Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Hình ảnh một người đi...


LTCGVN (18.12.2012) 

HÌNH ẢNH MỘT NGƯỜI ĐI…

    ( Ảnh chụp bà con Giáo Điểm An Thới Đông, Cần Giờ, mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 2010 ).
Hôm nay thứ bảy ngày 15 tháng 12, đúng hai tuần lễ cha Chân Tín đã ra khỏi cõi đời này ( ngài qua đời ngày mùng 1 ), những bài viết về cuộc đời ngài cũng đã vơi dần, những xôn xao về ngài cũng đã lắng dần, tấm hình của ngài đặt trong Tu Viện đã bắt đầu hòa vào giữa những bức di ảnh của các anh em khác đã ra đi, xướng ý cầu nguyện mỗi ngày trong Nhà Nguyện không còn thấy nhắc tên ngài nữa. Tuy nhiên, như một lời Kinh Thánh được dùng để suy gẫm trong cuộc ra đi của ngài, “những việc họ làm sẽ còn theo họ mãi” ( Kh 14, 13 ), chúng ta vẫn còn gặp ngài trong những gì ngài thực hiện khi còn sống ở trần gian.

Chúng ta suy tư về việc loan báo Tin Mừng, chúng ta trăn trở làm cách nào để việc loan báo Tin Mừng được lan tỏa mạnh mẽ. Cha Chân Tín với công cuộc loan báo Tin Mừng ở Giáo Điểm An Thới Đông có cho chúng ta bài học nào không ? Chúng ta biết từ một vùng đất hoàn toàn trắng về mặt tôn giáo, sau gần 20 năm, An Thới Đông đã trở thành Giáo Điểm chính có hơn 500 tín hữu cùng với nhiều Giáo Điểm phụ đang dần hình thành.

An Thới Đông, một vùng đất nghèo cái nghèo chung của huyện đảo Cần Giờ, đường đi trắc trở, đất mặn hoang hóa, kinh rạch chằng chịt, người dân sống trong tăm tối khó khăn. Cha Chân Tín và các cộng sự của ngài đến đó đã nói gì, đã làm gì để người dân nơi đó tin theo Chúa và rủ nhau theo Chúa ?


Tôi bắt gặp nơi cha…

Một con người yêu thương người nghèo 

Ngài yêu thương người nghèo thật chân thành, ngài rất dễ mủi lòng, hai con mắt đỏ hoe với những giọt nước mắt khi nghe người nghèo than thở, khi nói đến người nghèo, khi bàn về nhưng đau khổ người nghèo phải gánh chịu. Có lần tôi chứng kiến anh CA thường lân la đến gặp ngài, ngài không hề to tiếng hay gay gắt nhưng nhẹ nhàng thăm hỏi, để chu toàn công việc cấp trên giao, ngài thỏa mãn mọi tài liệu mà anh này muốn có, cuối cùng ngài khuyên bảo chính anh hãy ăn ở tử tế, ráng mà nuôi con ăn học, rồi móc túi biếu anh một ít tiền để lo cho con.

Một con người sống rất nghèo

Ngài ăn mặc rất đơn sơ, phòng riêng của ngài không có gì quý giá, quần áo một vài bộ quen thuộc. Ăn bất cứ cái gì người ta dọn cho ăn, không kêu ca, không chê bai, không đòi hỏi. Bếp Nhà Dòng tập thể gần 200 người ăn, không thể chăm sóc riêng cho ngài, ngài vẫn chấp nhận không ta thán, khi chúng tôi xin ngài để bếp nhà hưu lo cho ngài, ngài cười cười chấp nhận, không tỏ vẻ gì thỏa mãn hay từ khước. Cái gì ngài muốn ăn ngài bảo nó chua, cái gì ngài không muốn ăn ngài bảo nó ngọt ( vì ngài bị tiểu đường ). Ngài thích uống rượu vang vì… “nó đốt đường !” Phân biệt các thứ nước chấm, ngài cười cười nói: “Đứa nào cũng vào bụng hết !”
( Ảnh chụp cha Chân Tín trong một Thánh Lễ đồng tế dành cho Người Xa Quê ở DCCT Kỳ Đồng, Sàigòn, có thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình, phía sau là các bạn trẻ Nhóm Fiat ).

Ngài lớn tuổi nhưng không ngại di chuyển, ngồi trên xe hai bánh ngài vượt đường dài về Cần Giờ, An Thới Đông, các chuyến giúp giải tội ở các Giáo Xứ vào Mùa Vọng hay Mùa Chay không bao giờ ngài vắng mặt, cứ ngồi sau xe hai bánh ngủ một các ngon lành cho đến nơi.

Một con người giảng dạy rất đơn sơ

Trái với những lý luận đanh thép, những ngôn từ uyên bác, những ý tưởng khoa bảng ngài thường viết trong các bài phát biểu, các diễn văn lên tiếng về tự do tôn giáo, về nhân quyền, về sự công bằng, những bài giảng cùa ngài trong Thánh Lễ lại rất đơn sơ, rất trong sáng, rất nhẹ nhàng, rất dễ hiểu và rất bình dân, gần gũi với người nghèo, lý thuyết của ngài rất đơn giản: Tin vào Chúa Giêsu Kitô. 

Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ, giàu có, trí thức, ngồi rạp mình quanh bàn làm việc của ngài, cắm cúi chép bài ngài đọc cho viết y như lũ trẻ thơ vậy.

Một con người liều lĩnh vì người nghèo 

Chúng tôi ái ngại hết sức cho ngài khi ông cụ nhỏ bé, gầy khô như con mắm ngồi bám vào sau chiếc xe hai bánh vượt đường xa lầy lội đến với người nghèo, mọi lời can ngăn không làm cụ dừng bước, mọi khó khăn về an ninh cụ không sợ, mọi lời cảnh báo cụ bỏ ngoài tai, mọi hăm dọa cụ coi như không có, cụ cứ liều lĩnh đến với người nghèo. Không ai và không gì có thể cản được cụ đến với người nghèo…

Hai tuần lễ đã trôi qua từ khi con người ấy ra đi, không còn nữa những lần đến viếng thăm, nằm im bất động trên giường bệnh nhưng khi đánh thức vẫn mở mắt ra, việc đầu tiên là cười, rồi với các “đồng chí” thì cụ nắm tay giơ lên như một biểu tượng quyết tiến tới. Lần nào ngài cũng cầm lấy tay tôi ứa nước mắt. ( Ảnh chụp bà con Giáo Điểm An Thới Đông, Cần Giờ, mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 2010 ).

Con người ấy không còn nữa nhưng “những việc họ làm vẫn còn theo họ mãi”.Có lẽ chúng ta loan báo Tin Mừng thiếu hiệu quả vì chúng ta thiếu những cái mà cha Chân Tín đã có. Tin vào Chúa, chúng ta có, cầu nguyện chúng ta có, nhiệt thành chúng ta có, nhưng có thể chúng ta chưa yêu người nghèo thật sự, hoặc chúng ta chưa sống nghèo, hay chúng ta không biết cách giảng dạy cho thật đơn sơ giản dị, và có lẽ chúng ta chưa dám liều lĩnh với người nghèo !

Hội Nghị Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục châu Á vừa kết thúc, nếu tôi nhớ không lầm, bốn mươi năm trước, Hội Nghị này đã nói trong sứ điệp của mình: “Chúng tôi cam kết Giáo Hội Châu Á là Giáo Hội của người nghèo”. Bốn mươi năm sau, hôm nay Hội Nghị kết thúc, không biết người nghèo có còn là “thách đố” của cuộc tái phúc âm hóa ở châu lục này nữa không ? Truyền thông bị “phong tỏa” tại hội nghị nên chẳng ai biết tin tức gì nữa !

Lm. VĨNH SANG
Theo EPHATA số 540

0 nhận xét:

Đăng nhận xét