Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Nói cho con người: Lm. Chân Tín (31)


Sàigòn -

 

Tự do Tôn giáo

(Thư kính gửi Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN)

 


Vũng Tàu, ngày 10 tháng 7 năm 1998

      Kính thưa Đức Hồng y,
      Hôm kỷ niệm 49 năm thụ phong linh mục của Đức Hồng y và của 3 anh em chúng con (6.6.1998), con có điện thoại cho Đức Hồng y dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn. Đức Hồng y có nhã ý mời con ra Hà Nội nhưng con không đi được vì bận dạy giáo lý tân lòng và cũng vì những vết thương ở chân và tay con chưa lành hẳn. Những vết thương này là do “người ta” cố ý gây tai nạn giao thông, trong khi anh Nguyễn Ngọc Lan chở con vào Tân Sơn Nhất để dự đám tang của cụ Nguyễn Văn Trấn thọ 84 tuổi và đã trên 60 tuổi Đảng, đồng thời cũng là người bạn thân của chúng con trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền và cho tự do báo chí ở Việt Nam.

      Nay con về Vũng Tàu vài hôm, con xin gửi đến Đức Hồng y một vài trăn trở của con, khi đọc những chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo, ra ngày 2 tháng 7 vừa qua.
      Trước hết, khi đề cập đến tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo, Bộ Chính trị nói: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, Đảng và Nhà nước chủ trương và thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, không tín ngưỡng và không tôn giáo của nhân dân”. Con xin thưa với Đức hồng y: Đây không phải là một nhu cầu của một bộ phận nhân dân nhưng là của đại đa số nhân dân, chỉ có một số nhỏ không tín ngưỡng. Đã là nhu cầu tinh thần của đại đa số thì Đảng và Nhà nước càng phải tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy những giá trị tinh thần của đại đa số nhân dân, phải tôn trọng các giáo hội xây dựng đời sống tinh thần của các tín đồ. Nhưng trong thực tế hiện nay Đảng và Nhà nước gây nhiều khó dễ cho các giáo hội, hạn chế hoạt động tôn giáo và gây khó khăn cho việc đào tạo các chức sắc và các tu sĩ của các giáo hội, bóp nghẹt các giáo hội bằng cách hạn chế việc chiêu sinh.
      Riêng phái Công giáo thì như trong giáo phận Sài Gòn, từ 1975 đến nay có khoảng 250 linh mục qua đời và Nhà nước chỉ chấp thuận 150 tân linh mục. Chính con đã viết thư cho Đức Hồng y Etchegaray ngày 7 tháng năm 1989: “Tự do tôn giáo đích thực mặc nhiên bảo đảm cho Giáo hội được tự do chọn các giáo sư và các chủng sinh. Thế mà hiện nay, việc tổ chức các chủng viện phải chịu đủ thứ hạn chế, chẳng hạn ấn định tỷ số về các chủng sinh. Việc tuyển chọn chủng sinh và các giáo sư chủng viện phải lệ thuộc sự chấp thuận của Nhà nước… Hiện nay tại Sài Gòn chúng con có một khóa tuyển sinh 50 chủng sinh cho 10 giáo phận phía Nam. Thời hạn ấn định cho khóa này là 6 năm, không có tuyển khóa mỗi năm mà chỉ có mãn khóa đầu. Cụ thể mỗi giáo phận gửi vào chủng viện 5 chủng sinh. Sau 6 năm, 2 chủng sinh có thể tự ý xin rút lui, một anh khác có thể không được phong chức vì không hợp nhãn Nhà nước, một anh khác có thể không đạt tiêu chuẩn của Giáo hội, chỉ còn một chủng sinh thôi. Trong thời gian đó có biết bao linh mục chết đi vì già, vì bệnh, vì tai nạn”. (Xem hồ sơ Chân Tín: Nói cho con người. tr.27, nxb Tin Paris, 1993). Thế có nghĩa là từ 1975 đến 1989, không có một khoá đào tạo nào trên toàn thể Đất nước. Và từ 1989 đến nay có đổi đôi chút nhưng không thấm vào đâu, như thư của một vị giám mục viết sau hội nghị Thường niên Hội đồng Giám Mục Việt Nam (tháng 10.1997): “Hội đồng Giám mục Việt Nam chúng ta hôm nay chỉ có 33 vị. Về tuổi tác, đại đa số nay đã già, về sức khỏe hầu hết đều bệnh hoạn, hoàn cảnh các linh mục cũng không khác nhau bao nhiêu vì việc đào tạo và phong chức đã bị gián đoạn nhiều năm”. Về vấn đề chủng viện, lá thư ấy nói tiếp: “Giáo hội Việt Nam trước đây có hàng chục đại và tiểu chủng viện… nhưng hiện nay chúng ta chỉ có 6 đại chủng viện cho toàn quốc với tổng số 752 chủng sinh. Cơ sở vật chất thì chật chội, ban giảng huấn thì vừa cao niên vừa thiếu hụt. Từ lâu, Hội đồng Giám mục đã xin phép mở thêm hai đại chủng viện nữa nhưng đến nay vẫn chưa được”. (Tin Nhà số 31, tr.13).
      Kính thưa Đức Hồng y,
      Phải chăng những gì con viết vào năm cho Đức Hồng y Etchegaray thì nay vẫn còn y nguyên. Người ta cố tình giết chết Giáo hội khi không cho phép mở thêm chủng viện đào tạo linh mục và tự do chiêu sinh.
      Với những hạn chế như thế mà Bộ Chính trị dám nói: “Chính sách tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố niềm tin đối với Đảng và Nhà nước, tạo được tinh thần phấn khởi cho đồng bào tín đồ các tôn giáo… tín đồ các tôn giáo ngày càng yên tâm tin tưởng và hăng say thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Ôi thật mỉa mai!
      Tự do in sách tôn giáo cũng chẳng có. Nhà nước đòi áp đặp một số luật về in ấn sách kinh tôn giáo. Mấy ông vô thần và vô tín ngưỡng lại đòi kiểm soát sách tôn giáo thì thật là ngô nghê. Biết gì về Đạo, hiểu gì về Đạo mà đòi kiểm soát về giáo lý của các tôn giáo và các hoạt động nội bộ của tôn giáo.
      Chỉ thị của Bộ chính trị còn nêu ra một điều trái ngược với bản chất tôn giáo: “Một số người không phải là nhà tu hành truyền đạo vi phạm pháp luật”. Ta phải nói thẳng: không có quyền lực nào cấm tín đồ của một tôn giáo truyền đạo cho kẻ khác. Đối với đạo Chúa Kitô đó là mệnh lệnh, là một nghĩa vụ tối cao của mỗi tín ngưỡng của mỗi tín hữu phải đem Tin Mừng Cứu độ cho mọi người, chứ không riêng gì người tu hành mới giảng đạo. Nhà nước không có quyền áp đặt hạn chế đó. Hội đồng Giám mục phải lên tiếng chống lại ý đồ của Đảng và Nhà nước. Họ lăm le áp đặt nay mai nhiều luật lệ phá đạo: “Nhà nước chưa kịp thời bổ sung các văn bản hướng dẫn và qui định cụ thể về các hoạt động tôn giáo. Chính phủ bổ sung nghị định qui định về hoạt động của tôn giáo, soạn thảo pháp lệnh tôn giáo trình ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành”.
      Một vấn đề quan trọng khác là vấn đề các dòng tu, các tu hội. Chỉ thị Bộ Chính trị viết: “Chính phủ có qui định và hướng dẫn cụ thể về hoạt động của các tôn giáo”. Trong vấn đề các dòng tu và tu hội, các bề trên các dòng tu cùng với Hội đồng Giám mục phải có tiếng nói và đưa ra đường hướng để tránh sự lệch lạc của mấy người vô thần duy vật muốn định đoạt sinh hoạt của người tu hành dấn thân phục vụ con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng.
      Ngoài chỉ thị công khai của Bộ Chính trị nói trên còn chỉ thị ngầm qua Ban Tôn giáo trung ương. Trong dịp Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào tháng 10.1997, ông Lê Quang Vịnh, Trưởng Ban Tôn giáo trung ương có đề cập dài dòng về Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri gọi là ngôn ngữ gỗ thứ luận điệu cũ rích về chính sách tự do tôn giáo. Đòi hỏi đoàn kết chưa đủ, ông Vịnh còn thêm vào thái độ cha chú, quan lại một cách ngây thơ (để khỏi nói là ngu xuẩn)” (Tin Nhà số 32, tr.11).
Có thể là ông Lê Quang Vịnh dựa vào chỉ thị ngầm của Bộ Chính trị để có thái độ cha chú. Điểm cần nói ở đây có thể là một âm mưu mới của Đảng Cộng sản muốn biến một số linh mục, giám mục làm tay sai trong cái gọi là Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Họ không thể tạo ra một giáo hội tự trị như ở Trung Quốc, hoặc một giáo hội quốc doanh. Do đó, họ muốn có những linh mục, giám mục trong Ủy ban Đoàn kết công giáo để chi phối hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Họ muốn củng cố lại Ủy ban Đoàn kết đang tan rã để làm một thứ giáo hội quốc doanh ngay trong lòng Giáo hội Việt Nam. Họ có tham vọng “muốn cứu vớt Ủy ban Đoàn kết với bất cứ giá nào” (Đỗ Mạnh Tri, tài liệu đã dẫn) và hơn nữa muốn dùng Ủy ban Đoàn kết để phá hoại Giáo hội Việt Nam từ bên trong.
      Trong bài phát biểu về vấn đề “Đảng Cọng sản Việt Nam thật sự tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng”, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có nói với lãnh đạo các tỉnh, các ban, bộ, ngành trung ương đã về dự đại hội: “Đảng ta thật sự tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, nhân dân ta có quyền theo đạo, đổi đạo, bỏ hoặc không theo đạo. Không một thế lực nào ngăn cản hoặc vi phạm quyền tự do đó”. Nhưng thực tế trong các cơ quan người ta không tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhân viên cao cấp và đảng viên phải từ bỏ đạo Công giáo. Ông Tổng bí thư nói thế nghĩa là đảng viên và công chức cao cấp Chính phủ không phải là nhân dân, thế họ là thứ gì? Như vậy, chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản vẫn trước sau như một, nghĩa là chống phá tôn giáo, chứ chưa có gì đổi mới.
      Kính thưa Đức Hồng y,
      Trên đây là những trăn trở của một người con Giáo hội Công giáo Việt Nam và cũng chắc là trăn trở của mọi Kitô hữu chân chính, Đức Hồng y và Hội đồng Giám mục Việt Nam cần phải lên tiếng đòi hỏi tự do tín ngưỡng một cách cụ thể, tách riêng trong những vấn đề căn bản của Giáo hội và mong rằng những vấn đề quan trọng ấy cần được công khai hóa, chứ không thể âm thầm gửi cho Nhà nước để rồi lặng lẽ chờ người ta trả lời và không bao giờ có câu trả lời của Nhà nước, như thư của Hội đồng Giám mục gửi cho Nhà nước tháng 10.1997 vừa qua. Cần phải công khai hóa để gây ý thức cho mọi người, để Dân Chúa cùng một lòng đấu tranh cho tự do tín ngưỡng.
      Kính chúc Đức Hồng y nhiều sức khỏe, sáng suốt và can đảm.
      Xin Đức Hồng y chúc lành cho chúng con.
      Kính thư,
Lm. Chân Tín
38, Kỳ Đồng, Q.3, Tp.HCM
(TN số 35,1998)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét