Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Cha Chân Tín và những ngọn lửa


LTCGVN (07.12.2012)
Sài Gòn - Vậy là Cha Stêphanô Chân Tín cuối cùng cũng đã đi xa. Buổi chiều hôm Cha ra đi, Quế Phương từ nhà Dòng nhắn tin cho tôi rằng Cha đã được Chúa gọi về, tôi không ngạc nhiên, nhưng cũng như nhiều người, trong lòng tôi chợt thấy một khoảng trống mất mát.
Bây giờ khi mọi việc đã đâu vào đó, khi những suy tư, những tiếng nói và những tình cảm dành cho con người linh mục mà tôi tạm gọi là vĩ đại ấy đã bắt đầu lắng xuống, tôi ngồi lặng lẽ nghe lại bài giảng của Bố Matthêu Vũ Khởi Phụng trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha Stêphanô. Bài giảng quá súc tích, phong phú và thật xúc động, làm người nghe muốn rơi nước mắt.
Bố Matthêu quen biết, sống và làm việc với Cha Stêphanô, gắn bó gần gũi bên ngài nửa thế kỷ. Còn tôi, đã nghe tiếng ngài từ thuở nhỏ nhưng biết ngài không bao lâu, cơ hội tiếp xúc với ngài cũng không nhiều. Khi nghĩ về ngài, tôi chỉ biết tạ ơn Chúa vì Chúa đã gửi vào thế gian này, vào nhà Dòng Chúa Cứu Thế một linh mục tài hoa và hết lòng vì Hội Thánh, vì những con người nghèo khổ bất hạnh. Nói như Bố Matthêu, cha Stêphanô là người đã sống Tám Mối Phúc Thật một cách trọn vẹn, mặc cho người đời khen chê.
Ngày còn bé, tôi thích tờ báo Tuổi Hoa, và cũng đọc hết những trang báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Hồi đó thấy hai tờ báo có ghi tên Cha Chân Tín, nhưng cũng như những đứa trẻ khác, tôi chú ý nhưng nghĩ sẽ chẳng bao giờ mình có vinh dự được gặp những linh mục như thế. Sau này, càng lớn lên tôi càng nghe nói về ngài, mặc dù những tiếng nói ấy vẫn còn rất xa so với những suy nghĩ và những thực tế đời sống mình.

Rồi năm ấy chúng tôi có cơ may sinh hoạt gần Cha Stêphanô. Phòng mà nhà Dòng dành cho nhóm Sinh viên Công giáo (Bố Matthêu Vũ Khởi Phụng là Cha linh hướng) ở ngay sát vách phòng ngài. Một lần vì thiếu sách Lễ, chúng tôi vào xin mượn cuốn Sách Lễ giáo dân của Cha Stêphanô, ngài vui vẻ đưa ngay. Sau đó thì ngài bị bắt. Chúng tôi vẫn giữ và sử dụng cuốn sách Lễ ấy, nhưng một nỗi sợ bắt đầu len lỏi vào trong anh chị em vì còn có tên ngài trên cuốn sách.
Vâng, đó là một nỗi sợ không tên mà ghê gớm thay, là nỗi sợ có tính tập thể. Nỗi sợ ấy ghê gớm ở chỗ là nó vô hình, vô cớ và vô lý. Đó là nỗi sợ của những con người được xã hội dạy cho biết sợ chỉ vì mình ở gần sự thật, muốn sống cho sự thật. Đó là nỗi sợ chỉ vì có mối liên hệ nào đó với một con người can trường và hết lòng vì Hội Thánh Chúa Kitô.
Cho nên rất lâu về sau này, khi được nghe những bài giảng của Cha Giám Tỉnh Vinh Sơn hay bài giảng của Cha An Thanh về sự thật và về lời Chúa: “Anh em đừng sợ”, tôi thấy mình thật sự cảm được rất nhiều. Tác động của Cha Chân Tín trên cuộc đời chúng tôi khởi đi từ một việc nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn như thế.
Khi Cha về lại Sàigòn, thỉnh thoảng tôi có ghé vào thăm Cha. Một anh bạn tôi là bác sĩ, rất ngưỡng mộ Cha nhưng không tiện vào thăm Cha, có lần nhờ tôi đến xin Lễ với ý chỉ cầu nguyện cho những dân tộc bị áp bức, tôi thấy Cha rất vui, có lẽ vì ngài nhận ra rằng trong cuộc đời này vẫn còn nhiều những người trí thức đồng cảm với số phận của đồng loại mình, và như thế là đồng hành với Cha.
Chúng tôi càng ngưỡng mộ Cha hơn khi được đọc “Hồ sơ Chân Tín” về những bài giảng của Cha và nhất là về lời phát biểu của cha tại trụ sở Mặt trận tổ quốc VN, quận 3, Sài Gòn về vấn đề phong thánh Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Cha đã dùng lý luận sắc bén nhưng ôn hòa để cổ vũ việc hệ trọng này. Sự bất khuất và kiên trì của Cha đã đóng góp lớn lao vào đại cuộc của Giáo Hội.
Mấy năm sau này Cha yếu hơn và về nhà hưu dưỡng. Tuy đi lại khó khăn, nhưng Cha vẫn vui vẻ và sẵn sàng đến với ai cần Cha. Tôi không quên được lúc dìu Cha bước lên cầu thang để Cha đến chia sẻ với anh chị em nhóm bác sĩ Phấn đang học hỏi về Giáo huấn Xã Hội Công Giáo. Cha cười rất tươi, không biết vì Cha thấy trong anh chị em hình ảnh hăng say của Cha thời còn trẻ, hay Cha biết mình đang có những lớp kế thừa để thay Cha đồng hành với những phận người bị bỏ rơi.
Tôi cảm nhận điều thứ hai sau nỗi sợ của những người tiếp xúc với Cha, đó là ngọn lửa nhiệt thành mà Cha truyền đi cho các thế hệ. Chúa Giêsu nói rằng Người đến ném lửa vào trong thế gian này và Người mong cho lửa ấy cháy lên (x. Lc. 12, 49).
Sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh Chúa là gì nếu không phải là tiếp tục làm cho ngọn lửa ấy ngày càng bùng cháy để đem cho trần gian này ánh sáng và sự sưởi ấm. Cái lạnh của bất công, cái lạnh của lòng người băng giá, cái lạnh của đêm tối tà ma đang cuồn cuộn trong xã hội. Nhưng cái lạnh ấy sẽ tức khắc tan biến khi ở đâu có người cùng với Đức Giêsu là Chúa của mình chiếu một tia lửa của Người vào trong đó.
Chị Chiara Lubich của phong trào Focolare viết: “Một ngọn lửa cháy lên, cho dầu nhỏ bé, nếu được nuôi dưỡng, nó có thể trở thành một đám cháy lớn. Đó là đám cháy tình thương, hòa bình, là tình huynh đệ đại đồng mà Đức Giêsu đã đưa đến trần gian”. Cha Stêphanô đã ra đi. Theo Bố Phụng, nói buồn khi Cha Chân Tín ra đi thì tầm thường quá, nói vui cũng không phải, mà là trân trọng như đứng trước một mầu nhiệm. Trân trọng với mầu nhiệm cuộc đời, chúng ta ước ao nuôi dưỡng ngọn lửa mà Cha đã dày công truyền lại từ Chúa Kitô.
Bây giờ Cha đã ra đi, bao nhiêu người đã viết và đã nói về Cha, cũng chẳng thêm gì cho Cha nếu không cùng với lời cầu nguyện. Viết hay nói về Cha cũng chỉ là để học nơi Cha bài học sống cho Chúa Kitô, cho Hội Thánh và cho Sự Thật, không màng tiếng khen chê, dám “đi giữa những hòn tên mũi đạn của dư luận” để sống Tám Mối Phúc của Tin Mừng.
Chia sẻ nỗi mất mát và niềm hy vọng với Nhà Dòng khi Cha Chân Tín ra đi cũng là đồng hành với nhà Dòng trên con đường phía trước. Ước mong hình ảnh một cây cổ thụ ngã xuống sẽ là dấu đánh động nhiều tâm hồn, để những khen chê, lên án hay nghi ngờ nhau được xóa tan đi, thay vào đó, cùng nhau xắn tay áo, chung xây cho tòa nhà sự sống của Giáo huấn Xã Hội Công giáo ngày càng cao thêm.
Chúng ta cầu nguyện cho Cha Stêphanô với niềm tin vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Và chúng ta nhờ lại những lời kết thúc bài giảng của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Đại Lễ Tôn Vinh Hiển Thánh 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam tại Rôma Ngày 19-06-1988: “Anh em, dòng giống các vị Tử Đạo, anh em dòng giống những người được kêu gọi. Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn ngoan: “Trong ngày phán xét, họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ Đông sang Tây.” (Kn 3, 7)
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét