Hồ Chí Minh (HCM) chết ngày 2-9-1969. Ngày 2-9 là quốc khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nên Bộ chính trị đảng Lao Động (BCTĐLĐ), sợ xui xẻo, cho đổi ngày chết của HCM là 3-9-1969. Di chúc chót (thứ ba) của HCM bị Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, sửa đổi rồi mới cho công bố, đề ngày 10-5-1969. (1)
Bản di chúc do Lê Duẫn sửa đổi, hoàn toàn không đề cập đến việc chôn cất HCM. Trong bản di chúc đầu tiên do HCM đánh máy và ký tên ngày 15-5-1965, có chữ ký "chứng kiến"[nv] của Lê Duẩn, HCM viết: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng"... Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt... thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam…" (2)
Hồ Chí Minh sửa đổi đôi chút về việc chôn tro cốt trong bản di chúc thứ hai viết năm 1968, theo đó "Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó..." (3) Dầu tỏ ra khiêm nhượng, nhưng cho đến khi gần chết, HCM vẫn còn tham vọng muốn dân chúng chiêm ngưỡng ông rộng rãi khắp nước sau khi chết.
Gần ba tháng sau khi HCM chết, trong cuộc họp ngày 29-11-1969, BCTĐLĐ quyết định ướp xác HCM và xây dựng mộ phần HCM mà CS gọi là lăng. (Bài nầy gọi mộ HCM là lăng theo tên gọi chung.) Nếu để đến ba tháng mới ướp xác thì cái xác HCM đã bị sình thối, nên chắc chắn việc ướp xác đã được BCTĐLĐ cho thi hành ngay sau khi HCM chết. Một chuyên viên Liên Xô đã bí mật đến Hà Nội vào năm 1968 để cố vấn tiến trình ướp xác HCM. Tháng 3-1969, một toán chuyên viên Bắc Việt được gởi qua Moscow tham khảo thêm. Khi HCM chết ngày 2-9-1969, Bắc Việt lúng túng, phải giữ xác HCM trong hầm nước đá, và vào giữa tháng đó, một chuyên viên thứ hai của Liên Xô được gởi sang Hà Nội để lo ướp xác HCM. (4) Vậy tất cả mọi việc đều đã được chuẩn bị ngay cả trước khi HCM qua đời, và ngày 29-11-1969 chỉ là ngày BCTĐLĐ công khai hóa vấn đề ướp xác, xây lăng mà thôi.
Cộng sản vốn chủ trương duy vật vô thần, chống lại các tín ngưỡng, tiêu diệt các tôn giáo, triệt hạ các đền đài, chùa chiền và nhà thờ, tại sao đảng LĐ lại đi ngược lại di chúc HCM, ướp xác xây lăng HCM để mọi người chiêm bái? Trước khi chết, HCM đã viết trong di chúc: "...Vì vậy tôi để sẵn mấy lời nầy, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Cac Mac, cụ Lênin và các vị c. m. đàn anh khác..." Khi chết, HCM không đi thăm ông bà cha mẹ, mà đi thăm người nước ngoài chưa một lần gặp mặt. Dầu sao, điều nầy còn có nghĩa là trước khi chết, HCM tin tưởng rằng linh hồn con người còn hiện hữu sau khi qua đời, và cũng có nghĩa là HCM phản bác lại chủ nghĩa duy vật, quay về với tín ngưỡng linh hồn cổ xưa của người Việt. Về phía BCTĐLĐ, chắc chắn không phải vì tin vào sự hiện hữu của linh hồn, mà BCTĐLĐ quyết định xây lăng cho HCM. Ý đồ của đảng LĐ được dân chúng phỏng đoán khi đảng LĐ xây lăng HCM là: 1) Vinh danh sự thừa kế. 2) Sùng bái cá nhân. 3) Duy trì chế độ độc tài. 4) Bất tử hóa đảng LĐ.
Một ủy ban xây dựng lăng HCM được thành lập, gồm đại diện Bộ Xây dựng và Bộ Quốc phòng do Đỗ Mười, lúc đó là Uỷ viên Trung ương đảng, làm chủ tịch. Uỷ ban nầy nghiên cứu nhiều kiểu mẫu kiến trúc lưu niệm như Kim tự tháp Ai cập, Đền Victor Emmanuel ở Rome, Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington D.C. và lăng Lenin ở Moscow. Những dự án kiến trúc đề nghị được BCTĐLĐ đưa ra trưng bày trên toàn quốc để hỏi ý kiến công chúng. (Tại sao những vấn đề chính trị quan trọng không hỏi ý kiến dân chúng mà chỉ hỏi mẩu mộ HCM?) Tháng 12-1971, BCTĐLĐ quyết định lần chót đồ án xây cất. Công cuộc xây lăng bắt đầu một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973) (5). Lúc đó, Bắc Việt không còn sợ bị Mỹ ném bom.
Lăng Lê Nin |
Công trình xây cất kéo dài hơn 2 năm, tập trung tất cả những vật liệu quý hiếm khắp nơi trong nước, như gỗ quý từ lâm viên Quốc gia Cúc Phương, những vật liệu quý hiếm ở các tỉnh miền Nam như đá cẩm thạch Non Nước, Đà Nẵng, và đặc biệt sử dụng cả những khối đá lớn mua từ Crimée, tây nam Liên Xô.
Lăng HCM được khánh thành ngày 29-8-1975, mở đầu tuần lễ mừng chiến thắng miền Nam sau khi CS Bắc Việt tràn quân cưỡng chiếm miền Nam tháng 4-1975, mừng quốc khánh của CS (2-9) và kỷ niệm ngày chết của HCM theo chủ trương lúc đó là 3-9. Đây là tòa nhà công cộng duy nhứt lúc đó ở Bắc Việt được điều hòa không khí, đứng sừng sững đơn độc cao ngất trước và trên Phủ chủ tịch, ngự trị một cách oai vệ vùng trung tâm thành phố Hà Nội.
Lăng HCM là công trình xây cất duy nhứt ở Hà Nội trong suốt hơn 20 năm cầm quyền của đảng LĐ ở Bắc Việt từ năm 1954. Từ năm 1954 đến 1975, toàn bộ thành phố, đường sá, nhà cửa, kể cả nhà cửa tư nhân ở Hà Nội đều vẫn như cũ. Không xây nhà cho dân chúng hoặc công trình tiện ích xã hội, mà đảng LĐ lại tập trung tài vật toàn quốc xây một nhà mồ ướp xác như các hoàng đế Ai Cập cổ xưa xây Kim tự tháp. Điều nầy cho thấy quan niệm của CS chỉ là "Trung với đảng, hiếu với lãnh tụ".
Trước khi ra mắt công chúng, đảng LĐ ra lệnh cho toàn thể các tỉnh thành khắp nước gởi về các loại cây cối, bông hoa quý hiếm trồng chung quanh lăng để tạo phong cảnh thiên nhiên Việt Nam. Lăng HCM, ngay khi mới khánh thành, đã bị nhiều người lúc đó phê bình về nhiều điểm:
Trước hết, người ta nói rằng đảng LĐ (nay là đảng Cộng Sản) đã vi phạm di chúc của HCM. HCM muốn thiêu xác sau khi chết, chứ không phải ướp xác trưng bày trong lăng. Mô hình lăng có tính cách ngoại lai theo kiểu vua chúa ở Âu châu chứ không mang những đặc tính Việt Nam. Điều nầy không lấy gì làm lạ vì người Liên Xô vẽ kiểu theo mẫu lăng Lenin ở Công trường Đỏ tại Moscow, Liên Xô. Đương nhiên, người Liên Xô muốn chứng tỏ ưu thế chính trị và văn hóa của họ ở Bắc Việt nên đã xây lăng HCM theo mô thức lăng Lenin ở Moscow.
Ngay từ đầu, đảng LĐ gọi ngôi mộ của HCM là “lăng”. Trong tiếng Việt, "lăng, hay lăng miếu, lăng mộ, lăng tẩm" là những từ ngữ để gọi ngôi mộ của vua chúa hay các đại quan thời quân chủ (ví dụ lăng Gia Long, lăng Ông tức lăng Lê Văn Duyệt...), trong khi chế độ CS luôn luôn tự cho là dân chủ, hô hào chống lại nền quân chủ phong kiến. Đảng LĐ xây lăng HCM quá đồ sộ trong lúc dân tình đói khổ, nhà cửa cũ kỹ xơ xác, nghèo khổ. Sự tương phản lớn lao nầy ngay tại thủ đô Hà Nội tạo ra một hình ảnh xã hội cách biệt sâu rộng giữa người cầm quyền và dân chúng dưới chế độ CS. Nhà cầm quyền CS lại còn bắt dân chúng cung phụng những gì quý hiếm ở các địa phương, đưa về trang trí lăng HCM, không khác gì các vua chúa ngày xưa đòi các địa phương phải hiến dâng phẩm vật tiến triều.
Sau khi lăng HCM xây xong, việc tổ chức và duy trì lực lượng quân sự để bảo vệ lăng HCM hao tốn một ngân quỹ nhà nước hằng năm hết sức lớn lao từ 1969 cho đến nay. Báo chí hải ngoại ước tính trung bình mỗi năm việc bảo trì xác ướp và bảo vệ lăng HCM tốn kém trên một trăm ngàn Mỹ kim, nhưng theo một đảng viên trong nước tiết lộ, thì số tốn phí mỗi năm cao hơn rất nhiều. Các chi phí gồm có: Quân đội bảo vệ lăng, đứng đầu là một sĩ quan cấp tướng, với ít nhất hai tiểu đoàn chính quy, và không biết bao nhiêu cảnh sát vừa nổi vừa chìm đứng gác. Tiền lương cho ông tướng, bộ tham mưu và hai tiểu đoàn cùng đám cảnh sát mỗi tháng đã khá cao. Sinh hoạt của lăng nầy tiêu thụ một lượng điện và nước tiêu dùng bằng một quận lớn ở thành phố, trong khi lúc đó dân chúng thiếu thốn điện nước trong sinh hoạt hằng ngày.
Để quảng cáo cho lăng HCM, nhà nước CS ra lệnh các trường học và các địa phương phải tổ chức những cuộc đi thăm lăng "bác". Có khi ít người thăm viếng lăng nầy, ban Bảo vệ lăng có sáng kiến tặng quà, kể cả thức ăn, cho những ai chịu khó sắp hàng vào thăm lăng.
Tưởng cũng nên thêm ở đây, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ở Hà Nội việc duy trì xác ướp HCM gặp khó khăn cả về kỹ thuật lẫn tài chánh. Hiện nay, tại Hà Nội, dư luận đồn rằng việc bảo trì không được tốt, nên xác HCM đã bị hư thối, và dư luận cũng cho rằng cái xác trong lồng kính hiện đặt ở Ba Đình chỉ là hình nộm bằng sáp hóa học mà thôi. (6).
Nhắm mục đích vinh danh sự thừa kế, sùng bái cá nhân và duy trì chế độ độc tài đảng trị, BCTĐLĐ đã phản lại di chúc HCM, quyết định xây lăng HCM bất kể tốn kém và xem lăng nầy là một quốc bảo. Các khách quý nước ngoài đến Việt Nam đều được mời thăm lăng HCM.
Hai quốc gia có nhiều liên hệ văn hóa, lịch sử, chính trị với Việt Nam trong giai đoạn cận và hiện đại là Pháp và Hoa Kỳ, nhưng tổng thống hai nước nầy khi đến Hà Nội đều không vào thăm lăng HCM. Tổng thống Pháp, François Mitterand, đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 27-6-1993, và tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton, đến Việt Nam từ 16 đến 18-11-2000, đều không vào lăng viếng HCM. Trong khi đó, cả hai ông đều vào thăm Văn Miếu Hà Nội, nơi tụ khí anh linh văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam do vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054-1072) lập ra năm 1070 (canh tuất).
Nghe nói lãnh đạo đảng CSVN hiện nay đang tìm cách “hạ cánh an toàn”. Người thì làm sui với Việt Kiều, người qua Mỹ trị bệnh, người gởi tiền qua các ngân hàng Tây phương. (Không ai dại gởi tiền qua ngân hàng Trung Cộng hay Nga cả.) Thế thì đã đến lúc cũng nên cho HCM “hạ cánh an toàn”, hỏa thiêu và đem chôn HCM theo ý muốn của HCM. Làm như thế, đảng CSVN vừa làm gương trước dân chúng, học tập và thi hành đúng di chúc HCM, vừa tiết kiệm ngân sách bảo vệ lăng vốn do tiền thuế của dân đài thọ, vừa dành cho kẻ chết chỗ yên nghỉ cuối cùng theo ý muốn. Trong dịp Tết vừa qua, ngày 3-2-2014, có bốn người vác búa dự tính đập phá lăng HCM, có lẽ nhằm tiêu hủy xác chết HCM. Cả bốn người đều bị bắt và bị kêu án tổng cộng là 19 năm tù. Nếu bốn người thành công, có lẽ HCM đã bị bêu đầu.
Thật ra, không nên đập phá lăng nầy vì lăng là tài sản của toàn dân. Chắc chắn một ngày gần đây sẽ có sự thay đổi chế độ, vì không một chế độ độc tài nào trường tồn trên cõi đời nầy, thì lúc đó sẽ không biết số phận xác chết HCM như thế nào, vì không ai cản nỗi tâm lý đám đông nổi giận, và cũng không ai công đâu mà lo chôn cất một cái xác thối nát. Chỉ riêng cái lăng đồ sộ nầy sẽ là nơi thích hợp nhứt để làm trung tâm triển lãm tội ác HCM và tội ác đảng CSVN.
Toronto, 01-09-2014
danlambaovn.blogspot.com
____________________________________
(1) Toàn văn các bản di chúc của HCM được Nxb. Thanh Niên, TpHCM ấn hành năm 1990.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc, Nxb. Thanh Niên, TpHCM, tt 13-16.
(3) HCM, sđd. tr. 26-29
(4) William J. Duiker, Ho Chi Minh, Nxb. Hyperion, New York, 2000, tr. 565, và phần chú thích số 3 tr. 669.
(5) William J. Duiker, sđd. tt. 565-566.
(6) Robert Templer, sđd. tr. 43.
____________________________________
(1) Toàn văn các bản di chúc của HCM được Nxb. Thanh Niên, TpHCM ấn hành năm 1990.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn văn di chúc, Nxb. Thanh Niên, TpHCM, tt 13-16.
(3) HCM, sđd. tr. 26-29
(4) William J. Duiker, Ho Chi Minh, Nxb. Hyperion, New York, 2000, tr. 565, và phần chú thích số 3 tr. 669.
(5) William J. Duiker, sđd. tt. 565-566.
(6) Robert Templer, sđd. tr. 43.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét