Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Ba bài giảng sám hối): Lm Chân Tín (3)


LTCGVN (07.12.2012) 
Sài Gòn - Mấy hôm nay, nhiều độc giả đề nghị chúng tôi phổ biến ngay Ba bài giảng sám hối của cha Chân Tín, vì tuy là sự kiện lớn đối với giới Công giáo vào Mùa Chay năm 1990, nhưng các thế hệ 7x, 8x, 9x, là nguồn nhân lực chính cho mọi sự thay đổi hiện nay của Giáo hội cũng như xã hội Việt Nam, gần như chưa có cơ hội tiếp xúc. Do đó, VRNs xin chấm dứt phần các tham luận của cha Chân Tín tại các cuộc họp với Mặt trận tổ quốc, mà cho đăng lại ngay các bài giảng sám hối này.

Ba bài giảng sám hối

(Mùa Chay, tháng 4/1990)
Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – DCCT
(đường Kỳ Đồng, Sài Gòn)

Bài giảng thứ nhất

Sám hối cá nhân


Mùa Chay là mùa Sám hối. Tuần Thánh là chóp đỉnh của cuộc sám hối.
Khi có ý định lấy việc sám hối làm đề tài cho ba ngày tĩnh tâm của giáo xứ ta, tôi cũng có chút nghĩ ngợi: Anh là gì mà đi giảng sám hối cho kẻ khác? Thôi đi ông, ông có nghe câu ngạn ngữ: “Ông lang ơi, hãy chữa mình trước đã!” Đúng thế anh chị em. Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước hết. Hơn ai hết, linh mục là người phải sám hối nhiều nhất, vì đã lãnh năm nén bạc. Mà linh mục là người yếu đuối như ai, cũng bị tham sân si chi phối, cũng chưa thực thi tốt chức năng của người tín hữu và của người có chức vụ linh mục.
Đến đây, tôi nhớ một câu chuyện tiếu lâm nghe được trong một buổi cơm gia đình mà tôi là linh mục độc nhất. Tôi nhớ đại khái: Một hôm, có một linh mục và mấy ông giáo dân của ông sắp vào Thiên Đàng. Vậy cũng ngon rồi. Tuy Chúa đã phán xét rồi, nhưng ông Phêrô còn muốn kiểm tra lần cuối. Thủ kho to hơn thủ trưởng đó mà. Phêrô sai mấy ông thánh tí hon mang một hộp phấn xuống chân cầu thang trao cho mỗi người một cục phấn để vừa đi lên vừa biên tội mình ở mỗi bậc thang. Mấy ông giáo dân người thì xài nửa cục, người thì 2/3, người cao lắm một cục còn ông cha sở lấy một cục phấn hì hục biên tội, lên mãi tận trên. Nhưng thấy ông lại đi xuống. Ông buồn rầu bảo: Tôi viết hết một cục phấn rồi, mà chưa hết tội, tôi xuống xin thêm một cục nữa.

Câu chuyện tiếu lâm đại loại như thế, để thấy rằng càng nhiều chức phận, càng nhiều trách nhiệm và đồng thời cũng nhiều sai phạm.
Anh chị em thân mến,
Mỗi người chúng ta là một cá nhân chịu trách nhiệm về đời sống Kitô hữu của ta. Vì thế có vấn đề sám hối cá nhân. Nhưng người Kitô không đơn độc. Chúa đã muốn tụ họp tất cả trong một cộng đoàn, cộng đoàn Giáo hội. Với tư cách là thành viên của Giáo hội, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm về những thiếu sót của Giáo hội. Vì vậy, ta còn phải sám hối trong lòng Giáo hội. Đàng khác, ta là công dân nước Việt nam, ta cũng có trách nhiệm về những thiếu sót của Đất nước ta.
 Hôm nay, tôi đề cập đến sám hối cá nhân. Ngày mai, về sám hối trong lòng Giáo hội, và ngày mốt, sám hối trong lòng Dân tộc.
 1. Lời kêu gọi của các tiên tri:
 + Joel (2,12-18): “bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Ngài nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót... Hãy kêu lên: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa... Chúa đã tha thứ cho dân Ngài.”
 + Isaia (58,1-14): “Các ngươi ăn chay trong sự cãi vã, ẩu đả và đánh nhau hung tợn... Ăn chay như ta mong muốn là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng, chia sẻ cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạc không nhà, cho kẻ trần truồng áo mặc. Nếu người loại bỏ khỏi tâm hồn sự đàn áp, cử chỉ đe dọa và những lời hiểm độc, khi ngươi hết lòng quảng đại với người đói khát làm cho tâm hồn đau khổ được thư thái, thì sự sáng của ngươi xuất hiện trong tối tăm.”
 + Giona (3,1-10): “Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị hủy. Dân thành tin tưởng nơi Thiên Chúa, củng cố việc ăn chay, mặc áo nhặm. Vua ra sắc lệnh: phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý và tha thứ chúng ta khỏi chết.” Và Chúa đã tha cho họ.
 + Ezechiel (18,21-28): “Nếu kẻ gian ác ăn năn, sám hối mọi tội nó phạm, tuân giữ mọi giới răn của ta và thực thi công bằng chính trực, nó sẽ sống chứ không phải chết.”
 + Daniel (9,4-10): “Chúng tôi đã phạm tội và làm điều gian ác, chúng tôi đã làm điều bất chính và phản bội, chúng tôi đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa, chúng tôi đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng tôi, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng tôi là phải chịu hổ mặt; vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, vì chúng ta phản bội cùng Chúa.”
 + Isaia (10,16-20): “Hãy lắng nghe lề luật Thiên Chúa. Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt ta các tư tưởng xấu xa, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành, hãy tìm kiếm chân lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những kẻ mồ côi và bênh vực cho người góa bụa!”
 + Jeremia (17,5-10): “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ sống xa Chúa. Họ như cỏ cây trong hoang địa, họ ở nơi khô cháy hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc cho những người tin tưởng vào Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là niềm hy vọng của họ. Họ sẽ như cây trồng bên bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn, mà vẫn đơm hoa kết quả luôn.”
 + Michêa (7,14-15, 18-20): “Có Chúa nào giống như Chúa là Đấng dẹp tan mọi bất công và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi, Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển.”
+ Daniel (3,25, 34-43): “Xin đừng hủy bỏ lời giao ước của Chúa, xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng tôi. Chúng tôi đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng tôi, chúng tôi bị nhục nhã mọi nơi... Với tâm hồn sám hối và với tâm hồn khiêm tốn, chúng tôi xin Chúa chấp nhận... Xin đừng để chúng tôi phải hổ thẹn, xin hãy đối xử với chúng tôi theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa.”
+ Osê (14,2-10): “Các ngươi hãy trở về với Chúa và thưa: xin hãy xóa bỏ tội ác.”
 2. Lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả:
Chúng ta vừa nghe Tin Mừng theo Matthêô (3,1-12). Gioan kêu gọi dân “hối cải vì Nước Trời đã gần bên”. Đối với những người thật tình sám hối, Gioan làm phép rửa cho họ. Khi họ “xin thú tội lỗi”, còn biệt phái bè Sađốc đến xin làm phép, mà không sám hối, thì Gioan có những lời nặng nề: “Nòi rắn độc, ai mách cho các ngươi cơn thịnh nộ hòng đến. Hãy sinh quả phúc đức xứng với lòng hối cải, đừng tưởng nói được với mình: Ta có cha là Abraham. Tôi bảo các ông: Thiên Chúa có thể lấy những viên đá này mà gầy nên con cái cho Abraham. Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây, cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa. “Rồi Ngài nói với dân chúng: “Phần tôi, tôi sẽ thanh tẩy anh em bằng nước để lo hối cải. Còn Đấng sẽ đến sau tôi, quyền thế hơn tôi và tôi không dám xách dép cho Ngài. Ngài sẽ thay đổi anh em trong Thánh Thần và lửa. Cái rê lúa sẵn trong tay, Ngài sẽ sạch lúa sân Ngài”
 3. Lời kêu gọi hối cải của Chúa Kitô:
Tin Mừng theo Luca (14, 1-9) nhắc lời kêu gọi của Chúa Giêsu khi có người đến báo tin cho Ngài về những người Galilê bị tổng trấn Rôma đổ máu hòa với lễ tế họ. Ngài nói với họ: “Các anh tưởng những người Galilê ấy là hạng người tội lỗi hơn mọi người Galilê khác, vì đã khốn như thế. Không đâu. Tôi bảo các anh: nếu các anh không hối cải thì các anh cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Hay 18 người đã bị tháp Siloam đổ xuống đè chết kìa, các ngươi tưởng họ có tội hơn mọi người trú ngụ tại Jerusalem sao? Không đâu. Tôi bảo các anh: Nếu các anh không hối cải, các anh cũng sẽ bị tiêu diệt giống như thế.”
Thưa anh chị em, qua lời của các tiên tri cũng như của Gioan và của Đức Kitô, việc sám hối của ta là việc căn bản, nếu chúng ta muốn chấp nhận ơn cứu độ dồi dào của Chúa Kitô trong mùa Phục Sinh này.
 4. Thế nào là sám hối?
 a. Không phải đấm ngực khóc lóc như ít người làm khi xưng tội, hơn mấy người khóc mướn, nhưng chả có gì cả.
b. Không phải chỉ có ân hận.
+ Juda ân hận đã làm cho Chúa Giêsu bị lên án, trả tiền lại đền thờ, rồi đi thắt cổ.
+ Người trộm dữ ân hận vì bị bắt, bị án xử tử. Nhưng lại thách Chúa Giêsu sao không tự cứu mình và cứu hắn.
+ Mười Vân, giám đốc Công an Đồng Nai: trước tòa y ân hận vì đã tổ chức bảy chuyến di tản để hốt vàng, tổ chức làm ăn phi pháp với lực lượng công an, làm hồ sơ giả để bắt giam người vô tội, hối lộ, tham ô, móc ngoặc. cho thân nhân 118 căn nhà, 87 xe hơi, 19 xe máy, 919 đồng hồ và những máy móc.
+ Cán bộ cao cấp (tỉnh ủy, chủ tịch, trưởng phòng hình sự) dính vào vụ Đường Sơn Quán: ân hận, chưa sám hối.
c. Sám hối là đổi mới sau khi ân hận.
+ Người con trai hoang đàng ân hận vì đói rách (chưa vì cha mình), nhưng đã trở về với cha và bắt đầu cuộc đời mới bằng đứa con có hiếu.
+ Đứa con từ chối làm việc cha nó bảo rồi sám hối và làm như cha.
+ Zakhê: ân hận vì những bất công và sẽ hứa trả gấp bốn lần.
+ Phêrô: ân hận đã chối Chúa và trở lại, hy sinh cả cuộc đời cho Chúa.
+ Phaolô ân hận đã bắt bớ Giáo hội, trở lại trên đường Damas và hy sinh rao giảng Đức Kitô.
+ Một Augustinô, một Foucault, sau một cuộc đời buông thả, đã ân hận, đã sám hối bằng một cuộc trở lại với Thiên Chúa và hiến cả cuộc đời cho Nước Trời.
+ Một số tín hữu quen biết cũng đã có một cuộc đời bê bối, ích kỷ, nhưng sau khi đã ân hận, đã sám hối bằng cách đổi mới cuộc đời.
 5. Sám hối về những gì?
 a. Thường tình, ta sám hối vì đã phạm luật (Mười điều răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội thánh). Ít khi ta sám hối về thiếu tình yêu đối với Chúa và con người. Ta chỉ sám hối cái tiêu cực. còn cái tích cực mà ta bỏ qua, ta không sám hối. Đây là điều phải sám hối vì rất căn bản.
Ta coi chừng việc thỏa mãn vì đã giữ lề luật. Người biệt phái đã tự mãn, cho mình là công chính. Nhưng lại thiếu bác ái (chống Chúa Giêsu vì đã làm phép lạ ngày Sabat).
b. Sám hối căn bản mà tôi muốn đề cập hôm nay là thực hiện ơn gọi nên hoàn hảo và thực thi ba chức năng của người Kitô hữu (tư tế, ngôn sứ và vương đế).
 Nên hoàn hảo.
Tin Mừng theo Mathêô (5, 48) đề cập đến các mối phúc thật và tin thần yêu thương của đạo mới và kết thúc bằng lời gọi của Chúa Giêsu: “Các hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành.”
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế về Giáo hội, chương 5, cũng có đề cập đến vấn đề này: “Mời gọi chung mọi người trong Giáo hội phải nên thánh.” Lời mời gọi này, lệnh này của Đức Kitô liên hệ đến mọi người. Nghe đến đây có người sẽ nói: “Việc nên thánh, việc nên hoàn hảo là việc của mấy ông cha bà phước, chớ đâu là việc của chúng tôi, những giáo dân, ở ngoài đời, có được lên Thiên Đàng cũng ngon rồi.” Nghĩ như vậy là lầm to rồi. Chưa xác tín điều đó thì thấy cần phải sám hối rồi đó. Vì đây là vấn đề căn bản của đời sống Kitô hữu. Công đồng nói: “Giáo hội là hoàn toàn thánh thiện trước con mắt đức tin. Thật vậy, Đức Kitô, con Thiên Chúa cùng với Chúa Cha và Thánh Linh, được xưng tụng là Đấng Thánh duy nhất đã yêu mến Giáo hội như hiền thê đã hiến thân để thánh hóa Giáo hội (Ep 5, 15-26). Ngài đã kết hợp với Giáo hội như thân thể Ngài đã ban đầy ơn Thánh Linh để Thiên Chúa được vinh danh. Vì thế, trong Giáo hội, mọi người, dù thuộc hàng giáo phẩm hay được hàng giáo phẩm dìu dắt, đều được mời gọi nên thánh như lời thánh Phaolô: “Vâng, thánh ý Thiên Chúa là muốn cho anh em nên thánh” (1 Th. 4,3; Ep. 1,4).
Sự thánh thiện này của Giáo hội vẫn thấy là biểu lộ bằng những thành quả do ơn Chúa Thánh Linh phát sinh trong tín hữu; dưới mọi hình thức, sự thánh thiện được thấy qua những người cố đạt tới đức Mến trọn hảo trong lối sống riêng biệt nên gương cho người khác. Là thấy vẫn mẫu mực của mọi sự trọn hảo, Chúa Giêsu đã dạy tất cả và từng môn đệ của Ngài, dù họ ở địa vị nào, phải sống thánh thiện như Chúa là Đấng khởi xướng và kết thúc: “Chúng con hãy nên trọn hảo như Cha chúng con ở trên Trời là Đấng trọn hảo”. Và thực Chúa đã gởi Thánh Linh Người đến với tất cả, thúc đẩy bên trong để họ “mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết năng lực” (Mc 12,13) và thương nhau như Giêsu đã thương họ (Gn. 13,34; 15,12). Được Chúa gọi, không phải vì công đức của họ, nhưng chỉ vì Chúa muốn ban ơn để họ trở nên công chính trong Đức Kitô; là môn đệ Kitô nhờ phép rửa, họ thực sự trở nên con cái Thiên Chúa, tham dự vào bản tính Chúa và dĩ nhiên thực sự họ là thánh. Sự thánh hóa đã nhận được, ta phải giữ gìn và hoàn thành qua cuộc sống của mình. Phaolô đã khuyến cáo ta sống như những vị thánh (Ep. 5,3), và mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng, chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau... “Cũng như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết các điều ấy, anh em hãy mặc lấy đức Mến, tức là giềng mối của sự trọn hảo” (Col. 3,12-14).
Đề cập đến những đặc tính của lòng Mến, thánh Phaolô nói: “Lòng Mến thì khoan dung, nhân hậu, lòng Mến không ghen tuông, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật” (Co. 13, 4-6).
Như vậy, chúng ta thấy rằng việc nên trọn hảo là lời mời gọi, là mệnh lệnh của Chúa Kitô đối với mọi tín hữu, không trừ ai. Xưa nay ta có bao giờ sám hối về việc nên trọn hảo này không hay chỉ xét mình năm điều bảy chuyện, rồi có khi chả ân hận, chả có sám hối, cốt là đi xưng tội là thấy yên tâm.
 Ba chức năng của tín hữu
Đề cập đến mầu nhiệm Giáo hội mà mỗi chúng ta là thành phần, Công đồng Vatican II gọi chúng ta là “dân Thiên Chúa”. Cũng như Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Ngài, bằng giao ước cũ, thì nay trong máu Chúa Kitô, Thiên Chúa đã kêu gọi ta làm dân mới của Ngài và đã ký với ta một giao ước mới: Như vậy ta đã trở nên “dòng giống được lựa chọn, hàng tư tế, hoàng vương, một dân tộc thánh” (1 P. 2,9-10). Chính Chúa Kitô là thủ lãnh của dân mới này, vì Ngài “đã bị nộp vì tội ta và đã sống lại vì công chính hóa của chúng ta” (Rom. 4,25).
 + Chức tư tế:
Người Kitô hữu nhờ sự tái sanh trong Thánh thần, đã được thánh hiến để trở nên đền thờ thiêng liêng và một hàng tư tế thánh, để nhờ tất cả hoạt động của người Kitô hữu, dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng của chính bản thân, cũng như hoạt động. Dâng mình làm của lễ hy sinh sống động, chứng tá cho Chúa. Tham gia chức tư tế của linh mục trong bí tích Thánh thể và tiếp nhận các bí tích, bền tâm cầu nguyện, tạ ơn, từ bỏ mình và bác ái thực sự.
 + Chức ngôn sứ:
 Đức Kitô là ngôn sứ của Thiên Chúa, bằng chứng là của đời sống và sức mạnh của lời nói, Ngài đã tuyên bố nước Trời với những đòi hỏi của nó. Muốn làm ngôn sứ, tín hữu phải nghe lời Chúa, đọc lời Chúa, chia sẻ lời Chúa. Người giáo dân còn là ngôn sứ bằng làm chứng tá trong đời sống gia đình, xã hội, trong các cơ cấu trần gian. Tông đồ giáo dân, phúc âm hóa xã hội. Đôi lúc thay thế linh mục làm một số mục vụ.
 + Chức vương tế:
Phục vụ trong khiêm nhường, bền chí, gương mẫu, Chúa Kitô đã phục vụ cho đến chết trên thập giá. Dùng khả năng chuyên môn để nâng cao lao động, kỹ thuật, văn hóa, chia sẻ của cải công bằng, tranh đấu cho tự do, nhân phẩm, cải thiện điều kiện sống. Lành mạnh hóa các cơ cấu và hoàn cảnh, phù hợp với đòi hỏi của công bằng. Đem những giá trị luân lý thấm nhập văn hóa và việc làm của con người.
Như vậy, là chuẩn bị cho cánh đồng để đón nhận hạt giống Kitô giáo. Dón nhận Lời Chúa và mở cửa cho hoạt động của Giáo hội.
Phân biệt tư cách công dân và tư cách người của Giáo hội (quyền lợi và nghĩa vụ). Dung hòa quyền lợi và nghĩa vụ.
Lương tâm công giáo hướng dẫn hoạt động trần thế. Hoạt động trần thế được quản trị theo luật riêng của nó nhưng được lương tâm công giáo cho một hướng đi nhân bản.
Cải thiện trật tự thế trần. Đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền. Lo nên trọn hảo và thực thi ba chức năng của người Kitô hữu, đó là nội dung của cuộc sám hối của ta hôm nay.
 Ta xác tín lời gọi nên trọn hảo như Cha trên Trời, đến mức độ nào hay ta nghĩ đó là chuyện ông cha bà phước?
 Ta thi hành ba chức năng tư tế, ngôn sứ, vương đế như thế nào?
 Anh chị em thân mến,
Chúng ta phải ân hận, phải sám hối, phải đổi mới tâm tư và sinh hoạt của chúng ta.
Nhân dịp Mùa Chay, mùa sám hối, ta hãy quyết tâm sám hối đến nơi đến chốn, chứ không chỉ tìm một sự công chính theo lề luật.

                                                                                               Lm. Chân Tín
(9.4.1994)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét