Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Thư Cần Giờ 1990-1993): Lm. Chân Tín (7)


LTCGVN (11.12.2012) 


Lời nói đầu

Ý nghĩa của một tiếng nói


Linh mục Chân Tín và người “Người cộng sự đắc lực”, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, đã bị bắt ngày 16/5/1990. Cái mà Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh gọi là “xử lý hành chính” và báo Saigon Giải phóng coi như “kiên quyết và thỏa đáng với đương sự”, thực thụ chỉ là một biện pháp quyền lực của Đảng CSVN nhằm bưng bít tiếng nói của lương tri, cũng là tiếng nói của đông đảo quần chúng.
Tính cách quảng cáo rộng rãi chính quyền đã dành cho sự kiện này, trong khi hàng chục người khác có tên tuổi bị bắt một cách kín đáo, chứng tỏ rằng biện pháp xử lý đã được quyết định từ những cơ quan tối cao của Đảng, chứ không phải ở cấp một Ủy ban Nhân dân Thành phố. Mục đích của chiến dịch khủng bố này là hù dọa những ai yếu bóng vía, hoặc những người dân đen thấp cổ bé miệng đương khao khát và đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản và toàn diện, hòng dẫn tới tự do dân chủ. Mặt khác nó cũng là tín hiệu chính quyền chiếu cố riêng đồng bào Công giáo với ngụ ý gì? Đây là cả một vấn đề rồi sẽ phải đặt lại một cách thẳng thắn và sòng phẳng.

Mức độ lưng chừng – nếu không nói là lừng khừng – của biện pháp cho thấy chính quyền chưa muốn cạn tàu ráo máng với đương sự. Không phải vì khoan hồng, nhưng vì luống cuống và dao động trong cái tình trạng “khạc không ra nuốt chẳng vào” đối với hai nhân vật không thể chụp cho cái mũ phản động mà cũng chẳng dễ đường uốn nắn. Tội, nếu có, Đảng bỏ tù đến 15 năm, vậy 3 năm quản chế và lưu đày thì “thỏa đáng” ở chỗ nào? Thỏa đáng cho ai? Và “cương quyết” đây có phải là cương quyết “giữ vững cái lập trường” vô tưởng, lung lay và mục nát, chỉ còn rơi rớt trong bộ óc lẩn quẩn của một đám người tham quyền cố vị? Đằng sau những lời vu cáo dữ tợn trong bản thông báo của UBND Tp. HCM, người ta thấy gì? Chỉ thấy cái “tội” mà chính báo “Tuổi Trẻ” ngày 17/5/1990 đã ghi “kích động giáo dân đòi nhân quyền”, đấy cái tội này tày đình của hai ông đối với nhân dân Việt Nam! Đảng CS và Nhà nước XHCN đã xử lý một cách phi lý, lến án một cách mập mờ chính vì nhân quyền và dân quyền chỉ là những mỹ từ để che đậy những hành động của bạo lực, bao cấp, quan liêu và độc tài.
Vụ án Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan gián tiếp lên án Đảng CSVN.
Bắt Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan và một số người can đảm nói lên nguyện vọng của quần chúng, Đảng CSVN đã lộ rõ bộ mặt thật của chính sách đổi mới: Bảo tồn cái cũ. Từ nay, mọi người đều thấy rõ hơn chuyện đổi mới không còn là chuyện của Đảng nữa. Cái logic của một Đảng độc tài đã biến danh từ “đổi mới” thành đồ trang trí cho đặc quyền đặc lợi. Đảng chỉ đổi mới với điều kiện Đảng giữ độc quyền đổi mới, nghĩa là Đảng vẫn độc tài, đã độc tài tất phải có “an ninh tư tưởng”, muốn có an ninh tư tưởng phải loại trừ những ai dám nghĩ khác và ngoài Đảng.
Tội của Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan không phải là “Xâm phạm an ninh quốc gia” như lời thông báo của UBNH Tp. HCM. Trong cái độ làm giả nói giả này, “an ninh quốc gia” chỉ có thể hiểu là “an ninh tư tưởng”. Hai ông đã dám nói lên điều mình nghĩ giữa một xã hội nên tránh suy nghĩ, dám nói khác Đảng trong khi Đảng luôn luôn đòi thống nhất tư tưởng và nhất là hai ông sẵn sàng trả giá cho điều mình nói trong khi cái sợ là dụng cụ thiết yếu của chính quyền.
Tiếng nói của Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan từ mấy chục năm qua là tiếng nói của độc lập và tự do, tiếng nói của những người không có tiếng nói. Tất nhiên, không phải chỉ có Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, vẫn có bao nhiêu người khác. Nhưng đối với chúng tôi, điều cần chú ý là cái chỗ đứng của tiếng nói đó, cái nguồn gốc phát sinh một đòi hỏi thâm sâu, tuyệt đối mà Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan đã là những chứng nhân. Nếu hai ông đã mang cái tội “kích động giáo dân đòi hỏi nhân quyền và dân quyền”, hoặc ít nhiều đồng điệu với những tiếng nói sáng suốt và can đảm, kể cả tiếng nói của một vài Đảng viên, phù hợp với nguyện vọng của dân, lợi ích của nước, thì đối với chúng tôi, tiếng nói đó còn là trước hết và chính là tiếng nói trung thực của lương tâm Công giáo. Một tiếng nói rất riêng biệt, mà vì thế không bao giờ nói riêng cho mình. Một tiếng nói đến từ cao xa mà vì thế luôn luôn gắn bó với thân phận con người. Nó vang lên từ lòng Giáo hội nhưng không nói cho Giáo hội mà cho mỗi con người, mặc dầu nó không tự hạn chế trong tâm người.
Sau 1975, hai ông có thể thuận buồm xuôi gió một cách tốt đẹp. Tờ Đứng Dậy của hai ông, mặc dầu không xin, đã chẳng được mời tiếp tục! Chân Tín đã chẳng là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Trung ương? Nhưng vì trung thành với một tiếng nói mà họ có sứ mệnh rao giảng, hai ông đã sớm phải im lặng. Mặc dù im lặng là một cách lên tiếng trong một cơ chế chỉ có quyền nói theo.
Không được nói công khai trên mặt báo, trên những phương tiện truyền thông là công cụ của Đảng, hai ông trao đổi bằng thư từ, bằng những cuộc gặp gỡ bình thường với giáo dân, với bạn bè. Chân Tín thường nói: “Lời Chúa không bị xiềng xích, chỉ sợ ta xiềng xích Lời Chúa”. Phải tiếp tục mà nói. Mà phương tiện thì có gì đâu: vài tá bút bic, một cái máy chữ, mấy tờ cac-bon. Nhưng tiếng nói của lòng tin và lương tri tự nó lan ra, rộng và sâu. Vì có người nghe, vì có người chờ đợi muốn nghe. Phải chăng, như lời Mác dạy, nó là lương tri của một xã hội vô lương. Linh hồn của một cơ chế vô hồn...? Từng ấy đủ cho chính quyền lo ngại và tìm cách quản chế. Nhưng quyền lực có quản chế được thân xác, làm sao có thể quản chế nổi ý chí và lương tâm con người! Nói như nhà văn Dương Thu Hương: “Súng không đẻ ra tình yêu và niềm tin, bạo lực không cưỡng hiếp được chân lý”.
Ngày xưa chị Nhất Chi Mai “chết mới nói được nên lời”. Hôm nay, Chân Tín bị đày, Nguyễn Ngọc Lan bị quản chế. Tiếng nói của lương tâm Công giáo và tự do càng phải tiếp tục.
Lá thư TIN NHÀ nhỏ bé này muốn nói tiếp lời Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, ao ước hòa nhịp với tất cả những tiếng nói trung thực tranh đấu cho phẩm giá của con người. Nhưng TIN NHÀ có tham vọng góp phần vào tiếng nói chung, từ một chỗ đứng riêng: niềm tin Kitô giáo. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng, mặc dầu những ngộ nhận, những thiếu sót và cả những lỗi lầm, cống hiến đẹp nhất người Công giáo Việt Nam có thể đem lại cho Đất nước này vẫn là tìm cách sống cho ra hồn cái Đạo của mình. Ở chỗ mình sống và trong thời điểm mình sống. Điều đó đòi hỏi một số cố gắng liên tục, thích ứng nhưng không nhân nhượng, khiêm tốn nhưng không mặc cảm; một hành động gắn bó với suy tư, một tư tưởng sẵn sàng đặt vấn đề. Qua thư từ, những bài tường trình về các buổi “làm việc”, những trang nhật ký của Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan sẽ dần dần đăng tải, qua trao đổi, phản ứng xa gần của bạn đọc, TIN NHÀ muốn góp sức vào cố gắng chung?
Như vậy, lá thư này tuy nhỏ bé nhưng hoài bão của nó rất lớn: thông tin để đem tin về một niềm tin sống động trong thử thách, luôn luôn biến đổi vì trung thành với nguồn gốc, luôn luôn thao thức vì biết rằng tin là một hành trình chứ không phải là một bến đậu. Dám nghĩ rằng làm như vậy là làm cái bổn phận của người Công giáo Việt Nam trong lúc này. Sau bao nhiêu đổ máu, dân ta tiếp tục sống trong đau khổ, không có niềm tin – tin vào lòng người, tin vào tương lai Đất nước, tin vào Đức tin – thì không bao giờ đau khổ có thể biến thành hy vọng.
TIN NHÀ xin nguyện là một cây nến, cùng với muôn ngàn cây nến thắp lên niềm TIN và HY VỌNG.
                                                                                                            Đỗ Mạnh Tri
                                                                                                Tin Nhà, Mùa thu 1990

Thư gửi về Sài gòn


Cần Giờ 16/5/1990
 Anh chị Lan, Bé Chi và các bạn mến,
Như anh chị và các bạn biết, sáng hôm nay lúc 7 giờ, ba công an vào Tòa báo muốn gặp tôi và anh Trị, tôi mời về nhà Dòng. Lúc đó anh Trị đang họp bên phường hay quận 3. Họ đến báo cho anh ấy, lúc anh ấy về thì công an cả chục người đứng chật phòng khách nhỏ, có cả máy điện đàm. Tôi biết là có chuyện, nhưng vẫn bình tĩnh, vui vẻ, không xao xuyến, như lời Chúa dặn và tôi đã giảng hôm chủ nhật. Hai sĩ quan đọc lệnh trục xuất ra khỏi thành phố và cưỡng bách cư trú ở Duyên Hải, đồng thời đọc lệnh lục soát văn phòng và chỗ ở. Liền sau đó họ mời lên xe đi Duyên Hải. Ngoài tài xế của Hotel Rex (xe 12 chỗ có máy lạnh) còn có 4 anh công an, trong đó có một thiếu tá cục PA 16. Tôi tính mang ít quần áo, nhưng họ không cho phép. Tôi đi với cái chemise và quần đang mặc mà thôi. Đến Duyên Hải lúc 12g30, Công an Thành và cùng với hai phó công an huyện làm giấy tờ trao người bị đày cho anh Điệp với tất cả trách nhiệm.
Anh Điệp cho biết lúc tôi đang trên đường về Duyên Hải, thì anh Trương Hoàng, phó bí thư huyện ủy đã mời anh Điệp ra trao đổi. Anh nói: “Cha Tín là ân nhân của tôi, đã nuôi tôi trong tù và ba mẹ tôi vừa mới hỏi anh về sức khỏe của linh mục Chân Tín”.
Về nghỉ được một chút thì vợ chồng chị Võ Thị Bạch Tuyết đến thăm mừng rỡ. Thấy tôi đến tay không, Tuyết đi mua cho hai quần đùi thứ “xịn” và khăn mặt và bàn chải đánh răng. Chị Tuyết cùng tôi nhắc lại thời tôi nuôi cô ấy lúc cô ấy ở tù. Tôi cũng nói là vì nhân dân mà tôi đấu tranh chống chế độ cũ và cũng vì nhân dân mà tôi phải đòi Nhà nước và Đảng sám hối. Trục xuất Chân Tín thì chưa có dấu sám hối. Anh Trương Hoàng nói Chân Tín về đây như đi nghỉ hè không có khó khăn gì chỉ không ra khỏi Cần Thạnh vì đây là lệnh của thành phố. Vậy anh em có dịp xuống chơi.
Còn vụ cô Lý, nhờ anh lo hộ cho biết sự việc... Hôm nào cô muốn về thăm, anh đưa về chơi. Cho tôi gửi lời thăm. Chắc cô từ Pháp về lúc tôi mới bị trục xuất, chắc bị “choc”. Gửi lờ thăm tất cả.
                                                                                                CT
                                                                                    (NKNNL, 1990-1991, trang 1)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét