Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

DÂN CHỦ VÀ TỰ DO


Ảnh : Dân chúng HongKong biểu tình đòi Dân chủ


LTCGVN (20.09.2014)


Nhà cầm quyền Việt Nam thường tuyên bố rằng chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là chế độ rất Dân Chủ. Dân Chủ gấp nhiều lần so với các nước phương Tây.

Định nghĩa Dân Chủ:

1) Hiểu theo nghĩa thông dụng, Dân Chủ là Người Dân là Chủ của xã hội, của quốc gia. Khái niệm người chủ bao hàm ý: có các quyền tự do đương nhiên của người chủ. 

2) Hiểu theo khía cạnh học thuyết chính trị thì (Wikipedia):

a. Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do. 
b. có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và thứ hai, tất cả mọi thành viên (công dân) đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi.

Như vậy, hiểu theo cách thông dụng hay theo khía cạnh học thuyết chính trị, Dân Chủ luôn gắn liền với Tự Do. Rõ ràng, không có các quyền Tự Do căn bản, Dân Chúng không thể thực hiện quyền, chức năng làm chủ của mình. Nói cách khác: nếu Dân Chúng không được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi thì quốc gia không có Dân Chủ. 
Dân Chúng, với tư cách người làm chủ xã hội, có các quyền sau đây:

1) Dân Chúng thẩm định và nghiệm thu các thành quả của chính quyền. Để thực hiện chức năng làm chủ này, Dân Chúng có quyền được biết kết quả của công việc của chính quyền, dựa trên các thước đo khách quan. Và Dân Chúng có quyền góp ý, thảo luận, phê phán các kết quả này, cũng như nói lên sự đồng ý hay không đồng ý với chính quyền nói chung hay/và trên từng kết quả nói riêng. Điều này không thể thực hiện được nếu không có quyền tự do ngôn luận, và một trong những hình thức cụ thể đó là quyền tự do báo chí, nghĩa là quyền ra báo tư nhân, một quyền mà không một đảng phái hay một chính quyền nào có thể ngăn cấm.

2) Dân Chúng quyết định Quốc Gia được tổ chức theo một cách này hay một cách khác. Các nhóm người có cùng khuynh hướng, quan điểm sẽ lập nên các tổ chức đại diện cho quyền lợi và quan điểm của mình trong cộng đồng: các hội đoàn, đảng phái. Một đảng chỉ là đại diện cho một nhóm người có cùng một khuynh hướng trong cộng đồng, và được trao quyền điều hành cộng đồng khi khuynh hướng đó được đa số cộng đồng chấp nhận. Điều này không thể thực hiện được nếu không có quyền tự do lập hội, lập đảng, và quyền tự do ứng cử, bầu cử, những quyền mà không một đảng phái hay một chính quyền nào có thể ngăn cấm.
Do chỉ là đại diện của một nhóm người trong cộng đồng, không một đảng nào đứng trên cộng đồng hay nắm quyền lãnh đạo cộng đồng mãi mãi mà không qua sự trao quyền của cộng đồng được tổ chức thông qua việc bỏ phiếu định kì. Lập luận cho rằng một đảng nào có quyền lãnh đạo và cầm quyền quốc gia mà không qua sự chọn lựa của dân chúng là lập luận không đúng với quan điểm của đa số rất lớn các quốc gia văn minh trên thế giới hiện nay.

3) Dân Chúng muốn Quốc Gia phải được tổ chức sao cho Chính Quyền không thể lạm quyền, lộng quyền. Biện pháp căn bản là Tam Quyền Phân Lập.
Ba quyền chính yếu của Chính Quyền là:

Quyền Hành Pháp, thuộc về Chính Phủ, là quyền vận hành cộng đồng trong phạm vi những khuôn khổ do cộng đồng qui định.

Hệ thống những khuôn khổ này –hệ thống luật pháp- do những người độc lập với chính phủ lập ra. Quyền lập nên, tạo nên các văn bản của hệ thống luật pháp gọi là quyền Lập Pháp, thuộc về Quốc Hội. 

Trong xã hội lại cần một quyền để phán quyết xem một hành vi của cá nhân, hội đoàn, đảng phái hay chính phủ có phù hợp với hệ thống luật pháp của quốc gia hay không. Để phán quyết như vậy, đương nhiên theo nguyên tác công bằng, quyền này không thể thuộc vào một hội đoàn, một đảng phái hay chính phủ. Quyền này gọi là quyền Tư Pháp.

Ba quyền Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp phải độc lập với nhau. Đây là nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập , một nguyên tắc mà từ khi được minh định tới nay đã qua mấy trăm năm vẫn cho thấy tính hiệu quả của nó trong việc bảo đảm quyền và lợi của một quốc gia thực sự thuộc về Dân Chúng. 

Không có Tam Quyền Phân Lập, quyền lợi của cộng đồng quốc gia sẽ nhanh chóng bị thao túng hay bán rẻ bởi bất kỳ một cá nhân, một nhóm người hay một đảng phái. Lúc đó công đồng quốc gia bị chia rẽ trầm trọng, năng lực quốc gia bị tê liệt và sự quốc gia bị phân rã hay lệ thuộc ngoại bang hiển hiện trước mắt.

Dưới chế độ độc quyền và toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, quốc gia không có Tam Quyền Phân Lập.
Các quyền Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Ứng và Bầu Cử, Tự Do Lập Hội, Lập Đảng là các quyền Tự Do chính yếu trong một nền Dân Chủ. Tam Quyền Phân Lập là một đặc điểm của chính thể Dân Chủ.

Trên lãnh thổ của quốc gia Việt Nam hiện nay, trong thực tế, Dân Chúng:
1) Không có quyền Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Báo Chí,
2) Không có quyền Tự Do Lập Hội, Lập Đảng,
3) Không có quyền Tự Do Ứng Cử, Bầu Cử,
4) Không có Tam Quyền Phân Lập 
Vậy thì Dân Chúng nghĩ gì về tính trung thực, tính tri thức trong lời tuyên bố của bà Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan: “Việt Nam có dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản”?
Và lời khẳng định của ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: “Việt Nam không có Tam Quyền Phân Lập” có ý nghĩa gì đối với nền Dân Chủ của Việt Nam?


Trần Quí Cao


0 nhận xét:

Đăng nhận xét