Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Nói cho con người – Lm Chân Tín (2)


LTCGVN (06.12.2012) 
Sài Gòn - Kính thưa quý vị, DCCT VN vừa hoàn tất việc tiễn đưa cha Stêphanô đến nơi an nghĩ cuối cùng. Trong thánh lễ an táng vừa qua, cha giám tỉnh DCCT có nhắc đến biến cố phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam. Để giúp quý độc giả biết rõ hơn quan điểm của cha Chân Tín về biến cố này, VRNs xin đăng lại ý kiến phát biểu của cha Chân Tín tại trụ sở Mặt trận tổ quốc VN, quận 3, Sài Gòn về vấn đề phong thánh.

Góp ý vào việc Phong thánh Tử đạo Việt Nam

(18.01.1988)


Nhân cuộc họp của giới Công giáo quận 3 vào chiều ngày 18/1/1988 tại trụ sở Mặt trận tôi xin góp một vài ý kiến.

I. Sự việc đã rồi:
1. Các thỉnh nguyện thư xin phong thánh của
- Hội đồng Giám mục Việt Nam (16/11/1985)
- Dòng Đa Minh (28/12/1985)
- Hội thừa sai Paris (2/2/1986)
- Hội đồng Giám Mục Phi (13/5/1986)
- Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha (19/6/1986)
2. Với văn kiện số 1516-1986 (18/4/1986) của Thánh bộ Phong thánh của Giáo hội Công giáo Rôma chấp nhận thỉnh nguyện thư
3. Ngày 22/5/1987 Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã chủ tọa Cơ mật viện để hỏi ý kiến các thành viên bỏ phiếu chấp thuận việc phong thánh cho 117 Tử đạo Việt Nam ngày 29 tháng 5 /1987 Tòa Thánh quyết định phong thánh vào ngày 26/6/1988.
4. Ngày 18/9/1987 Ban công giáo Chính phủ triệu tập ban thường vụ Hội đồng Giám mục để phê phán vụ phong thánh và bàn biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình.

5. Hội đồng Giám mục qua ban thường vụ gửi thư và điện văn yêu cầu duy trì việc kính các chân phúc tử đạo Việt Nam như cũ không làm gì mới khác “có hại đến đoàn kết dân tộc” (thư và điện của Đức cha Nguyễn văn Sang 19/9/1987)
6. Ban Tôn giáo của Chính phủ gửi văn thư số 01-TGCP ngày 12/10/1987 cho UBND. Ban tôn giáo tỉnh, thành phố, đặc khu yêu cầu theo dõi việc thi hành quyết định của Hội đồng Giám mục.
II. Góp ý và đề nghị:
1. Rất tiếc về sự thiếu trao đổi bàn bạc để làm sáng tỏ vấn đề các tử đạo Việt Nam vì hoàn cảnh phức tạp thời đó.
2. Trong các thỉnh nguyện thư có một vài câu quá đáng, cường điệu dùng chữ chưa đúng, khả dĩ gây bất bình, hiểu lầm trong hoàn cảnh phức tạp.
3. Dù vậy các thỉnh nguyện thư đều nói lên lòng khao khát phong thánh cho các tử đạo Việt Nam, đề cao đức tin anh hùng của một số người chết cho một lý tưởng, cho tôn giáo một cách bất bạo động.
4. Thánh Bộ Phong thánh chấp nhận các thỉnh nguyện thư đó cũng như Giáo chủ Gioan Phaolô II quyết định phong thánh vào ngày 26/6/1988 là để đáp ứng sự mong muốn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Phi, Tây Ban Nha, Hội Thừa sai Paris và Dòng Đa Minh cũng như của người Công giáo Việt Nam sẵn có từ mấy thế hệ rồi, chứ đây không phải là sáng kiến của Tòa thánh Vatican có dụng ý chính trị xấu, xuyên tạc lịch sử cách mạng của Nhân dân Việt Nam, kích động tâm lý cuồng tín tử vì đạo theo như văn thư của ông Nguyễn Quang Huy trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tòa thánh thể theo thỉnh nguyện thư của các Hội đồng Giám mục chỉ muốn đề cao hơn một mức nữa các vị tử đạo Việt Nam đã từng được phong chân phúc từ bao nhiêu năm rồi (hằng năm vẫn có lễ mừng các Chân phúc Tử đạo Việt Nam đầu tháng 9).
Xung quanh các thỉnh nguyện thư và quyết định phong thánh, có người nào, nhóm nào đã mon men có ý đồ chính trị chăng? Điều đó có thể có, nhưng chắc các Giám mục và đức Giáo chủ không thể có ý đồ đó. Các ngài chỉ thấy có trách nhiệm đối với các giáo hữu Việt nam cũng như đối với các giáo hữu Nhật Bản mấy năm trước đây.
5. Trong cái nhìn chính trị của Nhà nước cũng như trong cái nhìn lịch sử chưa được sáng tỏ của một số đồng bào, thì Nhà nước không thấy bằng lòng với việc phong thánh này.
Dù vậy, trước những việc đã rồi Nhà nước chỉ yêu cầu “tìm biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình” như văn thư của Ban Tôn giáo đề nghị. Đây là một thái độ thực tế mà Nhà nước đã có cho đến hôm nay để đối phó với việc đã rồi.
Sau đó, Ban thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có văn thư yêu cầu kính các Chân phúc Tử đạo Việt Nam như cũ không làm gì mới khác ‘có hại cho đoàn kết dân tộc’.
Riêng tôi, tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện tại, Việt Nam đang bị cô lập hóa trên mọi địa hạt sẽ bị cô lập hóa thêm, nếu ta xử lý việc phong thánh thiếu tình thiếu lý. Nếu Nhà nước chống việc phong thánh tại Việt Nam đa số dân chúng công giáo sẽ không tài nào hiểu nổi điều đó rồi ấm ức, sẽ bớt hăng say trong việc xây dựng Đất nước. Còn ở hải ngoại tay làm chính trị sẽ hô hoán chế độ Cộng sản Việt Nam gây nhiều khó khăn cho công giáo, nếu không nói là bắt đạo và như thế Việt Nam càng bị cô lập hóa trên chính trường quốc tế.
Vì thế riêng tôi, tôi ước mong Nhà nước ta đi thêm một bước, tức là ủng hộ việc phong thánh, vì việc này đề cao người Việt Nam anh hùng sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng. Đồng thời, nếu cần Nhà nước ta cũng cứ nói lên tình hình phức tạp của thời đó, và sự dè dặt của mình về một một số vị tử đạo và tiếc không có sự thay đổi để việc phong thánh tốt đẹp hơn.
Thái độ mới này sẽ đáp ứng tâm tư đại đa số người công giáo Việt Nam. Không phải vì họ muốn chống những đồng bào ngoài công giáo hay có ý gì đối với chính phủ hiện nay mà từ nhiều thế hệ rồi, họ mong thấy các Chân phúc tử đạo còn được phong thánh nữa. Nếu giới công giáo bỏ phiếu kín, thì ít nhất là 90% sẽ ủng hộ việc phong thánh. Việc Nhà nước ủng hộ sẽ khuyến khích người công giáo hăng say góp phần xây dựng đất nước hơn. Và thái độ này cũng bịt miệng những tay hoạt động chính trị chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sau cùng tôi cũng xin góp ý vào cái gọi là “thỉnh nguyện thư Việt Nam” in bằng roneo, không biết ai đã thảo ra, không đề ngày tháng, để xin chữ ký. Một nhóm người nào đó lại mệnh danh là Việt nam, Việt Nam tức là cả giáo, cả lương, cả Nhân dân, cả Chính quyền. Thế mà họ lại chỉ trích Đức Hồng y Căn vì đã viết “cả dân tộc Việt Nam nhất trí với con”. Phải chăng họ nghĩ rằng họ mới là “cả nước Việt Nam?”
Thỉnh nguyện thư đề nghị hai điều, đề nghị hoãn việc phong thánh để làm sáng tỏ vấn đề lịch sử và đề nghị tách các vị thừa sai ra.
Đề nghị thứ nhất là hoãn việc phong thánh. Với những điều tôi nói trên, chúng ta đã thấy việc không tham dự vào việc phong thánh đã gây bất mãn có hại đến người công giáo Việt Nam tham gia xây dựng đất nước và cô lập hóa thêm Việt Nam trên chính trường quốc tế, thì đề nghị các giám mục xin hoãn việc phong thánh còn tệ hại hơn. Tệ hại như trên. Tệ hại thêm nữa  là người ta nghĩ rằng Nhà nước làm áp lực bắt các giám mục Việt Nam xin hoãn, vì trước kia các giám mục đã phấn khởi xin phong thánh. Có đưa ra ‘thỉnh nguyện thư Việt nam’, thì người ta cũng nghĩ là nhóm ‘yêu nước’ nào đó chỉ theo mệnh lệnh Nhà nước để tạo ra thư đó, hầu có một màu sắc nhân dân - và có thu được hàng triệu chữ ký thì cũng thế thôi. Thỉnh nguyện thư chỉ đổ dầu thêm vào lửa. Vô tình họ hại Nhà nước, hại Đất nước. Cái trò thỉnh nguyện thư xin chữ ký là cái trò cũ kỹ quá rồi. Chủ nghĩa hình thức ấy chẳng ai tin, cần phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách.
Đề nghị thứ hai là tách các vị tử đạo thừa sai ngoại quốc. Là một đề nghị của ‘những người công giáo’ thì sẽ được người công giáo gọi là ‘ăn cháo đá bát’. Người cộng sản sẽ tôn kính người cộng sản ngoại quốc thâm nhập bất hợp pháp với bao nhiêu nguy hiểm để tuyên truyền lý tưởng cộng sản và đã bị bắn chết. Các vị thừa sai ngoại quốc, vì đức tin đã bỏ một đời sống thoải mái của quê nhà để đi vào một nước lạc hậu để rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa. Họ đã bị bắt, bị tra tấn, bị xử tử do các vua chúa thời phong kiến. Họ đã hy sinh mạng sống cho việc rao giảng là họ tử đạo. Nếu sau này, có vị này vị nọ dính líu vào việc người Pháp xâm chiếm Việt Nam thì phải nói rằng trong lương tâm của họ hồi bấy giờ, họ thấy việc nhờ người Pháp đến để chấm dứt việc bắt đạo là tốt, và ngay việc người Pháp cai trị Việt Nam họ cũng nghĩ là tốt khi họ lầm tưởng rằng người Pháp sẽ đem nề văn minh Kitô giáo cho một nước lạc hậu. Với khái niệm ngày nay về nhân dân tự quyết, độc lập tự do, ta cho là họ sai lầm. Nhưng cách đây vài ba trăm năm, khái niệm đó không rõ ràng lắm. Và ngày nay, tuy khái niệm rõ ràng, cũng còn tình trạng người ta nhờ nước ngoài làm nhiệm vụ quốc tế để chống lại một chính quyền hợp pháp mà tàn bạo. Vậy thì tình hình phức tạp hồi đó có các vị tử đạo không dễ gì mà tránh sự chủ quan. Vấn đề còn được tranh cãi dài dài.
Vì thế người công giáo Việt Nam mà đòi tách riêng người có công đem đức tin Kitô giáo đến cho cha ông họ là ăn cháo đá bát, là vô ơn, tạo chia rẽ trong giới công giáo.
Để kết thúc, tôi có hai kiến nghị, một với Nhà nước, một với Giáo hội:
a. Với nhà nước
tôi ước mong Nhà nước để cho Giáo hội Việt Nam dự vào cuộc phong thánh, vì làm như vậy ích lợi cho đất nước hơn là tẩy chay. Thái độ này sẽ vận động người công giáo Việt nam hăng say xây dựng Đất nước và cũng thuận lợi để vận động thế giới không cộng sản tham gia vào việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam đang cần đầu tư ngoại quốc, đang cần giải tỏa tình trạng bị cô lập và chứng minh sự cởi mở từ Đại hội Đảng 6 và từ ngày Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lãnh đạo Đảng.
b. Với Giáo hội
Tôi mong Hội đồng Giám mục Việt Nam đừng làm trò cười cho giáo dân cũng như cho thế bên ngoài theo kiểu ‘thỉnh nguyện thư Việt Nam’ mà xin Tòa thánh hoãn việc phong thánh và xin tách các tử đạo thừa sai ngoại quốc. Thật là một trò trẻ con không thể chấp nhận được đối với dư luận quốc nội cũng như quốc tế khi Hội đồng Giám mục Việt Nam đã từng phấn khởi xin phong thánh rồi lại xin hoãn, xin tách. Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ mất hết uy tín đối với giáo dân Việt Nam cũng như đối với Giáo hội toàn cầu. Trong tình trạng đó, các giám sẽ không còn mấy ảnh hưởng để thúc đẩy giáo dân Việt nam vừa hăng say xây dựng đất nước vừa trung thanh giữ vững đức tin.
Đàng khác, dù Nhà nước cho tham dự Phong thánh hay không, tổ chức mừng hay không, Giáo hội vẫn phải làm việc đào sâu đức tin để người công giáo Việt Nam sống đạo giữa lòng dân tộc và tiến hành việc nghiên cứu lịch sử về giai đoạn phức tạp của các vị tử đạo. Đó là cách mừng tốt đẹp nhất nhưng là chuyện lâu đài trong tương lai.

Chân Tín
(Tp HCM, 18/01/1988)
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét