Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Giáo hội và chính trị): Lm. Chân Tín (6)


LTCGVN (10.12.2012) 
Sài Gòn - Sau ba bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 1990, Chúa nhật kế tiếp, cha Chân Tín lại được giao dâng lễ và giảng thuyết. Ngài tiếp tục ý tưởng của ba bài vừa qua để xác định vị trí Giáo hội trong xã hội. Đây được gọi là giọt nước tràn ly, đối với một nhà nước độc tài. 
Bài giảng thứ tư:

Giáo hội và chính trị


Anh chị em thân mến,
Cách đây vài hôm, cha chánh xứ cho tôi biết: Nhà nước phản đối bài giảng tĩnh tâm của tôi về cuộc sám hối của tập thể dân tộc trong mùa Chay và nói rằng linh mục không có quyền nói về chính trị trong nhà thờ. Đàng khác, ngoài những lá thư ủng hộ, có một lá thư nặc danh của một người tự xưng là tín hữu nói linh mục không nên nói về chính trị trong nhà thờ.
Vì thế, hôm nay tôi đặt một vấn đề căn bản về chức năng ngôn sứ của Giáo hội mà linh mục là người đại diện: Linh mục có quyền và có nên nói đến chính trị trong bài giảng ở nhà thờ không?
Thưa anh chị em,
Để giải quyết vấn đề đó, ta hãy trở lại với Tin mừng. Tin mừng cho ta biết rằng: Đức Kitô là Con Thiên Chúa làm người, Ngài là ánh sáng thế gian. Ngài soi dọi ánh sáng của Ngài trên cuộc sống của con người để đổi mới con người, đổi mới xã hội loài người. Không có một địa hạt nào trong cuộc sống con người được đặt ngoài ánh sáng của Tin mừng. Và khi phải nói thẳng, nói thật, Chúa Kitô không ngần ngại, dù phải đụng chạm, dù phải chịu những hậu quả khốc hại cho bản thân Ngài và cho những người thân của Ngài. Chúng ta biết trên đất Do Thái hồi bấy giờ, quyền bính ở trong tay Tổng trấn Roma và những người Tổng trấn chia quyền hành cho tức là vua Hêrôđê, các tư tế, các luật sĩ và Biệt phái. Thế nhưng, khi phải nói thẳng, nói thật về những người có quyền có thế này, Chúa Kitô không lựa lời. Khi Biệt phái thấy ảnh hưởng của Chúa Giêsu ngày càng lớn mạnh và muốn Ngài đi ra khỏi Giêrusalem, họ liền nói Chúa Giêsu: “Ông hãy ra khỏi đây vì Hêrôđê muốn giết ông.” Chúa Giêsu liền trả lời họ: “các ông hãy đi và nói với con cáo đó. Nay ta trừ quỷ và xong xuôi việc chữa lành hôm nay và ngày mai và ngày thứ ba Ta chu toàn.”

Những người Biệt phái hù dọa Chúa Giêsu có thể là thật, cũng có thể là không, nhưng Chúa Giêsu đã bất kể vấn đề là có hay không, Chúa Giêsu gọi Hêrôđê đang cai trị xứ Galilê là con cáo thì thật nguy hiểm khi Ngài đánh giá cái xảo quyệt của Hêrôđê. Còn đối với Tổng trấn Roma, lúc Chúa Giêsu bị điệu ra trước tòa Philatô, vì Ngài không nói lời nào trước những lời tố cáo của những hàng tư tế, nên Philatô mới nói với Chúa rằng: "Ta có quyền tha ông và cũng có quyền đóng đinh ông hay sao?" Chúa Giêsu nói thẳng với Philatô rằng: “Ông không có quyền gì trên tôi nếu từ trên không ban xuống cho ông. Bởi thế kẻ nộp tôi cho ông thì có tội nặng hơn”. Còn đối với những người Biệt phái, là những người có chức quyền trong Giáo hội Do Thái thì Chúa Giêsu đã nói những lời rất nặng nề:
“Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các người khóa Nước trời, chận người ta lại! Các người sẽ chẳng vào đã rồi, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào!
Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, vì các ngươi ngốn cả nhà cửa của các bà góa, và làm bộ cầu nguyện lâu dài; bởi đó các ngươi sẽ lãnh án phạt nặng hơn!
Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi rảo khắp biển cả đất liền, để chinh phục chỉ một người tòng giáo, nhưng khi nó đã là tòng giáo, thì các ngươi lại biến nó thành con cái hỏa ngục, gấp đôi các ngươi!
Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi là bọn dẫn đường mù quáng!
Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, sau khi đã bỏ lơ những điều trọng đại hơn cả lề luật: dạ chính trực, lòng nhân nghĩa, sự thành tín, chính các điều này phải thi hành, mà đừng bỏ các điều kia. Quan dẫn đường mù quáng!
Các ngươi gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt chửng con lạc đà!
Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch bề ngoài chén đĩa mà bề trong thì đầy tham ô vô độ! Biệt phái mù quáng, hãy rửa sạch bên trong chén đĩa đi ắt bên ngoài nó cũng được sạch.
Khốn cho các ngươi, Ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bề ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế, cũng vậy, bên ngoài các ngươi có vẻ công chính trước mặt thiên hạ nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!
Khốn cho các ngươi, Kỳ lục và Biệt phái giả hình, các ngươi xây cất các mồ mả các tiên tri, trang hoàng mả các ngươi công chính. Đồ mãng xà, nòi rắn độc, làm sao các ngươi thoát khỏi án hỏa ngục?” (Mt 23, 18-33).
Nếu Chúa Giêsu tính toán theo sự khôn ngoan của con người thì Ngài không có lời nói thẳng như thế. Các người Biệt phái, luật sĩ, tư tế là những người nắm quyền trong Giáo hội và họ có thể dựa vào thế lực của Roma để bắt Ngài và lên án Ngài.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Chân Lý nên Ngài nói sự thật mặc dù Ngài biết rằng những lời đó sẽ đưa Ngài đến cái chết. Ngài đã nói với các tông đồ rằng sẽ lên Giêrusalem để chịu chết. Ngài không có ảo tưởng. Nếu Ngài muốn bảo vệ mạng sống của Ngài, những quyền lợi của Ngài thì chắc Ngài đã tính toán khác. Những người thân của Ngài cũng không muốn cho Ngài gặp nguy hiểm. Vì thế, Phêrô đã nói với Ngài: “Ngài đừng đi Giêrusalem chịu chết.” Ông Phêrô thương Chúa, không muốn Ngài chịu khổ, nhưng đồng thời cũng lo cho bản thân mình, lo cho tập thể các tông đồ và những người thân của Ngài. Chính cái đêm Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô mới cảm thấy sự liên lụy với Chúa nên đã chối dài là không biết Chúa Giêsu. Phêrô chắc phải nhớ lại lời Chúa Giêsu căn dặn với những tông đồ: “Tôi tớ không trọng hơn chủ, nếu họ bắt bớ Thầy, thì họ sẽ bắt bớ các con... Chúng con sẽ bị điệu ra trước tòa vì danh Thầy”. Chúa nói đến sự liên lụy giữa Ngài và những tông đồ của Ngài.
Vì thế, hôm nay Giáo hội phải tiếp tục sứ mạng mà Chúa giao cho Giáo hội là nói lên sự thật của Thiên Chúa dù phải bị bách hại. Giáo hội phải nói lên Lời của Thiên Chúa lúc thuận cũng như lúc nghịch, và nhất là trong nghịch cảnh, càng phải nói để cho thế giới này được tốt đẹp hơn. Vậy thì trên đất nước chúng ta, linh mục đại diện Giáo hội có quyền và có bổn phận đề cập vấn đề chính trị. Đây không phải là linh mục làm chính trị hay nói chính trị vì bè phái, mà là nói về chính trị, phê phán chính trị trên quan điểm đức tin. Đây không phải là kích động làm chính trị. Cái nhìn chính trị này là cái nhìn của Nhà nước, không muốn ai xen vào việc của mình. Lẽ dĩ nhiên, Giáo hội không xen vào những vấn đề chuyên môn của Nhà nước, nhưng Giáo hội có quyền phán đoán để bảo vệ người dân. Như vậy, linh mục rất có quyền và phải có bổn phận nói lên điều đó. Cái nhìn chính trị là cái nhìn của Nhà nước. Tôi đã nghe một đảng viên nói: “Nhà nước cho rằng: đây là một pháo lệnh”. Chẳng có pháo lệnh nào hết trơn. Cũng có thể cái nhìn chính trị là cái nhìn của một số người muốn làm chính trị đã cho rằng: “Đây là khởi đầu của một cuộc chống lại Nhà nước”. Tôi chẳng muốn xúi giục ai xuống đường cả, tôi chỉ muốn nói Lời của Thiên Chúa để chúng ta suy nghĩ với nhau, để chúng ta cùng Nhà nước suy nghĩ, để làm tốt hơn, để đem lại hạnh phúc cho Dân tộc. Tôi nghĩ rằng: cái nhìn chính trị là cái nhìn của người làm chính trị, là của Nhà nước, là của những phe phái chỗ này, chỗ kia, bên trong bên ngoài muốn lật đổ chế độ này. Tôi là người của Thiên Chúa, tôi là người của Giáo hội với sứ mạng ngôn sứ, tôi có thể nói lên những điều sai trái trong xã hội của đời sống chính trị và vì thế tôi không có cái nhìn chính trị như Nhà nước, tôi cũng không có cái nhìn chính trị như những người làm chính trị của các phe Đảng. Vì vậy, tôi yêu cầu Nhà nước đừng có cái nhìn chính trị về những lời linh mục nói trong nhà thờ về những vấn đề chính trị. Lẽ dĩ nhiên là Nhà nước thích thú khi có linh mục ca ngợi Đảng và Nhà nước về những thành tích mà không cho đó là làm chính trị. Còn khi nghe linh mục phán đoán về những sai trái của Đảng và Nhà nước thì cho rằng linh mục ấy làm chính trị, và cấm linh mục nói đến chính trị ở trong nhà thờ. Chúng ta thấy rõ ràng Nhà nước chỉ muốn cho Giáo hội giới hạn những hoạt động của mình ở trong nhà thờ. Hình như tôi nghe nói Thường vụ Hội đồng Giám mục vừa họp ở Hà Nội trong việc chia công tác cho Đức cha Phụ tá chúng ta, chẳng hạn về vấn đề giáo dân và xã hội, Nhà nước bỏ hai chữ xã hội - chỉ lo cho giáo dân thôi - Nhà nước muốn giới hạn hoạt động của Giáo hội trong vấn đề thuần túy tôn giáo chứ không muốn Giáo hội đi vào cuộc sống chính trị, xã hội, kinh tế của người Việt Nam hôm nay. Như thế, đâu còn vấn đề ‘Giáo hội sống giữa lòng dân tộc’ nữa.
Thưa anh chị em, đó là những điều chúng ta phải có cái nhìn rõ ràng. Phải phân biệt rõ ràng, không ấm ớ. Chúng ta thấy rằng: Nhà nước sợ Giáo hội kích động người ta làm loạn chống chế độ, còn một số người thân thì sợ có hại cho bản thân của linh mục cũng như sự liên lụy tới bản thân họ. Thực ra mọi sự xuất phát từ cái sợ, sợ, sợ. Vì thế, thưa anh chị em, để kết thúc, chúng ta hãy trở về Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói rằng: “Chúng con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy.” Linh mục là người muốn đem tất cả cuộc sống để phục vụ nhân dân, phục vụ loài người như Chúa Kitô đã phục vụ cho đến chết và Lời Hằng sống của Ngài phải là Lời Hằng sống của chúng ta. Chân Lý của Ngài phải là chân lý của chúng ta để những lời đó đổi mới con người, đổi mới xã hội, đổi mới các cơ cấu của xã hội, để cho cuộc sống con người xứng đáng là cuộc sống con người, hình ảnh của Thiên Chúa và là con của Thiên Chúa. Ngay từ bây giờ, chúng ta được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta được tự do, tự do của con cái Thiên Chúa để nói lên Lời của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói khi Ngài ở trong tù: “Tôi bị xiềng xích, nhưng Lời của Chúa không bị xiềng xích.” Cái khổ hôm nay là chúng ta xiềng xích Lời của Chúa, còn ai xiềng xích thân xác chúng ta thì điều đó không qua trọng.
Hôm nay, tôi cũng nói thẳng, nói thật để Nhà nước thấy rằng tôi không làm chính trị. Tôi không nói chính trị vì chính trị, nhưng mà tôi nói về chính trị để làm sao cho cuộc sống của con người Việt Nam tốt đẹp hơn. Còn giáo dân chân thành nhưng mà chưa thấy được cái sứ mạng của Giáo hội mà tưởng rằng: không nói gì đến chính trị tức là giữ được sự trong sáng thuần túy của tôn giáo. Họ không hiểu rằng: tôn giáo phải đi vào cuộc sống của con người. Hôm nay, với tất cả sự chân thành của tôi, sự thành thật của tôi, tôi đã nói lên lập trường của tôi và của Giáo hội về vấn đề Giáo hội và chính trị.
Lm. Chân Tín
                                                                                                (13.5.1990)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét