LTCGVN (07.12.2012)
California, USA – Một trong những vấn đề Trung Quốc và dân tộc Việt Nam đang làm cho người Việt Nam khắp thế giới “nóng” lên, vì chuyện hình lưỡi bò trong hộ chiếu Trung Quốc.
Ở phần VRNs đăng hôm nay, tiến sĩ Trần Diệu Chân sẽ trình bày về Biển Đông và Trung Quốc. Qua việc đưa những thong tin cụ thể, độc giả sẽ phần nào giải thích được tại sao Trung Quốc có vẻ sống chết với vấn đề Biển Đông đên như vậy.
--------
Biển Đông Và Trung Quốc
Tháng 3-2010, nhân đón tiếp hai viên chức cao cấp của Hoa Kỳ viếng thăm Trung Quốc là ông James Steinberg (Thứ trưởng ngoại giao) và ông Jeffery Bader (Phó giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia phụ trách Á Châu), lãnh đạo Bắc Kinh đã tuyên bố biển Đông là một “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, đặt ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương – các lãnh thổ mà Trung Quốc coi như không thể tách rời khỏi quốc gia và cần phải bảo vệ bằng mọi giá. (25)
Trong cuôc phỏng vấn với Tạp Chí Australian, bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton cho biết là phái đoàn Trung Quốc cũng tái khẳng định chủ trương nói trên trong Hội nghị Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung vào tháng 5-2010 tại Bắc Kinh và bà đã lên tiếng phản đối chủ trương này. (26) Tháng 7-2010, tại hội nghị Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN tổ chức tại Hà Nội, 12 quốc gia – trong đó có tất cả các nước thành viên ASEAN – đã phản đối mạnh mẽ chủ trương nói trên, khiến cho lãnh đạo Trung Quốc bị khựng lại và sau đó đã ngưng việc tuyên bố biển Đông là “lợi ích cốt lõi” trong một thời gian.
Nhưng đến tháng 8-2011, Tân Hoa Xã đã gửi đi bài xã luận xác định trở lại “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các vùng biển, quần đảo và các vùng nước xung quanh”, và cho rằng các khu vực này là một phần “lợi ích cốt lõi”. Ngày 6-9-2011, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Bạch thư về “Phát triển Hòa Bình” đã coi chủ quyền trên các lãnh thổ, biển đảo là “lợi ích cốt lõi”, tuy không chính thức nêu đích danh biển Đông.
Dù Trung Quốc công khai hay không công khai tuyên bố “lợi ích cốt lõi” trên biển Đông, cho thấy là Bắc Kinh đang coi biển Đông là một mục tiêu chiến lược lớn và họ sẽ tìm mọi cách kiểm soát bằng mọi giá như là “cái ao” nhà của họ.
Tại sao biển Đông lại quan trọng đối với Trung Quốc như vậy?
1-Vị Trí Biển Đông
Biển Đông là vùng biển nửa kín (27) hay còn gọi là biển rìa lục địa (marginal sea) là cánh Tây của Thái Bình Dương, với diện tích được ước lượng là 3,537,000 cây số vuông. Đây là một vùng biển lớn thứ nhì sau biển Ả Rập, được bao bọc bởi bán đảo Đông Dương, vịnh Thái Lan, bán đảo Mã Lai, quần đảo Malay (bao gồm các đảo Leser, Greater Sunda và quần đảo Phi Luật Tân), đảo Đài Loan và bờ biển Phúc Kiến của Trung Quốc.
Gần chục quốc gia và lãnh thổ có biên giới với vùng biển này (tính theo chiều kim đồng hồ từ phía Bắc) gồm Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã lai, Brunei, Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.
Thời nhà Hán và Nam Bắc Triều, người Trung Quốc gọi Biển Đông là Trướng Hải. Từ đời đường thì đổi sang gọi là Nam Hải. Phi Luật Tân gọi là biển Luzon (theo tên hòn đảo lớn Luzon của Phi Luật Tân) hoặc biển Tây Philippines. Việt Nam thì gọi là biển Đông. Trong biển Đông có hai quần đảo lớn là Hoàng Sa nằm phía Bắc và Trường Sa năm phía Tây Nam của biển Đông.
Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) có nghĩa là bãi cát vàng, là một nhóm gồm 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ. Trung Quốc gọi là Tây Sa. Hoàng Sa nằm tại vĩ tuyến 17-15 Bắc, phía Đông tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 123 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.
Việt Nam có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ rất lâu và ít nhất từ năm 1816 dưới đời Vua Gia Long. Các đảo này nằm trong đơn vị hành chánh có tên là Huyện đảo Hoàng Sa, chia làm hai nhóm đảo Amphitrite và Crescent.
+ Nhóm đảo Amphitrite: Việt Nam gọi là An Vĩnh còn Trung Quốc gọi là Tuyên Đức, bao gồm các đảo tương đối lớn và cao nhất trong các đảo của Hoàng Sa, và cũng là các đảo san hô lớn nhất biển Đông như đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island), đảo Trung (Middle Island), đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo Linh Côn (Licoln Island)... Ngoài ra, trong nhóm An Vĩnh có những bãi ngầm chính là: Bãi ngầm Jehangire Bank; Bãi ngầm Bremen Bank; Bãi đá ngầm Bombay Reef.
+ Nhóm đảo Crescent: Việt Nam gọi là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thềm vì có hình cánh cung hay lưỡi liềm; Trung Quốc gọi là Vĩnh Lạc, bao gồm các đảo Hoàng Sa (Pattle Island), đảo Đá Bắc (North Reef Island), đảo Hữu Nhật (Passu Keah Island), đảo Tri Tôn (Triton Island), đảo Quang Ảnh (Money Island), đảo Duy Mộng (Drummond Island),.. Có ba bãi đá ngầm: Bãi ngầm Antelope Reef; Bãi ngầm Vuladdore; Bãi ngầm Discovery là bãi ngầm lớn nhất có một vòng san hô bao quanh chiều dài tới 15 hải lý, bề ngang chừng 5 hải lý.
Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), Trung Quốc gọi là Nam Sa, Mã Lai và Nam Dương gọi là Kepulauan Spratly là nhóm gồm trên 100 đảo nhỏ, đá và đảo san hô, nằm rải rác trên một khung bán nguyệt lớn kéo dài trên 1.000 cây số từ phía Tây Nam sang Đông Bắc. Tâm điểm của khu vực này nằm cách đảo Palawan và Kaimantan 400 cây số (khoảng non 200 hải lý), cách bờ biển Việt Nam 500 cây số (khoảng 220 hải lý) và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.000 cây số (khoảng 750 hải lý).
Những nước tham gia tranh chấp này có quân đội đóng trên từng phần của quần đảo Trường Sa và kiểm soát nhiều căn cứ trên các đảo nhỏ và đảo đá ngầm khác nhau.(28)
+ Việt Nam chiếm 26 đơn vị gồm 7 đảo là Trường Sa (Spratly), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sincowe), Sinh Tồn Đông (Sincowe East), An bang (Amboyma), Song Tử Tây (South West), Sơn Ca (Sand) cùng 16 bãi đá chìm và 3 bãi ngầm. Trước đó quần đảo Trường Sa thuộc huyện Long Đất, tỉnh Phước Tuy. Nhưng đến ngày 28-12-1982, CSVN chính thức thành lập huyện Trường Sa bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa và được chuyển sang tỉnh Phú Khánh. Sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh làm hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào ngày 30-6-1989, huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa cho đến nay.
Để chống lại Việt Nam, Trung Quốc cho thành lập huyện Tam Sa quản trị các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Tây Sa, tháng 4-2007, CSVN đã công bố Nghị định số 65/2007 quy định huyện Trường Sa (thuộc Tỉnh Khánh Hòa) có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận.
+ Phi Luật Tân chiếm 18 đơn vị gồm 5 đảo là Flat (Bình Nguyên), Namshan (Vĩnh Viễn), West York (Bến Lộc), Loaita (Loại Tá) và Thitu (Thị Tứ), 3 cồn, 2 đá nổi và 8 đá chìm. Phi Luật Tân đã đặt các đảo này vào khu tự quản Kalayaan, thuộc tỉnh Palawan.
+ Đài Loan chiếm 2 đơn vị gồm 1 đảo Itu Aba (Ba Bình) là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và 1 bãi đá ngầm.
+ Mã Lai chiếm 7 đơn vị gồm 7 bãi đá chìm.
+ Trung Quốc chiếm 8 đơn vị gồm 2 bãi đá nổi là Đá Chữ Thập (Fiery Cross) và Đá Ga Ven (Gaven) cùng 6 bãi đá chìm. Trong 6 bãi đá chìm này, Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa sau trận hải chiến ngày 14-3-1988; và Trung Quốc còn chiếm bãi Vành Khăn (Mischief Reef) của Phi Luật Tân vào tháng 2-1995. Hiện nay Trung Quốc và Phi Luật Tân đang tranh giành chủ quyền trên bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) sau khi xảy vụ tàu Hải Quân Phi Luật Tân đuổi không cho ngư dân đánh cá quanh vùng biển của đảo này hôm đầu tháng 4-2012. Trung Quốc đặt các bãi đá này cùng với quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa vào biện sự xứ (tương đương với cấp huyện) và đến tháng 11 năm 2007 thì gọi là Huyện Tam Sa, trực thuộc Tỉnh Hải Nam.
Ngoài những đảo, bãi đá chìm... do một số quốc gia chiếm đóng nói trên, trong quần đảo Trường Sa còn rất nhiều bãi cát, bãi đá ngầm nằm về phía đông kinh tuyến 116, cách bờ biển phía Tây của Palawan khoảng 160 cây số, nằm dưới sự kiểm soát của hải quân Phi Luật Tân. Các ngư dân Phi được hải quân Phi bảo vệ để đánh bắt thủy sản tại vùng biển này. Ngư dân không phải người Phi Luật Tân được phép vào vùng này nhưng phải tuân thủ luật lệ của Phi. Trong thời gian qua, nhiều tin tức liên quan đến việc ngư dân Trung Quốc bị hải quân Phi Luật Tân bắt giữ là xảy ra ở vùng này; vì theo chính phủ Phi, ngư dân Trung Quốc đã sử dụng các phương thức đánh cá trái phép và đánh bắt những loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng.
2-Tiềm Năng Biển Đông:
Biển Đông là nơi chung sống non 2 tỷ người của 10 quốc gia bao quanh gồm Trung Quốc, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Phi Luật Tân và Đài Loan. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương mà còn là nơi giao lưu quan trọng của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là hải sản, khoáng sản, du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái.
VỀ HẢI SẢN
Theo điều tra của nhiều nhà nghiên cứu thì biển Đông có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy (zoobenthos), 2.038 loài cá, trong đó có hơn 100 loại cá có tiềm năng kinh tế cao như các loại cá Thu, cá Trích, cá Chim Trắng, cá Mú... 653 loài rong biển, 657 loại động vật phù sa, 537 loại thực vật phù du, 95 loại thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển,15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển.
Trữ lượng về các loại hải sản, đặc biệt là về cá biển ở biển Đông hiện chưa có con số ước tính; nhưng sức khai thác của một số quốc gia trong vùng chiếm một tỷ lệ rất cao. Hiện Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), kế đến là Thái Lan đứng hàng thứ 10 trên thế giới (khoảng 1,5-2 triệu tấn/năm). Ngoài ra còn có Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân cũng đánh bắt cá, nâng cả khu vực từ 7% đến 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới.
Chính vì tiềm năng to lớn về hải sản của biển Đông mà Trung Quốc đã muốn thu tóm về cho riêng mình nên từ năm 1999, Bắc Kinh đã đưa ra lệnh cấm đánh cá từ ngày 15 tháng 6 đến cuối tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên vào lúc đó, tiềm lực quân sự còn yếu nên mãi đến năm 2009, Trung Quốc mới bắt đầu áp dụng lệnh cấm một cách thô bạo khi bắt giữ ngư dân và tàu đánh cá của các nước Phi, Mã Lai, Việt Nam tạo, ra một làn sóng chống đối mạnh mẽ từ các quốc gia này. Chính quyền Phi Luật Tân là quốc gia phản đối kịch liệt và đưa quân đội ra bảo vệ ngư dân của mình. Trong khi đó, Cộng sản Việt Nam chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ qua những phát biểu của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao lúc đó là bà Phan Thanh Thúy. (29)
VỀ DẦU KHÍ
Biển Đông được coi là một trong những nơi chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Những thềm lục địa có tiềm năng chứa lượng dầu khí rất lớn là Saba – Brunei, Sarawak – Malay, Pattani - Thái, Nam Côn Sơn - Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, trữ lượng dầu thô ở biển Đông là 7,7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày và trữ lượng khí đốt là 266 ngàn tỷ mét khối. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc ước tính có khoảng 50 tỷ thùng dầu thô và hơn 20.000 tỷ mét khối khí đốt.
Điều này có nghĩa là biển Đông chứa nhiều dầu mỏ hơn bất kỳ khu vực nào trên toàn thế giới, trừ Árập – Xêút - điều đã khiến một nhà nghiên cứu của Trung Quốc gọi biển Đông là “Vịnh Peric thứ hai”. Nếu thực sự có nhiều dầu như vậy ở biển Đông – và nếu Trung Quốc có thể kiểm soát chúng – thì họ có thể sẽ giảm bớt được sự phụ thuộc vào eo biển hẹp và dễ bị hải tặc tấn công như eo biển Malacca (cũng như eo biển Sunda hay eo biển Lombok), nơi vận chuyển rất nhiều năng lượng mà Trung Quốc phải nhập từ tận Trung Đông. Tập đoàn dầu mỏ hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đầu tư 20 tỷ Mỹ Kim với niềm tin rằng một trữ lượng dầu mỏ như vậy đang nằm dưới đáy biển. (30)
Riêng về trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam, kể từ năm 1988 sau khi phát hiện dầu trong mỏ Bạch Hổ, ước tính vào khoảng 113 triệu tấn dầu có khả năng thu hồi. Sau thời gian trên 10 năm đã được bổ sung vào nguồn trữ lượng khoảng 289 triệu tấn nâng tổng số trữ lượng dầu đến 402 triệu tấn. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương với Thái Lan và Malaysia. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. (31)
VỀ VẬN CHUYỂN
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, giữa Châu Âu với Châu Á và giữa Trung Đông với Châu Á. Hiện có 5 tuyến đường vận chuyển xuyên qua biển Đông:
-Tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez.
-Tuyến Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc Châu, Tân Tây Lan.
-Tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe.
-Tuyến Đông Á đi Úc Châu, Tân Tây Lan, Nam Thái Bình Dương.
-Tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á.
Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp nhất nhì thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Riêng Nhật Bản thì hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu thô nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc thì có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu thô nhập khẩu phải đi qua Biển Đông. Đặc biệt lượng dầu thô và khí lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Nói tóm lại, ngày nay, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. (32)
VỀ AN NINH CHIẾN LƯỢC
Ngoài diện tích lớn to lớn của biển, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới, mang một ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều quốc gia trong vùng. Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của Châu Á có hai điểm trọng yếu:
Một là Eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Nam Dương, Mã Lai và Tân Gia Ba) là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa Trung Đông với Châu Á Thái Bình Dương. Mỗi năm có 60.000 lượt tàu đi ngang qua Malacca với khoảng 30% giao dịch thương mại thế giới. Ba eo biển thuộc chủ quyền của Nam Dương là Sunda, Blombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hoá giữa Ấn Độ Dương sang Đông Nam Á và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn.
Hai là vì có rất nhiều tuyến đường hàng hải đi qua Hoàng Sa và Trường Sa nên hai quần đảo này đã trở thành nơi dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại Biển Đông, và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè... Các nhà chiến lược phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được toàn bộ biển Đông.
Cho đến hiện nay, nhờ có sức mạnh quân sự vượt trội, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng kiểm soát toàn thể biển Đông và Thái Bình Dương. Tuy nhiên vị trí này đang bị thách đố vì các quốc gia Úc Châu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và cả Trung Quốc đang bắt đầu tự phòng thủ. Điều này đã xảy ra cùng lúc với việc sản xuất và trang bị tàu ngầm của Trung Quốc nhanh gấp vài lần của Hoa Kỳ cũng như Bắc Kinh đã chế được Hỏa Tiễn DP-21 có khả năng tấn công vào các Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ từ một vị trí ở rất xa.
Hiện nay Hoa Kỳ đang chuyển trọng tâm về Á Châu Thái Bình Dương và nhất là tích cực cùng với Nhật Bản đẩy mạnh việc kêu gọi đàm phán đa phương để giải quyết những xung đột, tranh chấp trên biển Đông; nhưng viễn cảnh giải quyết hãy còn quá xa vời. Nhất là gần đây những tranh chấp chủ quyền đang diễn ra ngày một căng thẳng giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân quanh bãi cạn Scarborough (quần đảo Hoàng Nham) xảy ra từ ngày 12-4-2012 cho đến nay 1-9-2012) chưa có dấu hiệu giải quyết. (33)
3-Tranh Chấp Biển Đông:
BA LOẠI TRANH CHẤP
Theo ông Dương Danh Dy, một nhà nghiên cứu về Biển Đông rất có uy tín tại Việt Nam cho rằng ngoài tranh chấp chủ quyền đối với đảo còn tồn tại tranh chấp biển, bao gồm mặt biển, cột nước, đáy biển, lòng đất, và trong trường hợp lãnh hải 12 hải lý thì bao gồm cả bầu trời. (34) Ông Dương Danh Dy đã giải thích thêm theo Công Uớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vào năm 1982 thì những vùng biển này có thể bao gồm lãnh hải 12 hải lý, vùng tiếp giáp từ 12 đến 24 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế tối đa là 200 hải lý, thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý, và có thể cả biển quốc tế.
Theo ông Dương Danh Dy, ba loại tranh chấp tại biển Đông bao gồm:
a/Tranh chấp do chống lấn “bờ - bờ”: Đó là do chồng lấn giữa các vùng biển thuộc bờ của các nước. Đây là những tranh chấp rất bình thường trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Tại biển Đông, các vùng chồng lấn bờ với bờ chỉ là một phần nhỏ của vùng biển thuộc bờ và có khả năng giải quyết cao. Theo ông Dương Danh Dy thì hiện đã có những hiệp định giải quyết tốt như:
-Việt Nam và Thái Lan có Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước.
-Việt Nam và Trung Quốc có Hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ.
-Việt Nam và Nam Dương có Hiệp ước phân định thềm lục địa.
-Việt Nam và Mã Lai có thỏa thuận khai thác chung trong vùng chồng lấn ngoài Vịnh Thái Lan.
b/Tranh chấp các vùng biển thuộc “đảo”: Những tranh chấp này, theo ông Dương Danh Dy thì chỉ có thể giải quyết khi nào tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa được giải quyết. Nước nào được cho là sở hữu đảo nào thì sẽ sở hữu các vùng biển thuộc đảo đó.
c/Tranh chấp do chồng lấn “đảo - bờ”: Đây là loại tranh chấp do chồng lấn giữa một bên là các vùng biển thuộc bờ, và bên kia là các vùng biển thuộc đảo. Đây là loại tranh chấp khó giải quyết nếu không xác định chủ quyền của các quần đảo tranh chấp.
Dựa theo những phân tích rất khoa học của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, mấu chốt của vấn đề tranh chấp biển Đông phần lớn nằm ở Hoàng Sa (giữa Việt Nam và Trung Quốc) và Trường Sa (giữa 5 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan đang trực tiếp chiếm đóng trên một số đảo, bãi đá ngầm và những quốc gia có vùng biển liên hệ như Nam Dương, Brunei).
Tuy nhiên, từ năm 1970 đến năm 1990, các tranh chấp ở biển Đông không phải là quan tâm của những quốc gia trong vùng Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Đa số không muốn gây phiền phức với Bắc Kinh và đang muốn cô lập Cộng sản Việt Nam vì tội khống chế Lào và Campuchia vào lúc đó nên đã im lặng khi Bắc Kinh dùng vũ lực lần lượt xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (14-1-1974) và Trường Sa (15-3-1988).
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi khỏi căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark tại Phi Luật Tân vào cuối năm 1992, sự xuất hiện ngày một nhiều các thuyền đánh cá và tàu tuần tra của Trung Quốc quanh vùng Trường Sa khiến cho Tổng thống Corazon Aquino của Phi bắt đầu quan tâm về tình hình an ninh Biển Đông. (35)
TRANH CHẤP GIỮA ASEAN VÀ TRUNG QUỐC
Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25 tại Manila vào tháng 7-1992, dưới sự chủ tọa của nước chủ nhà Phi Luật Tân, Bộ trưởng ngoại giao của 6 quốc gia ASEAN vào lúc đó (Thái Lan, Brunei, Nam Dương, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Mã Lai) đã thông qua bản “Tuyên Bố ASEAN về biển Đông. Đây có thể coi là văn kiện đầu tiên của ASEAN trình bày quan điểm về biển Đông với sự khẳng định rằng “mọi diễn biến bất lợi ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực” và nhấn mạnh “sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề tài phán và chủ quyền gắn liền với Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực”.
Giữa năm 1994, Trung Quốc cho xây dựng một hệ thống radar tại bãi Chữ Thập và âm thầm cho xây dựng một số công trình trên bãi đá ngầm Vành Khăn mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền. Tháng 2-1995, các máy bay dọ thám của Phi sau đó khẳng định sự hiện hữu của các công trình xây dựng những thiết bị viễn thông vệ tinh trong khu vực bãi ngầm Vành Khăn. Phi Luật Tân và Trung Quốc đã mở nhiều cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề chủ quyền nhưng cả hai phía đều bác bỏ chủ trương của mỗi bên và kéo dài tranh chấp đến ngày hôm nay. (36)
Trong lúc đang tranh chấp với Phi Luật Tân về chủ quyền bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef), Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc lại công bố bản Tuyên bố một phần đường cơ sở của Trung quốc lục địa và đường cơ sở thẳng của quần đảo Hoàng Sa vào ngày 15-5-1996. Sau đó một tuần, ngày 22-5 lại xảy ra cuộc đụng độ giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu của hải quân Phi Luật Tân ngay gần bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham), hải quân Phi Luật Tân đã bắt giữ tàu cá và tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc, đồng thời bắn hạ các cột mốc lãnh thổ do Trung Quốc dựng lên ở đây.
Diễn biến sau đó ở Biển Đông tiếp tục xấu đi, buộc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29, tổ chức tại Jakarta vào 20 và 21-7-1996 đã ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước những diễn biến trên biển Đông. Tuyên bố nêu rõ những diễn biến đó đòi hỏi sự cần thiết có một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông làm nền tảng cho sự ổn định trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia tranh chấp.
Bất chấp những quan ngại của khối ASEAN, đầu năm 1998, cả Trung Quốc và Đài Loan đều công bố Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo đó, một lần nữa Trung Quốc chính thức thể hiện quan điểm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà họ thường gọi là “vùng nước phụ cận”. Việc Bắc Kinh lẫn Đài Loan thể chế hóa chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa một cách ngang ngược như vậy đã khiến cho các quốc gia trong khối ASEAN không còn có thể im lặng. (37)
Từ đó, ASEAN đẩy mạnh nỗ lực để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15 và 16-12-1998, lãnh đạo khối ASEAN quyết định soạn thảo khung sườn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct = COC). Giữa tháng 5-1999, Hội nghị SOM (Senior Offical’s Meeting) của ASEAN đã bắt đầu thảo luận các dự thảo COC do Phi Luật Tân và Việt Nam chuẩn bị. Trong khi đó, ngày 16-5-1999, Trung Quốc lại đơn phương đưa ra lệnh cấm bắt đánh cá trong phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên trong thời gian từ 15/6 đến 1 tháng 8 hàng năm, đã khiến cho các quốc gia trong khối ASEAN đồng loạt phản đối.
Trên cơ sở thương lượng nội bộ, các nước ASEAN đã thống nhất Bản dự thảo chung của ASEAN và bản dự thảo này đã được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7-1999. Tháng 9-1999, ASEAN tiếp tục thảo luận dự thảo lần 2. Một trong những vấn đề được các chuyên gia ASEAN thảo luận sâu là phạm vi áp dụng của COC. Tháng 11-1999, ASEAN tiếp tục thảo luận và cuối cùng thống nhất dự thảo chung để đàm phán với Trung Quốc.
Tháng 3-2000, SOM ASEAN và Trung Quốc khởi động quá trình thương lượng về dự thảo COC qua cuộc hội đàm không chính thức tại Hua Hin (Thái Lan). Tại cuộc họp SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 6, ngày 25, 26-4-2000 tại Cuching (Mã Lai), ASEAN và Trung Quốc thống nhất lập Nhóm Nghiên cứu liên hợp nhằm soạn thảo COC. Phiên họp đầu tiên của Nhóm Nghiên cứu, tổ chức tại Kualar Lumpur tháng 5-2000 cho thấy hai bên có ý kiến khác nhau về khu vực địa lý mà COC có hiệu lực và điều khoản về không chiếm đóng thêm. (38)
Sau đó, một mặt ASEAN tiếp tục có các cuộc họp nội bộ; mặt khác ASEAN và Trung Quốc có các cuộc thương thảo để tháo gỡ các bế tắc. ASEAN và Trung Quốc thương lượng về văn kiện trong 3 năm 2000-2002 và ngày 4-11-2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Nam Vang, Campuchia, ASEAN và Trung Quốc cùng nhau ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration On The Conduct of Parties in the South China Sea = DOC). (39)
Việc ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 chỉ giữ cho các tranh chấp trong khu vực tương đối bình yên trong vài năm đầu. Từ năm 2005 đến nay, Nhóm công tác DOC giữa ASEAN và Trung Quốc đã có 6 cuộc họp, trong đó các cuộc họp gần đây là Cuộc họp thứ 4 tại Hà Nội (tháng 4-2010), Cuộc họp thứ 5 tại Côn Minh, Trung Quốc (tháng 12-2010) và cuộc họp thứ 6 tại Nam Dương (tháng 4-2011). Nhóm công tác đã tập trung thương thảo về các quy tắc hướng dẫn và đã đạt được những tiến triển tích cực, cụ thể là đã đồng ý được phần lớn các quy tắc hướng dẫn. Hiện nay chuyên gia ASEAN đang tăng cường các nỗ lực thương lượng với các chuyên gia Trung Quốc để sớm hoàn thành Bản Quy tắc hướng dẫn.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không áp dụng những gì đã hứa. Không những thế, mọi nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thực thi lời cam kết đều bị gạt bỏ, đúng theo lập trường không thương thuyết đa phương của mình. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngần ngại dùng uy thế của mình để tạo ra tình trạng chia rẽ trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông, giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước không dính dáng gì đến hồ sơ này. Nhóm nước thứ hai này được coi là dễ dàng chiều ý Bắc Kinh hơn vì không muốn mất quyền lợi kinh tế thương mại.
Đặc biệt là tại Hội Nghị Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Hà Nội tháng 7-2010, khi bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton kêu gọi quốc tế hóa vấn đề biển Đông và đề xướng đàm phán đa phương, thì Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lại tuyết bố rằng: tranh chấp ở Biển Đông không phải giữa Trung Quốc và ASEAN, và bất cứ nỗ lực nào nhằm “quốc tế hóa” vấn đề sẽ “chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn và càng khó để đi đến giải pháp.” (40)
Do quan điểm như vậy nên trong cuộc họp ASEAN-Trung Quốc diễn ra vào hai ngày 24 và 25-1-2011 tại Côn Minh, Trung Quốc bàn về việc thiết lập một bộ luật ứng xử trên Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và một số nước ASEAN khác. Cuộc họp này do Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì triệu tập nhân kỷ niệm 20 năm hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Cuộc họp đã thất bại. (41)
Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân đều muốn áp dụng một điều khoản thiết yếu trong dự thảo bản hướng dẫn thực hiện DOC. Điều khoản này quy đinh rằng ASEAN “sẽ tiếp tục thông lệ hiện hành là họp lại tham khảo ý kiến lẫn nhau trước khi họp với Trung Quốc”. Phía Bắc Kinh đã chống lại lập trường của ASEAN, và có dấu hiệu chỉ muốn đàm phán song phương vì điều này giúp họ có ưu thế nhiều hơn. Theo nhận định, bất đồng trên điều khoản đó đã khiến cho thương thuyết về bản hướng dẫn thực hiện DOC còn bị bế tắc trong nhiều năm nữa. (42)
Trước thái độ hung hãn của Trung Quốc ngày một gia tăng trên biển Đông trong suốt năm 2011, tại hội nghị Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) lần thứ 18 tổ chức tại Nam Dương ngày 23-7-2011, đại diện của 18 nước trong tổng số 27 nước tham dự đã lên tiếng chống lại quan điểm “đàm phán song phương” và bác bỏ “chủ quyền đường lưỡi bò chín khúc” của Trung Quốc. Các quốc gia, đặc biệt Hoa Kỳ và Nhật Bản đã kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hành động nhanh chóng, thậm chí là khẩn cấp, về một bộ quy tắc ứng xử cụ thể (COC) để tránh xung đột tại tuyến đường giao thương quan trọng ở Biển Đông.
TRUNG QUỐC LŨNG ĐOẠN ASEAN
Tháng 4-2012 tình hình biển Đông trở nên căng thẳng khi Trung Quốc chiếm bãi đá ngầm Scaborough của Phi Luật Tân nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa và bắt giữ ngư dân Việt Nam khi đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 21-6 – 2012, Quốc hội CSVN đã thông qua Luật Biển với tỷ số áp đảo 495/496 đại biểu khiến cho Trung Quốc vô cùng giận giữ. Để trả thù, Trung Quốc đã để cho Tập Đoàn Dầu Khi Trung Quốc kêu gọi các công ty ngoại quốc vào đấu thầu khai thác 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa Việt Nam và đưa một đoàn tàu đánh cá gồm 30 chiếc có trọng tấn từ 150 đến 3000 tấn đến khai thác hải sản trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Trước những hành động hung hăng của Trung Quốc, các quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc Châu đã lên tiếng hậu thuẫn những phản đối Trung Quốc của Phi Luật Tân và CSVN.
Lo ngại các nước sẽ tấn công Trung Quốc về vấn đề biển Đông trong Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao lần thứ 45 tại Nam Vang - Cam Bốt nên Bắc Kinh đã tìm mọi cách khuynh loát Bộ Ngoại Giao Cam Bốt ngăn cản không đưa vấn đề biển Đông vào bàn Hội Nghị diễn ra từ ngày 10-7 đến 12-7-2012. Trung Quốc không chỉ khuynh loát Cam Bốt mà còn mua chuộc cả Lào, Thái Lan là những quốc gia đang nhận rất nhiều ưu đãi kinh tế từ Trung Quốc để hùa theo Cam Bốt phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình thảo luận. Hậu quả là nội bộ 10 nước ASEAN trong kỳ họp này đã bị chia phân làm hai nhóm. Một nhóm có quyền lợi trực tiếp ở biển Đông gồm Phi Luật Tân, CSVN, Brunei và Mã Lai chủ trương mang vấn đề tranh chấp biển Đông ra thảo luận để có một quan điểm chung của ASEAN trước sự xâm phạm của Trung Quốc. Một nhóm khác không có quyền lợi trực tiếp ở biển Đông như Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Miến Điện vì bị Trung Quốc khuynh loát bằng những quyền lợi kinh tế nên đã cố tình chống đem vấn đề biển Đông vào Hội nghị.
Rốt cuộc lần đầu tiên trong lịch sử của 45 năm thành lập, Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không thông qua được Tuyên bố chung sau phiên họp, nguyên do chỉ vì Cam Bốt, nước chủ nhà, đã theo Trung Quốc không đồng ý đưa vấn đề biển Đông vào văn kiện. Sự kiện này đã là đòn nặng nề giáng vào uy tín của ASEAN và tạo ra một sự bất bình lớn giữa các nước trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc thì lại hả hê với kết quả nói trên và cho rằng Hội nghị đã thành công. Mặc dù ASEAN không ra được tuyên bố chung; nhưng các quốc gia đều thấy rõ chủ tâm của Trung Quốc là không muốn Hoa Kỳ đứng đàng sau khối ASEAN chống lại họ về vấn đề biển Đông.
Việc không ra được tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN có thể làm ảnh hưởng xấu đến việc tổ chức Hội nghị thượng định của Khối ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Nam Vang, và có thể gây trở ngại cho việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc nên qua sự ủy thác của các nước trong khối ASEAN, Bộ trưởng ngoại giao Nam Dương, ông Marty Natalegawa, đã đi vận động các chính quyền Phi Luật Tân, CSVN và Cam Bốt chấp thuận một số nguyên tắc chung để ra được tuyên bố chung về biển Đông. Ngày 20-7, tức hơn một tuần sau khi Hội nghị ASEAN bế mạc, Bộ trưởng ngoại giao Cam Bốt, nước đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN 2012, công bố Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông mà khối ASEAN đã đồng ý. Nội dung 6 nguyên tắc gồm:
1-Tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2012.
2-Tăng cường thực hiện các Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC trong năm 2011.
3-Cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.
4-Cần phải tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
5-Tất cả các bên tiếp tục kềm chế và không sử dụng vũ lực.
6-Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
Nội dung 6 nguyên tắc hoàn toàn mang tính kêu gọi chung chung không dám đặt thẳng vào những hành động xâm phạm của Trung Quốc như chiếm bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân hay chiếm 9 lô dầu trên thềm lục địa của Việt Nam. Sự tránh né của ASEAN cho thấy nội bộ ASEAN vẫn còn bị Trung Quốc khuynh loát, nên dư luận chung tại Á Châu không tin là Trung Quốc sẽ thành tâm thảo luận với ASEAN để thông qua Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc vào tháng 11-2012.
TRUNG QUỐC QUÂN SỰ HÓA BIỂN ĐÔNG
Ngày 19-7, Quân Ủy Trung Ương đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo quyết định thành lập một đơn vị đồn trú tại Tam Sa, đứng đầu là một bộ chỉ huy quân sự với khoảng 1.200 binh sĩ, đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) trong quần đảo Hoàng Sa. Đơn vị đồn trú này có nhiệm vụ huy động các lực lượng quốc phòng, tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa. Ngoài ra, ngày 23-7, Trung Quốc còn cho trình diện cái gọi là Hội Đồng nhân dân đầu tiên gồm 45 đại biểu của Thành phố Tam Sa đã được bầu ra bởi 1.100 người dân cư trú trên các quần đảo Tây Sa (Hoàng sa), Trung sa và Nam Sa (Trường sa) cũng trên đảo Phú Lâm.
Sự kiện Trung Quốc quân sự hóa việc kiểm soát biển Đông và thành lập bộ máy lập pháp Tam Sa là nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, đặt các nước đang tranh chấp ở vào thế đã rồi, buộc phải thảo luận song phương với Trung Quốc mà thôi.
TRANH CHẤP GIỮA CSVN VÀ TRUNG QUỐC
Trong các quốc gia liên hệ về biển Đông, Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất 3.444 cây số nhìn ra biển Đông và có khoảng 2.800 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở khu vực ven bờ, chủ yếu tập trung ở hai khu vực: vịnh Bắc Bộ và vùng biển phía Đông Nam Bộ, hình thành từng tuyến:
+ Tuyến đảo sát bờ và gần bờ (cách bờ khoảng 30 cây số như các đảo Hòn Mê, Hòn Mắt, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Hòn Khoai, Hòn Hương, Hòn Chuối, Hòn Tre…).
+ Tuyến đảo tương đối xa (cách bờ từ 30 đến 100 cây số như đảo Bạch Long Vĩ, Thổ Chu, Côn Sơn, Nam Du, Phú Quốc).
+ Tuyến đảo xa bờ (cách bờ khoảng 260 đến 500 cây số như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa).
Chính những tuyến đảo nối tiếp nhau này đã tạo thành một bức thành lũy thiên nhiên đã không chỉ giúp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển và các quần đảo mà còn là nơi có thể quan sát và kiểm soát tuyến đường vận chuyển của các loại tàu qua lại trên biển Đông. Ngoài ra, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Sài Gòn là những hải cảng tạo thành cửa ngõ thông thương bằng đường biển quan trọng giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nói cách khác, khu vực bờ biển, vùng biển và hải đảo của Việt Nam là địa bàn quan yếu, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, đối ngoại và quốc phòng – an ninh của quốc gia. Do đó, giống như đối với Miến Điện, Trung Quốc rất muốn biến Việt Nam thành một quận, huyện của họ như đã từng đô hộ trong quá khứ để khai thác thành thuộc địa, qua đó vói tay xuống Đông Nam Á và kiểm soát biển Đông. Tham vọng này của Trung Quốc ngày một hiện rõ qua một số biến cố:
-Ngày 14-1-1974, Trung Quốc xua quân cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với trận hải chiến giữa hải quân Trung Quốc với Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
-Ngày 15-3-1988, Trung Quốc lại chiếm bãi bãi đá ngầm Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam qua cuộc hải chiến giữa Hải quân Trung Quốc với Hải quân CSVN.
-Ngày 8/5/1992, Trung Quốc ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone của Hoa Kỳ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí một lô 225,255 km2 trong khu vực Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc 21(Vanguard Bank) nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa, cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 600 dặm về phía Nam.
-Ngày 12-5-1994, CSVN ký hợp đồng với công ty dầu khí Mobil Oil của Hoa Kỳ thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực Thanh Long. Trung Quốc lại lên tiếng phản đối và cho rằng khu vực Thanh Long là vùng biển phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.
-Ngày 19-10-1995, Trung Quốc phản đối Việt Nam thăm dò địa chấn trong Vịnh Bắc Bộ.
-Ngày 15-12/1995, Trung Quốc đưa dàn khoan Nam Hải-02 vào Vịnh Bắc Bộ, cách đường trung tuyến 5-6 hải lý về phía Việt Nam. Rồi đến ngày 10-3-1996, bất chấp những phản đối của CSVN, Trung Quốc đưa dàn khoan Nam Hải-06 hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vào sâu trong vùng biển của Việt Nam 3 hải lý.
-Ngày 15-5-1999, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trong phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên của biển Đông từ ngày 15-6 đến 1-8 hàng năm.
-Ngày 9-7-2007, Trung Quốc đã bắn chết 9 ngư dân Việt Nam khi đang đánh cá trên vùng biển gần Hoàng Sa.
-Ngày 20-10-2007, Công ty ARCO của Hoa Kỳ và công ty dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC) ký hợp đồng khai thác dầu khí tại khu vực Tây Nam đảo Hải Nam 100 cây số, trong đó có một phần diện tích lấn sang vùng biển của Việt Nam thuộc lô 111 và 113.
-Ngày 7-12-2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 3 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động này dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam. Ngày 9-12-2007, hàng ngàn thanh niên sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ thông qua Internet và điện thoại di động kêu gọi biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn để phản đối. Các cuộc biểu tình ôn hòa lại tiếp diễn vào ngày 16-12 tại hai thành phố trên, nhưng lần này cảnh sát ngăn không cho đoàn biểu tình tụ tập trước cơ quan của Trung Quốc và sau đó đã dập tắt bằng cách cho công an truy xét những người tham gia biểu tình. Trước đó, CSVN chỉ thị cho Đại Học Công nghệ thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội ra thông cáo cấm sinh viên đi biểu tình. (43)
-Ngày 20-7-2008, Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo Tập đoàn ExxonMobil, đồng thời đe dọa rằng công việc kinh doanh của công ty này tại Trung Quốc có thể gặp trở ngại nếu ExxonMobil hợp tác với PetroVietnam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.
-Ngày 24-11-2008, Hãng Bloomberg loan tin Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC Ltd công bố dự án gần 30 tỷ Mỹ Kim để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu tại Biển Đông.
-Ngày 20-3-2009, Trước những áp lực của Trung Quốc Công ty British Petroleum (BP) của Anh tuyên bố rút khỏi dự án dầu khí ở lô số 05.2 và 05.3 thuộc bồn trũng Côn Sơn ngoài khơi Việt Nam.
-Ngày 7-5-2009, Trung Quốc nộp văn bản phản đối Công hàm về Thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Mã Lai trên biển Đông lên Ủy ban đàm phán về Luật Biển Liên Hiệp Quốc, và đưa ra yêu sách về chủ quyền chiếm 75% diện tích biển Đông với bản đồ vẽ “đường lưỡi bò chín khúc”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã yêu sách một cách chính thức về chủ quyền của họ trên biển Đông với bản đồ vẽ "đường lưỡi bò". Tuy nhiên lập luận của Trung Quốc đã bị thế giới phản đối mạnh mẽ. (44)
-Ngày 21-6-2009, Trung Quốc bắt đầu ra tay uy hiếp CSVN khi lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt ba tàu đánh cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi họ đang hành nghề trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 21-6-2009. Liên tiếp các ngày sau đó, họ đã bắt giữ gần 100 ngư dân và 5 tàu đánh cá Việt Nam, và ra điều kiện phải nộp đủ số tiền phạt là 210.000 nhân dân tệ thì mới được thả.
-Ngày 6-1-2010, Tôn Quốc Tường, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức cuộc họp báo với một thái độ hống hách và coi thường dư luận Việt Nam khi tuyên bố rằng liên quan tới vấn đề Biển Đông, Việt Nam nên hợp tác với Trung Quốc phát triển còn đấu tranh sẽ thất bại.
-Ngày 26-5-2011, 3 tàu Hải giám Trung Quốc đã không những vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà còn gây thiệt hại về kinh tế khi cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn tại thềm lục địa miền Trung của Việt Nam. CSVN có lên tiếng phản đối nhưng Trung Quốc lại đổ ngược rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm vùng lãnh thổ của họ. Sự kiện này đã dấy lên làn sóng chống đối mạnh mẽ tại Việt Nam. Hàng hàng thanh niên, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ đã tụ họp biểu tình phản đối trước tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn vào ngày Chủ Nhật 5-6-2011.
Lúc đầu CSVN để cho biểu tình trước sứ quán, nhưng do sự lên tiếng phản đối của Bắc Kinh CSVN đã tìm mọi cách ngăn chận, truy bức những ai tham gia biểu tình. Thế nhưng do sự lên tiếng phản đối mạnh mẽ của các cựu lãnh đạo về những hành vi bá quyền của Trung Quốc nên CSVN không dám mạnh tay đàn áp, và các cuộc biểu tình đã kéo dài lên đến 11 lần liên tục.
Trong thời gian diễn ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, CSVN đã cử ba phái đoàn sang Bắc Kinh thảo luận về Biển Đông.
+ Phái đoàn của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hồ Xuân Sơn, trao đổi về hợp tác biển Đông vào cuối tháng 6-2011.
+ Phái đoàn của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng quốc phòng, sang họp lần thứ 2 về đối thoại an ninh quốc phòng với Trung Quốc cuối tháng 8-2011.
+ Phái đoàn của Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Tham mưu trưởng quân đội CSVN sang viếng thăm Trung Quốc vào giữa tháng 9.
Tuy Trung Quốc tiếp đón 3 phái đoàn rất hữu nghị nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và còn buộc CSVN phải cho chấm dứt những buổi tình chống Trung Quốc tại Việt Nam vì cáo buộc rằng Hoa Kỳ xúi dục để phá hoại tình hữu nghị giữa CSVN với Trung Quốc.
-Ngày 11 đến 15-10-2011: Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Trung Quốc theo lời mời của Hồ Cẩm Đào. Trong ngày viếng thăm đầu tiên, Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện: “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Quốc”, gồm có 6 điểm: (45)
+ Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ vàng.
+ Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán, dựa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
+ Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
+ Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
+ Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
+ Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên đồng ý thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển
Trong bản thỏa thuận này, Trung Quốc đã hoàn toàn tránh né không đề cập gì đến việc giải quyết chủ quyền hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mà họ đã cưỡng chiếm từ năm 1974 và năm 1988. Hai quần đảo này không những nằm trong vùng lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà còn được xác định bởi các yếu tố lịch sử của Việt Nam từ hàng trăm năm qua. Thế nhưng CSVN đã không đưa được vấn đề này trong bản thỏa thuận để buộc Bắc Kinh phải nghiêm chỉnh đàm phán.
-Ngày 21-6-2012: Quốc Hội CSVN đã biểu quyết thông qua Luật Biển với tỷ số áp đảo là 495/496. Luật Biển đã được chính quyền CSVN cho soạn thảo từ hơn một thập niên qua nhưng do áp lực và sự khuynh loát của phía Trung Quốc, Luật Biển đã không được đưa ra biểu quyết. Mãi cho đến khi những chống đối mạnh mẽ của người dân và nhất là những phê phán của một số cán bộ về hưu về thái độ yếu hèn của lãnh đạo đảng CSVN đối với Trung Quốc gần đây, khiến cho 14 Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN lo ngại những chống đối lan rộng, đe dọa đến quyền lực cai trị của đảng nên đã phải để cho Quốc hội thông qua Luật Biển, xác nhận chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang đã bị Trung Quốc chiếm đóng.
4-Tham Vọng Trung Quốc:
Khi Trung Quốc lớn mạnh về kinh tế và quân sự như hiện nay, tham vọng của đế quốc tân thực dân này ngày một lớn hơn trên biển Đông, bao gồm hai mục tiêu:
+ Tham vọng thứ nhất là muốn chiếm hữu trữ lượng dầu thô khổng lồ ở thềm lục địa biển Đông. Giáo sư Ji Guoxing, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Luật biển đã cho rằng thềm lục địa bao quanh quần đảo Trường Sa đã chứa một trữ lượng dầu mỏ rất lớn, ít nhất là 105 nghìn tỷ thùng (1 thùng =159 lít) và 250 nghìn tỷ mét khối khí đốt. Trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trong khu vực Biển Đông nằm ở khu vực thềm lục địa của quần đảo Hoàng sa, Vịnh Bắc Bộ và cả khu vực ngoài của quần đảo Trường Sa. Nếu nghiên cứu này là chính xác thì rõ ràng Trung Quốc sẽ tìm cách khống chế vùng biển này để chiếm hữu trọn gói tài nguyên thiên nhiên trị giá 1000 tỷ Mỹ Kim. (46)
+ Tham vọng thứ hai là dùng biển Đông làm bàn đạp kiểm soát luồng giao lưu từ bán đảo Á Rập qua Ấn Độ Dương nối liền với miền Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu chính là để phục vụ cho hai nhu cầu vận chuyển hàng hóa, năng lượng và phô trương sức mạnh bá quyền khu vực hay trên toàn thế giới. Ngày nay, dù là thời đại công nghệ thông tin và máy bay phản lực nhưng 90% thương mại và 2/3 tổng nguồn cung dầu thô vận chuyển đều bằng đường biển. Năm 2007, các cảng ở Thượng Hải đã vượt qua Hồng Kông trở thành cảng lớn nhất trên thế giới căn cứ vào số lượng hàng hóa qua cảng. Và đến năm 2015, Trung Quốc trở thành nơi đóng tàu nhiều nhất trên thế giới qua cả Nhật Bản và Nam Hàn. Sức mạnh trên biển, xác định dựa trên lưu lượng vận tải hàng hải, sẽ trở thành một phần rất quan trọng và Trung Quốc mong muốn dẫn đầu thế giới về lãnh vực này. (47)
Trong hai tham vọng nói trên, tham vọng thứ hai đang được đưa vào cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn khi Trung Quốc phát triển một chiến lược hải quân mở rộng và triển khai các năng lực hải quân mới.
Nhà nghiên cứu chiến lược biển Robert Kaplan cho biết là Trung Quốc đang ráo riết phát triển lực lượng hải quân biển xanh để một mặt liên kết với Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, và Miến Điện tiến ra Ấn Độ Dương; mặt khác, kiểm soát biển Đông và vượt qua chuỗi đảo thứ nhất gồm bán đảo Triều Tiên, quần đảo Kurill, Nhật Bản, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương và Úc Châu để tiến vào chuỗi đảo thứ hai, kiểm soát các quần đảo Guam, Marian nằm phía Tây Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang kiểm soát.
Ngoài ra, Robert Kaplan còn cho biết Trung Quốc có ý đồ sẽ giúp tài trợ xây dựng một kênh đào qua Krua Isthmus ở Thái Lan để nối kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - một dự án công trình có quy mô lớn như kênh đào Panama lên đến 20 tỷ Mỹ Kim. Cần phải qua Kra Isthmus thì hàng hóa của Trung Quốc mới qua Ấn Độ Dương, tải xuống lục địa Phi Châu nhanh hơn, quy mô hơn và ngược lại. (48)
Trong việc củng cố chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc tiến hành hai đối sách.
Một là tìm cách kéo dài các cuộc thảo luận để có thời gian củng cố các yêu sách của mình trên biển Đông. Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh ý định hòa bình của mình trong khu vực và bày tỏ thiện chí tham gia các cuộc đàm phán nhưng chỉ song phương và kịch liệt bác bỏ phương thức đa phương hay “quốc tế hóa” tranh chấp. Trung Quốc còn phản đối sử dụng trọng tài pháp lý quốc tế, một phần vì cách này sẽ cho phép sự can dự của một thể chế đa phương, trong khi họ không có cơ sở để tranh cãi trước Tòa Án Luật Biển Quốc Tế (ITLOS) như Phi Luật Tân đề nghị năm 2011.
Hai là hoàn toàn bác bỏ vai trò của các bên thứ ba trong tranh chấp, đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia mà Trung Quốc cáo buộc là can thiệp vào chuyện của nước khác. Trung Quốc không muốn Hoa Kỳ tham dự các Hội nghị biển Đông không phải vì sợ Hoa Kỳ lôi kéo các quốc gia thuộc khối ASEAN mà lo ngại mở rộng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Á Châu, ngăn cản sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gợi ý rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về thực thi DOC, Trung Quốc đã phản đối một cách quyết liệt.
Khi thấy rõ cốt lõi vấn đề biển Đông đối với Trung Quốc như vậy, những “tranh chấp” hay “gây hấn” của Bắc Kinh hiện nay trên biển Đông chỉ là phần nổi nhỏ, che đậy một ý đồ mà chính Mao Trạch Đông đã từng nói với hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1956 rằng, “đảng ta phải vói tay ra biển để kiểm soát cả trái đất.” (49)
Trần Diệu Chân
----
25-Edward Wong “Chinese Military Seeks to Extend Its Naval Power,” New York Times April 23, 2010,http://www.nytimes.com/2010/04/24/world/asia/24navy.html.
26- U.S. State Department, “Remarks by Secretary Clinton: Interview with Greg Sheridan of The Austraslian,” Melbourne, Australia, 8/11/2010 http:///www.state.gov/secretary/rm/2010/11/15067/htm.
27-Evegeny Stepanov trong tiểu luận “ The South China Sea: Island on the Continental Shelf” bản tiếng Việt đăng trên diễn đàn www.nghiencuubiengdong.vn đã giải thích về biển nửa kín là vùng biển bị đất liền bao bọc một phần hoặc bị các đảo chia tách khỏi đại dương hoặc một biển liền kề, có hoặc không thông với một biển khác hay đại dương qua một cửa hẹp. Theo quy định chung, các biển nửa kín sẽ có quy chế luồng và vùng riêng. Khái niệm “biển nửa kín” được công thức hoá và đưa vào Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp quốc. Công ước định nghĩa biển nửa kín là một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc là hoàn toàn hay chủ yếu do các lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia tạo thành. Tham khảo thêm ở đây:
http://eastseastudies.org/nghien-cuu-nuoc-ngoai/980-evgeny-stepanov-bin-ong-nhng-o-nm-tren-thm-lc-a
28- Tham khảo thêm ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Quần_Đảo_Trường_Sa
29- Tham khảo thêm ở đây: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/philippines-bac-lenh-cam-danh-ca-cua-trung-quoc
30- Dr Patrick M. Cronin, Peter A. Dutton, M. Taylor Fravel, James R. Holmes, Robert Kaplan, Will Rogers, Ian Storey, Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea (Center for a Nwe American Security Jan 2012). Xem tại đây http://www.cnas.org/southchinasea
31-Nguyễn Văn Đắc, Trử lượng dầu mỏ của Việt Nam, trích trong Địa Chất và Tài Nguyên Dầu Khí Việt Nam, Trang nhà Công Nghệ Dầu Khí http://congnghedaukhi.com/post,4399
32-Robert D. Kaplan, Monsoon: The Indian Ocean And The Future of American Power (New York: Random House 2010) Chapter 15: China’s Two Ocean Strategy
33-Tania Branigan and Jonathan Watts (Guardian in Beijing and agencies), Philippines accuses China of deploying ships in Scarborough shoal- May 23 2012.
http://www.guardian.co.uk/world/2012/may/23/philippines-china-ships-scarborough-shoal
34-Dương Danh Dy, Hoàng sa, Trường sa có bao nhiêu biển và thềm lục địa? (Tạp Chí Thời Đại số 19 – tháng 7-2010). Xem thêm ở đây: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_DuongDanhHuy.htm
35-Tham khảo thêm ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Căn_Cứ_Hải_Quân_Hoa_Kỳ_Vịnh_Subic
36-Ngô Thế Vinh, Đá Vành Khăn: Bài học đối đầu giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11756&rb=0401
37-Bản sao của các tài liệu này, xem Guojia haiyangju zhengce fagui bangongshi (State Oceanographic Adiministration Office on Policy, Law, and Regulation), ed., Zhonghua Renmin Gongheguo Haiyang Fagui Xuanbian (Tuyển tập luật biển và các quy định của PRC) (Beijing: Haiyang chubanshe, 2001), pp.1-1
38-Tham khảo thêm ở đây: http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/nhunghondaonguyhiemtren-nd-92073a05.aspx
39- Declaration on The Conduct of Parties in the South China Sea. http://www.aseansec.org/13163.htm
40-Chinese Ministry of Foreign Affairs: ‘Foreign Minister Yang Jiechi Refutes Fallacies On the South China Sea Issue’. Xem bài đăng tại đây: http://www.mfa.gov.cn/eng/zxxx/t719460.htm (truy cập ngày 16/8/2011).
41-Trọng Nghĩa (RFI):Đàm phán Việt Trung về biển Đông : quan điểm của Bắc Kinh đã thắng thế? (Jan 29 2011). Xem bài đăng tại đây: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110129-dam-phan-viet-trung-ve-bien-dong-quan-diem-cua-bac-kinh-da-thang-the
42-Tuyên bố về Ứng xử trên biển Đông giữa các nước. Xem tài liệu chi tiết tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Tuyên_Bố_Về _Ứng_Xử_Các_Bên_Ở_Biển_Dông
43-Hình ảnh biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội (BBC). Xem tại đây:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/inpictures/story/2007/12/071209_chinaprotest.shtml
44-Hoàng Việt; Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và các luận điểm vô lý (April 11 2012). Xem tại: http://www.petrotimes.vn/chinh-tri/2012/04/yeu-sach-duong-luoi-bo-cua-trung-quoc-va-cac-luan-diem-vo-ly
45-Xem thêm ở đây: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/10/viet-trung-thoa-thuan-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien/
46-Ji Guonxing, “Marintme Jurisdiction in the Three China Seas” (Quyền tài phán hàng hải trên 3 biển Trung Hoa), Institute on Global Conflict and Cooperation, University of California, Political Paper 19, October 1995, pp 14.
47-Robert D. Kaplan: China’s Two Ocean Strategy, China’s Arrival: A Stategic Framework for a Gobal Relationship, September 2009, pp 49.
48- Cùng tại liệu kể trên, trang 53.
49-Tài liệu nghiên cứu Steven W. Mosher gửi cho Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher, Chủ tịch Hội đồng bang giao quốc tế tiểu bang giám sát và điều tra. Tài liệu đăng tại đây: http://www.au.af.mil/au/awc/awcgarte/congress/mos021406.pdf
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét