Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Những vấn đề Trung Quốc của dân tộc Việt Nam (05)


LTCGVN (09.12.2012) 
California, USA – Trong bốn phần trước, chúng ta đã cùng tiến sĩ Trần Diệu Chân theo dõi vấn đề Trung Quốc của dân tộc Việt Nam một cách khá chia tiết và cụ thể. Ở phần cuối này, tác giả có ý hướng đưa ra một vài gợi ý cho các vấn nạn đã đặt ra, nhưng như chúng ta đã biết, những gợi ý dù có hay đến đâu thì vẫn chỉ là gợi ý, còn việc làm, một hành động cụ thể mới quan trọng, vì nó có giá trị thay đổi vấn đề chúng ta đã thảo luận.
Hy vọng những gợi ý này sẽ giúp quý độc giả có thểm sang kiến để hành động vì một đất nước Việt Nam công bằng và tự do, thoát khỏi ám ảnh Trung Quốc.
----------

Vấn Đề Trung Quốc Của Dân Tộc Việt Nam


Sự trổi dậy của Trung Quốc trong hơn 3 thập niên vừa qua, đặc biệt là từ lúc Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây hỗ trợ để gia nhập WTO vào năm 2000, Bắc Kinh đã không chỉ tập trung phát triển để chạy đua với Hoa Kỳ hầu trở thành cường quốc kinh tế số một của thế giới, mà đang thực hiện chủ trương của Mao Trạch Đông đưa ra cho đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1956 là “đảng ta phải vói tay ra biển để kiểm soát cả trái đất.” (69)
Việt Nam nằm bên cạnh Trung Quốc và có một bờ biển dài nhìn ra biển Đông, hiển nhiên đã trở thành một trong những mục tiêu mà Trung Quốc sẽ phải chinh phục như họ đã và đang làm đối với các quốc gia lân bang Lào, Cam Bốt, Miến Điện và các quốc gia Á Châu khác. Do đó, vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm trong khuôn khổ các vấn đề chung của Á Châu nói riêng và Thế giới nói chung đối với Trung Quốc.

Trước khi phân tích vấn đề Trung Quốc của Việt Nam là gì, chúng ta cần nhìn rõ: Trung Quốc muốn gì ở Việt Nam?
Nhìn lại một số những ứng xử của giới lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông, Chu Ấn Lai, Đặng Tiểu Bình cho đến Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trong các quan hệ với Việt Nam từ năm 1940 cho đến nay, họ luôn luôn lợi dụng hầu phục vụ cho mục tiêu lợi ích của Trung Quốc. Tuy là hai nước láng giềng và theo xã hội chủ nghĩa, nhưng lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ muốn có sự “hữu nghị” thực sự vì chính họ không muốn Việt Nam lớn mạnh ở phía Nam. Vì thế, trong quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc muốn diễn ra ở ba mức độ từ tay sai cho đến không chống lại Bắc Kinh.
1/Trung Quốc muốn Việt Nam luôn luôn gắn chặt và lệ thuộc vào Trung Quốc như một đồng minh trung thành theo kiểu “tay sai” mà họ đang làm tại Lào và Cam Bốt.
2/Nếu không đạt được điều kiện 1, Trung Quốc muốn Việt Nam không có khả năng phát triển để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Đông Nam Á và luôn luôn ở vị thế nhân nhượng những đòi hỏi từ Trung Quốc.
3/Nếu không đạt được điều kiện 2, Trung Quốc muốn Việt Nam không đi theo Hoa Kỳ và những quốc gia khác để chống lại Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc khó có thể đạt được điều ước 1 vì nhiều lý do xung khắc của lịch sử để lại. Trung Quốc hiện đang đạt được điều số 2 khi tìm cách khống chế về chính trị, kinh tế, đầu tư, văn hóa và dùng đó như “vòng kim cô” để buộc lãnh đạo Hà Nội phải nhân nhượng hay làm theo các đòi hỏi của Bắc Kinh. Có hai ví dụ biểu hiện rõ nhất điểm này:
a. Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc  từ ngày 11 đến 15-10-2011, khi Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào chứng kiến lễ ký kết văn kiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Quốc”, phía CSVN không hề đặt vấn đề về chủ quyền trên quần đảo Hoàng sa và Trường mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trong bản Thỏa Thuận. (70)
b. Một tuần sau khi Quân ủy trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thành lập đơn vị đồn trú tại Tam Sa, đứng đầu bởi một bộ chỉ huy quân sự, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) trong quần đảo Hoàng sa vào ngày 19-7-2012, Bộ quốc phòng CSVN lại tổ chức một buổi lễ kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Trung Quốc, quy tụ những tướng lãnh và sĩ quan từng đước huấn luyện và giúp đỡ bởi quân đội Trung Quốc. Trong buổi lễ này, Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng CSVN đã không những tuyên bố “mãi mãi nhớ ơn Trung Quốc” mà còn cho rằng tình hữu nghị Việt -Trung Quốc hiện tốt đẹp hơn bao giờ hết và chỉ có những thế lực phản động, lợi dụng các hoạt động dân chủ, nhân quyền, tôn giáo nhằm xóa bỏ chế độ XHCN và chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt – Trung mà thôi. (71)
Đặc biệt là từ sau khi Quốc hội CSVN biểu quyết thông qua Luật Biển vào ngày 21-6-2012, Trung Quốc đã có những hành động gây hấn và coi thường dư luận như:
-Ngày 23-6, Tổng công ty dầu khi hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời các công ty nước ngoài vào đấu thầu khai thác 9 lô dầu khí trên biển Đông. Tọa độ của 9 lô dầu khí này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn dầu khí CSVN đã và đang tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ  nhiều năm qua.
-Ngày 19-7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc loan báo quyết định thành lập bộ chỉ huy quân sự đặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng sa, để tiến tới chủ trương quân sự hóa việc kiểm soát biển Đông.
-Ngày 20-7, Hạm đội tàu chiến Trung Quốc gồm 27 tàu chiến chia làm 3 đội đã tập trung quanh vùng biển Trường sa của Việt Nam và chờ lệnh bắn đạn thật nếu có xung đột.
-Ngày 1-8, Trung Quốc đã cho 23 ngàn tàu đánh cá với gần 100 ngàn ngư dân xuất phát từ đảo Hải Nam đến đánh bắt hải sản trong vùng quần đảo Hoàng sa và Trường sa trong vòng 18 ngày. Các ngư dân Trung Quốc còn được khuyến khích đóng tàu lớn để chuyển hướng từ đánh bắt gần bờ đến đánh bắt xa bờ và đi thăm dò các vùng biển sâu.
Phản ứng của CSVN vẫn là lên tiếng phản đối một cách yếu ớt qua phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao và phản đối của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa (Trường sa)  và Thành phố Đà Nẵng (Hoàng Sa). CSVN không có bất cứ hành động gì cụ thể, nhất là thành phần lãnh đạo từ Tổng bí thư đảng cho đến Thủ tướng, Chủ tịch nước không có bất cứ phát biểu nào, thâm chí còn ra lệnh công an ngăn cấm, bắt giam, đánh đập người dân đi biểu tình với cáo buộc: do các thế lực thù địch “lợi dụng lòng yêu nước” để gây rối xã hội. (72)
Trong khi đó, Tổng thống Phi Luật Tân không những khuyến khích người dân biểu tình phản đối Trung Quốc mà còn kêu gọi người dân Phi hãy đoàn kết để cùng hỗ trợ chính phủ giải quyết những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tổng thống Phi Luật Tân, ông Benigno Aquino đã phát biểu “Nếu có ai đó đi vào sân nhà của bạn và nói cái sân đó thuộc về họ, bạn có chấp nhận không? Tôi kêu gọi người dân cả nước đoàn kết để chống lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ và chúng ta hãy cùng cất lên tiếng nói chung.” (73)
Rõ ràng là vấn đề Trung Quốc của Dân Tộc Việt Nam đang nằm ở 14 ủy viên của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là các ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư đảng), Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội), Lê Hồng Anh (Thường trực ban bí thư), Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng quốc phòng), Tô Huy Rứa (Trưởng ban tổ chức), Lê Thanh Hải (Bí Thư Sài Gòn), Phạm Quang Nghị (Bí thư Hà Nội), Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an), Tòng Thị Phóng (Trưởng ban Dân vận), Ngô Văn Dụ (chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng), Đinh Thế Huynh (Trưởng ban Tuyên giáo), Nguyễn Xuân Phúc (Phó thủ tướng). Thiểu số lãnh đạo này đang dựa vào Trung Quốc để duy trì quyền lực độc tôn và đàn áp mọi cuộc biểu tình phản kháng của người dân để không chống lại chính họ và Trung Quốc.
Sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông có thể làm cho dư luận Việt Nam và thế giới căm phẫn, nhưng chính lãnh đạo CSVN mới là vấn đề đã để cho Bắc Kinh càng lúc càng leo thang bành trướng trên biển Đông và nhất là coi thường sự phản đối của dư luận thế giới. Do đó sẽ không có chiến tranh biển Đông khi mà Bắc Kinh đã nắm chặt “14 ủy viên bộ chính trị CSVN” và giải giới quân đội CSVN qua lời tuyên hứa “mãi ghi ơn đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc” - do chính Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN nói trong buổi lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội giải phóng Trung Quốc 28-7-2012 vừa qua.
Và không cần phải có chiến tranh theo kiểu cổ điển xảy ra trên Biển Đông chúng ta mới mất nước; trong thực tế, nước ta đang mất chủ quyền vào tay Trung Quốc do những đồng lõa “đỉnh cao” của đảng CSVN.
Khi nhìn rõ thực tế nói trên, chúng ta không chờ đợi lãnh đạo Hà Nội “cho phép” tổ chức biểu tình chống Trung Quốc hoặc ai đó chống Trung Quốc dùm chúng ta. Thái độ xin cho hoặc chờ đợi này vừa không thực tế, vừa đi ngược lại với truyền thống bất khuất, tự chủ của dân tộc.
Muốn giải quyết vấn đề Trung Quốc, người Việt ở trong và ngoài nước trước hết phải là một khối đoàn kết tiến hành ba nỗ lực:
+ Thứ nhất là cùng với thế giới tẩy chay hàng hóa độc hại sản xuất từ Trung Quốc và tham gia vào việc chống lại chủ nghĩa Đại Hán đang bành trướng trên biển Đông. Tùy theo phương vị của mỗi cá nhân hay mỗi đoàn thể, đảng phái, người Việt sẵn sàng hợp tác với thế giới, với nhân dân của các quốc gia, đặc biệt là với Phi Luật Tân, Mã Lai, Nhật Bản... đang có vấn đề với Trung Quốc để tạo thành một áp lực đa phương lên Bắc Kinh.
+ Thứ hai là người Việt phải tự đứng lên bằng những cuộc biểu tình, những kiến nghị thư gửi các quốc gia tự do và Liên Hiệp Quốc chống lại các hành động bành trướng của Trung Quốc. Mặc dù bị đàn áp, bị khống chế nhưng chính những cuộc biểu tình chống Trung Quốc (liên tục 11 lần từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2011 và đang diễn ra từ đầu tháng 7-2012) và những bản  tuyên cáo lên án Trung Quốc của các Cộng đồng người Việt, phần nào cho thế giới thấy rằng mối nguy Trung Quốc ngày một gia tăng hiện nay trên biển Đông chính là do lãnh đạo Hà Nội.
+ Thứ ba là phải nhanh chóng chấm dứt nguy cơ Bắc Thuộc Lần Thứ 5 do Bộ chính trị đảng CSVN đang thi hành dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh. Nguy cơ này chỉ có thể chấm dứt khi đất nước Việt Nam có bối cảnh sinh hoạt chính trị dân chủ, đa nguyên với sự cáo chung của thiếu số lãnh đạo độc tài. Đây cũng là nỗ lực phù hợp với xu thế dân chủ hóa toàn cầu đang diễn ra trong thế kỷ 21 nên phong trào dân chủ Việt Nam chắc chắn sẽ  nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn của chính quyền và  nhân dân các quốc gia tự do trên thế giới.
Quyền yêu nước không ai được phép cướp đi; do đó, không phải xin, cho. Người Việt phải tự giành lại quyền hành xử lòng yêu nước và bổn phận giữ gìn bờ cõi của mình. Trên con đường cứu nước đó, chúng ta cần liên kết với những đồng minh có cùng nhu cầu, quan tâm và ý thức. Nhưng chờ mong một thế lực quốc tế cứu dân ta ra khỏi đe dọa của một ngoại bang là quên đi những bài học của lịch sử và đi ngược lại truyền thống dân tộc.
Song song, chính những đe dọa của Trung Quốc đối với sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới khiến nhu cầu giải quyết vấn nạn “tay sai của Trung Quốc” trở nên cấp thiết hơn. Nói cách khác, nhu cầu dân chủ hóa ViệtNamkhông chỉ là vấn đề của người ViệtNammà còn là của thế giới. Đây là điều mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần nhận thức rõ để không vì chống Rồng mà lại vô tình tiếp tay củng cố “đuôi Rồng” tại Việt Nam.  
Trong tinh thần liên đới đó, dân tộc Việt Nam cần phải bắt tay với các dân tộc Trung Hoa, Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ, Nội Mông....để giải quyết vấn nạn độc tài trên quê hương mình và mở ra một kỷ nguyên hợp tác hữu nghị thật sự cho Á Châu và Thế Giới.  Trên con đường khó khăn nhưng cao cả này, các cường quốc cũng có nghĩa vụ giải quyết con Rồng và đồng lõa. Chính chúng ta, chứ không ai khác, phải vạch rõ nhu cầu này.
Đó là những phương thức căn bản và thực tiễn để giải quyết vấn đề Trung Quốc của Việt Nam.
Trần Diệu Chân
Nguồn: VRNs

----------
69-Tài liệu nghiên cứu Steven W. Mosher gửi cho Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Dana Rohrabacher, Chủ tịch Hội đồng bang giao quốc tế tiểu bang giám sát và điều tra. Tài liệu đăng ở đây: http://www.au.af.mil/au/awc/awcgarte/congress/mos021406.pdf
70-Xem thêm tại: http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/10/viet-trung-thoa-thuan-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien/
71-Nguyễn Hòa, Khắc ghi tấm lòng nhường cơn xẻ áo, Quân Đội Nhân Dân, 28/7/2012.
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/50/50/199608/Default.aspx
72-Chủ tịch thành phố Hà Nội phê phán biểu tình (BBC July 13 2012)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120713_thethao_protest_warning.shtml
73-Philippines refuses to budge on South China Sea row (The Reuter July 23 2012)
http://www.reuters.com/article/2012/07/23/us-philippines-aquino-military-idUSBRE86M0DL20120723

0 nhận xét:

Đăng nhận xét