LTCGVN (05.12.2012)
California, USA – “Chính những đe dọa của Trung Quốc đối với sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới khiến nhu cầu giải quyết vấn nạn “tay sai của Trung Quốc” trở nên cấp thiết hơn. Nói cách khác, nhu cầu dân chủ hóa Việt Nam không chỉ là vấn đề của người Việt Nam mà còn là của thế giới. Đây là điều mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần nhận thức rõ để không vì chống Rồng mà lại vô tình tiếp tay củng cố “đuôi Rồng” tại Việt Nam.
Trong tinh thần liên đới đó, dân tộc Việt Nam cần phải bắt tay với các dân tộc Trung Hoa, Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ, Nội Mông....để giải quyết vấn nạn độc tài trên quê hương mình và mở ra một kỷ nguyên hợp tác hữu nghị thật sự cho Á Châu và Thế Giới. Trên con đường khó khăn nhưng cao cả này, các cường quốc cũng có nghĩa vụ giải quyết con Rồng và đồng lõa. Chính chúng ta, chứ không ai khác, phải vạch rõ nhu cầu này”.
Bà Trần Diệu Chân, Tiến sĩ kinh tế - Đại học University of California at Santa Cruz đã viết như vậy trong tiểu luận Những vấn đề Trung Quốc của dân tộc Việt Nam, đã được phổ biến cùng với tác phẩm Death by China.
Được phép của tac giả, VRNs xin trân trọng giới thiệu từng phần tiểu luận này đến với quý độc giả.
----------
Trung Quốc có diện tích 9,6 triệu cây số vuông chiếm 7% phần đất của quả địa cầu, đứng hàng thứ 3 thế giới sau Nga và Gia Nã Đại và gấp 26 lần đối với diện tích Việt Nam.
Tuy được coi là nước có diện tích lớn; nhưng trong thực tế, diện tích để cho người dân có thể sinh sống và trồng trọt được thì rất ít. Địa hình đất đai của Trung Quốc bị nghiêng lệch rất lớn. Phía Tây thì quá cao, trong khi phía Đông thì quá thấp, qua đó núi và sa mạc chiếm 33% diện tích, cao nguyên khô cằn chiếm 26% diện tích, thung lũng chiếm 19% diện tích, sình lầy chiếm 10% diện tích và còn lại bình nguyên chiếm 12% diện tích.
Những núi, sa mạc, cao nguyên nằm ở phía Tây và Tây Nam bị hạn hán quanh năm, không khí rất khô và oi bức ở cao độ từ 4,000 mét đến 7,000 mét so với mặt biển. Vì thế mà người dân tập trung sống ở khu vực bình nguyên, nằm ở lưu vực Hoàng Hà, Trường Giang và quanh các bờ biển là chính. Với 1,3 tỷ dân số sống chen chúc trên 12% diện tích bình nguyên, tức khoảng 1,2 triệu cây số vuông cho thấy là quá chật.
Đặc biệt là những năm gần đây, do vấn đề biến đổi khí hậu, vùng Bắc và Tây Bắc của Trung Quốc bị sa mạc hóa, khiến cho diện tích có thể định cư sinh sống bị giảm dần và dân chúng phải di chuyển về những khu vực bình nguyên. Dân Trung Quốc hiện đang thiếu đất để sống và đó là sức ép rất lớn, khiến cho Bắc Kinh đã phải bành trướng ra bên ngoài để giải quyết nạn nhân mãn. Lãnh đạo Bắc Kinh còn có tham vọng truy tìm những hành tinh trong không gian mà họ có thể di dân lên sinh sống để giải quyết vấn đề sa mạc hóa đất đai và ô nhiễm trầm trọng hiện nay. (1)
Mặt khác, sau hơn 3 thập niên phát triển kinh tế để trở thành “công xưởng thế giới”, Trung Quốc hiện đang rơi vào tình trạng “khát dầu thô” và “thiếu nguyên vật liệu” một cách trầm trọng để cung cấp cho nền công nghiêp đang cố chạy đua hầu qua mặt Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện đang tung ra đủ loại thủ đoạn để tìm cách kiểm soát các nguồn dầu thô từ Trung Đông qua đến Châu Mỹ La Tinh và Đông Nam Á, cũng như thực thi chính sách thực dân hóa tại Phi Châu để khai quật những khoáng sản đủ loại tại đây mang về phục vụ cho nền kinh tế mẫu quốc.(2)
Chỉ nhìn trên khía cạnh kinh tế và nuôi ăn 1,3 tỷ người trên vùng đất ngày một bị sa mạc hóa như vậy, chúng ta thấy nhu cầu bành trướng của Trung Quốc cùng với những ứng xử ngang ngược của lãnh đạo Bắc Kinh, đặc biệt là vấn đề biển Đông trong thời gian qua, là hệ quả tất yếu. Trung Quốc hiện đang tạo ra nhiều vấn đề không chỉ đối với Việt Nam mà còn cho cả Thế giới, Á Châu và cho chính người dân Trung Quốc. Vì thế, trong chương này, chúng ta sẽ nhận diện các vấn đề sau đây trước khi đề cập đến lời giải cho bài toán Trung Quốc của Dân Tộc Việt Nam:
-Những Vấn Đề Trung Quốc Của Thế Giới và Của Người Dân Trung Quốc.
-Những Vấn Đề Trung Quốc Của Á Châu và Việt Nam.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC CỦA THẾ GIỚI VÀ CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC
Vấn Đề Trung Quốc Của Thế Giới
Nhờ dân số đông nhất hành tinh và học hỏi được những kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia đi trước như Nhật Bản, Nam Hàn nên Trung Quốc đã sớm trở thành cường quốc kinh tế trong một thời gian rất ngắn. Tiềm lực kinh tế của Trung Quốc hiện đã vượt qua Nhật Bản, đứng hàng thứ hai trên thế giới và có nhiều triển vọng vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2050. (3)
Tuy là một cường quốc kinh tế và là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Trung Quốc đã không có những hành xử tương xứng với vai trò đầu tàu trong quan hệ với các quốc gia. Họ có dư khả năng để hiểu biết về những thay đổi của đời sống nhân loại trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó yếu tố nhân bản và lòng tin trở thành nền tảng của phát triển bền vững. Thế nhưng, Bắc Kinh chỉ muốn tóm thu mọi thứ vào trong tay từ quặng mỏ, dầu thô, vũ khí cho đến không gian và sinh mệnh con người, do đó đang nhanh chóng biến thành sát thủ tàn độc nhất hành tinh.
Theo tác giả “Death By China” thì sự lớn mạnh của Trung Quốc đang trở thành những vấn nạn cho thế giới trên năm vấn đề lớn đáng chú ý: (4)
1/ Hàng Hóa Trung Quốc Sản Xuất Không An Toàn
Hàng hóa Trung Quốc đang làm tràn ngập thị trường thế giới với những sản phẩm, thức ăn, thuốc men không gây chết người thì cũng làm mục xương, gây ung thư, dễ cháy, nhiễm độc vì cắt xén và pha trộn độc tố để tăng lợi nhuận. Đặc biệt là về thuốc men, Trung Quốc chế đủ thứ loại, từ Aspirin nhiễm độc, Lipitor nhái, Viagara giả có chứa độc tố strychnine cho đến thuốc Heparin phá thận và thuốc bổ chứa độc tố Arsenic, đang hủy diệt sức khoẻ người tiêu dùng. Những đồ ăn nhập khẩu từ Trung Quốc như cá, trái cây, thịt hay rau cải có thể nói là bị tẩm đủ thứ kháng sinh bị cấm, vi khuẩn thối rữa, kim loại nặng hay thuốc trừ sâu rầy bất hợp pháp. Trung Quốc còn xuất cảng đi khắp thế giới những sản phẩm bị nhiễm độc từ môi trường ô nhiễm trầm trọng do chính họ gây ra từ sự tham lam, thiển cận, thiếu kiến thức và vô trách nhiệm.
2/ Biến Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh Thành Thuộc Địa
Do nhu cầu nhập khẩu dầu thô và các nguyên vật liệu khổng lồ để phát triển cỗ máy công nghiệp tại nội địa, Trung Quốc đã vói tay đến các xứ Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, hợp tác với những tên lãnh đạo độc tài sát nhân hầu khai thác và biến thành thuộc địa riêng. Một khi nước nào đó cắn phải miếng mồi thực dân, thay vì dùng lao động tại chỗ, Trung Quốc sẽ di dân hàng triệu người gồm cả kỹ sư và công nhân của họ đến để xây dựng đường cao tốc, đường sắt, hải cảng và hệ thống viễn thông.
Tất cả những hạ tầng này trên thực tế là để phục vụ cho việc khai thác mỏ và vận chuyển nhiên liệu ngược về lại Trung Quốc. Trung Quốc sau đó sẽ bán lại thành phẩm vào thị trường các nước này – đè bẹp những ngành công nghiệp địa phương, đẩy cao tỷ lệ thất nghiệp và đẩy các thuộc địa mới của Trung Quốc lún sâu hơn vào nghèo đói. Tân thực dân Trung Quốc cũng đã sẵn sàng bắt tay với những tên “đồ tể” địa phương để bán vũ khí tàn sát dân lành cũng như xử dụng quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc để bao che cho những lãnh đạo ác ôn tại các xứ thuộc địa.
3/ Thao Túng Thị Trường Tiền Tệ
Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố tình “neo” đồng Nhân dân tệ (Yuan) đối với đồng Mỹ Kim ở một hối xuất cố định thấp hơn giá trị thật. Điều này dẫn đến hệ quả là Hoa Kỳ lâm vào thâm thủng mậu dịch kinh niên với Trung Quốc, khiến cho nền kinh tế Hoa Kỳ bị tăng trưởng chậm và thất nghiệp cao. Thủ đoạn nói trên của Trung Quốc còn đang đe dọa phá nát hệ thống kinh tế toàn cầu và khung điều hành tự do mậu dịch. Đó là bất cứ khi nào đồng Mỹ Kim giảm so với các loại tiền khác như Euro, Real, Won hay Yen - một chuyện xảy ra khá thường xuyên ngày nay – thì đồng Yuan cũng rớt giá theo.
Sự rớt giá của đồng Yuan so với các đồng tiền khác lại cung cấp cho chính sách bảo hộ của Trung Quốc một lợi thế lớn hơn đối với những đối thủ cạnh tranh khắp thế giới, từ Âu Châu và Brazil đến Nhật và Nam Hàn. Ngoài ra, những thủ thuật cạnh tranh khác vi phạm nguyên tắc bình đẳng của tự do mậu dịch đã cướp đi hàng triệu công việc cũng như triệt hạ hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ và các quốc gia đối thủ khác.
4/ Đe Dọa Sự Ổn Định và Hòa Bình Thế Giới
Trong 30 năm vừa qua, Bộ binh, Không quân, và đặc biệt là Hải quân Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt vĩ đại về phía trước trở thành lực lượng được trang bị dữ dội nhất trên thế giới. Trung Quốc đã chế được hỏa tiễn xuyên lục địa di động tầm xa - Đông Phong 31A (DF-31A) - khó phát hiện, càng khó xác định vị trí, và sẵn sàng phóng đi một đầu đạn nguyên tử một triệu megaton thẳng đến các tiểu bang của Hoa Kỳ. Để kiểm soát đại dương, Trung Quốc đã dùng hỏa tiễn chống tàu thủy DF-21D, được thiết kế để tấn công vào hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Tử thần hung hiểm này chỉ có một mục tiêu là triệt hạ những hàng không mẫu hạm như USS George Washington, với thủy thủ đoàn gồm 5.000 Thủy thủ, và các Phi công Hoa Kỳ, để giành ưu thế trên đại dương.
5/ Giành Quyền Kiểm Soát Vũ Trụ
Chương trình khai phá không gian của Trung Quốc, và cả những vũ khí chiến lược rất ráo riết trong thập niên qua, và tiến nhanh vượt bực nhờ vào những kỹ thuật ăn cắp từ Hoa Kỳ qua mạng lưới tình báo và tin tặc trải rộng khắp nơi. Trung Quốc không chỉ thám hiển không gian để qua đó phát triển những ngành công nghệ mới, hay khai thác và vận chuyển trong tương lai những nguồn năng lượng và nguyên vật liệu thô trọng yếu từ không gian đến các nhà máy Trung Quốc. Trung Quốc đang sử dụng không gian như điểm quan sát hầu theo dõi các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và vô hiệu hóa các hệ thống vệ tinh của Hoa Kỳ.
Để hỗ trợ cho những khả năng tấn công trong chương trình không gian của mình, Trung Quốc đang xây dựng một hạ tầng không gian khổng lồ. Cơ sở này bao gồm: một phi đội với số lượng ngày càng tăng các con tàu không gian lớn có nhiệm vụ thám sát; những bãi phóng mới và những trạm dưới đất; hàng chục vệ tinh viễn thông; tiếp vận và thám thính; và cuối cùng, nhưng rất quan trọng, là một hệ thống GPS cực kỳ đắt tiền của riêng họ.
Nhưng một vấn đề mà Thế giới sẽ phải đối mặt trong vài năm tới là Trung Quốc đang có tham vọng trở thành cường quốc hải dương với khả năng kiểm soát vùng biển xanh tận cuối chân trời. Nếu năm 2009, Trung Quốc đã trắng trợn đưa ra bản đồ chín khúc hình lưỡi bò để xác định chủ quyền 80% diện tích biển Đông, bất chấp các yếu tố lịch sử, pháp lý đối với những quốc gia trong vùng, thì việc Trung Quốc đòi kiểm soát luồng giao lưu từ bán đảo Á Rập qua Ấn Độ Dương nối liền với miền Tây Thái Bình Dương có nhiều xác suất xảy ra. (5)
Nói một cách ngắn gọn, vấn đề Trung Quốc của Thế giới từ nay trở đi, chính là tham vọng bá quyền của con Rồng sau gần 200 năm ngủ yên vì những lụn bại tự thân của dân tộc đại Hán trước đó.
Vấn Đề Trung Quốc Của Người Trung Quốc
Tuy sống trong cường quốc kinh tế đứng đầu Á Châu và đứng nhì thế giới nhưng đời sống của người dân Trung Quốc phải nói là còn rất nghèo, không những thua xa nhiều quốc gia Á Châu mà còn bị đe dọa thường trực vì vấn nạn môi trường và những thủ đoạn cai trị độc ác của thiểu số lãnh đạo.
Với chủ trương “tăng trưởng trước - môi trường sau”, Bắc Kinh đã cho phát triển bừa bãi, không những không có biện pháp bảo vệ mà còn thả nổi vấn đề kiểm soát trong hệ thống hành chánh tham ô đầy dẫy ở mọi cơ quan từ trung ương xuống địa phương. Bên cạnh những đe dọa về đời sống, người dân Trung Quốc, kể cả những sắc dân Tây Tạng, Nội Mông và Duy Ngô Nhĩ còn hứng chịu những đàn áp thô bạo từ bộ máy bạo lực của Bắc Kinh như đánh đập, tra tấn, bắt làm việc kiệt sức, triệt sản, bỏ tù cho đến chết... chỉ vì họ muốn sống độc lập, tự do và được đối xử như con người.
Những chính sách phát triển sai lầm cùng với tham vọng bá quyền của lãnh đạo Bắc Kinh, đang trở thành vấn nạn to lớn cho người dân Trung Quốc, qua một số vấn đề đáng chú ý: (6)
1/Ô Nhiễm Môi Trường
Vì đặt nặng vào nền kinh tế sản xuất để xuất khẩu nên Trung Quốc đã tàn phá môi trường thiên nhiên của chính họ ở mức báo động:
-Trung Quốc hiện có 100 thành phố với hơn 1 triệu dân mà hầu hết bầu trời bị bao phủ trong đám hơi độc của axít lưu huỳnh (Sulfur dioxide) và những hạt bụi xuyên lủng phổi. Lý do là Trung Quốc lệ thuộc đến 75% nguồn năng lượng than đá, nhưng lại không có nỗ lực nghiêm chỉnh để giải quyết việc dùng than một cách sạch sẽ. Những nhà máy Trung Quốc tung lên bầu trời Trung Quốc, hàng triệu tấn axít lưu huỳnh, cuối cùng sẽ đi vào mắt, phổi, cổ họng và hệ thống thần kinh của người dân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó cả ở Bắc Mỹ.
-Trung Quốc đã để cho 70% sông, hồ suối và 90% nguồn nước ngầm của họ trở nên ô nhiễm trầm trọng. Sự nguy hại này gây ra bởi dòng thác của hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp phần lớn không được giải quyết, những phân hóa học và nước cống từ người và thú vật tuôn ra từ mọi nơi, từ những nhà máy hóa học, nhà máy bào chế thuốc và phân bón cho đến nhà máy thuộc da, nhà máy sản xuất giấy và những trại nuôi heo. Trong 600 con sông ở Trung Quốc, 400 trong số này đã bị chết bởi ô nhiễm và đang đe dọa sinh mệnh của ít nhất 300 triệu người dân.
- Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi sống 22% dân số thế giới – cũng đang đối mặt với nạn ô nhiễm và suy thoái. Sự suy thoái chất lượng đất trở thành một phó sản đáng lo ngại nhất của sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Những kim loại nặng đang tích tụ trong đất, làm chai mặt đất, giảm màu mỡ và những tàn dư của phân hóa học và thuốc trừ sâu xuất hiện trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và gia súc. Gần đây, khoảng 10 triệu mẫu tây đất trồng trọt – tương đương với 10% đất trồng trọt nội địa đã bị nhiễm độc.
2/Tàn Sát Không Gớm Tay
Mao Trạch Đông đã tái thống nhất Trung Quốc dưới sự cai trị của “Hán” tộc, trục xuất vô điều kiện tất cả những người ngoại quốc, và khôi phục niềm tự hào Trung Hoa. Điều đó nói rằng, cái giá mà nhân dân Trung Quốc đã phải trả - bằng máu, nước mắt, mồ hôi, lao động cưỡng bức, tù tội và sống trong nơm nớp sợ hãi - cho cuộc giải phóng kiểu cộng sản của Mao là một cái giá cực kỳ đắt. Trong khi Hitler giết hay tiêu diệt khoảng 12 triệu thường dân và Stalin khoảng 23 triệu trong các cuộc thanh trừng và bỏ đói của ông ta, thì con số người chết do Mao đâu đó khoảng 49 đến 78 triệu.
Nhưng Trung Quốc dưới thời mở cửa của Đặng Tiểu Bình cũng không khá gì hơn. Chính sách một con đi cùng với nạn cưỡng bức triệt sản không chỉ giới hạn đối với phụ nữ Trung Quốc muốn có đứa con thứ hai, mà còn bao trùm lên các phụ nữ Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan, đang tạo ra nhiều thảm kịch trong xã hội. Số thai nhi gái bị giết lên đến hàng triệu, trong khi có quá nhiều thanh niên độc thân tại Trung Quốc - bị gọi là “những cành cây trụi lá” - lớn bằng tổng số thanh niên của nước Mỹ. Ở bất kỳ quốc gia nào, những thanh niên độc thân thường tạo vấn đề... tỷ lệ tội phạm, nạn buôn bán cô dâu, lạm dụng tình dục, ngay cả tỷ lệ tự tử của nữ giới gia tăng và sẽ còn tăng hơn nữa khi những thế hệ mất quân bình nam nữ tới tuổi trưởng thành.
3/Lao Động Tồi Tệ
Hàng triệu công nhân Trung Quốc làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ và nguy hiểm. Hầu hết công nhân làm việc vất vả 7 ngày 1 tuần, trong những ca làm 14 giờ mỗi ngày, và thường điều khiển những dụng cụ với các thiết bị an toàn (safety devices) bị cố tình vô hiệu hóa. Một kết quả là tốc độ sản xuất cao trông thấy, nhưng kết quả kia cũng đạt tỷ lệ cao không kém, đó là công nhân bị cắt, cụt tay, chân, ngón, hay bị tàn phế. Nguyên tắc lao động tại Trung Quốc là sẽ bị sa thải nếu bị thương tích. Nếu có một tai nạn, ngay cả chết người, hiếm khi được điều tra.
Một lý do chính khiến những công ty Trung Quốc có thể bóc lột triệt để công nhân của họ là vì việc tổ chức một công đoàn thực sự trong “thiên đường lao động” của Trung Quốc là dứt khoát phi pháp. Trong khi đó, Tổng liên đoàn lao động Trung Quốc (All-China Federation of Trade Unions) được sự hậu thuẫn chính thức của chính quyền vừa là bù nhìn của các công ty, vừa là công cụ nhằm dò thám và kiểm soát công nhân. Hiện có khoảng 50 triệu công nhân đang phải trải qua những năm tù tội tại hơn 1.000 trại lao động cưỡng bức (Laogai), nhiều người trong số họ không có tội gì khác ngoài việc yêu cầu quyền đối xử bình đẳng, tín ngưỡng, hội họp và lập hội.
Tình hình nô lệ lao động của Trung Quốc càng tệ hơn vì mối quan hệ lao động bắt buộc phải tuân thủ của Trung Quốc: hầu hết các nỗ lực tổ chức do công nhân chủ động đều bị nghiền nát một cách tàn nhẫn bởi công an hoặc đầu gấu được công an thuê - việc thuê đầu gấu đánh đập và đe dọa là một thực tế phổ biến ở Trung Quốc. Tỷ lệ lao động trẻ em tuổi từ 10 đến 14 tuổi ở Trung Quốc chiếm 11.6%. Rất nhiều nhà máy Trung Quốc thích nhận lao động trẻ em vì rẻ và sẵn sàng nghe lời, nhanh nhẹn để có thể điều khiển trong những khu vực có nhiều máy móc.
Nói tóm lại, vấn đề Trung Quốc của người dân Trung Quốc chính là sự cai trị độc ác của thiểu số lãnh đạo trong việc gia tăng bộ máy quân sự để bành trướng quyền lực không quan tâm gì đến hạnh phúc và đời sống người dân. Thành quả kinh tế vượt bực của Trung Quốc trong mấy thập niên qua chỉ để củng cố cho đảng cộng sản Trung Quốc, thành phần móc ngoặc, tham nhũng, vô lương tâm và những tầng lớp kinh doanh mang trái tim đen: làm giàu bằng mọi giá.
Trần Diệu Chân
Nguồn: VRNs
-------------
1-Peter Navarro and Greg Autry, Death By China: Cofronting the Dragon – A Global Call to Action (Prentice Hall 2011) Chapter 11.
2-Serge Michel, Michel Beuret, Paolo Woods, China Safari: On the Trail of Beijing’s Wxpansion in Africa (National Book 2009) Chapter 2, 3.
3-http://business.blogs.cnn.com/2012/01/12/worlds-top-economies-in-2050-will-be/ CNN đã trích dẫn báo cáo của Ngân Hàng HSBS vào tháng 1/2012 cho biết là 30 nền kinh tế lớn thế giới hiện nay sẽ thay đổi vị trí vào năm 2050 trong đó Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ và dẫn đầu thế giới từ năm 2027 với GDP khoảng 25 ngàn tỷ Mỹ Kim. Thứ tự của 10 nền kinh tế vào năm 2050 sẽ là 1/China; 2/USA; 3/India; 4/Japan; 5/Germany; 6/UK; 7/Brazil; 8/Mexico; 9/France; 10/Canada; 11/Italy; 12/Turkey; 13/S. Korea; 14/Spain; 15/Russia; 16/Phillipine; 17/Indonesia; 18/Australia; 19/Argentina; 10/Egypt; 21/Malaysia; 22/Saudi-Arabia; 23/Thailand; 24/Netherlands; 25/Poland; 26/Peru; 27/Iran; 28/Colombia;29/Switzeland; 30/Pakistan. Trong danh sách này, ba quốc gia trong khối ASEAN đã có sức phát triển cực kỳ mạnh mẽ vào năm 2050 là Philippine,Malaysia,Thailand. Riêng nền kinh Việt Nam thì HSBS dự đoán sẽ ở hạng 41, tức là nhảy vọt lên 11 so với hiện nay.
4-Peter Navarro and Greg Autry, Death By China: Cofronting the Dragon – A Global Call to Action (Prentice Hall 2011) Chapter 2, 5, 7, 8, 12.
5-Robert D. Kaplan, Monsoon: The Indian Ocean And The Future of American Power (New York: Random House 2010) Chapter 15 China’s Two Ocean Strategy
6-Peter Navarro and Greg Autry, Death By China: Cofronting the Dragon – A Global Call to Action (Prentice Hall 2011) Chapter 12, 13, 14.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét