Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Hình ảnh mới nhất Trung Quốc thôn tính xong đảo Gạc Ma

LTCGVN (23.09.2014)



Những hình ảnh mới nhất do vệ tinh chụp cho thấy Trung Quốc tiến rất nhanh trong việc xây dựng đảo nhân tạo Gạc Ma thành một căn cứ lớn trên biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những tấm hình mới nhất do vệ tinh của công ty Airbus Defense and Space chụp ngày 14/8/2014 được nêu ra trên tạp chí Quốc phòng Jane’s Defense ngày 22/9/2014 cho thấy những tiến bộ đáng kể và đạt được rất nhanh của Trung quốc tại Gạc Ma mà họ gọi là Chigua Jiao (Xích Qua Tiêu) tên quốc tế là Johnson South Reef.

Hình do vệ tinh chụp giữa Tháng 8, 2014 cho thấy đảo nhân tạo Gạc Ma đang được Trung Quốc gấp rút xây dựng. (Hình: Airbus DS / Spot Image S.A. / IHS)
Trung Quốc cướp bãi đá ngầm này từ Việt Nam năm 1988 qua một trận tấn công làm 64 binh sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng.
Cho đến đầu năm nay, Gạc Ma vẫn chỉ là một bãi đá ngầm mà trên đó, Trung Quốc xây dựng một pháo đài nhỏ, trang bị vệ tinh viễn thông và một cầu cảng ngắn.


Bây giờ, sau nhiều tháng được tàu hút cát từ lòng biển bồi đắp, Gạc Ma trở thành một đảo nhân tạo có chiều ngang khoảng 400 mét và một diện tích ước chừng 100,000 m2 hay 10 ha.

 Không có một đảo nhân tạo nào tại Biển Đông thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có diện tích lớn như vậy.

Nhìn vào tấm không ảnh, người ta thấy nhân công đã xây dựng bờ kè bao bọc toàn thể hòn đảo. Có hai cầu cảng kiểu cho xe cộ chạy lên xuống tàu (roll-on/roll-off) và một cầu cảng cho tàu cặp hông ở phía Tây Bắc.  Nền móng để xây dựng những tòa nhà to lớn được nhìn thấy ở phía Tây Nam hòn đảo trong khi có những trang bị lớn như máy bơm lọc nước mặn, máy trộn làm xi măng, kho nhiên liệu.

 Ngoài những gì nhìn thấy ở Gạc Ma, những hình ảnh phổ biến trên báo chí Trung Quốc ngày 13/9/2014 còn đồng thời cho thấy họ đang xây dựng tương tự ở bãi đá ngầm Việt Nam gọi là đá Châu Viên, Trung Quốc gọi là Huayang Jiao (Hoa Dương Tiêu), tên quốc tế là Cuateron Reef.


Hình ảnh nơi này chứng tỏ họ cũng có hệ thống lọc nước mặn, cần cẩu trục, máy khoan cùng với rất nhiều vật liệu xây dựng.

Các dữ kiện vệ tinh theo dõi sự di chuyển tàu biển thế giới (AISLive) mà tạp chí IHS Jane tường thuật hồi Tháng Sáu vừa qua cho thấy tàu nạo hút cát của Trung Quốc có tên là Ting Jing Hao chịu trách nhiệm hầu hết về công tác hút cát làm đảo ở Trường Sa đã đến đá Châu Viên ba lần kể từ Tháng 9-2013 và hai lần sau là khoảng 10/4/2014 rồi từ ngày 22/5/2014 trở đi.

Tàu nạo vét Ting Jing Hao phụ trách hút cát làm đảo Gạc Ma và cũng đã từng đến nhóm bãi đá ngầm đá Ga Ven Trung quốc gọi là Nanxun Jiao (Nam Huân Tieu) và Xinan Jiao (Tây Nam Tiêu). Nơi đây ở trung tâm của quần đảo Trường Sa và cũng gần với đảo Thái Bình (Itu Aba) hiện đang do Đài Loan chiếm giữ.

Hình ảnh do chính phủ Philippines công bố hồi Tháng 8 vừa qua cũng cho thấy những hoạt động làm đảo nhân tạo gấp rút ở bãi đá ngầm Kennan  nằm trong nhóm bãi đá ngầm do Việt Nam kiểm soát.

Theo nhận định của tạp chí Jane, Trung Quốc gấp rút biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo ở Trường Sa là vi phạm nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002. Dù không có ràng buộc pháp lý nhưng rõ ràng Trung Quốc ngang nhiêu hành động vì sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía Nam. Thỉnh thoảng Hà Nội hay Manila chỉ lên tiếng phản đối chiếu lệ.

Tuy Việt Nam và cả Đài Loan có tăng cường các cơ sở trên các đảo đang trấn giữ, nhưng không thể so sánh với những hành động vượt bậc của Trung Quốc trong khoảng hai năm trở lại đây. Những đảo nhân tạo rộng lớn của Trung Quốc tại Trường Sa sẽ là những căn cứ quân sự tầm cỡ trên biển, thay đổi cục diện ở khu vực.

Cuối Tháng 8-2014, tạp chí Jane’s Defense cho hay Trung Quốc cũng nạo hút cát bồi đắp tăng diện tích cho đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Một phần trong những việc này là kéo dài phi đạo từ 2,400 mét lên thành 2,800 mét để các các máy bay quân sự cỡ lớn có thể lên xuống an toàn.

Nếu một phi trường quân sự được thiết lập ở Gạc Ma thì sẽ là sự đe dọa trực tiếp và rất gần với các cơ sở trên các đảo ở Trường Sa mà các nước khác đang trấn giữ.

 Lịch sử các sự xung đột trên Biển Đông cho người ta cảm tưởng rằng các căn cứ lớn hơn đang được Trung Quốc xây dựng sẽ là những xuất phát điểm để mở cuộc tấn công những căn cứ, cơ sở của Việt Nam, Philippines gần đó khi Bắc Kinh muốn ra tay thâu tóm.

Dù sao, tới nay, người ta mới chỉ thấy Trung Quốc sử dụng các lực lượng bán quân sự để uy hiếp và ngăn cản. (TN)

Theo Người Việt online

1 nhận xét:

  1. VAN DE CHINH TRI QUAN TRONG .THAT VAY ,NEU CHIEN TRANH XAY RA .DAO GAC MA BI BOM B52 DOI SE CHIM SAU XUONG LONG BIEN SAU.KET QUA DANG CS TAU VA VIET SE CHIM THEO .....AMEN .,.

    Trả lờiXóa