Sàigòn -
Thư linh mục Chân Tíngửi Đức cha A. Fiorenza, Chủ tịch hội đồng Giám mục Hoa Kỳ
Kính thưa Đức Cha,
Con là linh mục Stêphanô Chân Tín, DCCT, con rất vui mừng được tin Đức cha và phái đoàn giám mục Hoa Kỳ chính thức viếng thăm Việt Nam từ 26.8 đến 2.9.1999. Con cầu xin Chúa cho chuyến viếng thăm của Phái đoàn đem lại cho Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ và Giáo hội Công giáo Việt Nam một sự thông cảm ngày một sâu sắc hơn.
Nhân dịp này, con xin bày tỏ một vài trăn trở của Giáo hội Công giáo Việt Nam về tình trạng vi phạm tự do tôn giao ở Việt Nam.
Trong những ngày phái đoàn viếng các giáo phận, có thể Phái đoàn có cảm tưởng ở Việt Nam có tự do tôn giáo, khi phái đoàn thấy có nhiều giáo hữu đi dự lễ. Đó chỉ là dấu người công giáo Việt Nam có một đời sống Công giáo sâu sắc, mặc dù những giới hạn của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Đúng vậy, Nhà nước Xã hội chủ nghĩa quyết tâm bóp chết các tôn giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng.
Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã ký vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và đã ban hành một Hiến Pháp trong đó các nhân quyền và quyền công dân được nhìn nhận. Nhưng đó chỉ là mánh khóe tuyên truyền cho quốc tế coi nước Việt Nam là một nước dân chủ, tôn trọng quyền con người và quyền công dân. Thực tế lại trái hẳn.
Ngay trong Hiến pháp, Điều 4 đã xác nhận chủ nghĩa xã hội vô thần như một thứ tôn giáo bắt buộc mọi công dân phải giữ, thì đã có mâu thuẫn giữa Điều 4 Hiến pháp và việc xác nhận nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo. Do đó, luật pháp áp dụng Điều 4 Hiến pháp để hủy bỏ nhân quyền. Luật pháp cũng nói đến tự do của công dân, nhưng luôn đòi hỏi phải xin phép. Trong vấn đề tự do tôn giáo, ngày 26.4.1999 Ban Tôn giáo của Chính phủ đã ra một Nghị định về hoạt động tôn giáo. Nghị định này nhắc lại điều 70 của Hiến pháp nhìn nhận tự do tôn giáo, nhưng lại hạn chế hoạt động tôn giáo đến mức không còn tự do nữa.
Sau đây là những dẫn chứng:
- Điều 7 của Nghị định xác nhận quyền hoạt động tôn giáo, nhưng lại hạn chế vào “các cơ sở thờ tự”. Với sự hạn chế này, những nơi chưa có cơ sở thờ tự, thì không được sinh hoạt tôn giáo và Nhà nước lại không cho xây cơ sở thờ tự mới cho vùng ấy, chỉ cho phép trùng tu hay xây lại nhà thờ đã có. Với hạn chế này, Nhà nước muốn ngăn chặn sự phát triển tôn giáo trong nhân dân. Đó chính là trường hợp mới xảy ra vào ngày 8.8.1999. Xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, Tp.HCM có khoảng 83 người công giáo, chưa có nhà nguyện hay nhà thờ, đã gặp nhau trong một gia đình để cầu kinh, nghe Lời Chúa, thì bị công an giải tán, dọa nạt, gọi từng người một lên trụ sở công an để điều tra và răn đe. Thế là người ta muốn diệt Giáo hội Công giáo trong xã này.
- Điều 8 của Nghị định: buộc đăng ký những hoạt động tôn giáo thường xuyên và phải xin phép mỗi khi có những hoạt động tôn giáo không thường xuyên như tĩnh tâm các linh mục, tu sĩ chẳng hạn. Buộc Giáo hội xin phép, nhưng Nhà nước lại tùy tiện cho phép hay không cho phép. Thế có nghĩa là không có sự tự do hoạt động tôn giáo.
- Sau khi Nghị định 26.4.1999, Ban Tôn giáo còn ra một Thông tư số 1, ban hành ngày 16.6.1999 hường dẫn thực hiện Nghị định. Thông tư này lại hạn chế thêm nữa các hoạt động tôn giáo: họ đòi những người đi tu phải xin phép Nhà nước và Nhà nước thường lại ít cho phép. Họ muốn bóp chết các dòng tu.
- Thông tư còn buộc giáo dân phải hoạt động tôn giáo nơi xứ đạo của mình không được đi dự lễ ở một nhà thờ xứ khác. Thế có nghĩa là hạn chế tự do chọn lựa những nghi lễ hay các bài giảng hợp với đời sống thiêng liêng của cá nhân.
- Một đoạn khác trong thông tư này nói: “Nhà nước không chấp thuận việc chuyển giao nhà đất của cá nhân thành cơ sở thờ tự tôn giáo dưới bất kỳ hình thức nào”. Như thế có nghĩa Nhà nước muốn bóp chết sinh hoạt tôn giáo của người dân. Khi giáo dân còn ít, thì chỉ có một nhà nguyện hay một nhà thờ nhỏ. Khi giáo dân tăng, cần phải mở rộng nhà thờ, cần phải mua thêm đất của dân. Nếu Nhà nước cấm mua thêm đất, giáo dân không có nơi thờ tự đủ lớn cho các sinh hoạt tôn giáo. Đây cũng là một mánh khóe của Nhà nước muốn bóp chết sự sống tôn giáo của người dân. Cụ thể, như trường hợp xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, Tp.HCM, tất cả giáo dân 83 người đều là tân tòng từ 1993 đến nay, chưa có nhà thờ, nhà nguyện, bị cấm hoạt động tôn giáo ở một gia đình. Nếu Nhà nước cấm Giáo hội mua bán đất của dân để làm nhà thờ, nhà nguyện, thì những người công giáo ở đây rất xa nhà thờ một họ đạo khác, đành phải bỏ hoạt động tôn giáo. Ý đồ phá đạo của Nhà nước đã quá rõ.
- Đó là không nói đến những hạn chế mà Nhà nước Cộng sản đã áp dụng trong sinh hoạt của Giáo hội: hạn chế số đại chủng viện, từ 25 chủng viện của 25 giáo phận, còn lại 6 chủng viện; đặt điều kiện tuyển chọn giáo sư, hạn chế sĩ số chủng sinh; phong chức linh mục đòi hỏi phải xin phép Nhà nước và Nhà nước có thể từ chối, mà không có lý do; việc thuyên chuyển linh mục cũng gặp nhiều khó khăn; Tòa Thánh đặt các giám mục cho các giáo phận gặp nhiều trắc trở, cản ngăn, từ chối.
Kính thưa Đức cha và quý vị trong phái đoàn công giáo Hoa kỳ,
Trên đây là một ít trăn trở của Giáo hội Việt Nam cũng như của các tôn giáo khác trên Đất nước này. Hy vọng Đức cha và quý phái đoàn phản ảnh những trăn trở ấy của chúng con, yêu cầu Nhà nước tôn trọng nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo.
Kính chúc Đức cha và Phái đoàn nhiều ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng Chúa giao cho các Ngài.
Kính,
Lm. Chân Tín
(Tin Nhà số 41-1999)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét