Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Linh mục Chân Tín – nhà loan báo Tin mừng


LTCGVN (08.12.2012) 
Ucanews - Ngày 04.12.2012, hãng tin Công giáo Á Châu đưa tin như sau: "Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế được ca ngợi là người dấn thân loan báo Tin mừng trong mọi hoàn cảnh".
Bản tin viết tiếp: "Cha Stêphanô Nguyễn Tín hay còn gọi là Chân Tín qua đời hôm 1-12 tại tu viện của nhà dòng Chúa Cứu Thế ở TP.HCM. Ngài được biết đến như một linh mục luôn dấn thân trong việc loan báo Tin mừng, cho độc lập, tự do, dân chủ và quyền con người.
“Cha Stêphanô Chân Tín là người luôn cố gắng loan báo Tin mừng trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời ngài” – cha Vinh sơn Phạm Trung Thành nói trong Thánh lễ an táng ngài sáng ngày 4-12 tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Vị giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) còn khẳng định thêm rằng cha Tín là người “đáng để chúng ta học hỏi và noi gương”.
Truyền thông Chúa Cứu Thế (VRNs) cho hay có gần 100 linh mục trong đó có linh mục Tổng đại diện Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh của Tổng giáo phận TP.HCM đồng tế Thánh lễ này. Ngoài ra, còn có sự hiện diện đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân tham dự.
Cha Tín, sinh ngày 15-11-1920 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngài chịu chức linh mục năm 1949 và lấy bằng tiến sĩ thần học tại Rôma vào năm 1953.

Ngài từng giữ chức vụ giáo sư thần học, giám đốc học viện DCCT Đà Lạt, chủ nhiệm báo Đức Mẹ, và người sáng lập tạp chí và tủ sách Tuổi Hoa, Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy.
Sau khi bị nhà nước cấm làm báo, cha Tín tiếp tục làm chủ nhiệm của các tạp chí Thư Nhà (ghi xuất bản tại Pháp), rồi sau là Tin Nhà (ghi xuất bản tại Úc) và làm chủ nhiệm của bán nguyệt san Tự do ngôn luận, tiếng nói của phong trào 8406 cho đến lúc qua đời.
Trong bài giảng, cha Thành ca ngợi cha Tín là người có công trong việc lập giáo xứ An Thới Đông trong những năm ngài ở huyện Cần Giờ.
Năm 1990, cha Tín giảng tĩnh tâm Mùa Chay về chủ đề sám hối. Ngài yêu cầu mỗi người phải sám hối, Giáo hội phải sám hối và nhà cầm quyền cộng sản cũng phải sám hối với toàn thể quốc dân về những việc làm quá sức là sai trái. Sự việc này khiến ngài bị cộng sản bắt đi đày ở Cần Giờ trong ba năm. Cũng chính trong thời gian này ngài đã âm thầm dạy giáo lý, cử hành Thánh lễ chui và rao giảng lời Chúa cho những nông dân rất là nghèo khổ vùng An Thới Đông.
"Từ một nơi trắng tôn giáo, hiện nay giáo xứ An Thới Đông đã có hơn 500 giáo dân và xung quanh có thêm các giáo xứ khác" – cha Thành cho biết.
Vị giám tỉnh còn khen ngợi cha Tín là một trong những người ít ỏi dám đứng lên bênh vực giáo hội dẫu rằng hoàn cảnh Giáo hội lúc đó vô cùng khó khăn.
“Sự cống hiến của ngài vào biến cố phong thánh cho các vị thánh tử đạo Việt Nam dẫu nhỏ nhoi thôi nhưng góp phần cho Giáo hội Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay có một lễ thánh tử đạo nói theo ngôn ngữ thời thượng ngày nay là hoành tráng”.
Năm 1998, cha Tín từng phát biểu với chính quyền tại trụ sở Mặt trận tổ quốc Việt Nam quận 3, Sài Gòn yêu cầu họ chấp thuận việc phong thánh cho 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam.
Ngài còn được nhắc đến như một vị linh mục dấn thân cho độc lập, tự do, dân chủ và quyền con người.
Tác giả Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp viết rằng cha Tín “là một nhà chân tu, một trí thức suốt đời dấn thân cho độc lập, tự do, dân chủ và quyền con người”.
Tác giả còn cho biết cha Tín là một trong những nhân vật có uy tín của "thành phần thứ ba", và là “ngọn cờ cho cuộc đấu tranh đòi tự do cho tù nhân chính trị”.
“Cho đến những tháng chót của cuộc đời, mặc dù bệnh nặng, ông vẫn kiên định lên tiếng đòi tự do, dân chủ và quyền con người. Người ta có thể không chia sẻ với linh mục Chân Tín mọi ý kiến chính trị và nhận định về tình hình đất nước, nhưng không ai có thể phủ nhận sự trong sáng của lòng yêu nước và lí tưởng dân chủ, tự do, công bằng của ông” – ông Giao nhận xét.
Cha Tín từng bị nhiều người chỉ trích là theo cộng sản.
Trong trang viết cuối đời, cha Tín khẳng định rằng “Tôi không bao giờ chạy theo cộng sản, ủng hộ đường lối của cộng sản. Tôi cũng một lòng trung thành với Giáo hội. Và cho đến giờ này trên giường bệnh, tôi vẫn tiếp tục chống lại chế độ cộng sản và bênh vực Giáo hội Công giáo”.
“Xin Chúa chứng giám cho lòng thành tín của con” - ngài nói.
Cũng chính vì sự hiểu lầm đó mà trong Thánh lễ, cha Thành nói: "Tôi thiết tha mời gọi các cha, các tu sĩ hãy tha thứ cho cha già, tha thứ cho những việc ngài làm cho chúng ta buồn trong lúc sinh thời, những gì ngài làm cho chúng ta thiệt hại có khi vô tình hoặc vì một cách nào đó ngài không cố ý".
“Đồng thời chúng ta cũng nhìn nhận rằng cuộc đời của ngài là một bài học để mỗi người chúng ta học lấy. Tôi xin làm chứng về cuộc đời khiêm tốn và yêu thương trong cộng đoàn của ngài. Ngài luôn vui vẻ, tươi cười, yêu thương, nhẹ nhàng và sẵn sàng tha thứ cho anh em nào nhỏ tuổi hơn mà xúc phạm đến mình. Đó là một điểm nổi bật trong cuộc đời ngài” – cha Thành nói.
Trong những ngày cuối đời ngài mắc rất nhiều căn bệnh: tim không hoạt động, thận không làm việc được nữa, phổi ứ nước, hai chân rất đau đớn vì bị giãn tĩnh mạch và gần như bị hoại tử nhưng ngài lúc nào cũng vui vẻ tươi cười.
Thi hài cha Tín được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa". 
Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2012/12/04/linh-m%E1%BB%A5c-chan-tin-%E2%80%93-nha-loan-bao-tin-m%E1%BB%ABng/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét