Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Cải tân lễ nghi Hôn phối (14)




Cải tân lễ nghi Hôn phối

Sàigòn
Trong số tháng Giêng, chúng tôi đã nêu lên vấn đề đã được các nghị phụ đã thỏa thuận nên sửa đổi, thích nghi những yếu tố phụ thuộc của Phụng vụ cho hợp nhất với mỗi thời đại và mỗi dân tộc, ngõ hầu mọi người đi sâu vào mầu nhiệm ơn cứu rỗi.
Trong thời gian Công đồng ngưng nhóm những buổi họp khoáng đại để các nghị phụ trở về địa phận của mình tiếp tục hoạt động cho Công đồng bằng cách học hỏi những lược đồ của các ủy ban chuyên môn, cũng như lắng tai nghe những lời thỉnh cầu thích hợp của đoàn chiên mình, chúng tôi mong giáo hữu sốt sắng tham gia cuộc cải tân toàn diện của Giáo hội, bằng cách đưa lên các chủ chiên của chúng ta những ước vọng chính đáng của đời sống Công giáo. Trong mấy tháng trước đây, ngoài việc cầu nguyện và hy sinh cho Công đồng được kết quả, chúng ta chỉ ngóng chờ những tin tức Công đồng của các nghị phụ từ Rôma đưa về. Giờ đây, các chủ chiên đã về ở giữa đoàn chiên, chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện và hy sinh, nhưng chúng ta không còn ngồi chờ các tin tức của Công đồng mà phải nhiệt liệt góp ý kiến để đạt lên hàng giáo phẩm những cải tân chúng ta mong muốn.

Hôm nay chúng tôi xin góp một vài ý kiến bằng nêu lên một vài khuyết điểm rong nghi lễ hôn phối tạm thời tại Việt Nam và mong hàng giáo phẩm cải tân bí tích ấy chi đầy đủ ý nghĩa.
Theo khoa thần học, người chủ sự bí tích hôn phối không phải là linh mục nhưng là chính hai người nam nữ thề nguyền với nhau trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội sẽ yêu nhau trọn đời trong bậc vợ chồng để lo việc sinh sản, giáo dục con cái và giúp nhau trên con đường về với Thiên chúa. Vị linh mục chỉ đại diện Giáo hội chứng kiến lời giao ước của đôi nam nữ và chúc lành cho họ nhân danh Giáo hội, để Chúa xuống mọi ơn cần thiết cho họ trong công việc sinh sản, giáo dục con cái và xây dựng tình yêu và đời sống siêu nhiên.
Thế nhưng nghi lễ hôn phối của ta hiện giờ không diễn tả được tất cả những ý nghĩa của bí tích ấy. Trong nghi lễ chính của hôn phối, linh mục hỏi: “Phêrô có muốn lấy Maria làm vợ thật theo lễ nghi Hội Thánh là Mẹ chúng ta chăng?” và người ấy trả lời: “Thưa muốn”. Linh mục cũng hỏi người thiếu nữ như thế và cũng được câu trả lời: “Thưa muốn”. Hai câu “Thưa muốn” là một lời thề ước. Nhưng lời thề ước đó quá đơn sơ, ngắn ngủi, khó để lại tâm trí đôi bạn trẻ kỷ niệm lời thề ước quan trọng với những bổn phận của đời sống vợ chồng. Lời thề hứa của nghi lễ  Nước Anh long trọng và đầy ý nghĩa hơn: “Anh là Phêrô, anh lấy em là Maria, làm vợ thật của anh. Anh thề hứa yêu đương và quý mến em trên hết mọi người phụ nữ khác. Anh lấy em làm vợ trong may mắn cũng như rủi ro, trong khi có sức khỏe cũng như khi phải bệnh hoạn, trong thử thách cũng như trong vui mừng, trong nghèo túng cũng như trong thịnh vượng, cho đến giờ chết”.
Cũng trong nghi lễ chính của hôn phối hiện giờ của ta, sau khi hai người trả lời “Thưa muốn”, linh mục lại xù xì đọc bằng tiếng la tinh “Ta kết hợp các người thành vợ chồng, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. Phải chăng đây là một câu làm lạc ý nghĩa vai trò của vị linh mục trong bí tích hôn phối? khi hai người nam nữ lấy nhau thề trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội, thì tức khắc Thiên Chúa “kết hợp” họ trong tình nghĩa vợ chồng. Linh muc không còn “kết hợp các người thành vợ chồng”, nhưng nhân danh Giáo hội xác nhận cuộc hôn nhân đã xong và chúc lành cho đôi tân hôn. Đôi nam nữ là những người chủ sự bí tích hôn phối, chứ không phải linh mục. Lời “ta kết hợp các người thành vợ chồng”làm ta lầm tưởng vị linh mục chủ sự hôn lễ và kết hợp hai người nam nữ trong bí tích hôn phối. trong nghi lễ nước Đức, vị linh mục chỉ nói: “ta lấy quyền Giáo hội xác nhận và chúc lành cho cuộc hôn nhân mà chúng con vừa làm”.
Một thiếu sót khác: Trong nghi lễ làm phép nhẫn, thường thường linh mục chúc lành cho cả hai chiếc nhẫn. Nhưng, chính thức linh mục chỉ làm phép chiếc nhẫn của người vợ và chỉ răn dạy người vợ phải biết trung thành và tòng phục người chồng: “Lạy Chúa, xin chúc phúc cho chiếc nhẫn mà nhân danh Chúa chúng con làm phép đây. Xin cho người mang nhẫn này được lòng trung trinh hoàn toàn với chồng… luôn theo luật Chúa và luôn luôn chung sống với người chồng trong tình yêu mến lẫn nhau”. Trong lời nguyện chúc lành hôn phối đọc sau kinh Lạy Cha cũng một luận điệu đó, chúng ta chỉ thấy nói đến sự trung thành của người vợ, chứ không nói đến sự trung thành của người chồng đối với vợ. Phải chăng đây là một sự đáng tiếc?
Một điểm thiếu sót thứ ba: Trong những lời nguyện hôn phối và thánh lễ, chúng ta cảm thấy như Giáo hội chỉ nói đến việc truyền sinh loài người theo phương diện thể lý, mà không nói đến vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau, cũng không đả động đến việc truyền sinh trong ơn thánh và việc giáo dục con cái: “Xin Chúa đoái thương chủ tọa các lễ nghi Chúa đã lập nên để truyền sinh loài người” (Lời nguyện bí tích hôn phối). những lời nguyện trên cần phải được sửa đổi lại ngõ hầu diễn tả đầy đủ ý nghĩa của bí tích hôn phối.
Đó là một vài khuyết điểm chúng tôi nêu lên trong nghi lễ hiện hành của bí tích hôn phối tại Việt Nam. Ngày nay, chiều Giáo hội, như Bỉ, Đức đã dùng hoàn toàn sinh ngữ và cải tân nghi lễ và những lời nguyện. Chúng tôi mong rằng bạn đọc bốn phương góp thêm ý kiến để cải tân nghi lễ hôn phối cũng như nghi lễ các bí tích khác, cách riêng bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, để tạo Chúa thấm nhập vào đời sống ta ngày càng sâu đậm hơn.

                                                                        Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
                                                                                                            Số 166-3/1963
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét