Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Thư Cần Giờ 1990-1993): Lm. Chân Tín (10)



LTCGVN (14.12.2012)- Sài Gòn - Cần Giờ 15/6/1990
Anh Lan, chị Vân và bé Chi Thương,
Ngày mai, 16/6/1990, chúng ta ăn mừng “đầy tháng” đó. Phải, chúng ta mừng vì đã sống cho Giáo hội và cho dân tộc, mình được bằng khen do miệng Caipha như anh nói: ngày họ đọc lệnh quản chế và lục soát nhà anh, ngày họ trục xuất tôi ra khỏi “hội đường” Kỳ Đồng, ngày chị Vân được giấy cho nghỉ việc vì lý do những gì xảy ra ngày 16/5, mặc tổ Tin đã nói lên tình thương và cảm phục của tất cả các tổ viên đối với chị Vân. Như vậy, mình không vui sao được, không mừng sao được. ngày mai tôi sẽ đồng tế “chui” với anh Điệp (mình dự lễ như một giáo dân và dâng lễ) để tạ ơn Chúa cho chúng ta. Và sau đó sẽ mở chai rượu cabernet anh gởi cho hôm nọ, để cụng ly mừng ngày “đầy tháng”. À rượu cabernet của anh, như vậy chứng minh tôi điều độ lắm đó: bữa ăn trưa có 3 người mà có 2 lon bia. Bữa ăn tối, một ly nhỏ rượu nếp than của anh Điền TS Châu gửi biếu. Anh thấy tôi ngoan chưa? Thôi chúng ta trở về với những chuyện nghiêm túc hơn. Hôm nay, đọc lại không biết lần thứ mấy lá thư 31/5 và 4/6 anh gửi cho tôi, cũng như lá thư 3/6 anh gửi cho bé Lan Chi.

Trước hết, khi đọc những đoạn nói về những buổi “làm việc” kéo dài ngày này qua ngày khác của bạn hữu ta cũng như việc nhốt cachot “bé bự D.” Trong khi đó không hỏi “thủ phạm” chính một câu nào, thì rõ là giận cá chém thớt, hành hạ những người bạn của ta vô tội như ta. Có người bảo một nhân vật nào đó trong chính quyền nói rằng CT giăng bẫy để nhốt CT mà họ không mắc bẫy, họ chỉ cho về nhà Dòng Chúa Cứu Thế Duyên Hải. Tôi chắc tất cả các bạn đã chấp nhận chia sẻ với anh em ta.
Với ngày 16/5, vị trí của anh em ta trong lòng Giáo hội và dân tộc càng rõ nét đối với mọi người xa gần... Trong nước cũng như nước ngoài, ngoại cũng như đạo, đảng viên cũng như không đảng viên. Tôi tạm gọi anh X, Y, Z người có tên trong thư (cả 3 đảng viên): “Cha ơi biết nói gì đây, khi chúng con để cho cha, một người cha 70 tuổi, suốt đời chỉ vì tình thương đối với con người mà phải sống cảnh đày ải như hôm nay? Anh em luôn luôn nghĩ và hiểu về cha, xem cha là cha của mình. Cha can đảm vì bên cha còn bao nhiêu tấm lòng, bao trái tim luôn luôn nhớ đến cha. Anh Z đã nói về cha đã khóc với con, nước mắt của anh Z là nước mắt của chúng con. Không thể nói nhiều nhưng cha hiểu chúng con luôn luôn nghĩ đến một xã hội có tự do, có hạnh phúc và phải làm cho bằng được điều đó, nếu không thì có tội với bao thế hệ mai sau. Cha an tâm và giữ gìn sức khỏe. Ba mẹ và X đòi đi thăm cha, nhưng anh em không cho. Hôn cha ngàn cái hôn yêu thương và cảm phục.” Y.
Đọc thư trên, tôi không cầm nổi nước mắt. Khóc vì tình thương của con người ngoại đạo dành cho tôi và anh, cho tất cả những ai “thụ nạn” vì nhân dân. Khóc vì mừng có những người thiện tâm như X, Y, Z trong những đảng viên. Có khác với bà giám tỉnh nào đó anh nói trong thư.
Rất hiên ngang và rất thương “người cộng tác đắc lực” của anh và như thế cũng là của tôi. Xin dành sự cảm phục và tình thương có thể có được cho chị Vân. Nhất là dành cho chị nhiều kinh nghiệm để chị cứ công tác đắc lực cho anh và cho tôi. Ngoài kinh Phụng vụ, tôi suy gẫm Lời Chúa (từ ngày về suy niệm Thư Galát và Philip) liên qua đến thánh Phaolô bị đày và tù tội, tôi cầu nguyện cho anh, cho chị Vân, cho bé Chi cũng đang tù tại gia, cũng như cầu cho tôi, người tù tại gia với người “cai tù” nhân hậu là anh Điệp, tương tợ thánh Phaolô ở Rôma. Phaolô ở hai năm như vậy, trước khi bị chém đầu ở Trefontane. Tôi không biết tôi có vượt Phaolô về năm tháng hay không. Nhưng, như tôi đã viết cho anh: lúc nào họ trả tự do cho người “cộng tác”, “thủ phạm” chính mới có quyền ra khỏi chốn tù đày.
Thấy anh, “người cộng tác đắc lực” phải đi làm việc mỗi tuần với “bạn dân”, trong khi tôi không ai hỏi một câu, trừ vụ công an đến nhà thờ yêu cầu tôi không được làm lễ và giảng (tôi chủ tế và giảng ngay ngày 16/5, lúc mới xuống Duyên Hải và trong 4 ngày đầu), tôi rõ không muốn bịt miệng tôi và khủng bố bạn bè và “người cộng tác đắc lực”.
Hôm nọ, được thư anh VKP cho biết: “Ở Hà Nội, nói chung là dè dặt kể cả các vị có uy tín như cha Oánh... cho rằng không nên nói mạnh làm gì (điều này trước 16/5). Ở Bắc Ninh và Hải Phòng thì lại có vẻ rất nhiệt tình đối với tôi và anh. Đức cha Cương nhờ VKP chuyển lời với anh: “Tôi không được quen ông, nhưng rất hoan nghênh ông.” (Những vụ tiếp xúc với BN và HP đều trước 16/5). Đó là phía giáo sĩ. Giáo dân Hà Nội rất nhiệt tình, chuyền tay nhau bản tin của báo nhân dân và xuýt xoa. Đến bây giờ thì có những người lúc thường không mấy để ý đến vấn đề này, nhưng từ nay “cầu nguyện cho cha Chân Tín” đều đều. Có người thuộc thành phần tích cực thì phát biểu: “Lúc này mà các giám mục không lên tiếng thì chờ lúc nào?”
Nhân đám tang Hồng Y Căn. VKP có gặp Đức Tổng ở Hà Nội. Anh nói với ngài “Mấy hôm nay Đức Cha có điều gì buồn phiền không?”
- Tôi buồn phiền lắm chứ. Giáo dân nó viết thư đến TGM phê bình tôi không lên tiếng như Đức Cha Điền, Đức Cha Thuận, thật các cha Dòng Chúa Cứu Thế làm tôi tổn thọ quá.
- Đức Cha tính lên tiếng như thế nào?
- Tôi biết lên tiếng làm sao bây giờ? Thôi để tôi về Sài Gòn, rồi bàn với mấy cha xem sao.
Đức Cha im tiếng (chắc đã về Sài Gòn bàn với mấy ông Đoàn kết), UBĐKCGYN cũng im tiếng tuyệt đối. Tờ Công giáo và Dân tộc không những im tiếng mà còn đi dự cấm phòng các linh mục ngóng xem cụ Lịch sẽ thông tin như thế nào. Đủ loại tin tức bên Tây, bên Bỉ. Nhưng không có một tiếng về vụ Chân Tín. Cho tới bây giờ chưa có gì mới.
Hôm cha Điện đến cứu đói với quận 10 có ghé nghỉ mưa và có nói: trong buổi họp 50 linh mục, tu sĩ, giáo dân, cụ Lịch có hỏi hai câu: “Ông Lan cộng tác đắc lực có cái gì rõ ràng không? Ông CT thanh minh hôm Chúa nhật về việc ông giảng về sám hối có làm chính trị không?” Điều này không biết cụ Điện có nói đúng hay không? Nhưng thái độ im lặng mà anh P nói là cái im lặng đồng lõa với những ai bắt bớ anh em ta.
Hôm nọ anh Điệp lên Đức Tổng, để yêu cầu ngài can thiệp, lên tiếng. Nhưng tôi cản. Dù vậy, khi anh Điệp lên có việc, thì Đức Tổng hứa sẽ về Duyên Hải thăm tôi. Có đi thì hỏi Ban Tôn Giáo và mấy ông Đoàn kết? Mình cũng không mấy muốn ngài xuống thăm.
Chúc anh chị, cháu Chi bình an trong Chúa.

                                                                                                Lm. Chân Tín
                                                                        (NKNNL 1990-1991, trang 22-24)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét