Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Mọi cơ sở tôn giáo có quyền hiện diện lâu dài tại đô thị mới Thủ Thiêm

LTCGVN (15.09.2014)


Sài Gòn - Ủng hộ Bản Lên Tiếng của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam lên tiếng Về Việc Nhà Cầm Quyền CSVN Triệt Hạ Các Cơ Sở Tôn Giáo tại Thủ Thiêm. 
140915002

HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM 

Bản Lên Tiếng 


Mọi cơ sở tôn giáo có quyền hiện diện lâu dài tại đô thị mới Thủ Thiêm 


Theo kế hoạch của Nhà cầm quyền Việt Nam, bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh, sẽ trở thành một đô thị mới với tám khu vực được quy hoạch chi tiết cho thương mại, dân cư, hành chánh, giải trí, giao thông, giáo dục… Nói chung là có tất cả những gì cần cho một đô thị hiện đại, nhưng lạ lùng thay, lại không hề có quy hoạch cho sự hiện diện của các tôn giáo (điện thờ, tu viện, cơ sở bác ái xã hội…). 

Tại đây, từ lâu đời đã có nhiều cơ sở của các Giáo hội như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (174 năm), Thánh đường Công giáo Thủ Thiêm (154 năm), Chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (hơn 70); gần đây lại có thêm Nhà nguyện của Hội thánh Tin lành Việt Nam, Vườn cầu nguyện của Hội thánh Tin lành Mennonite… Tất cả đã phục vụ nhu cầu tôn giáo của nhân dân trong vùng cũng như đem lại nhiều phúc lợi tinh thần, tâm linh cho xã hội. Thậm chí những cơ sở lâu năm còn được công nhận đã có công khai phá ra vùng đất sống Thủ Thiêm. 

Thế nhưng, khi bắt đầu vạch kế hoạch thực hiện khu đô thị mới này, nhà cầm quyền Việt Nam tại Tp. HCM đã di dời hơn 10 ngàn gia đình không đúng pháp luật (đã có 11 ngàn đơn khiếu nại), ngoài ra còn dự tính xóa sổ các cơ sở tôn giáo nói trên. Trong thực tế, Nhà nguyện của Hội thánh Tin lành Việt Nam, Vườn cầu nguyện của Hội thánh Tin lành Mennonite đã bị san bằng năm 2003 và năm 2010. Ba cơ sở còn lại cũng rất nhiều lần bị ép buộc di dời nhưng họ đã quyết liệt phản kháng. Động thái mới nhất của nhà cầm quyền là sẽ san bằng Chùa Liên Trì nội trong tháng 9 năm 2014 này nếu vị viện chủ không nhận tiền bồi thường. 

Nhà cầm quyền đưa ra lý do giải tỏa toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm là vì lợi ích lâu dài của sự phát triển thành phố HCM. Nhưng nếu phát triển lâu dài mà lại không có sự hiện diện của tôn giáo thì nhu cầu tâm linh của dân cư sở tại và của những ai đến bán đảo này làm việc sẽ được đáp ứng ra sao và quyền tự do tôn giáo có ghi trong Hiến pháp sẽ được thực hiện thế nào? Hay chỉ là tiếp tục đẩy đô thị mới này và xã hội Việt Nam đến tình trạng suy thoái đạo đức toàn diện? Ngoài ra, phải chăng đó là vì tư lợi ích kỷ của các phe nhóm đang dòm ngó “vùng đất vàng” này? 

Có thể những người quyết định về Quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm này không cần tôn giáo, vì họ là cộng sản, chủ trương vô thần tranh đấu, nhưng nhân dân cư trú ở đây và đến đây làm việc trong tương lai không phải là những người vô thần. Những người dân, những người chủ đất nước cần phải có nơi để thực hành tôn giáo và sống đời sống tâm linh của họ, cũng như vùng đất đô thị Thủ Thiêm cần sự hiện diện của tôn giáo để có chiều sâu đạo đức và nhân bản. Ngoài ra niềm tin tôn giáo là một nhu cầu không thể thiếu trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Do đó, Hội đồng liên tôn Việt Nam: 

1- Cực lực phản đối việc san bằng, xóa sổ nhiều cơ sở tôn giáo trước đây cũng như cưỡng ép giải tỏa các cơ sở tôn giáo còn lại tại bán đảo Thủ Thiêm hiện thời. 

2- Mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền phải điều chỉnh lại quy hoạch để chắc chắn bảo tồn hoàn toàn cơ sở và đất đai hiện có của Chùa Liên Trì, Thánh đường và Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, cũng như trả lại cơ sở cho hai Hội thánh Tin lành đã bị giải tỏa. 

3- Cương quyết khẳng định các cơ sở tôn giáo từng có mặt hay còn có mặt tại Thủ Thiêm là thành phần không bao giờ được loại ra khỏi đó vì sự hiện diện lâu đời và vì ích lợi mà các cơ sở này đã và đang đóng góp cho xã hội và cho con người. 

4- Thẳng thắn tuyên bố rằng việc cố tình giải tỏa mọi cơ sở tôn giáo ra khỏi bán đảo Thủ Thiêm là bằng chứng xác nhận Nhà cầm quyền Việt Nam đang vi phạm Hiến pháp về quyền tự do tôn giáo, đang cản trở nhu cầu tôn giáo của nhân dân, đang đi ngược lại xu hướng phát triển của nhân loại, tạo nguy cơ đưa đô thị mới này và cả nước đến tình trạng suy đồi đạo đức thêm nữa. 

5- Cuối cùng, chúng tôi cũng yêu cầu nhà cầm quyền địa phương giải quyết thỏa đáng mọi đơn khiếu nại về nhà đất của các cựu cư dân Thủ Thiêm. 

Làm tại Việt Nam, ngày 15 tháng 9 năm 2014 

Các Chức sắc Hội đồng Liên tôn Việt Nam ký tên

Công giáo: 
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi (đt: 0984.236.371) 
- Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại (đt: 0935.569.205) 
- Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh (đt: 0993.598.820) 

Phật Giáo: 
- Hòa thượng Thích Không Tánh (đt: 0165.6789.881) 
- Thượng toạ Thích Viên Hỷ (đt: 0937.777.312) 

Tin Lành 
- Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (đt: 0121.9460.045) 
- Mục sư Đinh Uỷ (đt: 0163.5847.464) 
- Mục sư Đinh Thanh Trường (đt: 0120.2352.348) 
- Mục sư Nguyễn Hồng Quang (đt: 0978.207.007) 
- Mục sư Phạm Ngọc Thạch (đt: 0912.000.709) 
- Mục sư Nguyễn Trung Tôn (đt: 0906.342.908) 
- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (đt: 0906.342.908) 
- Mục sư Lê Quang Du (đt: 0121.2002.001) 

Cao Đài: 
- Chánh trị sự Hứa Phi (đt: 0163.3273.240) 
- Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (đt: 0988.971.117) 
- Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (đt: 0988.477.719) 

Phật giáo Hoà Hảo: 
- Hội trưởng Lê Quang Liêm (đt: 0199.2432.593) 
- Ông Phan Tấn Hòa (đt: 0162.6301.082) 
- Ông Tống Văn Chính (đt: 0163.5745.430) 
- Ông Lê Văn Sóc (đt: 096.4199.039)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét