Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Thánh nữ Faustina với lòng tín thác





Câu chuyện kể của cha Vĩnh Sang về vị tiến sĩ khoa học trẻ, tốt nghiệp đại học tại nước ngoài, hiện đang giảng dạy tại một đại học công uy tín trong cả nước. Anh là người…ngoại đạo duy nhất trong nhóm cộng tác viên toàn là Công Giáo nhưng đã nói lên lời động viên khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên “ Cách đây hai ngày khi chúng tôi cần phải làm việc với nhau, một ngày làm thí nghiệm mọi việc êm ả trôi qua, kết quả khả quan. Hôm sau chúng tôi ngồi làm việc trong phòng, bầu khí căng thẳng, nhiều tranh cãi và bất đồng. Khi trời đã xế chiều, tôi mệt mỏi tỏ vẻ thất vọng và buồn phiền về những kết quả ít ỏi trong ngày. Anh nhìn tôi và nói với mọi người = cha đừng lo, Chúa sẽ giải quyết hết cho chúng ta. Tôi ngạc nhiên về lời nói của anh, một cộng tác viên duy nhất nói lời …phó thác cho Chúa. Anh, một người bị coi là …ngoại đạo chứ không phải là tôi một linh mục Công Giáo” ( Nguồn Ephata 541 ).

Xưa nay chúng ta vẫn nghĩ chỉ người có đạo mới tin có Chúa, còn người ngoại đạo thì không. Có tin Chúa thì mới phó thác cho Chúa. Còn như không tin thì làm gì có việc ấy ? Thế nhưng ở đây thì ngược lại, người không có đạo lại tỏ ra sự tín thác, còn người…có đạo lại không ! Tôi cho là lời nói của anh chàng tiến sĩ khoa học trẻ này là rất ư chân thành. Tuy nhiên dù anh không chỉ một lần mà tới …năm lần lặp lại lời ấy qua hai ngày làm việc thì đó vẫn chỉ là sự bộc phát nhất thời chứ chưa phải là tín thác. Nghĩa của chữ “ Tín” tuy cũng là lòng tin nhưng đây không phải là lòng tin thông thường nhưng là sự phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa để Ngài có thể thực hiện nơi mình mục tiêu nên Thánh và làm cho người khác nên Thánh. Trong thời tục hóa này mà còn nói tới việc nên Thánh dường như có vẻ quá ư lỗi thời. Thế nhưng ta cũng có thể nói ngược lại rằng chính bởi chẳng còn có mấy ai nuôi ước vọng ấy thế nên tục hóa là điều không thể tránh ?

Nên Thánh không phải chỉ là ước vọng nhưng đó còn là ơn gọi cho hết thảy tín hữu chúng ta “ Chỉ có một thân thể, một Thánh linh, cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Đức Chúa Trời là Cha mọi người, Ngài vượt trên mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -5 ). Thiên Chúa là Cha, điều ấy hàng ngày người có đạo bằng kinh nguyện vẫn tuyên xưng nhưng thực sự chúng ta có sống tâm tình của người con đối với Cha mình là Thiên Chúa hay không ? Để sống tâm tình này thì phải tín thác, trái lại không có sự tín thác thì lòng tin ấy chẳng ích lợi gì. Nhân loại ngày nay chẳng những không tin Thiên Chúa hiện hữu mà còn quyết liệt từ chối, tự nhận mình là một thế giới không cha “ La societe sans père”. Lý do khiến người ta quyết từ chối như thế là vì theo S. Freud đó là sản phẩm của ảo vọng muốn được che chở tuyệt đối và đấy chẳng qua cũng chỉ là thứ mặc cảm Oedipe giết cha muốn được tha thứ. Hoặc theo Mác và những kẻ duy vật vô thần thì sự suy tôn ấy khiến con người bị vong thân triệt để, đồng thời đó cũng chỉ là lời phản kháng vô hiệu và vô vọng trước thực tại của kẻ bị áp bức. 

Việc chối bỏ Thiên Chúa như Đấng Cha như vậy ai cũng biết nó đã và đang đem lại hậu quả kinh khiếp như thế nào, con người hầu như không còn một chút tình yêu thương. Sự dối trá tham tàn diễn ra hầu như không có điểm dừng, điều đó đưa đén các cuộc chiến tranh lật đổ bạo động khủng bố liên miên khiến môi trường sống bị hủy hoại từng ngày từng giờ. Tại sao việc chối bỏ Thiên Chúa lại đem đến hậu quả gớm ghê như vậy ? Xin thưa đó là vì Thiên Chúa Đấng Cha ấy chính là cứu cánh mà con người cần phải quy hướng để được sống “ Thuận Thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Ý nghĩa cao tột của việc thuận thiên tức quy hướng ấy cũng chính là sự tín thác một khi con người nhận biết Thiên Chúa như Người Cha nhân lành của mình.

Nhận biết Thiên Chúa là Cha, đây là ơn gọi của mọi tín hữu, thế nhưng ơn gọi ấy có được đáp ứng và đáp ứng cách nào thì đó không phải do ý muốn của con người mà là của Đức Kito “ Cha ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những người mà con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Sở dĩ cần phải do Đức Kito “ muốn” bởi vì duy chỉ Ngài mới có thể dẫn đưa ta về với Đấng Thiên Chúa chân thật “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6). Chúa chỉ dẫn đến Đấng Cha người nào Chúa “ muốn” và một trong số đó chính là Thánh Faustina Kowalska, người được đức Gioan Phaolo 2 tuyên bố trong lễ phong chân phước chị là tông đồ vĩ đại của thế kỷ hai mươi. Để được mạc khải đúng là phải do Chúa “ muốn”, thế nhưng Chúa muốn là phần của Ngài, còn về phần ta, ta cũng phải muốn và sự ước muốn ấy nhất thiết cần thể hiện qua việc làm, tức hết lòng tìm kiếm.

I/- Tìm kiếm Thiên Chúa hết lòng

Sống đạo là sống trong sự tìm kiếm Thiên Chúa, có tìm mới gặp, không tìm thì không thể gặp “ Các ngươi hãy tìm Ta hết lòng và sẽ gặp được khi tìm Ta hết lòng” ( Gr 29, 13 ). Faustina sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhất là sau thế chiến ( thứ nhất ) tình trạng lại càng khốn đốn hơn. Cả nhà mấy chị em gái chỉ có một bộ đồ tươm tất thay nhau mặc để đi lễ chủ nhật, người này đi thì người kia phải ở nhà. Đến lượt Faustina dù không được đi lễ nhưng thay vào đó em đem sách kinh ra một chỗ khuất để cầu nguyện trong lúc Thánh lễ đang được cử hành tại nhà thờ. Nếu trong khoảng thời gian ấy mà nghe mẹ gọi về làm việc này việc nọ Helen ( tên khi còn ở nhà) thường không trả lời cho đến khi đoán Thánh Lễ đã xong. Lúc đó em mới trở về hôn tay mẹ xin lỗi “ Mẹ đừng giận con nhé, con phải chu toàn bổn phận với Chúa” ( Nt Sophia Michalenko C.M.G.T – Cuộc đời Thánh Nữ Faustina Kowalska – Tông đồ lòng thương xót Chúa).

Có vẻ như Faustina đã tự đặt bổn phận cho mình. Thế nhưng thật sự thì không phải vậy, từ thẳm cung tâm hồn có một tiếng nói không thể chối từ “ Trong thời gian đó ( giúp việc nhà ) khát vọng tận hiến cho Chúa càng mãnh liệt hơn do một tiếng nói nội tâm không ngừng thôi thúc “ Con hãy giã từ trần thế mà vào dòng. Helene lại trở về xin phép song thân để vào dòng. Hai ông bà vẫn cương quyết từ chối. Quá chán nản, lúc này Helene đành quyết định từ bỏ cuộc sống tâm linh và bắt đầu…một lối sống trần tục, theo như lời kể của chị. Chị cố gắng không lưu tâm, thậm chí còn ra sức trấn áp những ơn soi động của Chúa bằng cách bắt đầu lao vào những thú vui như mải miết chăm sóc ngoại hình, mua sắm đồ thời trang và đua đòi với bạn bè đi dự các buổi khiêu vũ. Dẫu vậy không một thú vui nào làm cho tâm hồn được vui thỏa, mãn nguyện” ( Nt Sophia – Sđd ).

Đối với những tâm hồn tận hiến thì không một thú vui trần tục nào có thể …hấp dẫn được họ. Tại sao thế ? Bởi vì ơn gọi của những con người này là để siêu vượt thế giới hư phù sanh diệt hầu bước vào cõi bất diệt đời đời. Người đời mê muội bám víu và sống với thế giới giác quan cho nó là thực nhưng đâu có biết được rằng tất cả chỉ là phù vân giả trá cho đến ngay cả mạng sống cũng vậy “ Sự sống của anh em là chi ? Chẳng qua như hơi nước hiện ra một lát rồi tan mất” ( Gc 4, 14 ). Faustina đã được tiếng Chúa mời gọi cách cấp bách không thể trì hoãn vì phần rỗi các linh hồn. Một lần kia Helene cùng chị Josephine đến tham dự một buổi khiêu vũ, mặc dù ai nấy hết sức vui vẻ nhưng chị lại cảm thấy vô cùng u uất. Khi điệu nhảy bắt đầu, chi cảm thấy một kinh nghiệm thần bí. Bỗng nhiên Helene nhìn thấy Chúa Giesu đứng kề bên mình, thân mình Người trần trụi đầy những thương tích. Chúa nhìn chị như ai oán và nói = Cha còn phải chịu đựng con đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây ? “ ( Nt Sophia Sđd ). 

Sở dĩ Chúa phải lên tiếng trách móc Faustina nặng lời là vì cho đến giờ phút ấy chị vẫn chưa nhận thức được tính chất cấp bách của việc tông đồ = Biết bao linh hồn sẽ phải hư đi trong từng giờ từng khắc nếu không được Chúa cứu vớt. Mặc dầu vậy Chúa cũng chỉ thực hiện việc cứu vớt thông qua các tông đồ của Ngài. Không có những con người này thì Chúa cũng như đành…bất lực. Có nhận ra như thế mới hiểu tại sao Chúa lại phải nài nỉ thúc bách Faustina đến vậy. Đúng là Chúa thúc bách, nhưng như thế không có nghĩa người tông đồ có thể tránh khỏi việc tìm kiếm. Sau khi rời khỏi vũ trường, lập tức Faustina nhắm thẳng hướng nhà thờ chính tòa Thánh Stanislaus Kostka. Bấy giờ trời đã nhá nhem tối, trong nhà thờ chỉ còn dăm ba người. Không cần biết ai đang ở chung quanh, Helen sấp mình trước nhà tạm. Từ thẳm sâu linh hồn đang tràn ngập sầu thảm, chị van nài Thiên Chúa soi sáng cho biết việc phải làm và kế tiếp phải làm những gì. Bỗng nhiên chị nghe có tiếng = Con hãy lập tức đi Warsaw, con sẽ vào một tu viện ở đó” ( Nt Sophia Sđd )

Con đường tìm kiếm Thiên Chúa mà Đức Kito dẫn ta đi hoàn toàn không có điểm đến như đường đời = từ điểm A tới điểm B là một khoảng cách địa lý nhất định. Còn với đường tâm linh thì điểm khởi hành là Tâm mà điểm đến cũng vẫn là Tâm. Duy có sự khác biệt thế này, điểm khởi hành là vọng tâm phân biệt còn điểm đến là chân tâm vô phân biệt. Còn giữ tâm phân biệt là còn thấy có mình ( Chấp ngã ). Để tìm được Chúa tức ngộ nhập Chân Tâm thì phải dám bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo ( Mt 16, 24 ). Việc tìm kiếm của Faustina trải qua biết bao là trở ngại, kể cả không ít nỗi nhục người đời không sao chịu nổi “ Một ngày kia chị Faustina đã phải chịu một nỗi sỉ nhục khủng khiếp khi một bề trên nọ đã nói thẳng với chị = cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo ngay khỏi cái phòng này, đừng có mà nói vớ nói vẩn. Bề trên ấy tiếp tục trút xuống đầu chị mọi thứ mà bà có thể nghĩ ra. Chị Faustina lui về phòng riêng gục mặt trước tượng Thánh Giá rồi ngước nhìn Chúa Giesu mà không sao thốt lên nửa lời” ( Nt Sophia Sđd).

Thường thì chúng ta chỉ nhìn thấy vinh quang của các Thánh và nghĩ con đường các Ngài đi trải đầy Ơn Chúa và vì thế cũng trơn tru thẳng tắp. Thế nhưng thực sự thì tất cả các ngài không trừ một ai đều phải trải qua vô vàn chông gai thử thách mới có thể đến được cái nơi muốn đến.

II/- Tín thác vào lòng Chúa thương xót

Chúa thiết lập Hội Thánh Tông Truyền cùng với lời hứa“ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Lời hứa ấy Chúa vẫn thực hiện không ngừng nghỉ nơi các Bí Tích đồng thời với sự xuất hiện của các Thánh vào những thời gian thích hợp. Faustina đã được Chúa kêu gọi cho chương trình cứu độ trong thời sau hết này “ Một hôm lúc chị quyết định đọc sách thay vì nguyện gẫm thì nghe mệnh lệnh rõ rệt và mạnh mẽ này = con hãy sửa soạn thế giới cho lần đến sau cùng của Cha” ( Nt Sophia Sđd ). Để sửa soạn cho công cuộc lớn lao ấy Chúa muốn thành lập một hội dòng chuyên rao giảng Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới và bằng lời cầu nguyện mà khẩn nài Lòng Thương Xót cho thế giới. Trước yêu cầu này Faustina nhận thấy mình hoàn toàn không xứng đáng, muốn khước từ nhưng Chúa Giesu an ủi chị “ Đừng sợ, chính Cha sẽ bù đắp tất cả những gì khiếm khuyết ở nơi con”. Mặc dầu có được lời an ủi ấy nhưng chị Thánh vẫn cứ lo cho đến khi nhận được thị kiến “ Ngay lúc đó tôi nhìn thấy những điều kinh hoàng, các lý hình bỏ mặc Chúa Giesu ở lại đó và có những người khác tra tay đánh đập Người. Họ nắm chặt những chiếc roi tua và đánh đập Chúa một cách dã man. Những người này là các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các vị có thẩm quyền cao sang trong GH, điều này đã làm tôi thất kinh. Cũng có những giáo dân đủ mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh sống, tất cả đều trút những lời thóa mạ vào Chúa Giesu vô tội. Nhìn thấy cảnh tượng này trái tim tôi như lâm vào tình trạng hấp hối” ( Nt Sophia – Sđd )

Các lý hình tức những quân vô đạo chống báng Thiên Chúa, chúng có đanh đập dã man đến đâu cũng không khiến Chúa Giesu đau đớn cho bằng kẻ có đạo nhất là những con người Thánh Hiến bởi vì họ đã được Chúa nân lên hàng bạn hữu “ Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 15 ). Là bạn hữu tức ở trong Tình Yêu Thương mà lại sống tội lỗi, điều ấy không khỏi khiến Chúa khổ đau khôn cùng. Tại sao Chúa lại có thể khổ đau ? Đó là vì Đấng Chúa ấy chẳng phải đấng nào khác mà chính là Đức Kito ở trong mỗi người “ Về phần anh em, há không biết rằng Chúa Giesu Kito ở trong anh em sao ? ( 2C 13, 5 ). Mỗi khi cố tình phạm tội là một lần Chúa bị đánh đòn lăng nhục. Chị Thánh Faustina đã tỏ ra lo lắng vì khả năng bất xứng của mình trong việc lập dòng mới và đã được Chúa an ủi nhưng vẫn còn e sợ cho đến khi được thị kiến việc Chúa bị đập đánh tàn nhẫn. Trước đó thì Chúa ủi an chị nhưng sau thì chính chị lại thấy mình phải có bổn phận an ủi Chúa. Việc an ủi, nói đúng hơn là giúp đỡ Chúa mục đích là để sao cho nhân loại có thể xác tín vào Lòng Xót Thương vô bờ của Thiên Chúa, chị đã ghi những lời này trong Nhật Ký “ Lạy Chúa Giesu của con, lòng nhân lành Chúa vượt quá mọi trí hiểu và không ai có thể múc cạn được lượng xót thương của Chúa. Án trầm luân chỉ dành cho những ai muốn bị trầm đọa mà thôi. Còn những ai muốn được cứu rỗi thì vẫn có cả một đại dương thương xót mênh mông của Chúa cho họ kín múc. Một chiếc bình nhỏ bé làm sao chứa đựng nổi cả một đại dương bất tận ? “ ( Nt Sophia Sđd ).

Chỉ những ai muốn trầm luân mới bị trầm luân, điều này khiến chúng ta không khỏi hy vọng về phần rỗi mình. Thế nhưng cần phải hiểu thế nào là lòng muốn ? Thực sự thì lòng muốn và việc làm thường vẫn trái ngược nhau “ Vì lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn tôi lại không làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm” ( Rm 7, 18 -19). Không có quyền lực làm điều thiện thì không thể làm điều thiện lý do là bởi vẫn còn có “ Cái Tôi”. Bao lâu còn thấy “ Có Tôi” ( ngã chấp) thì bất cứ việc làm nào dù dưới mắt thế gian có lớn lao trọng đại đến đâu như nhân danh Chúa mà nói tiên tri, đuổi quỷ hay làm phép lạ cũng bị Chúa cho là phường gian ác” ( Mt 7, 21 -23). Quyền lực làm điều thiện sẽ không thể có nếu còn có “ Cái Tôi”. Trái lại bỏ “ Cái Tôi” đi thì sẽ có quyền lực và quyền lực ấy sở dĩ có là do bởi Chúa, chính Thánh Ý Chúa trong ta đã làm việc của Ngài. 

Chúa Giesu dạy Thánh Nữ Faustina truyền bá Lòng Thương Xót và hứa ban rất nhiều ơn lành cho những ai thực hành “ Cha muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho những linh hồn nào đi xưng tội và rước lễ trong ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót của Cha ( Chúa nhật thứ hai sau đại lễ Phục Sinh) Hoặc nếu Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa được đọc trước mặt tội nhân đang hấp hối dù họ có hiệp thông hay không chuỗi LTXC cũng sẽ cứu được tội nhân ấy thoát kh3i hỏa ngục v.v.. Những điều Chúa hứa ban thật dễ dàng cho những ai hết lòng tín thác. Ngược lại thì rất khó, khó vô cùng …

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét