LTCGVN (18.01.2013)
Một người dân quê trở thành Giáo hoàng của Công đồng Vatican
Sàigòn
Ngày 25 tháng này, toàn thể Giáo hội hân hoan mừng ngày sinh nhật Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Trong ngày vui này Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và tất cả bạn đọc dâng lên Đức Thánh Cha lời chúc mừng của đoàn con thảo và nguyện chúc ngài thực hiện ý muốn đem lại cho Giáo hội một Lễ Hiện Xuống mới, để Giáo hội hoàn thành sứ mạng đem tin mừng giải phóng cho nhân loại và hướng dẫn lịch sử nhân loại đi đến cùng đích là Thiên Chúa.
Nhân dịp này, chúng tôi xin công hiến bạn đọc quãng đời của con người dân quê cho đến khi làm Giáo hoàng. Chúng tôi thiết nghĩ rằng cuộc đời là chiếc gương trung thành nhất của một con người.
ANGELO RONCALLI, tức là Đức Gioan XXIII, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881, tại Sotto-il-Monte, một làng nhỏ nước Ý. Angelo là con thứ ba, trong một gia đình dân quê, có tất cả 11 người con.
Ngày rước lễ lầ đầu, Angelo đã tỏ vẻ với mẹ ý muốn làm linh mục. Theo ý con, cha mẹ giao phó trẻ thơ cho một cha xứ để học La ngữ và chuẩn bị vào chủng viện. Trong thời gian ấy, Angelo phải gặp nhiều đắng cay, vì cha xứ nóng nảy thường dùng phương thế “mạnh” để nhét La ngữ vào óc trẻ. Vài ba năm sau, Angelo được nhận vào chủng viện Bergame. Năm 1899 Roncalli được bề trên đưa về học đường Csaroli ở La Mã. Năm 1903, ngài được phong linh mục. Năm sau, ngài đỗ bằng tiến sĩ thần học. Ít lâu sau, đức giám mục địa phận Bergame chọn ngài làm bí thư. Trong 10 năm, linh mục trẻ tuổi này theo đức giám mục như hình với bóng. Rất ham hoạt động, ngoài công việc bí thư cho Đức giám mục, ngài còn dạy ở chủng viện và điều khiển phong trào Công giáo Tiến hành. Ngài tỏ ra hiền lành, nhân từ, nhã nhặn, tin cậy, tôn kính mọi người. Ngài thích trò chuyện vui vẻ. Đâu có ngài không khí trở nên ấm áp. Ngài thích nói đùa, nhưng luôn xứng đáng.
Tháng 5 năm 1915 nước Ý tuyên chiến với Đức. Cha Roncalli được chọn làm tuyên úy quân đội. Ngài hết sức tận tâm lo phần thiêng liêng cho binh sĩ. Sau đại chiến, ngài được làm bổ nhiệm làm linh mục của đại chủng viện Bergame. Trong thời gian ấy, ngài hoạt động không ngừng để tổ chức Công giáo Tiến hành. Năm 1920, Đức Giáo hoàng Benedictô XV gọi ngài về làm việc ở Bộ Truyền giáo. Trong thời gian ấy ngài đã đem hết tâm lực của ngài để cải tiến việc truyền giáo.
Năm 1925, đức piô XI trao cho người một trách nhiệm mới: làm đại diện Tòa Thánh Bulgarie. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, vì đã hơn 1000 năm nay, giữa Roma và Bulgarie không còn liên lạc. Tháng 3 năm 1928, đức Rocalli được phong giám mục và lên đường đi Bulgarie. Trong thời gian làm đại diện Tòa Thánh, ngài không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Ngài thăm viếng tận những nơi hẻo lánh và nguy hiểm nhất. Ngài đem hết trí lòng để đặt nền móng cho Giáo hội Bulgarie. Đàng khác, ngài liên lạc với những anh em Chính thống để đưa họ về với Giáo hội Công giáo.
Ngày ngài được chọn làm khâm sai Tòa Thánh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, tất cả mọi người ở Bulgarie đều mến tiếc. Ngài ra đi trong một cuộc tiễn đưa đông đủ quan khách đạo đời và tín hữu Công giáo cũng như Chính thống. Đó là một bằng chứng ngài được tất cả mọi người mến chuộng.
Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng: chính quyền ở đây tỏ thái độ chống Giáo hội. vì thế lúc đầu đức Roncalli phải hoạt động cách rất kín đáo. Nhưng dần dần nhờ cách đối xử tế nhị của ngài, chính phủ Ankara đã nể ngài tuy tinh thần bài tôn giáo vẫn mãnh liệt.
Trong kỳ đại chiến thứ hai, đức cha Roncalli ở trong một tình trạng khó xử: Phe nào cũng muốn ngài lên án đối thủ. Nhưng ngài luôn trung thành với sứ mạng thiêng liêng của ngài. Ngoài ra, ngài còn vận động với Tòa Thánh để viện trợ cho hàng vạn trẻ Hy Lạp chết vì thiếu ăn. Ngài còn đi từ trại giam này đến trại giam khác để ủy lạo tù binh và tổ chức đưa tin tức gia đình cho họ.
Tháng 12 năm 1944, Ngài được Đức Piô XII chọn làm sứ thần tại Balê, trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn của thời kỳ chính thể De Gaulle muốn đổ lỗi cho hàng giáo phẩm Pháp trong thời kỳ kháng chiến. Tình thế càng khúc mắc, Ngài càng đơn giản hóa tất cả. Chính lúc ấy ngài viết: “Chúa đã để tôi không khúc mắc trong những cái đơn giản và đơn giản hóa những cái khúc mắc”. Đối với Giáo hội Pháp, ngài đã quyết định nhiều vấn đề khó khăn nhờ tính kiên nhẫn của ngài. Trong 10 năm làm sứ thần ở Pháp, ngài đã được các giới mến chuộng từ những nhà chính trị, những nhà bác học đến những người dân quê. Đối với hết mọi người, ngài luôn đơn sơ dịu hiền nhưng ngài thương yêu cách riêng những người dân quê. Trong những dịp đại lễ, ngài vẫn tìm cách gần gũi những người nghèo khổ, cách riêng những người thôn dã. Gặp họ, ngài niềm nở hỏi: “Chúng con ở thôn quê lên phải không? Cha cũng người thôn quê”.
Ngày nhậm chức giáo chủ Venise, ngài đã tuyên bố với tín hữu: “Chúng con đừng coi cha như một nhà ngoại giao, một chính khách, nhưng chỉ là một vị chủ chiên của chúng con”. Ngài không bao giờ nghĩ rằng ngài sẽ đi con đường của Đức Piô X. Một ngày kia ngài cũng đã lấy vé khứ hồi để đi bầu Giáo hoàng. Nhưng ngài không dùng đến vé lần thứ hai.
Lúc ngài ra mắt lần đầu tiên với dân chúng với phẩm phục trắng của Giáo hoàng, bao người ở công trường Thánh Phêrô đã kêu lên: “Đức Piô X đã trở lại với chúng ta”.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 162-11/1962
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét