Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Nói cho con người (Thư Cần Giờ 1990-1993): Lm. Chân Tín (17)


LTCGVN (21.12.2012)
Sàigòn - Cần Giờ 21/9/1990

Anh Lan mến,
Trong tuần này, tôi có đọc ít bài báo trong Temps Nouveaux anh Phú gửi xuống. Trong số ra ngày 3/9/1990, có một bài nói về “những kẻ thù của nhân dân”. Đó là bài của giáo sư Mikhail Volenski, một sử gia có tiếng ở LX, nay là giám đốc Viện nghiên cứu Liên Xô ở Bonn. Giáo sư là một người bị tước đoạt quốc tịch Liên Xô thời trước, giáo sư cho biết tất cả các vụ án “kẻ thù nhân dân” là một mớ nói dối. Với kinh nghiệm 15 năm qua trên đất nước Việt Nam, từ vụ 5 tu viện Thủ Đức, đến Trung tâm Đắc Lộ hay Dòng Đồng Công, hay vụ ba bài giảng “sám hối” và biến cố 16/5/1990, tôi cảm thấy thấm thía lời nói của giáo sư Voilenski. Cây nào trái nấy, Liên Xô vậy, Việt Nam cũng vậy.

Cũng trong số báo đó, Maxime Gorki có đề cập đến tự do ngôn luận. Ông nói: “Chúng tôi đấu tranh cho tự do ngôn luận, chính là để nói và viết chân lý. Nhưng nói chân lý là một nghệ thuật, khó nhất trong các nghệ thuật, vì chân lý dưới dạng “thuần túy” không liên hệ với lợi ích cá nhân, tập thể, giai cấp, quốc gia, thì thật khó nuốt đối với quần chúng và bị họ bác bỏ. Đó là đặc tính đáng nguyển rủa của chân lý tuần túy, nhưng cái chân lý này là tốt nhất và cần hơn tất cả cho chúng ta.”
Anh còn nhớ, năm ngoái khi anh em giáo dân viết những lá thư cho Đức Cha NV Bình và cho Hội đồng Giám mục, thì có người bên Ban Tôn giáo Trung ương, bảo rằng Chân Tín nên nói đến mức nào và ngưng chỗ nào. Họ tưởng mình làm chính trị phải biết tiến, biết lùi, biết ngưng. Nhưng mình lại không làm chính trị. Mình là ngôn sứ của Chúa càng phải nói “chân lý thuần túy” khó nuốt đối với Đảng và Nhà nước.
Maxime Gorki còn đánh giá cách mạng Liên Xô: “Cái làm cho tôi bỡ ngỡ và lo âu nhất, đó là cách mạng không chứa đựng trong nó một dấu hiệu nào của một cuộc phục hưng thiêng liêng của con người và không làm cho con người lương thiện và chân thành hơn, không giúp con người tăng giá trị bản thân và tăng giá trị lao động”.
Chỉ nhìn qua những cuộc con đấu tố cha, vợ tố chồng, con đấu tố mẹ cho ta thấy cách mạng “không làm cho con người lương thiện hơn”. Ngay trên đất nước ta, luân lý, giáo dục suy đồi, điều đó không có gì lạ. Chỉ dạy hận thù, không dạy thương cha thương mẹ, chỉ thương Đảng, thương bác, kể cả Mao xếng xáng. Bài thơ của ông Trung ương Đảng nọ khóc Staline hồi nào đó cũng đủ biện minh cho thấy nguyên nhân sâu xa của suy đồi đạo đức.
Đề cập đến quyền bính, Gorki nói tiếp: “Không có chất độc nào nguy hại bằng quyền lực trên con người: ta phải in sâu vào trí chúng ta để quyền bính chúng ta nắm trong tay đừng đầu độc chúng ta bằng cách biến chúng ta thành yêu tinh đáng khinh bỉ hơn cả những kẻ chúng ta chống suốt đời.”
Độc tố của quyền bính thật ghê gớm. Những yêu tinh mà Gorki nói đến như Staline, Ceaucescu, Mao, Pol Pot... đã xuất hiện trong chế độ độc quyền, độc tôn.
Anh Lan mến, đọc thư anh trích hồi ký “Thăm quê hương” viết về “những người nằm xuống” của anh Nguyễn Hữu Tấn Đức, tôi thấy thật xót xa cho anh Đức cũng như cho tất cả người Việt chúng ta đã hy sinh bao mồ hôi nước mắt, bao xương máu để rồi thấy một nước VN thê thảm như hiện nay. Mong rằng những người lính của bên này hay bên kia đã ngã gục trên bãi chiến trường và đã “tan vào đồng ruộng, pha vào núi sông đất nước này” sẽ đoàn kết những người sống thành một cộng đoàn yêu thương cùng nhau xây dựng đất nước. Mến.

                                                                                                Lm. Chân Tín
                                                                        (NKNNL 1990-1991, trang 114-115)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét