LTCGVN (01.01.2013) – Sàigòn -
Linh mục Chân Tín trả lời phỏng vấn RFI
RFI: trước 1975, khi ông Nguyễn Hộ là người thuộc lực lượng các mạng, thì linh mục Chân Tín là một khuôn mặt nổi bật trong thành phần thứ ba, đấu tranh bảo vệ nhân quyền thông qua Ủy ban Cải thiện Chế độ lao tù tại miền Nam Việt Nam. Trước và sau ngày 30/4/1975 linh mục Chân Tín vẫn chủ trương hòa giải dân tộc. Năm 1990, linh mục Chân Tín đã bị lưu đày đến miền Duyên Hải cho đến năm 1993 ông đã được trả tự do và trở lại Sài Gòn. RFI đã thực hiện bài phỏng vấn sau đây qua điện thoại viễn liên. RFI chúng tôi hôm nay rất vui mừng tiếp chuyện với cha Chân Tín một lần nữa.
Thưa cha Chân Tín, 20 năm trước đây, vào ngày 30/4/1975, những suy nghĩ, những mong ước của cha lúc đó thế nào?
Chân Tín: Đa số anh em trong thành phố cũng như anh em chúng tôi rất phấn khởi thấy chấm dứt cuộc anh em tương tàn. Rồi trước thái độ rất nghiêm chỉnh của anh em bộ đội trong thành phố, chúng tôi rất mừng và hy vọng chúng tôi được hòa giải dân tộc, để rồi người Nam hay Bắc, người cộng sản hay quốc gia, có thể cộng tác để xây dựng lại Đất nước. Điều chúng tôi mong ước là hòa giải dân tộc.
RFI: Vậy xin hỏi linh mục: 20 năm sau, linh mục đánh giá công việc hòa giải này, nếu đã làm thì đã làm đến đâu, hay chưa làm?
Chân Tín: Tất cả mọi người như chúng tôi đấu tranh trong thành phố mong được hòa giải dân tộc. Nhưng công cuộc hòa giải dân tộc đó không có: biết bao người chế độ cũ đã đi học cải tạo lâu năm, rất cực khổ, bệnh hoạn ốm đau. Bao nhiêu người khác tuy không dính dáng gì với chế độ cũ, cũng phải chịu bao nỗi khổ đau. Họ là những người dân bình thường sinh đâu sống đó, làm việc ở đó. Vì những đau khổ đó, họ phải di tản, có lẽ nửa triệu người hay một triệu người đã chết trên biển hay bị bắt, bị tù vv… Không có hòa giải dân tộc: Đảng Cộng sản muốn độc quyền yêu nước, độc quyền cai trị Đất nước này. Và ngay bây giờ, những người khác chính kiến như anh thấy, đều gặp nhiều khó khăn. Như vào năm 1990, tôi và anh Nguyễn Ngọc Lan, rồi đến giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ông Nguyễn Hộ, ông Tạ Bá Tòng… đã lên tiếng đòi hòa giải dân tộc và đã bị lên án. Không phải bị lên án trên giấy tờ, nhưng đã bị tù tội, lưu đày. Hòa thượng Huyền Quang, hòa thượng Quảng Độ đã viết thư chống lại việc Đảng và Nhà nước dựng lên một Giáo hội Phật giáo quốc doanh đi ngược lại đường lối chính thống của Phật giáo. Trong vấn đề này, anh Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ nhiều năm làm “công tác Phật giáo” đã cho thấy Đảng và Nhà nước đi ngược lại với công cuộc hòa giải dân tộc, không để cho Giáo hội Phật giáo hay Giáo hội Công giáo sống theo tín ngưỡng của người ta. Người ta sống theo tín ngưỡng của họ, thì sẽ hăng say xây dựng Đất nước. Trái lại, khi bắt ép người ta theo đường lối của Đảng, hoàn toàn của Đảng thì tất nhiên Giáo hội, các người lãnh đạo chân chính của Giáo hội không thể chấp nhận được. Làm như vậy là chia rẽ. Trong Công giáo cũng thế, tổ chức nhóm người công giáo yêu nước, chỉ gây chia rẽ giữa công giáo và công giáo.
RFI: Thưa cha, nhìn lại 20 năm qua, cha đánh giá đâu là thành quả nếu có, đâu là những thất bại chính yếu của Nhà nước?
Chân Tín: Cái phần thành quả mà báo chí Nhà nước đưa ra hay ngoại quốc nhìn vào là cởi mở kinh tế. Nhưng đó chỉ là sự bắt buộc chạy theo thị trường khi mà kinh tế trong nước đã quá sa sút, không còn sống nổi. Mà kinh tế thị trường đang thực hiện chỉ là cái hào nhoáng bên ngoài. Khách sạn nhiều, nhà cửa nhiều, xe cộ nhiều. Nhưng để phục vụ ai? Cho người nước ngoài và cho giai cấp mới. Tôi thấy chả có mấy ích lợi cho quốc gia dân tộc. Một số người có quyền có thế, mánh mung, mafia, lợi dụng hoàn cảnh để làm giàu và rất giàu cách dễ dàng. Tôi chưa nói đến tham nhũng, buôn lậu. Còn đa số dân chúng vẫn nghèo, rất nghèo.
RFI: Thưa linh mục, linh mục là người đấu tranh chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, và nhất là chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ, bây giờ linh mục nghĩ về tương lai Việt Nam như thế nào?
Chân Tín: Sự phát triển của một quốc gia phải có sự phát triển kinh tế và dân chủ. Đó là hai cái chân cùng đi, đi một chân không được. Nay kinh tế chưa có gì đáng kể. Còn dân chủ thì chưa có gì cả. Nhưng có điều đáng mừng là trong dân chúng cũng như các đảng viên cộng sản, ý thức dân chủ ngày càng mạnh hơn. Vừa rồi ông Nguyễn Đức Bình ra một tác phẩm nói về bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng nhất, thì có những người trong bộ chính trị, như ông Vũ Oanh chẳng hạn, phê phán mạnh mẽ tư tưởng đó là tư tưởng cực tả, chỉ làm hại cho Đảng cộng sản. Tuy họ nghĩ đến đảng của họ, chứ không nghĩ đến đất nước, nhưng dù sao đi nữa, họ cũng thấy tư tưởng ấy chả có ích lợi gì cả. Vì thế, mà tại hội nghị ban Chấp hành Trung ương 8 vừa rồi, một ủy viên đã lên án tác phẩm đó. Đó cũng là nhờ đã có ý kiến mạnh mẽ, sâu sắc của một loạt đảng viên lão thành như: Trần Độ, Lê Giản, Ngô Thức, Phạm Như Cương vv… Số đảng viên trở về với nhân dân ngày càng thêm đông. Chắc anh cũng biết Nguyên Trung Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ bảo vệ Đảng, nay đã hưu trí, vừa yêu cầu xét lại vụ án 32 đảng viên cao cấp bị xử oan khuất gần 30 năm nay, trong cái gọi là “vụ án tổ chức chống Đảng, chống nhà Nước ta đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Trong 32 cán bộ đó, có 4 ủy viên Trung ương, 4 vụ trưởng, 3 đại tá. Như thế là thêm một dấu hiệu cho thấy là trong Đảng, có nhiều người càng ý thức. Chính trong Đảng đã có một diễn biến hòa bình nội bộ không tránh nổi. Vì thế, tôi nghĩ sẽ tiến lên thôi. Chúng ta phải làm thế nào để cộng sản cũng như anh em khác cùng nhau xây dựng Đất nước trong thể chế đa nguyên đa đảng.
RFI : Theo bài giảng của linh mục về sự sám hối ở Việt Nam thì cần có sự thay đổi cơ cấu. Vậy 5 năm sau, ngày nay xin linh mục nói rõ hơn nếu mà đổi cơ cấu, thì làm sao?
Chân Tín: Đảng và Nhà nước chưa sám hối, chưa có sám hối chút nào cả. Vẫn độc tôn, độc quyền. Tất cả quyền căn bản của con người như tự do báo chí, tự do cư trú, tự do trao đổi tư tưởng, thu thập các tin tức, đã có gì đâu, chưa có gì cả.
RFI: Nhưng ngoài việc sám hối, linh mục nói tới cơ cấu, thì chúng ta phải hiểu như thế nào?
Chân Tín: Phải có một kế hoạch nào để mọi người dân, các tổ chức được chuẩn bị tốt để hoạt động chính trị xây dựng Đất nước. Đó là điều rồi cũng phải có thôi.
Lm. Chân Tín
30/4/1995
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét