Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nói cho con người: Lm Chân Tín (29)



LTCGVN (02.01.2013) – Sàigòn -

 

 

Trả lời phỏng vấn của đài VNCR



      VNCRXin linh mục cho biết tiểu sử của linh mục khá chi tiết để đồng bào hải ngoại biết và hiểu linh mục hơn.
      Lm Chân Tín: Tục ngữ Pháp có câu “Cái tôi là cái đáng ghét”. Nói về mình thật là khó nói. Nhưng vì được đài VNCR yêu cầu để tạo sự thông cảm giữa đồng bào hải ngoại với tôi, nhất là trước 75, có người cho tôi là “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”, nên tôi xin nói qua tiểu sử của tôi.
      Tôi là linh mục Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế- Việt Nam, 76 tuổi. Sinh ngày 15.11.1920, tại làng Vạn Xuân, họ đạo Lim Long, ngoại ô thành phố Huế, ngày trước là thủ phủ của các Chúa Nguyễn.

      Tôi học các lớp tiểu học ở trường làng và trường họ đạo. Học bốn năm trung học ở trường Đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế- Huế, và hai năm cuối ở trường Thiên Hựu cũng được gọi là Providence. Sau khi thi đậu tú tài, tôi ra Hà Nội vào nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế, học các lớp thần học tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế- Hà Nội. Nhà nước cộng sản đã biến tu viện này thành bệnh viện đa khoa của quận Đống Đa vào năm 1954.
      Tôi thụ phong linh mục ở Hà Nội năm 1949, cùng với Hồng y Trịnh Văn Căn, Hồng y Phạm Đình Tụng. Năm 1950 tôi sang Italia để nghiên cứu vấn đề xã hội và trình luận án tiến sĩ thần học. Đậu tiến sĩ tháng 6/1953, tôi trở lại Việt Nam vào tháng 10/1953 dạy khoa thần học và làm giám đốc Học viện Dòng Chúa Cứu Thế- Đà Lạt. Không đầy một năm sau, vào ngày 19.5.1954, anh cả tôi đã chết trong một vụ nổ mìn của Việt cộng, giết hại nhiều người vô tội trên chuyến tàu hàng Đà Nẵng-Huế. Ngày 19.5 được Đảng Cộng sản Việt Nam coi như ngày sinh của ông Hồ và vụ thảm sát đã được các con của anh tôi coi như một món quà sinh nhật đẫm máu mà Đảng Cộng sản Việt Nam dâng cho ông Hồ. Qua năm 1961, tôi trở về Sài Gòn điều khiển cơ quan ngôn luận của Dòng Chúa Cứu Thế- Việt Nam: chủ nhiệm nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, sáng lập và làm chủ nhiệm nguyệt san Tuổi Hoa, xuất bản sách Tuổi Hoa, sáng lập và chủ nhiệm nguyệt san Đối DiệnĐứng Dậy. Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có tính cách giáo dục Đức tin Kitô giáo, Tuổi Hoa nhằm giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên vào đời. Đối Diện, Đứng Dậy có tính cách xã hội chính trị, chống chiến tranh, chống sự hiện diện quân đội Mỹ trên miền Nam, hoạt động cho Hoà bình, tranh đấu đòi trả tự do cho tù chính trị. Cũng vì thế mà chế độ cũ đã nhiều lần đưa tôi ra toà và lần cuối năm 1972 với án tù năm năm cấm cố phạt một triệu đồng và đóng cửa Đối Diện, Đứng Dậy. Nhưng tôi chưa đi tù và chịu phạt tiền vì còn kháng cáo.
      Trong những ngày cuối của chế độ Sài Gòn, khi các sư đoàn Bắc Việt bao vây Sài Gòn và bắt đầu pháo vào thành phố, sáng ngày 29.4.1975 tướng Dương Văn Minh vừa mới nhận chức tổng thống hôm trước đã gởi một phái đoàn chính phủ vào trại David ở Tân Sơn Nhứt để thương thuyết với phái đoàn Mặt trận Giải phóng miền Nam, nhưng không thành công. Vào buổi chiều cùng ngày, tổng thống Dương Văn Minh nhờ luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Châu Tâm Luân và tôi là những người được coi là thành phần thứ ba ở miền Nam đến thuyết phục Mặt trận. Chúng tôi gặp tướng Nguyễn Anh Tuấn và đại tá Võ Đông Giang, yêu cầu đừng bắn phá vào Sài Gòn và họ đồng ý pháo chút ít để làm áp lực tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng. Quân Bắc Việt bắt đầu tiến quân vào Tân Sơn Nhứt nên ba anh em chúng tôi không về nhà được nên đành ở lại trong hầm của đại tá Võ Đông Giang cho đến 16 giờ chiều ngày 30.4.1975 mới trở về nhà được.
      Từ ngày 30.4.1975, tôi vẫn tiếp tục tranh đấu cho hoà giải dân tộc, cho nhân quyền. Nguyệt san Đứng dậy tái bản và bị đóng cửa năm 1978 vì đường lối của chúng tôi đi ngược mưu đồ của ĐCSVN.
      Đứng trước sự kiên trì của tôi trong việc tố cáo những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản, họ đày tôi đi Cần Giờ ngày 16.5.1990 và quản chế tôi ba năm ở xã Cần Thạnh, bị tước quyền công dân, không được ra khỏi xã, cấm làm lễ, giảng dạy và 15 ngày trình diện công an. Cùng lúc ấy, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan cũng bị lục soát nhà ở quận 10 và cũng bị quản chế ba năm. Ba ngày trước khi hết hạn ba năm quản chế, anh tôi là linh mục Nguyễn Văn Cơ, bề trên Dòng Chúa Cứu Thế- Nha Trang bị tai biến mạch máu não và đã ra đi vĩnh viễn ngày 12.5.1993. Tôi được thông báo cùng ngày là thời gian quản chế của tôi đã mãn và tôi ra Nha Trang làm đám tang cho người anh, và trở lại Sài Gòn hoạt động như cũ cho đến nay.
      Từ khi trở về Sài gòn, tôi vẫn tiếp tục công việc linh mục của tôi và vẫn lên tiếng chống lại những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, như tôi đã nói trên đài RFI ba tháng sau khi được thả tự do, trước ngày Liên Hiệp Quốc tổ chức Đại hội về Nhân quyền ở Vienne, nước Áo, cũng như trên đài RFI nhân dịp Đảng Cộng sản này chiếm miền Nam được 20 năm (30.4.1995). Và vừa rồi, nhân lễ Giáng sinh tôi cũng tố cáo vi phạm nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo trên Đài truyền thanh Oslo ở Na-Uy và hôm nay tôi cũng tiếp tục tố cáo vi phạm nhân quyền qua quý đài ở Cali. Đó là vài nét về tiểu sử và hoạt động của tôi trong thời gian qua như anh mong muốn.
- Thưa linh mục, cách đây sáu năm, linh mục đã giảng ba bài sám hối, từ ngày đó đến nay đã có những thay đổi nào, tốt hay xấu trên lĩnh vực nhân quyền? Xin cho một ví dụ cụ thể.
- Tôi đã chân thành kêu gọi Đảng và Nhà nước cộng sản sám hối, tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Nhưng thay vì sám hối và đổi mới, Nhà nước cứ ngày càng lún sâu vào con đường bạo lực chống lại con người và người dân Việt Nam.
      Những ví dụ cụ thể không thiếu, ngay việc họ đày tôi ra Cần Giờ và quản chế ba năm, ba ngày sau khi tôi quả quyết quyền của người dân và của Giáo hội phê phán sai trái của Nhà nước, cũng như họ quản chế giáo sư Nguyễn Ngọc Lan ba năm tại gia là một bằng chứng họ không sám hối, tiếp tục vi phạm trắng trợn đến quyền tự do phát biểu ý kiến của người dân.
      Cũng trong thời gian đó, họ quản chế ông Tạ Bá Tòng và ông Nguyễn Hộ là những Đảng viên lão thành vì đã tập hợp những người kháng chiến cũ để đấu tranh cho nhân quyền. Luật sư Đoàn Thanh Liêm bị đưa ra tòa và bị án tù 12 năm, đã đưa một đề nghị hòa giải dân tộc. Ông Đỗ Ngọc Long đã bị bắt giam ba năm vì đã cộng tác với một người mỹ tên Morrow để làm ăn. Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang bị bắt giam vì đã tổ chức cứu nạn lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long mà không theo hệ thống của giáo hội Phật giáo quốc doanh, bị lên án đã chia rẽ tôn giáo, và trong năm vừa qua, ông Hoàng Minh Chính, ông Đỗ Trung Hiếu, ông Hồng Hà và ông Hà Sĩ Phu cũng bị bắt giam vì nói thẳng nói thật với Nhà nước về những vi phạm nhân quyền. Riêng Giáo hội Công giáo Việt Nam, Nhà nước can thiệp vào nội bộ một cách trắng trợn, chống lại việc Tòa thánh đề cử các giám mục cho các giáo phận không còn người lãnh đạo.
      Đặc biệt giáo phận Sài Gòn, Tòa thánh đã đặt đức Cha Nguyễn Văn Thuận làm tổng giám mục phó từ trước 30.4.1975. Nhà nước chụp mũ có nợ máu với nhân dân để giam ngài trong 13 năm và sau khi ngài ra khỏi tù, lại trục xuất ngài ra khỏi Việt Nam. Khi cố tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đau nặng sắp chết, Tòa thánh đặt Đức Cha Huỳnh Văn Nghi, giám mục Phan Thiết, làm giám quản Tông tòa giáo phận Sài Gòn, họ báo sát ngài, theo dõi ngài từng ngày, từng giờ, cản trở ngài về Sài Gòn thăm giáo phận hay thăm họ hàng.
       Đó là những việc nổi cộm. Nhưng còn bao nhiêu vụ vi phạm tự do tôn giáo, như họ hạn chế các chủng viện, hạn chế sĩ số, kiểm soát lý lịch của giáo sư, ngăn cản việc phong linh mục, làm khó dễ hoặc chuyển các cha từ họ đạo này sang họ đạo khác vv… và vv…
      Tất cả những sự việc nói trên cũng đủ chứng minh là Nhà nước vẫn vi phạm trắng trợn và thô bạo đến nhân quyền và dân quyền của người Việt Nam.
      - Đạo là con đường cứu đời, cứu người và cả loài người nhưng trong một cuộc phỏng vấn của một ký giả Ba Lan vào năm 1995, ông Hoàng Minh Chính đã cho rằng Giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã chịu khuất phục Nhà nước và từ chối can thiệp cho những người tù nhân lương tâm. Hội Văn bút Ba Lan đã làm môi giới để xin Giáo hội Thiên chúa giáo ở Việt Nam can thiệp cho tù nhân lương tâm, nhưng họ đã từ chối. Ý kiến của linh mục như thế nào?
      – Trong bài giảng Sám hối thứ hai, cách đây sáu năm, tôi đã nói đến tư cách ngôn sứ của Giáo hội và đã thẳng thắn nói thật nói thật với các vị lãnh đạo Giáo hội cũng như với giáo dân, là Giáo hội chưa thực thi chức năng đó, chưa bênh vực phẩm giá con người, của người dân Việt Nam. Chết hay đi tù vì con người cũng là tử đạo.
      Từ đó đến nay, tôi thấy chưa có gì thay đổi. Ít nhất là bên ngoài, giáo hội chưa đòi hỏi Nhà nước tôn trọng những nhân quyền và dân quyền của người Việt Nam bất phân tôn giáo. Hình như các giám mục chỉ đòi hỏi Nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo chứ không đề cập đến những vi phạm nhân quyền và dân quyền. Đó là điều đáng tiếc. Hàng giáo phẩm phải mạnh dạn bênh vực con người. Anh cho biết có một ký giả nói với ông Hoàng Minh Chính là Hội Văn bút Ba lan có có xin Giáo hội Công giáo Việt Nam can thiệp cho những người tù lương tâm đã bị từ chối. Điều đó chúng tôi không được biết. Nhưng nếu có lời xin đó và Giáo hội Công giáo từ chối, tôi rất tiếc, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên, vì các ngài xưa nay chỉ lên tiếng khi các quyền lợi của Giáo hội bị vi phạm chứ chưa lên tiếng bênh vực con người Việt Nam nói chung. Phải chăng các ngài sợ bị chụp mũ làm chính trị, sợ gây khó khăn cho sinh hoạt tôn giáo của mình, như vậy là muốn cầu an, thêm vào đó các ngài nghĩ rằng nói cũng chẳng đi đến đâu, chỉ thêm rắc rối, bị trả thù. Như vừa rồi, Hội đồng giám mục trong một bức thư gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói thẳng nói thật về những vi phạm đến quyền lợi thiêng liêng của Giáo hội, thì Nhà nước trả thù bằng cách cấm các giám mục qua Rôma hội kiến Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô. Các ngài đã có nhiều kinh nghiệm về cái vô hiệu của lời phản kháng của mình và lối trả thù của Nhà nước. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng các giám mục phải lên tiếng dù không kết quả, dù bị trả thù, vì đó là sứ mạng của Giáo hội với con người. Trong Tin Mừng, Gioan Tẩy giả đã nói với Hêrôđê nên bị tống ngục và bị chặt đầu. Chúa Giêsu đã nói thật nên đã bị đóng đinh trên thập giá. Các tông đồ Gioan và Phêrô đã trả lời thẳng với các vị lãnh đạo Do Thái “Thà vâng lời Chúa còn hơn vâng lời người”, và họ bị tống giam và lấy mạng sống của mình để trả giá. Và qua lịch sử Giáo hội, các thánh tử đạo Việt Nam cũng đã từ chối khuất phục và mạnh dạn thi hành sứ mạng ngôn sứ. Các giám mục Việt nam đã thiếu can đảm để hoàn thành sứ mạng cứu người, cứu nhân loại bằng gióng lên tiếng nói lương tâm và tiếng nói của Chúa. Họ quá khôn ngoan theo khôn ngoan của người đời, muốn cầu an, chứ không chấp nhận phải bị bách hại vì Chúa và vì con người là hình ảnh Thiên Chúa.
      - Cũng trong cuộc đàm đạo ký giả Ba-Lan có nói với ông Hoàng Minh Chính là các lực lượng đối lập ở Ba Lan gồm Giáo hội Công giáo, trí thức, Công đoàn đoàn kết giành tự do cho Ba lan thay thế độc tài chuyên chính bằng một chế độ dân chủ tự do, đấu tranh trả tự do cho tù chính trị. Trong bài giảng sám hối hai, linh mục có nhắc đến hồng y Wyzinsky ở Ba Lan và Đức cha Tomaswk ở Tiệp Khắc với cuộc biểu tình hằng trăm hằng ngàn người tín hữu, linh mục có nghĩ rằng những người thiện chí cần học bài học đấu tranh cho nhân quyền?
      – Ba Lan là Ba Lan, Việt Nam là Việt Nam. Ba Lan là một nước gồm đại đa số công giáo và có một nền nhân bản Kitô giáo, cho nên cuộc đấu tranh cho nhân quyền là những giá trị Kitô giáo, được đại đa số hưởng ứng và dễ đoàn kết để đấu tranh có hiệu quả. Việt Nam, chỉ có một nhóm nhỏ sáu, bảy triệu công giáo trên 70 triệu dân, đa số theo Nho giáo, Phật giáo… công giáo chỉ là số nhỏ. Nho giáo ăn sâu vào con người Việt Nam với một nền quân chủ chuyên quyền và một nền luân lý độc đoán của người cha gia đình. Vua quan là cha mẹ dân. Mà cha mẹ có toàn quyền sinh tử trên con cái. Thì những người cai trị coi mình có toàn quyền. Người Việt Nam anh hùng chống ngoại xâm, nhưng nói chung cam chịu số phận, lụy thuộc cha mẹ và vua quan. Nho giáo không có một nền luân lý tự do dân chủ, nên dễ chấp nhận độc tài của vua quan. Phật giáo dạy diệt dục, diệt tham sân si, kêu gọi sự nhẫn nhục. Nói chung cuộc đấu tranh cho người Việt Nam không dễ dàng và đồng bộ như ở Ba Lan.
      Tuy vậy, bài học của Ba Lan và của Tiệp Khắc rất quý giá cho những người thực thi đấu tranh cho nhân quyền, tuy khó khăn hơn.
      - Từ giữa năm 1995, sau khi các ông Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ vị kết án rất trái pháp luật, dư luận thế giới đã mong đợi giới độc lập trong nước đưa ra một bản kiến nghị lên án chế độ để người bên ngoài hưởng ứng. Hồi cuối năm Hà Sĩ Phu, Hồng Hà cũng bị bắt giam, linh mục có thấy động tĩnh gì về phía các lực lượng đấu tranh ở trong nước không?
      – Tôi không ngạc nhiên khi anh em ngoài thắc mắc chẳng thấy động tĩnh gì trước một loạt bắt bớ giam cầm các vị chân tu và đảng viên có tinh thần dân tộc và dân chủ. Không phải những lực lượng tranh đấu cho dân quyền, cho dân chủ trong nước sợ không dám lên tiếng hay làm nhơ trước bạo lực và cảnh tù đày của các anh đó. Chúng tôi ngồi yên nhìn các ngu dốt và cái sa lầy của một chế độ đang trên đà tan rã. Họ càng bắt bớ, họ càng sa lầy, càng gây ý thức nơi người dân về sự sa sút, thối nát và độc ác của họ. Họ nói họ bảo vệ chủ nghĩa xã hội, vậy chủ nghĩa xã hội là cái gì? Đó là chủ nghĩa muốn xóa bỏ quyền tư hữu. Không chấp nhận kinh tế thị trường, chỉ chấp nhận kinh tế tập trung vào Nhà nước, vào các xí nghiệp quốc doanh. Nhưng nay ta thấy cái gì? Cái kinh tế đó đã đưa Việt Nam đến tận cùng nghèo đói, lạc hậu. Bây giờ họ bỏ hết, chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo đô la thay vì phát triển để độc lập, họ xóa chữ “c” và chữ “p” thành đô la rồi. Và theo đo la không phải cho dân nhờ, nhưng để bỏ túi. Vô số những vụ tham nhũng, buôn lậu được tổ chức qui mô. Chủ nghĩa xã hội là một thứ treo đầu heo bán thịt chó: một tập đoàn tham nhũng, buôn lậu mà nhân dân gọi là mafia. Có gì là chủ nghĩa xã hội đâu. Trước sự tan rã này, những cuộc bắt bớ kia chỉ làm trò đùa cho người dân. Làm trò cười khi bắt giam trái phép, càng làm họ cười khi đưa ra xét xử rồi lên một cái án tức cười. Cho nên chẳng cần kiến nghị, chả cần nói, chả cần động tĩnh gì, chỉ ngồi coi chơi và các anh đang bị tù chắc cũng cười như anh Nguyễn Ngọc Lan và tôi cũng đã cười trong ba năm quản chế, trước biện pháp lấy thịt đè người của Nhà nước.
      - Chúng tôi ở ngoài được tin ông Hà Sĩ Phu ra Hà Hội để thảo luận bản Hiến chương những nhân quyền cho Việt Nam tương tự như Tiệp Khắc, xin linh mục cho biết tin tức này có cơ sở không. Nếu đáng tin, thì Nhà nước có dập tắt ngọn lửa này. Theo linh mục có ai sẽ tiếp tục?
      Tôi không nghe tin đó. Có những người bạn cho biết là anh Hà Sĩ Phú ra Hà Nội thăm bạn bè và trao đổi về đủ thứ chuyện trên đời. Khi ra khỏi nhà bạn, công an mời về bót và lục soát xắc tay của Hà Sĩ Phu và thấy có bức thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết cho Bộ Chính trị về tự do dân chủ. Công an hỏi ai trao thư này. Nghe nói Hà Sĩ Phu và Hồng Hà đều bị bắt giam. Chắc anh đã biết nội dung bức thư của ông Võ Văn Kiệt? Ông Võ Văn Kiệt công khai hóa sự chia rẽ trầm trọng trong Bộ chính trị. Võ Văn Kiệt chống việc đưa khu vực quốc doanh lên hàng chủ đạo, chống dân chủ tập trung, đòi hỏi xây dựng Nhà nước Pháp quyền. Có thế mới loại trừ nạn tham nhũng, buôn lậu.
      - Trong ba bài giảm sám hối, linh mục đã kêu gọi cá nhân, Giáo hội, Đảng và Nhà nước sám hối. Riêng linh mục, linh mục có sám hối không, vì trước 75 nhiều người trong chế độ Sài Gòn đã coi linh mục như một người ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản như linh mục đã nói đầu cuộc phỏng vấn. Phải chăng qua những hoạt động của linh mục trước 75 có ảnh hưởng đến thành công của cộng sản trong việc làm sụp đổ miền Nam?
      – Lòng sám hối phải là một thái độ mọi người phải có. Không ai dám tự cho mình đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Vì thế, tôi cũng phải sám hối. Nhưng không vì đã hoạt động bảo vệ con người trong chế độ cũ. Chính chế độ vi phạm nhân quyền, nên cộng sản mới lợi dụng những vi phạm ấy, lôi kéo dân chúng theo họ. Và chính thiếu tài năng, thiếu đạo đức và tình trạng tham nhũng tuy nhỏ hơn bây giờ, nhưng cũng đủ để cộng sản lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo người dân theo họ, đi lính cho họ và đã thắng chế độ cũ đưa đẩy Đất nước vào tròng nô lệ.
      - Vừa rồi ông Nguyễn Đức Trấn đã viết một cuốn sách tố cáo vi phạm nhân quyền. Chế độ đã lên án cuốn sách đó, ra lệnh tịch thu. Linh mục có biết hậu quả của lệnh này có ai bị bắt bớ gì không?
      – Ủy ban Nhân dân TP.HCM ra lệnh tịch thu cuốn sách Viết cho Mẹ và cho Quốc hội của bác Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên cộng sản lão thành đã 81 tuổi. Bác Trấn lên án chế độ, bằng cách đưa ra những vi phạm nhân quyền từ ngày có Đảng Cộng sản ở Liên Xô cũng như ở Việt Nam. Đảng đã phân tích cuốn sách này và đánh giá còn nguy hại cho Đảng  hơn cả những bài viết khác, như của Nguyễn Hộ chẳng hạn. Tiếp theo bản phân tích đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tuân lệnh ra thông báo tịch thu, nhưng lại không cho phổ biến công khai trên báo chí, chỉ nhằm tịch thu. Nhưng tịch thu ờ  đâu? Họ lại lục soát nhà bác Trấn. Lại có vị đi mua về độc với một giá cao đặc biệt và ai đã đọc thì cất giữ kỹ và cho bạn hữu đọc. Lệnh ấy cũng lạ kỳ, phải chăng, được lệnh trên, người ta làm thông cáo cho có. Vì vậy cuốn sách càng được khắp nơi biết tới và nghe nói ở Hà Nội cũng in ra dữ dội hơn. Và tôi cũng được biết ở bên Mỹ cũng đã in ra và được đồng bào ta hoan nghênh. Như vậy, chưa có ai bị bắt vì cuốn sách này kể cả tác giả. Tôi có nghe nói bí thư thành ủy có mời bác Trấn lên xác nhận những vi phạm của Đảng, nhưng trách bác Trấn không viết những sự việc tích cực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác Trấn bảo: chả có gì là tích cực cả. Thế là huề cả làng. Người ta hăm dọa bác để sau đại hội VIII rồi sẽ tính. Mà làm gì bác, thì chế độ càng hố. Chúng ta chờ một đám tang lớn: đám tang chế độ.
      – Đúng là sách của bác Trấn được in ở Mỹ, in 2000 cuốn bán hết sạch, sắp in lần thứ hai. Xin cảm ơn linh mục đã trả lời thẳng thắn những câu hỏi của chúng tôi. Linh mục có nói thêm gì với đồng bào không?
      – Năm cũ sắp qua, tôi xin gởi đến đồng bào trong nước cũng như ngoài nước lời chúc mừng Năm Mới. Chúc đồng bào dồi dào sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, đoàn kết một lòng đấu tranh để xây dựng đất nước giàu mạnh, tự do, dân chủ, con người và gia đình được tôn trọng.
      Thân ái chào đồng bào ở trong cũng như ngoài nước.
(28.1.1996)
(Tin Nhà số 23,tháng 3.96)
Nguo62n: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét