LTCGVN (05.12.2012)
Cha Stêphanô Nguyễn Tín, còn gọi là Chân Tín, tiến sĩ thần học tín lý, nguyên giáo sư thần học, giám đốc học viện DCCT Đà Lạt, chủ nhiệm báo Đức Mẹ, sáng lập tạp chí và tủ sách Tuổi Hoa, sáng lập và chủ nhiệm tạp chí Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy cho đến năm 1978.
Sau khi bị nhà nước cấm làm báo, cha Chân Tín đã tự cho phép mình làm báo theo luật lương tâm và luật quốc tế. Ngài tiếp tục làm chủ nhiệm của các tạp chí Thư Nhà (ghi xuất bản tại Pháp), rồi sau là Tin Nhà (ghi xuất bản tại Úc). Khi hai ấn bản này hoàn thành sứ mạng, cha Chân Tín lại làm chủ nhiệm của bán nguyệt san Tự do ngôn luận, tiếng nói của phong trào 8406 cho đến lúc qua đời, ngày 01.12.2012, tại Sài Gòn, Việt Nam, thọ 92 tuổi.
Nhân dịp cha Chân Tín được Chúa gọi về, VRNs xin tuần tự giới thiệu đến quý vị những trang viết của cha Chân Tín, để hầu những ai chưa kịp biết ngài là ai, có thể qua các tác phẩm biết thêm về một nhân chứng của lịch sử. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ tác phẩm NÓI VỚI CON NGƯỜI của cha Chân Tín, với lời nói đầu của cố và cựu linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Lan, một người đồng hành với cha Chân Tín trong sứ vụ truyền thông.
----------
Lời nói đầu
“Cảm ơn các anh chị đã muốn cho ra tập hồ sơ Chân Tín. Những gì tôi viết là “primier jet” trong cuộc đấu tức khắc, kể cả bốn bải giảng. Vì thế khá luộm thuộm. Các anh chị có thể bỏ bớt hay sửa chữa qua loa lời văn. Có cái gì hay là tiếng của đức tin chứ không bao giờ nghĩ là sẽ cho in. Nhưng nếu anh chị thấy có ích cho kẻ khác thì xin tùy nghi sử dụng”.
Mấy dòng trên của linh mục Chân Tín gửi cho chúng tôi (ngày 8.12.1992) tưởng cũng đủ để giới thiệu tập sách nhỏ này. Những bài tham luận, phát biểu, thư, bốn bài gảng in trong tập này, đã được phổ biến hầu hết, một cách tản mạn. Nhiều bài được đăng tải rộng rãi và dịch ra nhiều thứ tiếng. Nội dung các bài này tiếp nối và đào sâu thái độ của Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan và nhóm bạn từ sau năm 1975. Ai cũng biết, tờ Đứng Dậy mà Chân Tín làm chủ nhiệm và Nguyễn Ngọc Lan làm tổng biên tập đã được mời tục bản sau biến cố 30/4/1975. Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy. Ba tên của một nguyệt san đeo đẳng với vận mệnh đất nước từ năm 1969 đến 1978. Những năm sôi bỏng. Muốn giữ đứng phải né tránh và “tự ý đục bỏ”. Mặt khác để bảo vệ tiếng nói tự do lại cần có nội dung chặt chẽ. Thật không dễ. Vì thế mà trước năm 1975, báo bị tịch thu dài dài và chủ nhiệm Chân Tín, đứng mũi chịu sào. Lai rai vác chiếu ra tòa. Cuối cùng bị cấm. Và thành ‘báo lậu”. Cuối năm 1978 không ai đòi ra tòa, không có kiện tụng nhưng vẫn có đóng cửa. Và sau khi đóng cửa cũng không có “báo chui”. Sự kiện nhỏ này là một hội chứng lớn về sự khác biệt giữa hai chế độ.
Chính quyền cộng sản đã lầm khi họ tưởng rằng bắt Đứng Dậy ngồi xuống là khai trừ được một tiếng nói chân chính. Trước sự đàn áp và bất công, người dân vẫn còn cả một rừng cười. Nếu tiếng hát át được tiếng bom thì tiếng “hót” của mọi hội nhà văn, nhà báo, của mọi thứ công giáo, phật giáo quốc doanh lại càng vang thêm tiếng cười. Nhưng cười để khóc chưa đủ. Tiếu lâm dân gian là một cách đối phó “chui”. Chưa phải đối diện. Trước một thể chế nhân danh nhân dân để “bốc hơi” bộ mặt thực của người dân, cần có những người can đảm lộ diện để đối diện với độc tài, nói lên sự thật và những đòi hỏi chính đáng của lương tâm. Nói bóng gió xa xôi, nói chung, nói riêng, dù bất mãn đi nữa vẫn là phục tùng. Vì sợ! “Mọi sự xuất phát từ cái sợ, sợ, sợ”. Chân Tín là một trong những người dám đập tan cái sợ, dụng cụ thiết yếu của chế độ. Không có quyền ra báo, Chân Tín vẫn cứ nói khi cần lên tiếng. Mà vì không còn phải trách nhiệm về sự sống còn của một tờ báo và sự yên ổn tương đối của những người cộng tác, ông cũng hết phải cần né tránh. Tờ Đứng Dậy bị đóng cửa cũng là cơ hội cho phép Chân Tín và các bạn ông tự do sống tự do của con người. Độc tài càng khe khắt, tự do càng có dịp khẳng định thực chất và vị trí của mình. Vì thế những bài Chân Tín viết ra hay nói ra không phải là những tiểu luận về chính trị, cũng không phải là những tham luận mang tính cách tôn giáo hay đạo đức. Trước hết đó là tiếng nói can đảm, độ lượng và chân thành của một con người tự do, từ nhiều năm qua nhập cuộc với tư cách công dân, tín hữu và linh mục.
Mục đích của tiếng nói ấy là bộc lộ ‘trạng thái sơ khởi’ (primier jet) của niềm tin và hy vọng. Không tìm lời hay ý đẹp. Không chải chuốt văn vẻ. Không đắn đo, không lèo lái. ‘Sic sic, non non’. Có nói có, không nói không. Tất nhiên không phải nói huỵch toẹt để bài kích hay khiêu khích tha nhân nhưng thẳng thắn và trung thực, cho dù có vì thế mà mất lòng người khác. Vì đặc vụ của linh mục là làm sáng tỏ đức tin bằng việc làm và lời nói. Và có gì đáng giá là tiếng của đức tin. Còn lại là nhược điểm tất yếu của con người. Mở đầu bài giảng sám hối Chân Tín đã khẳng định: “Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước hết.” Xin đừng tưởng ông nói suông cho đẹp lời để rồi sau đó đi đấm ngực kẻ khác. Vì, “hơn ai hết, linh mục là người phải sám hối nhiều nhất..., càng nhiều chức phận, càng nhiều trách nhiệm và đồng thời cũng nhiều sai phạm”. Linh mục cũng là người thôi, “cũng bị tham sân si chi phối”.
Nhưng tham sân si chưa đáng e ngại bằng sự thiếu trung thành và chính xác với chính đức tin mình sống và có trách nhiệm rao giảng. Trong một thế giới mất hướng, giữa một xã hội lũng đoạn như xã hội Việt Nam, tin là đòi hỏi cấp bách mà vì thế, xét về mặt nào đó, cũng là một món hàng ăn khách.
Giữa tin và mê tín, biên giới mập mờ. Từ tin đến cuồng tín, con đường khá quen thuộc. Những giá trị cao đẹp, chính vì cao đẹp, dễ biến thành vũ khí hãm hại con người. Các nhà tôn giáo chân chính luôn luôn đề phòng để đức tin không hóa ra bùa chú mê hoặc lòng người và tôn giáo không biến thành thuốc phiện ru ngủ chúng sinh trong cõi trầm luân. Khi con người ham ngủ, thiếu gì thuốc phiện. Khi muốn quay lưng với thực tế và chính mình, thì cái gì cũng thành ma túy cả. Chẳng hạn: chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh (!), kinh tế thị trường, truyền thống dân tộc, khoa học kĩ thuật...
Chân – Tín thuộc loại người đánh thức. Và đó là lý do cơ bản gây nhiều ngộ nhận, nó cắt nghĩa tại sao trước 1975 ông bị mang tiếng là “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” để rồi sau 1975 người ta lại than phiền rằng trước kia ông thiên tả mà sao bây giờ ông thiên hữu vậy, trước kia “yêu nước” thế mà bây giờ vv...
Ngày 6.11.1989 bị gọi ra Sở Công an làm việc với ông Võ Viết Thanh, thứ trưởng bộ Nội vụ, Chân Tín nói: “Hồi chế độ cũ, tôi cũng đến Sở Công an này, trước kia gọi là Nha cảnh sát Đô Thành, để bị thẩm vấn về các hoạt động của tôi qua báo Đối Diện, qua những cuộc xuống đường chống Mỹ -Thiệu, qua ủy ban tranh đấu cho tù chính trị. Trả lời: “Vâng nhưng thời cuộc đã đổi thay”.
Đúng thế. Thời cuộc đã đổi thay. Nhưng lòng người vẫn chưa thay đổi. Ai cũng sẵn sàng vỗ tay người đánh thức, miễn là đánh thức trên mây gió. Phê bình rất quý, miễn là phê bình bên cạnh người bên cạnh, đừng làm mất giấc ngủ “chủ nhà”. Công giáo phê bình người công giáo là thiếu bác ái, chia rẽ giáo hội, vạch áo cho người xem lưng. Sống dưới thể chế cộng hòa mà tố cáo những vi phạm nhân quyền, đòi cải thiện chế độ lao tù là làm tay sai cho cộng sản. Sống dưới thể chế cộng sản mà đòi tự do, đòi tôn trọng nhân quyền và dân quyền là vi phạm an ninh quốc gia, làm tay sai cho địch.
Đứng về phía kẻ thắng rất dễ. Nhiều người không nhìn thấy phía nào khác. Đứng về phía kẻ bại cũng không quá khó. Đây thường là lựa chọn của những tâm hồn cao thượng. Khó là đứng về phía con người trong mọi hoàn cảnh, thuận cũng như nghịch. Chân – Tín đã làm thế.
Ai có dịp đọc thư Chân Tín, thấy ông viết những bài phát biểu và tham luận giống như ông viết thư. Chân tình và nhạy cảm, luôn luôn tìm gặp và tìm nghe người khác. Viết như dốc cả tâm hồn vào điều mình muốn nói. Giọng điệu dễ dãi, đơn giản, Chân Tín gọi là “luộm thuộm”. Còn những người viết cho ông, ngoài bạn bè thân hữu, có một số do trước kia được ông nâng đỡ và thăm nom trong nhà tù của chế độ Cộng Hòa miền nam, một số khác vì nhờ sự giúp đỡ của ông mà thoát ách chính quyền cộng sản. Cũng có người liên lạc với ông từ thời làm chủ tịch Ủy ban cải thiện chế độ lao tù, nay tiếp tục ủng hộ tiếng nói của ông và tranh đấu cho ông. Có những thành viên của Ân xá quốc tế đều đặn viết thư cho ông từ khi ông bị tước đoạt tự do. Vào dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, riêng từ nước Anh mấy trăm lá thư của những người bạn chưa quen biết gửi tới ông chứng tỏ rằng cuộc tranh đấu cho con người, cho tự do và công lý tự nó sẽ làm nảy sinh những tiềm lực cần thiết để tiếp tục đấu tranh.
Ông già Chân Tín năm nay 72 tuổi vẫn sống thanh thản tại một xứ đạo nhỏ bé và hẻo lánh miền Duyên Hải. Không được quyền làm công việc của một linh mục, không được phép giảng, cũng không được phép nói trong nhà thờ như một giáo dân. Nhưng sự có mặt, và nhất là sự vắng mặt của Chân Tín lại là một tiếng nói, đúng hơn, một tiếng kêu của người dân Việt-Nam!
Ông già Chân Tín mất quyền công dân! Ông già Chân Tín bị đày, bị quản thúc chỉ vì nói lên lòng người, nói cho con người! Tiếc thay! Tiếc cho cả dân tộc Việt Nam. Tiếc nhất cho những kẻ đã làm nên nông nỗi này!
Ước gì bạn đọc không chỉ coi tập hồ sơ này như một tài liệu tham khảo. Đàng sau những dòng chữ có một bộ mặt, một niềm tin của một công dân, một linh mục Việt Nam thiết tha làm chứng cho khổ đau và hy vọng của con người Việt-Nam. Chân Tín không có chỗ đứng trên mảnh đất Việt Nam là dấu chỉ người dân Việt Nam đã mất quyền làm chủ trên quê hương mình. Gần 70 triệu người Việt hiện đang vất vưởng và tạm bợ cắm trại trên chính mảnh đất cha ông đã để lại. Mà cái tập đoàn đã và đương đẩy họ vào thảm trạng đó gồm toàn người đồng bào của họ.
Thực tại ngược đời ấy đòi hỏi mỗi người phải tiếp tục tranh đấu. Gương của Chân Tín cũng như gương của bao nhiêu người khác, thúc đẩy mỗi người trong chúng ta phải tự đại diện cho chính mình, đứng dậy, nói lên tiếng nói của người dân. Đó là nguồn gốc của dân chủ.
Khi quyền lực độc tài đã tước đoạt hết, con người chỉ còn có lương tâm của mình. Tiếng nói của lương tâm là ánh sáng không một quyền lực nào dập tắt được. Nếu chúng ta muốn, tiếng nói ấy sẽ thành Lời.
Thư Chân-Tín: “Tôi đứng để nói, công an cấm. Tôi sẽ ngồi mà nói. Nếu người ta cấm nữa tôi sẽ nằm mà nói.”
Nguyễn Ngọc Lan
Tham luận tại Hội Nghị Ủy ban Trung ương MTTQVN (23.2.1978) về vụ các tu viện Thủ-Đức
Ngày 4.2.1978 tại hội trường chính quyền, ông Mai-Chí-Thọ nói chuyện trước cử tọa gồm đại diện Mặt trận tổ quốc thành, quận, phường và giới công giáo (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) về vụ linh mục Nguyễn Văn Vàng và về vụ năm tu viện Thủ Đức, từ 8 giờ đến 12 giờ. Ông Mai Chí Thọ ngỏ ý muốn có trao đổi giữa đồng bào và chính quyền. Nhân dịp Hội nghị Mặt Trận, chúng tôi chân thành bày tỏ cùng chính quyền một số cảm nghĩ sau đây:
1. Một vài ưu tư về chuyện chung đất nước và lợi ích của Giáo hội Công giáo
Chính vì sự đoàn kết dân tộc mà chúng tôi có ưu tư: cố gắng của chúng tôi là giúp cho chính mình cũng như anh em đồng đạo hòa mình với toàn thể đồng bào, chung sức góp phần để quê hương được bình an, ấm no, hạnh phúc. Những cố gắng đó – tuy chưa thấm vào đâu, như Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình nói – song cũng tỏ một ý chí, một chiều hướng mà các giám mục phía nam đã bày tỏ trong Thư chung tháng 7/1976 gửi đồng bào công giáo.
Có thể nói chính vì chuyện chung đất nước và cũng vì giáo hội công giáo mà chúng tôi ưu tư. Trong sự nghiệp chung của dân tộc, chúng tôi muốn có một đóng góp tích cực của giới công giáo phía Nam – không ở trong thái độ tiêu cực của một ‘Giáo hội thầm lặng’ – nhưng càng tin tưởng hơn vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng tại buổi họp 4.2.1978, ông Mai Chí Thọ đã nhận thấy đồng bào công giáo ‘nghi ngờ’ vụ các tu viện Thủ Đức. Mối ưu tư chúng tôi là ở điểm đó: Quả có sự nghi ngờ của đồng bào về vụ tu viện. Xin giải bày ở đây cái tâm tư của người công giáo, không ngoài ước muốn chính quyền hiểu thêm chúng tôi.
Sự nghi ngờ này dễ có do những thành kiến chưa xóa sạch được giữa công giáo và cộng sản. Nhưng riêng trong vụ tu viện nó lại còn dựa trên một quá trình lịch sử: Cách mạng 1789 tại Pháp, luật tách rời Nhà thờ và Nhà nước năm 1905 taị Pháp. Cách mạng 1917 tại Nga, kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu đều có chuyện đuổi các tu sĩ khỏi tu viện, đóng cửa các dòng... Nay thấy Cách Mạng Việt Nam chiếu cố đến một loạt dòng tu, người công giáo khó tránh khỏi bi quan và nghĩ rằng lịch sử chỉ lặp lại, chưa có gì mới.
Tại nước ta, Đảng chủ trương vận dụng óc sáng tạo, tìm một đường lối độc đáo, căn cứ trên thực tế và trên các tác động qua lại. Phương hướng này giúp cho thành phần cởi mở của giới công giáo khuyến khích anh em đồng đạo tích cực đóng góp vào công trình xây dựng quê hương. Hội đồng Giám mục hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn năm 1976 với Thư chung định hướng; tham luận của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình tại Đại hội Giám mục thế giới lần thứ 5 ở Roma năm 1977 là những đóng góp quan trọng trong bước tiến này. Riêng tại Việt Nam, có thể nói nhiều năm trước giải phóng, các dòng tu tương đối tiến bộ hơn cả - trong nội bộ giáo hội cũng như trong tương quan với Cách mạng.
Vụ các tu viện Thủ - Đức gây trong giới đồng bào công giáo một mối lo sợ: lo sợ rằng có lẽ lịch sử lại tái diễn. Chúng tôi quả cũng không mong thấy lịch sử tái diễn, vì chúng tôi muốn đẩy lịch sử tiến tới bằng đóng góp tích cực của mình.
Nhân tiện đây, chúng tôi cũng mong chính quyền cảm thông với đời tu sĩ của chúng tôi. Có người hỏi sao trước Cách mạng thì nhiều dòng chủ trương phân tán, tu sĩ không ở các tu viện lớn, chia thành nhóm nhỏ, sống giữa lòng dân? Người khác thắc mắc tại sao nói nhiều về việc đi kinh tế mới mà vẫn ở tu viện thành phố. Thật ra thể hiện đời tu là thế này: chúng tôi đang ở thời kỳ quá độ, đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Chúng tôi sẵn sàng chia cộng đoàn lớn thành nhiều cộng đoàn nhỏ, đi lao động tay chân và trí óc. Nhưng hiện nay thay hộ khẩu rất khó, tu sĩ xin di chuyển chưa phải là việc dễ, muốn lên vùng kinh tế mới, nhưng còn gặp dè dặt phía Nhà nước...
Tại buổi họp 4/2/1978, ông Mai Chí Thọ có nói các tu viện dễ bị liệt vào trường hợp phạm pháp, nhà chức trách chỉ xét thư viện của các dòng, hẳn thế nào cũng phát hiện các sách ‘chống cộng’. Quả là có nơi soạn lại sách chưa hết, có thể còn sót sách báo loại này, hay có một vài cá nhân giữ lại với tinh thần không tốt. Nhưng chúng tôi biết rằng chủ nghĩa Cộng sản nói là ‘tin vào con người’ điều mà chúng tôi rất đồng ý. Đã tin vào con người thì cũng tin vào khả năng nhận định chân lý của con người. Loại sách ‘chống cộng’ trước khi Cách mạng thành công có thể có một ý nghĩa: nhưng sau khi sống trong xã hội chủ nghĩa một thời gian, những sách đó có thể lại mặc một nghĩa khác: hoặc để làm chứng cho những sai lầm mà những sách đó đã vu vơ khẳng định; hoặc để giúp người đọc đo được con đường mình đã đi; những sách đó khi ấy còn giá trị: giá trị tài liệu của một thời đại đã qua. Mà hầu hết các tu viện liên hệ ở Thủ Đức lại là những học viện, có nhu cầu nghiên cứu, học hỏi rộng rãi: chắc hẳn sách báo vô thần, duy vật biện chứng họ còn cất giữ nhiều hơn nữa.
Lại có người bảo chúng tôi đi tu, phải chăng là để bám vào cơ sở lớn? Thật ra đi tu không có nghĩa đó. Bản chất đời tu của công giáo là đời sống cộng đoàn, mà sống như vậy để sống đức tin của mình, nhưng cũng vì đó từ bỏ quyền tư hữu. Vấn đề làm công tác như giảng đạo, dạy học vv... chỉ là những hình thức cụ thể để người tu sĩ phục vụ đồng bào. Có thể nói đời tu trì khá gần với đời sống xã hội chủ nghĩa, ít ra trong thái độ đối với của cải và đối với lối sống tập thể.
Một điểm nhỏ cũng xin lưu ý là các nhà thần học có ảnh hưởng trong Công đồng vatican II – một công đồng đã vạch phương hướng đối thoại cởi mở cho Giáo hội những năm gần đây – phần lớn là những tu sĩ.
Cảm thông với đời tư của chúng tôi, chính quyền sẽ hiểu là chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng trong tu viện, ai có tội, Nhà nước cứ trừng trị khi có bằng cớ rõ ràng và tương xứng. Bản chất đời tu trì công giáo là đời sống tập thể, mọi người nhất trí trên mục tiêu do Hiến pháp dòng đề nghị - là mục tiêu tôn giáo. Đời sống tập thể đó, sự nhất trí đó không có nghĩa là một con người phạm tội, thì tất cả các tu sĩ đều nhất trí về việc xấu đó, đều tán thành việc xấu đó, trái lại, nếu có liên đới là theo nghĩa ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Bởi vì trong thực tế, chúng tôi dám nghĩ không một ai có trách nhiệm một cộng đoàn tu sĩ lại muốn có chuyện xấu xảy ra trong nhà. Đàng khác, tu viện sống tập thể, nhưng lại là tập thể những người có tuổi trưởng thành, mỗi người lại có công việc của mình, có trách nhiệm của mình và đủ tư cách để chịu trách nhiệm về chính mình trước mặt Nhà nước. Kinh nghiệm một số tu sĩ chúng tôi trong đời sống Mỹ-Thiệu, giấu một vài anh em cách mạng trong tu viện, làm chứng điều đó. Nhưng thời đó, dòng tu có thể làm việc này được là vì dòng tu được chế độ cũ o bế: và chúng tôi làm là vì việc đó có nhiều hướng tiến bộ. Còn như ngày nay, thì không ai dại gì mà chui vào dòng tu tìm sự an toàn khi làm việc phản động. Ngay linh mục Nguyễn Văn Vàng cũng thấy phải trốn khỏi tu viện mới tính chuyện âm mưu chống đối Nhà nước.
2. Nội vụ các tu viện Thủ Đức như chúng tôi hiểu được qua buổi họp ngày 4/2/1978
Đến đây xin đi vào nội vụ các tu viện Thủ Đức theo như chúng tôi hiểu được qua buổi họp mặt tại trường Chính quyền ngày 4/2/1978. Xin thành thật nói cảm nghĩ của chúng tôi trong tinh thần tìm hiểu nhau.
Cách trình bày của Nhà nước hôm đó xem như chưa thuyết phục đồng bào công giáo:
a) Linh mục Nguyễn Văn Vàng bị bắt vì âm mưu chống Cách mạng;
Lê Văn Đào, Phạm Quang Hồng và các sư huynh khác trường Mossard Thủ Đức bị bắt vì, theo như ông Mai Chí Thọ nói, giấu súng (30 khẩu) và in truyền đơn của Lm Vàng chống Cách mạng.
Linh mục Bùi Thanh Long bị bắt tại tu viện Don Bosco Thủ Đức vì chống chế độ. Tang vật được đưa ra và các tội phạm đều nhận.
b) Còn 4 tu viện khác (Phước Sơn, dòng Don Bosco, dòng Chúa Cứu Thế, dòng Đa Minh) thì ông Mai Chí Thọ cho biết còn trong vòng kiểm tra.
Nhưng các bảng treo trên tường, ngoài hành lang của hội trường, thì lại làm bằng những lời buộc tội khẳng định. Những buộc tội cá nhân, chúng tôi chắc Nhà nước sẽ công bố đầy đủ khi hoàn thành điều tra. Còn những buộc tội tập thể thì đã gợi cho chúng tôi một vài nhận xét sau đây qua một hai trường hợp:
a) Trường hợp dòng Đa Minh Thủ Đức về tội cá nhân thì bảng ghi: “Linh mục Bùi Đức Sinh chuẩn bị kế hoạch phá rối trị an và bố trí người đưa ra ngoại quốc.”
Tu sĩ Trần Thế Khoái khai man lý lịch, cấu kết với bọn cướp máy bay trốn ra nước ngoài; cũng có ghim một tài liệu với chú thích là tài liệu chống cách mạng của tu sĩ Phạm Mạnh Cường. Những tội cá nhân, chúng tôi không bàn tới như đã nói trên. Nhưng về tập thể, thì bảng ghi: Tu viện giấu cất sách báo và nhiều tài liệu chống Cách mạng. Vi phạm này, như ông Mai Chí Thọ nói, chúng tôi đều có thể rơi vào, nên chúng tôi chưa thấy ý nghĩa gì đặc biệt.
b) Trường hợp Dòng CCT Thủ Đức
Bảng treo tường mang nhan đề: “Vụ linh mục Nguyễn Văn Lộc và một số phần tử phản động Dòng Chúa Cứu Thế cấu kết với Mặt trận Quốc gia Giải phóng”, tức là nhan đề có chủ ý phân định cá nhân và tập thể. Nhưng liền sau đó lại thấy kê: “Các hoạt động phạm pháp của tu viện”, tức là không còn sự phân định kia. Tội ghi về tu viện gồm bốn mục, thì chỉ mục thứ 4 là qui riêng cho cá nhân Nguyễn Văn Lộc, còn 3 mục đầu là qui cho tập thể:
1- Mở chủng viện trái phép: Về điểm này anh Nguyễn Ngọc Lan hôm đó tại trường Chính quyền đã góp ý kiến: Học viện có từ trước cách mạng; khi chính quyền bảo đăng ký thì đã làm sớm; khi chính quyền yêu cầu tạm ngưng cho đến khi Nhà nước cho phép thì cũng ngưng ngay.
2- Tàng trữ vũ khí nhằm mục đích phản cách mạng: thật sự chỉ có một khẩu súng lục đã rỉ học sinh nhặt ở ngoài vườn.
3- Chứa người trái phép: Nếu có, thì đó chỉ là một vi phạm thông thường của bất cứ hộ nào sơ suất (bà con tới thăm mà không kịp trình tổ trưởng). Riêng trong trường hợp dòng Chúa Cứu Thế Thủ Đức chúng tôi được biết hoàn cảnh ông già Quý, không bà con thân thuộc, suốt đời ở với tu viện, có hộ khẩu tại tu viện, nay bị nhà chức trách đuổi khỏi hộ tu viện và đang sống trôi dạt... với giấy buộc tội cư ngụ bất hợp pháp. Còn anh Nguyễn Văn Đức bị bắt giữ, là người có hộ khẩu ở nhà bà mẹ anh, cạnh học viện DCCT, anh thường đến làm việc tại tu viện. Ngoài ra, chúng tôi xin phản ánh chung quanh học viện: Sau khi Công an chiếm đóng tu viện, đồng bào lương cũng như công giáo nói rằng có sự tẩu tán của cải từ tu viện ra ngoài. Riêng nhà thờ An Phong nằm trong khuôn viên học viện, thì giáo dân cho hay là đã bị dẹp, bàn thờ cũng bị phá, nơi này không còn là nơi trang nghiêm tế tự, được biến thành chỗ ăn ở và liên hoan của cán bộ. Về mấy dư luận này đã gây thêm hoang mang giữa đồng bào, nếu có thật, thì càng rất đáng tiếc.
Để nói thêm cảm nghĩ: chúng tôi được biết là Nhà nước vẫn muốn cán bộ học tập để phân định đâu thù, đâu bạn, đâu tập thể, đâu cá nhân. Nhưng chúng tôi không khỏi lo ngại rằng cách trình bày của những tấm bảng treo tại hành lang hội trường Chính quyền ngày 4/2/1978 không có lợi cho nhận thức đúng đắn của anh em cán bộ, mà còn có thể gây thêm lầm lẫn và ngộ nhận.
3. Bày tỏ cùng chính quyền nguyện vọng của tu sĩ trong tinh thần xây dựng đoàn kết
Trình bày mấy điều trên cùng chính quyền, chúng tôi đã suy nghĩ, đắn đo, và chính vì chính quyền muốn có sự sòng phẳng, thành thật trao đổi để hiểu nhau hơn – mà chúng tôi tỏ bày cảm nghĩ của chúng tôi. Và có hai nguyện vọng:
Một là mong cơ quan an ninh của Nhà nước điều tra nhanh chóng.
Hai là khi điều tra xong, chính quyền sớm cho các tu viện trở lại sinh hoạt bình thường, để tránh những hậu quả tâm lý tai hại cho tình đoàn kết dân tộc, để chặn bè phản động thừa dịp lợi dụng tuyên truyền gây chia rẽ, hoang mang.
Dĩ nhiên, sự hoang mang của một giới đồng bào hay của một thiểu số phản động chẳng đi tới đâu hết. Nhưng điều khiến chúng tôi rất lo nghĩ – và hẳn chính quyền cũng chia sẻ sự lo nghĩ này với chúng tôi – không phải là ở bình diện an ninh nữa.
Chúng tôi muốn nói đến nỗ lực chung là đẩy lịch sử đi tới, không đành tâm nhìn lịch sử chỉ là lập lại hay đi lùi. Đã có những nổ lực có thể còn giới hạn, nhưng không ngừng để đồng bào công giáo phía Nam từ 1975 đi vào chế độ XHCN không như ở phía Bắc sau 1954 và không như người công giáo ở nhiều nước Đông Âu. Nhưng những biến cố gần đây có thể đặt chúng ta trước một chỗ quặt đáng tiếc: đồng bào công giáo có thể sẽ khựng lại – không phải nghĩ đến chuyện làm nên trò trống gì đâu – nhưng chỉ để rút vào một thế đứng ‘an phận’ bi quan và tiêu cực.
Trình bày với chính quyền như thế là vì chúng tôi ý thức được phần nào trách nhiệm làm chủ tập thể trước những biến cố xảy ra mà quần chúng không hiểu rõ sẽ có thể có những bàn tán bất lợi cho tinh thần đoàn kết dân tộc mà ai cũng cảm thấy rất cần thiết trong giai đoạn này.
Mặt khác, chúng tôi cũng không ngại nói hơi nhiều về tu sĩ cùng chính quyền, vì cuộc sống tu sĩ xét kỹ cũng thuộc về đời sống nhân dân: tu sĩ cũng là dân cả. Nếu chúng tôi được Nhà nước nâng đỡ, thì không những giáo dân, mà ngay cả quần chúng nhân dân sẽ đặt thêm tin tưởng vào chính quyền cách mạng là thành quả chính quyền của dân, vì dân và do dân.
Chân Tín
(Tp. HCM, 23.02.1978)
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét