Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Công đồng Vatican & vấn đề hợp nhất (9)




 

Công đồng Vatican &vấn đề hợp nhất

Sàigòn 
Trong tháng Giêng vừa qua, nhân dịp tuần hợp nhất, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề thống nhất Giáo hội. Chúng tôi đã nhấn mạnh trên lý thuyết sự quan hệ của công cuộc ấy: quan hệ, vì Giáo hội Chúa Kitô chỉ có một; quan hệ, vì những nhu cầu thiêng liêng của nhân loại trước làn sóng vô thần duy vật ngày nay đòi hỏi sự hợp nhất.
Trong tháng này, nghĩa là trong tháng cuối cùng của thời gian chuẩn bị Công đồng Vatican II, chúng tôi muốn trở lại vấn đề thống nhất trong thực tế, nghĩa là chúng tôi đặt lên câu hỏi: Công đồng Vatican II sắp khai mạc sẽ làm gì cho việc hợp nhất?

Trước hết chúng ta cũng nói ngay rằng Công đồng Vatican II không trực tiếp thực hiện hợp nhất: Mùa xuân năm 1959, ngay khi vừa loan tin sẽ khai mạc Công đồng, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã đề cập tới vấn đề hợp nhất như là một trong các mục tiêu mà Ngài nhắm. Nghe vậy, các giới bàn tán xôn xao; sôi nổi nhất là dư luận các anh em cách biệt. Họ tự hỏi, phải chăng Đức Gioan XXIII có ý triệu tập một Công đồng để thực hiện hợp nhất giữa Giáo hội Rôma và các Giáo hội khác? Trước những thắc mắc ấy, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rõ rằng Công đồng này tổ chức trong phạm vi nội bộ Công giáo, để bàn đến các vấn đề riêng biệt của Giáo hội Công giáo. Công đồng này chỉ muốn dọn đường cho việc hợp nhất. Sở dĩ Giáo hội Công giáo chưa muốn trực tiếp thực hiện ngya sự hợp nhất là vì đã kinh nghiệm một bài học lịch sử. Trong quá khứ, đã hai lần Tòa Thánh tìm cách thực hiện hợp nhất với anh em Chính thống bằng hai Công đồng trực chỉ: Công đồng Lyon hồi thế kỷ XIII và Florence hồi thế kỷ XV. Cả hai đều không gây được tiêng vang nào bền bỉ. Lý do là vì chỉ có những cuộc thỏa hiệp trên cấp quyền bính tối cao, trong khi những tầng lớp giáo hữu không được chuẩn bị tinh thần gì hết. Vì thế, lần này không nên xảy ra một lầm lỡ tai hại như thế nữa. Hấp tấp nóng lòng là thất bại. phải có thì giờ chuẩn bị tâm trí các tín hữu đôi bên. Trước khi hợp nhất, hai bên phải thân ái trao đổi tư tưởng với nhau, tôn trọng lẫn nhau, tìm hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn, rồi cùng nhau đi chung một đoạn đường lúc tâm trí đôi bên được chuẩn bị kỹ càng. Việc hợp nhất mới mong thành công mỹ mãn một cách sâu xa. Đó là ý nghĩa lời Đức Gioan XXIII: “Trước tiên bước tới, rồi xích lại gần nhau, sau cùng hợp nhất trọn hảo”.
Tuy Công đồng sắp tới không trực tiếp thực hiện hợp nhất, nhưng không vì thế mà không tha thiết với hợp nhất. Trái lại vấn đề hợp nhất là một trong những vấn đề quan trọng sẽ được Công đồng cứu xét đến. Chính Đức Thánh Cha đã cho hay lòng ngài rất đỗi thiết tha với công cuộc hợp nhất và tất cả những gì ngài trông đợi Công đồng về vấn đề này. Theo ý ngài, Công đồng sẽ cống hiến cho anh em ngoài Công giáo một viễn tượng huy hoàng về hợp nhất và bác ái: “Ta hy vọng rằng các giáo hữu tách biệt khỏi Giáo hội Rôma, khi chứng kiến hiện tượng đó, như thể được kín đáo mời gọi đi tìm gặp lại sự hợp nhất, điều Chúa Kitô đã tha thiết cầu nguyện cùng Cha Người” (Thông điệp Ad Petri Cathedram). Bằng chứng cụ thể nhất của lòng khao khát hợp nhất này là việc thiết lập một văn phòng đặc birt65 lo việc hợp nhất, có giá trị như một ủy ban chuẩn bị Công đồng cho một vị hồng y lỗi lạc bậc nhất điều khiển, ngõ hầu giúp anh em cách biệt có phương tiện theo dõi công cuộc Giáo hội đang theo đuổi. Cử chỉ ấy đã gây xúc động mãnh liệt trong các giới ngoài Công giáo. Đức Giáo chủ Anh giáo Geoffroy Fisher có nói: “Nguyên sự kiện thiết lập văn phòng lo việc hợp nhất cũng đủ thúc tôi lên đường (sang Rôma)”.
Để chuẩn bị hợp nhất, Công đồng sắp đến sẽ tận lực đả phá tất cà những sự hiểu lầm và thành kiến; do tình trạng chia cách đã mấy thế kỷ làm cho hai bên Công giáo và anh em cách biệt, vốn lãnh nhận những khuynh hướng triết học khác nhau, những danh từ và chuyển ngữ khác nhau, không còn có thể hiểu nhau trong phạm vi tín lý và thần học. Trong công việc này, Công đồng sẽ tôn trọng hai nguyên tắc: sự thật và đức mến. Chân lý và bác ái phái gắn bó liên kết với nhau trong mọi trường hợp. Chân lý mà không có bác ái chỉ có cố chấp và từ khước; bác ái mà không có chân lý là bác ái mù quáng và sẽ không bền bỉ. Hai nguyên tắc ấy, chính Đức hồng y Bea đã rút trong thư thánh Phaolô: “Tuyên xưng sự thật, chúng ta sẽ nhờ đức mến lớn lên trong Đấng làm Đầu chính Chúa Kitô”.
Người Công giáo chúng ta phải nổ lực để thực hiện hợp nhất giữa hết mọi tín hữu Chúa Kitô. Chúng ta hãy gạt bỏ các thành kiến và những hiềm khích bấy lâu nay hằng làm tổn thương đến đức bác ái giữa những người anh em cùng tin một Chúa. Những vết thương còn sót lại, những nghi kỵ, lãnh đạm, phải được hàn gắn và chấm dứt. Chúng ta mong rằng Công đồng Vatican II sẽ thành công tốt đẹp.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 159-8/1962
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét