Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Hành trình đức tin



Có những chuyến đi mang tính lịch sử lâu dài, được trân trọng nhắc đến như chuyến lên mặt trăng đầu tiên vào thập niên sáu mươi của các phi hành gia Hoa Kì. Xa hơn nữa, lần ngược về quá khứ, là những cuộc hải hành của các nhà thám hiểm đi tìm đất mới. Những chuyến đi lừng danh đó nhiều khi được cả quốc tế biết đến nhưng bản chất của nó vẫn mang tính cách quốc gia. Mang tính cách quốc gia vì nó được chính quyền các quốc gia đó ủy thác trọng trách trong việc làm nên lịch sứ cho quốc gia họ. Hầu như lịch sử thế giới không phân biệt chuyến đi mang tính cách cá nhân, tự chi phí cho chuyến đi riêng của mình nhưng trân trọng ghi lại mọi chuyến đi làm lên lịch sử. Sau khi làm lên lịch sử, trang sử đó được gấp lại và chỉ mở ra khi cần tham khảo.

Tôn giáo hoàn toàn khác biệt với ghi nhận của lịch sử của nhân loại. Những chuyến đi xem ra tầm thường, hoàn toàn có tính cá nhân, riêng tư hay tình gia đình lại được để cập đến trong lịch sử ơn cứu độ. Đức trinh nữ Maria đi thăm người bà con thân thuộc là Elizabeth được ghi dấu trong lịch sử ơn cứu độ. Đây là chuyến đi hoàn toàn có tính cách cá nhân, gia đình lại trở thành mẫu mực cho việc thăm viếng, mang tin vui tới cho người mình thăm. Chuyến đi đền thờ cầu nguyện và con trẻ Jesu bị lạc mất ba ngày cũng ghi đậm nét trong lịch sử cứu độ và được công bố hàng năm trong lịch phụng vụ. Chuyến đi này hoàn toàn có tính cách gia đình, một gia đình thời đó vô danh, không mấy ai để í đến. Chuyến đi của ba vị từ Phương Đông cũng là chuyến đi có tính cách cá nhân, cá biệt cũng được nhắc đến đầy đủ chi tiết. Vì thế những chuyến đi mang tính cách đức tin có chiều dài lịch sử dài hơn, chiều sâu sâu hơn là những chuyến đi mang tính cách khám phá đất mới hay tìm hiểu về khoa học. Chuyến đi vì đức tin có thể không được quảng bá rầm rộ trên báo chí hoặc truyền thông trong đại chúng nhưng những chuyến đi đó thường mang tính cách quốc tế nhiều hơn là tính cách quốc gia vì ở đâu có người chung niềm tin, ở đó những chuyến đi đó được mừng kính hàng năm để ghi nhớ dấu ấn đức tin của con người tin vào Thiên Chúa. 

Chuyến đi của ba vị từ Phương Đông còn mang một í nghĩa quan trọng hơn đó là một chuyến đi tìm kiếm sự thật. Lòng họ ao ước bỏ công việc riêng, ra đi tìm hiểu rõ sự thật. Sự thật đó là ngày sinh của Đấng Cứu Thế. Với đại chúng mừng Giáng Sinh là mừng ngày Chúa sinh ra. Với ba vị đạo sĩ Phương Đông mừng Giáng Sinh khởi đẩu từ lúc gặp Chúa trong máng cỏ. Nói rõ hơn mừng Giáng Sinh là mừng ngày nhận biết Chúa tỏ mình ra cho con người. Theo í nghĩa đó thời điểm mừng Giáng Sinh khác nhau và kéo dài nhiều ngày sau ngày Chúa Giáng trần. Chúa tỏ mình ra cho nhiều nhóm khác nhau, đầu tiên là các mục đồng, sau đó là đến các vị đạo sỉ rồi ngày Chúa nhật lễ Thánh Gia thất, lễ Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa, lễ Chúa tỏ mình ra trong đền thờ và chấm dứt vào ngày lễ Chúa nhận phép rửa. Vì sau ngày này không còn đọc kinh Tiền Tụng Giáng Sinh nữa. Với các nhà làm thương mại Giáng Sinh chấm dứt khi không còn người trao đổi hàng hoá, quà cáp Giáng Sinh ế ẩm. Với Giáo Hội Giáng Sinh kéo dài theo í nghĩa 

Con Người xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. 

Bất cứ khi nào Chúa tỏ mình ra thì í nghĩa Chúa Giáng Sinh lại sống lại trong cá nhân đó. Đừng mừng giáng Sinh theo tinh thần xem bắn pháo bông. Cần nhiều tuần tổ chức cho ngày đó nhưng pháo bừng sáng rồi tắt lịm trong năm mười giây. Chúng ta nói là mùa Giáng Sinh vậy mùa thường kéo dài vài ba tuần mới đúng í nghĩa của mùa. 

Lm Vũđình Tường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét