nói thêm:
"Hiện nay vẫn chưa ấn định là ngày nào. Có thể phải mất khoảng hai năm, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn."
Nhân đây, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần nói thêm rằng từ ngữ “Văn Khố Mật của Tòa Thánh” là từ ngữ người Việt chúng ta thường dùng để dịch cụm từ “Vatican Secret Archive”. Thật ra, không có gì là “mật” hết cả.
Từ năm 1881, dưới triều Đức Giáo Hoàng Leo XIII, và đặc biệt trong những năm gần đây Văn khố đã nhiều lần được mở cho các nhà nghiên cứu tự do tham khảo. Có lẽ nên dịch là “Văn Khố riêng của Tòa Thánh”.
5. Lịch sử câu chuyện về Đức Mẹ Guadalupe trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hóa
Ngày 12 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng của các nước Mỹ Châu La Tinh.
Câu chuyện về Đức Mẹ Guadalupe đã trôi qua hàng mấy thế kỷ, nhưng vẫn còn mang tính chất thời sự vì đối với nhiều người, câu chuyện về Đức Mẹ Guadalupe có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hóa.
Cha Jose Manuel Suazo, Giám Đốc Học Viện Mễ Tây Cơ ở Rôma, giải thích:
"Đức Maria có thể chuyển tiếp một thông điệp Kitô Giáo đến với một nền văn hóa không-Kitô".
Đức Mẹ đã hiện ra vào năm 1531 với một người thổ dân địa phương khiêm tốn tên là Juan Diego khi anh đi ngang qua một ngọn đồi.
Đức Mẹ đã nhờ anh chuyển đến hàng giáo phẩm và dân chúng tại đây ao ước của Mẹ là muốn có một nhà thờ tại đó để tôn vinh con Mẹ.
Nhưng khi Juan Diego nhận lời loan truyền thông điệp đó, anh vấp phải sự hoài nghi từ Tổng Giám mục, Friar Juan de Zumarraga.
Cha Jose Manuel Suazo nói tiếp:
"Vị Tổng giám mục đã yêu cầu một dấu chỉ chứng minh lòng trung thực của Juan Diego. Thực tế, ngài đã nhận được không phải là một --- nhưng --- đến ba phép lạ. Đầu tiên là sự xuất hiện của hoa hồng ".
Hoa hồng đã nở rộ trên đỉnh đồi Tepeyac, ngay giữa mùa đông. Theo lời Đức Mẹ, Juan Diego đã chọn lấy một vài cành hoa hồng khác nhau để đem đến cho Đức Tổng Giám Mục. Nhưng trước khi đem đến cho ngài, chú của anh ngã bệnh và gọi Juan Diego đến gấp để đi mời một linh mục vì ông đang hấp hối.
Trên đường đi, Đức Mẹ Guadalupe lại xuất hiện và Juan Diego xin lỗi vì đã không mang hoa hồng đến cho Đức Cha vì bệnh tình của ông chú.
Cha Jose Manuel Suazo tường thuật tiếp là:
"Đức Trinh Nữ Maria của chúng ta đã trả lời, ‘Ta không phải là mẹ của con, để con có thể tâm sự sao? Ta chăm sóc và lo lắng cho con. Đừng lo, chú Juan Bernardino của con đã được chữa lành. "
Phép lạ chữa lành kỳ diệu dẫn đến phép lạ thứ ba. Ngày 12 tháng 12 năm 1531, Juan Diego đến tòa tổng giám mục, anh dùng chiếc áo choàng của mình để gói những bông hoa hồng đã hái trên đồi.
"Khi Juan Diego đến trước Đức Tổng Giám Mục Friar de Juan Zumarraga, anh đưa những bông hoa ra như một dấu chỉ cụ thể. Và khi mở chiếc áo choàng của mình, những bông hoa hồng rơi ra và kỳ diệu thay hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe xuất hiện ".
Hình ảnh trên chiếc áo choàng, miêu tả Đức Mẹ Guadalupe với mầu da ô liu và ăn mặc như một công chúa Aztec đã dẫn đến việc theo đạo Công Giáo của hàng loạt người dân bản địa Mexico.
Cha Jose Manuel Suazo kết luận:
"Đức Nữ Đồng Trinh Maria đã đi trước chúng ta rất xa trong lãnh vực Tân Phúc Âm Hóa khi trình bày Tin Mừng một cách hoàn toàn mới mẻ."
6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bắt đầu dùng chiếc popemobile mới do hãng Mercedes tặng
Hôm thứ Sáu mùng 7 tháng 12, Tòa Thánh cho biết bắt đầu từ ngày thứ Bẩy mùng 8 tháng 12, Đức Thánh Cha sử dụng một chiếc popemobile mới do hãng xe hơi trứ danh Mercedes trao tặng.
Ý tưởng thực hiện một chiếc xe mới đáp ứng tốt hơn cho việc di chuyển của Đức Thánh Cha đã được các kỹ sư tại hãng xe hơi Mercedes nghiên cứu và thực hiện trong một năm. Mô hình mới gọi tên là Mercedes Benz M-Class ngắn hơn chiếc xe Đức Thánh Cha vẫn sử dụng cho đến hôm thứ Bẩy mùng 8 tháng 12 để dễ dàng chuyên chở ra hải ngoại trong những chuyến tông du quốc tế của Đức Thánh Cha.
Cửa kính trên xe cũng được thiết kế lại để Đức Thánh Cha có một tầm nhìn tốt hơn và được lắp thêm những kính chắn đạn.
Đức Thánh Cha sẽ dùng chiếc xe này lần đầu khia ngài đến kính viếng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Plaza de España, tức là quảng trường Tây Ban Nha tại Rôma.
7. Đức Giáo Hoàng bày tỏ vui mừng trước một tài liệu vừa được xuất bản bởi Ủy ban thần học quốc tế
Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, cám ơn tất cả các thành viên về ấn phẩm vừa được xuất bản gần đây với tiêu đề “Thần học Hôm nay: Những Quan điểm, nguyên tắc và tiêu chí”.
Tài liệu này được chia thành ba chương đưa ra những hướng dẫn cụ thể về một số vấn đề đang gây tranh cãi trong thần học hiện đại.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16
"Tài liệu này có thể nói được là đưa ra ‘mã di truyền của thần học Công giáo’, có nghĩa là nó bao gồm các nguyên tắc nhằm xác định bản sắc của thần học Công Giáo ngõ hầu có thể bảo đảm tính thống nhất ngay trong sự đa dạng của những thành tựu về thần học. "
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng kêu gọi các nhà thần học hãy mở lòng mình ra với cùng một đức tin mà Chúa Thánh Thần đã linh hứng nơi các tín hữu.
Ngài nói:
"Trong số các tiêu chí của thần học Công giáo, tài liệu đề cập khích lệ các nhà thần học nên chú ý đến 'sensus fidelium’, nghĩa là cảm thức của các tín hữu."
Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng cũng đề cập đến sự nguy hiểm của chủ nghĩa tương đối vì nó xem thường hay phủ nhận chân lý phổ quát. Với một não trạng như thế, các tôn giáo độc thần thường bị vu cáo là gây ra bạo lực.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng bạo lực không phải là mục tiêu của Kitô giáo, vì chính Chúa Giêsu đã từ chối tất cả mọi thứ bạo lực. Ngược lại, chính học thuyết xã hội của Giáo Hội cung cấp các giải pháp cho các vấn đề của xã hội hiện đại.
8. Tân Đại sứ Hy Lạp trình quốc thư lên Đức Thánh Cha
Hôm thứ Sáu mùng 7 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã tiếp tân Đại sứ Hy Lạp cạnh Tòa Thánh là ông Georgios Papadopoulos đến trình quốc thư. Trong cuộc họp, hai vị đã trao đổi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp về những vấn đề liên quan đến xã hội Hy Lạp trong những năm gần đây.
Tân Đại Sứ Pappadopoulos, năm nay 58 tuổi là một luật sư nói thông thạo Anh, Pháp, và Tây Ban Nha. Ông đã từng là đại sứ tại Ả-rập Xê-út từ năm 2002 đến 2005, và sau đó, được bổ nhiệm đến Brussels từ năm 2007 đến 2010.
9. Bí thư riêng của Đức Thánh Cha được thăng làm Tổng Giám Mục
Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm vị bí thư riêng của ngài, Đức Ông Georg Gaenswein, làm Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Urbisaglia.
Đức Ông Gaenswein người Đức, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục James Harvey, người Mỹ, là vị mới được thăng Hồng Y và được cử làm Giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành hồi cuối tháng 11 vừa qua.
Đức tân Tổng Giám Mục Gaenswein năm nay 56 tuổi, thuộc Tổng giáo phận Freiburg, thụ phong linh mục năm 1984, và đậu tiến sĩ giáo luật năm 1993 tại Đại Học Ludwig Maximilians ở Munich.
Sau 2 năm làm thẩm phán tại tòa án giáo phận Freiburg, năm 1995, ngài bắt đầu phục vụ tại Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, và năm sau đó, tức là năm 1996, ngài chuyển sang Bộ giáo lý Đức tin, sau đó làm bí thư riêng của Đức Hồng Y Tổng trưởng Joseph Ratzinger.
Sau khi trở thành Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chọn Đức Ông Gaenswein làm bí thư riêng của ngài.
Đức Tổng Giám Mục Gaenswein biết 5 sinh ngữ: Đức, Ý, La Tinh, Pháp, Anh và Tây Ban Nha.
Có lẽ ngài sẽ được Đức Thánh Cha truyền chức Giám Mục vào ngày lễ Chúa Hiển Linh, 6 tháng Giêng tới đây.
Trong nhiệm vụ Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein sẽ sắp xếp các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha.
Giới báo chí nhận xét rằng Tòa Thánh không thông báo ai sẽ là bí thư riêng của Đức Thánh Cha, nên có lẽ Đức Tổng Giám Mục sẽ tiếp tục chức vụ này cùng với Đức Ông Alfred Xuereb người Malta.
10. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Đức Joachim Gauck
Hôm thứ Năm mùng 6 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tiếp tổng thống Đức Joachim Gauck tại Điện Tông Tòa của Vatican. Khi chào đón Đức Giáo Hoàng, tổng thống Gauck nói rằng ông đến thăm Đức Thánh Cha không phải với tư cách một nguyên thủ quốc gia hay một người đồng hương Đức, nhưng trên tất cả, như một Kitô hữu.
Tưởng cũng nên biết thêm là tổng thống Joachim Gauck đã từng là một mục sư Tin Lành Luther trước khi đảm nhận chức vụ tổng thống Đức vào ngày 18 tháng Ba năm nay. Tổng thống Joachim Gauck có một quá khứ chính trị lẫy lừng vì ông đã dám thành lập nhóm Tân Diễn Đàn vào tháng 9 năm 1989 tại Đông Đức với cương lĩnh là lật đổ chế độ cộng sản. Ông được người Đức gọi là "người săn lùng Stasi" vì sau cuộc cách mạng tại Đức ông hoạt động không mệt mỏi trong cố gắng vạch trần tội ác của cộng sản và đặc biệt của cơ quan mật vụ Stasi.
Trong cuộc tiếp kiến hai vị đã đề cập đến cuộc khủng hoảng tài chính và tác động của nó không chỉ trên nền kinh tế mà còn trên quan hệ quốc tế của châu Âu. Ngoài ra, họ cũng thảo luận cách thế Giáo Hội Công Giáo có thể giúp làm nhẹ bớt những hậu quả trong xã hội Đức.
Tổng thống Đức đã tặng Đức Thánh Cha một cây gậy làm bằng gỗ. Trong một cử chỉ rất chân thành, tổng thống Đức đã tặng Đức Thánh Cha một hộp bánh mà người Đức thường tặng nhau trong dịp lễ Giáng Sinh.
Đức Thánh Cha đã tặng lại tổng thống một tấm hình Vatican và hình ảnh quảng trường Thánh Phêrô trên một phiến đá.
11. Đức Thánh Cha đề cập đến thánh Ambrose, Giám Mục thành Milan
Niên lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Thánh Ambrose, Giám Mục thành Milan vào ngày 7 tháng 12. Đóng góp lớn nhất thánh nhân để lại cho chúng ta ngày nay là cách thức đọc Kinh Thánh. Thay vì đọc to lên như người đương thời vẫn làm, thánh nhân chủ trương đọc Kinh Thánh trong thầm lặng. Đó là một thực hành đã từng gây kinh ngạc cho Thánh Augustinô.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích thêm về cuộc sống của thánh nhân như sau:
"Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về những giáo phụ của Giáo Hội thời xưa, giờ đây chúng ta hướng đến Thánh Ambrose thành Milan. Sinh ra trong một gia đình Kitô giáo vào giữa thế kỷ thứ tư, Ambrose được giáo dục tại Rome và nhận nhiệm vụ là thống đốc thành Milan, ở đó chẳng mấy chốc ngài đã trở thành một vị Giám mục thời danh.
Được hướng dẫn bởi các tác phẩm của Origen, và thực hành lectio divina, tức là một hình thức đọc Lời Chúa trong chiêm niệm và cầu nguyện với lòng ao ước kết hiệp mật thiết với Chúa để hiểu rõ Lời Ngài, thánh nhân đã đặt ra một mục tiêu rõ rệt là tìm ra một phương thức đọc và hiểu được Thánh Kinh.
Chính Thánh Ambrose đã giới thiệu thực hành này cho phương Tây, phương thức đọc Thánh Kinh của ngài tràn ngập trong cuộc sống và lời giảng dạy của ngài.
Thánh Augustinô người được thánh Ambrose rửa tội sau khi trở lại đạo, đã có một ấn tượng
sâu sắc về cách thức Thánh Ambrose học hỏi và sống Lời Chúa. Trái với phong tục của người đương thời, Thánh Ambrose không đọc Kinh Thánh.
Thánh Augustinô giải thích điều đó như dấu chỉ cho cảm hứng sâu sắc đã thâm nhập vào tâm trí và trái tim của vị Giám Mục.
Hình ảnh này có thể coi là một "biểu tượng" của thánh Ambrose như một giáo lý viên: những lời giảng dạy của ngài kết hiệp mật thiết với lời cầu nguyện và toàn bộ cuộc sống của ngài.
Đối với Thánh Ambrose, Chúa Kitô là tất cả - Omnia Christus est nobis! - Và điều này phải là phương châm cho tất cả các giáo lý viên và mỗi một môn đệ của Chúa.
12. Cây Giáng Sinh đến Vatican
Sáng thứ Năm mùng 6 tháng 12, cây thông Giáng Sinh thật to và cao hơn 24m đã được chở đến quảng trường Thánh Phêrô từ một khu rừng ở Basilicata thuộc miền nam Italia.
Cây thông này đã được đặt ngay bên cạnh máng cỏ Giáng Sinh trước đền thờ Thánh Phêrô. Hiện nay, các kỹ sư và công nhân ngành điện đang lắp đặt các ngọn đèn. Theo lịch trình, hệ thống chiếu sáng cho cây sẽ khởi động vào ngày thứ Sáu 14 tháng 12.
Việc thiết kế máng cỏ Giáng Sinh do một nghệ nhân nổi danh của Italia là ông Francesco Artese thực hiện.
Sau khi kết thúc ngày lễ, cây thông sẽ được tặng cho một vài nhóm sản xuất đồ chơi cho trẻ em tại Rôma.
13. Hội nghị bàn về tương lai Giáo Hội tại Mỹ Châu La Tinh.
Ngày 12 tháng 12, các tín hữu Công Giáo tại Mỹ châu La Tinh mừng kính Đức Mẹ Guadalupe bổn mạng của các dân nước trong vùng. Đây cũng là dịp mừng 15 năm Thượng Hội Đồng Giám Mục các nước châu Mỹ.
Nhân dịp này một hội nghị bàn về tương lai Giáo Hội tại Mỹ Châu La Tinh đã được khai mạc tại Vatican từ ngày 9 tới 12 tháng 12 với sự tham dự của hơn 250 tham dự viên. Hội nghị đã được phong trào Hiệp Sĩ Kha Luân Bố là một tổ chức giáo dân lớn nhất ở Mỹ bảo trợ.
Ông Carl Anderson, chủ tịch tối cao các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố cho biết:
"Hơn một thế kỷ qua các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố đã hoạt động tại Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Cuba và Trung Mỹ. Vì vậy, chăm lo cho tương lai của Giáo Hội tại Mỹ Châu, tại vùng Tây bán cầu này, nơi có thể nói là bán cầu của Kitô Giáo, là một phần trong công việc của các Hiệp sĩ Kha Luân Bố trong nhiều năm qua. Vì thế, khi nhận được lời mời từ ủy ban Mỹ Latinh chúng tôi hân hoan tham gia trong hội nghị. "
Trong số hơn 250 tham dự viên, sẽ có năm vị Hồng y và 40 Giám mục từ Châu Mỹ.
Tổng Thư ký Uỷ ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh, Giáo Sư Guzman Carriquiry cho biết thêm:
"Nhiều Giám mục Bắc Mỹ cũng sẽ tham gia. Điều này là rất thú vị. Các vị là Giám mục Mỹ với nguồn gốc Tây Ban Nha. Các ngài sẽ là những chứng nhân đặc biệt cho tình hiệp thông giữa các giáo hội".
Một trong các bài phát biểu quan trọng sẽ do Đức Hồng Y Marc Ouellet, Chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Châu Mỹ La Tinh đảm trách. Nhiều lần Đức Hồng Y đã đề cập về tầm quan trọng của người Công giáo ở châu Mỹ, nơi chiếm đến 50% dân số Công giáo trên toàn thế giới.
Đức Hồng Y Marc Ouellet nói:
"Những người nói tiếngTây Ban Nha di cư đến Mỹ đem theo một di sản tinh thần. Họ có truyền thống mạnh mẽ và một đức tin mạnh hơn rất nhiều so với dân chúng nước sở tại. Những quốc gia cần dòng giao lưu văn hóa này để làm sống lại những giá trị tôn giáo và gốc rễ Kitô của họ. Đó là lý do tại sao những người nhập cư là một phần quan trọng của Tân Phúc Âm Hóa. "
Bên cạnh các diễn đàn thảo luận, hội nghị cũng sẽ bao gồm các cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Cuộc gặp gỡ đầu tiên với ngài là một Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đã diễn ra vào Chúa Nhật 09 tháng 12, là ngày chính thức bắt đầu Đại hội và cũng là lễ kính Thánh Juan Diego. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chủ sự Thánh Lễ này, nhưng ngài sẽ tham dự. Thánh lễ thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 12 tháng 12 nhân Lễ Đức Mẹ Guadalupe.
Các tham dự viên của đại hội sau đó đã đọc kinh Mân Côi trước ảnh Đức Mẹ Guadalupe.
14. Phép lành và ơn toàn xá của Đức Thánh Cha trong dịp Lễ Giáng Sinh
Kính thưa quý vị và anh chị em
Phòng nghi lễ phủ Giáo Hoàng cho biết là trong buổi sáng Chúa Nhật Giáng Sinh 25 tháng 12 tới đây, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.
Sau khi đọc thông điệp, Đức Thánh Cha sẽ đọc công thức ban phép lành kèm theo ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới theo dõi thông điệp của ngài qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu.
Điều kiện để được ơn Toàn Xá là các tín hữu cần giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
VietCatholic sẽ có bài phóng sự đặc biệt về biến cố này, xin quý vị và anh chị em nhớ đón xem và hiệp ý cầu nguyện để nhận được ơn Toàn Xá.
15. Giáng Sinh trên tại Italia
Trong chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican tuần này Lan Vy và Kim Phượng xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về Giáng Sinh tại Italia và Israel.
Thưa quý vị và anh chị em,
Mùa Giáng Sinh ở Ý thường kéo dài trong ba tuần, bắt đầu từ 8 ngày trước lễ Giáng Sinh tức là ngày 16 tháng 12. Thời gian này được biết đến với tên gọi là Novena, nghĩa là Tuần Bát Nhật. Hình ảnh quý vị đang thấy đây là cuộc diễn hành khổng lồ của các ông già và cả những bà già Noel tại Riccione một thành phố thuộc tỉnh Rimini ở phía Bắc nước Ý, nơi đã phải gánh chịu một trận động đất lên đến 5.8 độc Richter hôm 29 tháng 5 vừa qua.
Trong Tuần Bát Nhật mừng Chúa Giáng Sinh này, trẻ em đi từ nhà này sang nhà khác đọc các bài thơ và hát ca khúc Giáng Sinh.
24 tiếng đồng hồ trước lễ Giáng Sinh, các tín hữu thường ăn uống nhiệm nhặt các loại bánh ngọt và chololate cho qua bữa. Sau khi đi nhà thờ dự lễ Nửa Đêm về, món ăn truyền thống mừng Lễ Giáng Sinh thường được đi kèm với món thịt lươn.
Trong thời gian cận kề ngày lễ Giáng Sinh, dân số tại Rôma đông đảo hẳn lên với các khách hành hương đổ về Vatican để tham dự Thánh Lễ Nửa Đêm với Đức Giáo Hoàng.
Vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, đông đảo các tín hữu Italia và khách hành hương sẽ tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để nhận phép lành kèm theo ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha và lắng nghe ngài đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi: gởi dân thành Rôma và thế giới.
16. Giáng Sinh tại Thánh Địa
Đối với nhiều người Palestine, mùa Giáng Sinh là mùa đầy hy vọng nhất trong một năm mặc dù bầu khí lễ hội vẫn chưa được tưng bừng như trong thời gian trước cuộc nổi dậy Intifida lần thứ hai của người Palestine kéo dài từ tháng 9 năm 2000 đến năm 2005.
Mùa hy vọng này được bắt đầu cả tháng trước lễ Giáng Sinh, tức là vào ngày lễ Thánh Catherine thành Alexadria hôm 25 tháng 11, khi các khách hành hương bắt đầu kéo đến Bethlehem đông đảo mang theo nguồn lợi tức đáng kể cho dân chúng địa phương.
Dịp lễ Phục Sinh cũng là một thời gian có đông khách hành hương. Tuy nhiên, các nghi thức chỉ tập trung tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem và nhà thờ Emmau. Trong thời gian này cũng diễn ra Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì lý do an ninh, nên trong dịp đó sự di chuyển của người Palestine và của các du khách gặp nhiều phiền toái.
Bethlehem thuộc vùng Tây Ngạn cách Jerusalem 10km về phía Nam. Sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967, Israel đã đơn phương sát nhập khu vực đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Cho nên, tuy chỉ cách 10km nhưng Bethlehem thuộc về lãnh thổ của Palestine, trong khi Jerusalem thuộc Israel.
Vào buổi chiều Lễ Vọng Giáng sinh, một cuộc diễu hành đông đảo với những tiếng kèn truyền thống của người Anh. Lý do giải thích sự hiện diện của loại kèn này là vì quân đội Anh đã chiếm đóng khu vực này từ năm 1920 cho đến năm 1948.
Đỉnh cao trong đêm cực thánh là Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh do Đức Thượng Phụ Thành Jerusalem chủ sự cùng với các hiệp sĩ Thánh Mộ tại nhà thờ Bethlehem được xây dựng ngay tại địa điểm Chúa Giêsu được sinh ra.
Theo hiệp ước Nguyên Trạng, Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền cùng quản lý ngôi nhà thờ này. Tuy nhiên, thánh lễ Vọng Giáng Sinh sẽ diễn ra với đầy đủ các nghi thức và kéo dài bao lâu cũng được vì Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền cử hành lễ Vọng Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng vì họ tính các ngày lễ theo lịch Julian trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng lịch Gregorian.
Sau thánh lễ, mọi người lại kéo nhau hát mừng Giáng Sinh tại quảng trường Máng Cỏ ngay bên cạnh nhà thờ.
VietCatholic Network
0 nhận xét:
Đăng nhận xét