Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Huy Đức: Chính trị, Tôn giáo và Cù Huy Hà Vũ


Đôi lời giới thiệu
Lãng tử trộm nghĩ, anh Huy Đức là nhà báo có tinh thần xây dựng với Đảng ta nên anh đã viết này nhằm rút kinh nghiệm cho ứng xử của các Tòa án khi xử các vụ án chính trị.
Rất mong Tòa án nước ta rút kinh nghiệm.
 Tuy nhiên Huy Đức viết một chi tiết chưa chính xác nên nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh đã góp ý lại, xin xem ở cuối bài Lãng tử  đăng kèm để bạn đọc khỏi hiểu lầm.
GNLT

 Chính quyền có thể là đã lo lắng về một đám đông có thể xuất hiện khi đưa tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ra tòa nên đã triển khai một lực lượng cảnh sát hùng hậu ngay trong ngày tòa xử. Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.

 Trong một nhà nước toàn trị, chính quyền có đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì. Nhưng không phải cứ toàn trị thì không cần cân nhắc chính trị khi hành xử quyền hành vốn không bị ai giới hạn. Bức ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm trong phiên tòa diễn ra ngày 30-3-2007 mang tính biểu tượng có lẽ không kém bức ảnh tướng Loan dí súng vào đầu bắn một tù binh hồi Mậu Thân. Trong lần đến Mỹ, khi trả lời phỏng vấn đài CNN, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giải thích, khi ấy linh mục Nguyễn Văn Lý đã lăng mạ tòa. Nghe nói ông Lý còn định đạp đổ cả vành móng ngựa.
 Cũng như những phiên tòa cùng loại, thường thì chính quyền chỉ muốn nó diễn ra đúng kịch bản, chứ ít khi để nó diễn ra tự nhiên. Phiên tòa sẽ chính trị hơn, chính quyền sẽ được lợi hơn nếu hình ảnh cha Lý-thay vì dùng lý lẽ lại dùng những lời lẽ không thích hợp ở một nơi tôn nghiêm-được phát đi trên truyền thông đại chúng. Hôm đó, nếu như các nhà báo được vào phòng xử án thì họ sẽ phải ngồi sau lưng cha Lý và đã không thể chụp bức ảnh cha Lý bị bịt mồm. Vì quá cẩn thận để các nhà báo quan sát phiên xử qua truyền hình nên bức ảnh chụp gián tiếp đã trở thành một công cụ tố cáo mạnh hơn trăm nghìn bài báo khác.
 Không chỉ với “các nhà dân chủ”, cách hành xử cứng nhắc trong vụ nhà thờ Tam Tòa hồi tháng 7-2009, cũng đã tự nhiên đặt chính quyền trước một xung đột với các giáo dân. Tháp chuông bị bom-một chứng tích chiến tranh có giá trị bảo tồn- và tài sản của nhà thờ là hai mối quan hệ khác nhau. Không chỉ có giáo hội, nhiều người dân từng nuôi giấu những người cộng sản cũng đã phải dở khóc dở cười khi nhà của họ được xếp vào hàng di tích-Họ không còn dễ dàng đem bán, đem sửa nhà mình.
 Không phải con cái trở thành nhân vật lịch sử thì cha mẹ không còn được xoa đầu. Quyền hành chánh của nhà nước và quyền dân sự của các tổ chức công dân là hai phạm trù khác nhau. Nếu quyền về tài sản của tổ chức, công dân không được tôn trọng thì xung đột là điều không tránh khỏi. Giáo hội chắc chắn cũng nhận thức được sức thu hút của cái tháp chuông bị đánh bom để bảo tồn và khai thác sự quan tâm của du khách. Nếu như để cho họ quản lý di tích ấy theo luật Bảo tồn và xây lên bên cạnh một nhà thờ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thì không những nhà nước-giáo hội có thể hữu hảo với nhau mà bà con lương-giáo cũng không việc chi phải tiếng chì, tiếng bấc.
 Xét từ góc độ lợi ích của chính quyền, vụ bắt bớ Cù Huy Hà Vũ mất nhiều hơn được. Nếu cứ để cho ông Vũ kiện cáo, phát biểu trên internet hoặc trên đài nước ngoài, thì dân chúng trong nước cũng chỉ quan sát rồi cười còn những người chống cộng ở bên ngoài cũng không biết lấy cớ gì mà chống. Bắt Cù Huy Hà Vũ, không những giúp ông ấy kiến tạo hình ảnh của một người hùng mà Chính quyền tự nhiên phải đối phó với sự chỉ trích của quốc tế, đối phó với những mối lo ở quốc nội, một cách nhọc công không cần thiết.
 Điều đáng chú ý là công giáo đã khai thác không giấu diếm những sự kiện như thế này. Nhiều bloggers, nhiều “nhà dân chủ”, sau những ngày bị bắt, sau khi mãn hạn tù, đã theo đạo để tìm sự chở che của Chúa. Trên mạng cũng bắt đầu thấy hình ảnh bà Dương Hà xuất hiện ở nhà thờ. Giáo xứ Thái Hà còn tổ chức đốt nến cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ. Để người dân tự do tín ngưỡng và tôn giáo trở thành một lực lượng giúp kiến tạo nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ thêm an bình nhưng có lẽ lực lượng an ninh tôn giáo quên rằng: Lâu nay, Chính quyền vẫn lo sợ tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị trong khi cách làm của họ đang đẩy nhanh tiến trình này và đang “bổ sung” cho tôn giáo các nhà hoạt động có nhiều công chúng.
Huy Đức

 Góp ý của JB Nguyễn Hữu Vinh:

JB Nguyễn Hữu Vinh  đọc bài nàyđã lâu của Osin HuyDuc, ở đó có những nhận xét khá khách quan về cách hành động của nhà nước, những hành động dốt nát qua các vụ án như  CHHV, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Tam Tòa… Và hậu quả là đã lãnh đủ những hệ quả của nó.

Nhưng về nhận xét rằng “Điều đáng chú ý là công giáo đã khai thác không giấu diếm những sự kiện như thế này. Nhiều bloggers, nhiều “nhà dân chủ”, sau những ngày bị bắt, sau khi mãn hạn tù, đã theo đạo để tìm sự chở che của Chúa. Trên mạng cũng bắt đầu thấy hình ảnh bà Dương Hà xuất hiện ở nhà thờ. Giáo xứ Thái Hà còn tổ chức đốt nến cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ” thì điều đó chứng tỏ rằng Huy Đức đã chưa tìm hiểu cặn kẽ về những vấn đề này.
Thực ra, việc những người bị bắt tìm đến nhà thờ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Sau những ngày tháng đấu tranh giữa bầy sói, họ không có chỗ nương thân nhiều khi ngay cả trong chính gia đình mình. Họ bị cô đơn, ghẻ lạnh với những hoài bão, lý tưởng của họ giữa xã hội thực dụng và vô cảm. Khi đó, nhà thờ là nơi họ thấy được sự hiệp thông, sưởi ấm tâm hồn. Không có chuyện nhà thờ khai thác họ, cũng không có chuyện ép buộc bất cứ ai, hoặc lợi dụng uy tín hoặc yếu tố nào ở họ. Nhà thờ vẫn luôn rộng cửa đối với tất cả những ai có lòng Tin, Mến.
Việc nhà thờ cầu nguyện cho CHHV, là theo ý nguyện của gia đình ông ta.

Cần nhớ rằng, khi lá thư kêu cứu gửi đi khắp nơi không có lời đáp lại. Dương Hà đã đến các chùa (vì gia đình vốn theo đạo Phật) để xin các lời cầu nguyện, xin cho CHHV được bình an. Song đi đến đâu, khi nói đến CHHV, hầu hết đều không hề quan tâm, họ chỉ trả lời rằng: Hãy để lễ đó rồi về.

Tuyệt vọng, Dương Hà đã đến xin cầu nguyện bình an tại nhà thờ. Và với Nhà thờ, thì dù bất cứ ai xin cầu nguyện, đều được đáp ứng bằng khả năng có thể.

Những điều đó, có thể Osin Huy Đức chưa hiểu chi tiết mà thôi.

Ở đây, cũng cần nói thêm một chi tiết là Osin Huy Đức nói đếnquan hệ lương – giáo là tiếng chì tiếng bấc qua các vụ việc nêu ra ở trên là không đúng. Vì đó là mâu thuẫn của nhà cầm quyền đồi với Giáo hội công giáo, chứ không phải là người lương (những người dân không theo công giáo). Đây là một khái niệm mập mờ mà nhà nước luôn dùng để kéo những người ngoài công giáo vào cuộc kỳ thị tôn giáo trong dân tộc này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét